NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI VÀ CÔNG CUỘC HỘI NHẬP

Mỗi khi có bà con đang sống ở nước ngoài về chơi là nhiều gia đình Hà Nội chộn rộn hẳn lên. Lo cho người xa về chỗ ăn chỗ ở cho tươm tất. Dẫn đi thăm thú lại quê hương và nhận lại họ hàng. Mải chuyện liên quan đến quê nhà nhiều khi quên cả chuyện của người xa xứ.
Nhưng đó là tình hình của dăm bảy năm trước, còn gần đây thì khác. Bây giờ thì việc bà con trở về đã quá bình thường. Người về có cái hòa nhập tự nhiên mà người đón cũng tự tin không quá lo lắng. Câu chuyện nhẩn nha bình thản hơn.
Bà cô tôi từ Canada về cuối 2006 cũng vậy. Không có xáo động nào quá lớn xảy ra với gia đình, mọi chuyện quá giản dị. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi hiểu thêm mối liên hệ giữa những người xa quê hương với cộng đồng.

Đặt người ra đi trong mối quan hệ với hội nhập
Qua tiếp xúc với người mà hiểu thêm mình là một trong những con đường nhận thức được nhiều người công nhận là cần thiết và “ có triển vọng”, tức có khả năng tạo nên hiệu ứng, có giá trị đích thực đối với những chủ thể đang muốn tự hiểu về mình – chữ chủ thể ở đây không phải chỉ là từng người riêng lẻ mà bao gồm cả một cộng đồng lớn cả dân tộc.
Muốn thế thì bên cạnh việc đón tiếp người, còn phải biết đi ra với người.
Lâu nay ở Việt Nam, việc đó không được coi là tự nhiên. Do những lý do thuộc về địa lý và lịch sử, dân ta thường ít đi rộng ra ngoài mảnh đất sinh sống, từ đó những hiểu biết của mỗi chúng ta về những xứ sở khác, những con người khác, thường thiếu hệ thống thiếu toàn diện, không đủ giúp ta có dịp tốt để đối chiếu so sánh.
Việc này lại tìm thấy ở hoàn cảnh chiến tranh một lý do để kéo dài. Mấy chục năm ấy, ta tập trung lo những công việc trước mắt. Chưa thấy cần mà cũng chưa có thời gian tái khám phá bản thân. Quá tự tin, và tưởng sự mình biết về mình đã quá đủ, không mấy ai ngồi tính xem cần đi đâu thêm, hỏi thiên hạ thêm điều gì nữa.
Nhưng lịch sử đã có những sự bù đắp bất ngờ. Từ nửa sau thế kỷ XX, người Việt có mặt trong khắp thế giới. Tạm để lý do tại sao họ đi sang một bên, chỉ nhìn thuần túy hành động thì có thể bảo trên con đường hội nhập với thế giới, người Việt ra đi mấy chục năm nay và hiện đang ở hải ngoại là sự chuẩn bị cho tương lai. Nên nhìn vào họ thấu đáo, xem như là một trong những cách để dân mình hiểu về chính mình. Nhất là có thể nhìn họ như những người “ lội nước đi trước “dò dẫm thử đường trong công cuộc hội nhập.Việc này đang thâm nhập vào từng gia đình, và sở dĩ tôi mang chuyện bà cô tôi và gia đình tôi ra kể bởi tin đó cũng là chuyện của các gia đình khác.

