QUAN NIỆM CỦA CHÚNG TA VỀ NGƯỜI NÔNG DÂN ĐÃ THAY ĐỔI

Nhiều gia đình ở Hà Nội có ô-sin . Họ được sử dụng vào nhiều việc , thông thường là trong nom trẻ con , phục vụ người già yếu, và trở thành nhân công chính trong các việc buôn bán ở nhiều cửa hàng. Nhớ lại mấy năm về trước , và so với tình cảnh gia đình mình bây giờ, nhiều người Hà Nội chưa cần buôn tàu bán bè lớn lao mà chỉ làm ăn bình thường vẫn thở phào , không có ô-sin thì rồi không biết xoay xoả thế nào !
Thế nhưng những ngày gần đây, sự than phiền vì ô-sin đã trở thành câu chuyện đầu miệng . Làm ăn cẩu thả , đập giập bóp bẹp cho qua . Lãng phí , phóng tay áo xô đốt nhà táng giấy , bữa ăn còn hàng bát cơm với lại nửa bát nước mắm cũng đổ xuống cống hết . Ăn bốc ăn bải ăn vụng vô tư. Nói ngọng . Nói trống không. Nói dối thản nhiên, nói dối thành thần .Chẳng có lý do gì cũng cười , bị mắng càng cười vẻ như ta chỉ có thế. Dửng dưng vô cảm . Học đòi một cách vụng về .Nhiều người trong thế “ mắng mãi cũng chán “ , cực chẳng đã phải chấp nhận “ chung sống với ô-sin “ , nhưng lắm lúc nằm bắt tay lên trán nghĩ thấy sợ . Còn đâu là thứ văn hoá gia đình các cụ xưa để lại ?
Gia đình tôi cũng thuộc về những gia đình sống nhờ ô-sin kiểu ấy . Để cho công bằng nhiều lần tôi nói với vợ con: Họ hư một phần lớn cũng là do chúng ta .Thế này nhé : Đến với ta họ có được chúng ta bảo ban huấn luyện gì đâu ; và điều quan trọng, ta thuê họ bằng một mức lương rẻ mạt , làm chăm làm lười như nhau , đời sống chẳng có gì bảo đảm . Hơn nữa nhiều thói xấu bắt đầu từ ta .Chính dân Hà Nội hàng ngày đi làm cũng tìm mọi cách xoay xoả rút ruột nhà nước kiếm thêm, còn trong việc buôn bán làm ăn thì lừa lọc nhau, bà chủ bán hàng mong người giúp việc đánh lừa khách hàng, người nọ lừa người kia. Chỉ đến khi họ mang cái lối sống ấy vào việc gia đình , chúng ta mới lại cáu sườn lên cả một lượt .( Gần đây , tôi nhớ có người trên mặt báo đã khái quát rằng đang xảy ra một quá trình “ người nông thôn làm hỏng người Hà Nội và người Hà Nội làm hỏng người nông thôn “, cả hai đều “ vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân “.)
Vợ tôi nghe đến đây im lặng chỉ bảo là thiên hạ người ta sống thế , mình không sống khác được.
Mặc dầu trong đầu còn nhớ rằng chính cái lối nghĩ “không dám làm gì khác người ‘, “trông thiên hạ mà sống” thực ra vốn xuất phát từ các làng quê , song tôi thừa biết nói gì thêm cũng vô ích . Thôi chỉ có cách lặng im !
Chết nỗi do công việc của một người viết văn viết báo ,câu chuyện hàng ngày nói trên không ra khỏi đầu tôi mà nó còn làm tôi cứ phải vân vi thêm mãi . Nhà cửa mình làm do thợ các tỉnh lên xây , con cái trước khi đến trường do ô - sin dạy dỗ , vào một cửa hàng ăn nhận ra ngay người mang miếng ngon miếng sốt lên cho mình là “bà con ngoại tỉnh” mới được tuyển dụng .Có một lần tôi đã ghi được một con số , hàng ngày Hà Nội có khoảng 500.000 người các tỉnh đến làm ăn . Tức ra đến đường ta gặp người nhập cư , và cả Hà Nội thành một thành phố nhập cư chịu sự chi phối rõ rệt của cách sống nông thôn ( có lẽ đó cũng là một lý do khiến cho một nhà báo người Mỹ ở Việt Nam vài chục năm nay bảo rằng Hà Nội là một cái làng lớn ). Nếp sống phổ biến của những người nhân danh chân quê thường cũng là tuỳ tiện cẩu thả , nói thách nói dối , nhân danh sự nghèo khổ muốn làm gì thì làm , kể cả phạm luật: cứ trông mấy cô bán hoa quả dắt xe đạp đứng ở các ngã tư đầy xe cộ thì biết .
Giá mà tôi chỉ dừng lại ở đấy