Tự bộc lộ và thể nghiệm
Hình như thói quen chỉ ngồi mà nói là thói quen dành riêng cho đàn ông. Với phụ nữ nhất là lớp người lớn tuổi, quây quần chuẩn bị nấu nướng là cái cách tốt nhất để thoải mái trong hàn huyên chuyện trò mà không cảm thấy … mất thời giờ. Nói theo chữ nghĩa của lớp trẻ, những bữa nấu ăn trở thành “cái sân chơi tự nhiên” cho sự chia sẻ ở gia đình tôi những ngày vừa qua. Bà cô ngoại bảy mươi ngồi bảo vợ tôi cũng đã “đầu 5 ” ít cách làm các món ăn cũ. Trông bà làm như thấy hiện hình nếp sống bình thường của các gia đình từ 1945 về trước mà tôi còn nhớ qua các trang tiểu thuyết của Khái Hưng, Thạch Lam, Đỗ Đức Thu ….
Thỉnh thoảng đọc các báo người Việt làm ở hải ngoại đã thấy nói là chính trong cộng đồng người Việt, bên cạnh một số mất gốc, lại có nhiều người bảo lưu rất tốt nếp sống cũ. Nay hóa ra đó là chuyện thấy ngay ở người nhà mình.
Những lúc rỗi rãi, bà cô tôi ngồi kể bên ấy họ hàng người quen sống ra sao. Thì cũng mỗi người mỗi kiểu. Có những người mệt mỏi quá với cuộc sống hồi còn ở nhà quay ra làm một cuộc đại xả hơi. Ăn bám chơi bời xoay tiền bằng bất cứ cách nào có thể, và bê đầy đủ những thói xấu của người trong nước sang xứ người ta.Vô can hơn một chút là lớp người già thiên về nghỉ ngơi, khi có việc gì không vừa lòng thì lặng lẽ chịu đựng và đi chùa. Trong khi đó, lớp trẻ đăm đuối vào việc học, tự hào là có thể hành nghề đàng hoàng ở xứ người.
Không chỉ là sự tò mò, mà tôi còn thường theo dõi những câu chuyện này, nhất là chuyện về cách sống của những người cùng tuổi với một tâm lý hồi hộp: nếu chuyện đó xảy ra với mình thì mình sẽ cư xử ra sao. Một cách ngẫu nhiên tôi chợt nhận ra mình đã xem những người ra đi như là một bước thể nghiệm của cả cộng đồng người Việt trong tiếp xúc với thế giới lớn lao bên ngoài.
Nhưng như thế thì đã sao ? Chẳng phải chính đó là một nhu cầu lịch sử mà con người do không tính được nên tạm lờ đi đó sao.
Trong sân khấu hiện đại, có một nguyên tắc là sự gián cách, đại ý nói rằng chính khi có điều kiện lùi ra xa người ta lại càng hiểu đầy đủ hơn về một sự vật. Nguyên lý đó cũng tồn tại trong thực tiễn đờ sống .

Những cách đóng góp khác nhau
Hai tiếng hội nhập vào những ngày này, xem như là luôn luôn ở đầu lưỡi mọi người nhưng cách hiểu về hội nhập lại khá đa dạng.
Với nhiều người, hội nhập đại khái là làm hàng xuất khẩu là kêu gọi đầu tư, là gọi vốn và đó chính là chỗ các kiều bào có thể đóng góp. Nghe nói cái đó, ở Trung Quốc, người ta làm nhộn nhịp lắm. Ở VN chưa có bao nhiêu, nhưng tôi biết là thời gian tới nếu biết cách huy động, thì cũng sẽ thu được hiệu quả.
Nghĩ rộng hơn một chút, có người hiểu hội nhập bao gồm cả chuyện nhân lực. Ở chỗ này, người Việt hải ngoại cũng có ưu thế. Ra nước ngoài, dân mình chịu học và có điều kiện để học.Trên toàn thế giới, thiếu gì giáo sư là người Việt đáp ứng đủ tiêu chuẩn các đại học hàng đầu.Có hẳn một lớp trí thức hội nhập được với nền giáo dục ở nước ngoài. Họ đang lo giúp đại học trong nước .
Trong một chuyến du lịch ngắn ngày, tôi còn nghe nói ở Cam pu chia, chính những người ra đi hồi chiến tranh mà có tài , nay ở mọi ngành đều được trọng dụng. Bởi hồi ấy họ sớm nghĩ rằng có một cách yêu nước là chuẩn bị về xây dựng đất nước sau hòa bình. Việc trọng dụng họ hôm nay khiến cho chính những người có công chiến đấu hôm qua có lợi. Ta còn chưa biết làm thế. Ba mươi năm sau chiến tranh song những vấn đề của quá khứ vẫn đang đè nặng lên chúng ta. Còn có lẫn lộn giữa đóng góp trong quá khứ và đóng góp trong hiện tại. Nhưng tôi ngờ rằng nhu cầu thực tiễn đến lúc nào đó cũng kéo chúng ta đến với cách dùng người theo hiệu quả. Nếu theo tiêu chuẩn như vậy, thì lực lượng Việt kiều là cả một nguồn lực bổ sung không dễ mà có .
Còn như cái chuyện gọi là tự bộc lộ và thể nghiệm tôi nói ở đây ít ai để ý. Nhưng xét trên tầm ảnh hưởng ở bề rộng thì sự thực là thế. Nó cũng là một đóng góp đại trà của người Việt xa quê mà chúng ta cần trân trọng đánh giá và khai thác.
SỐ TRUY CẬP đang online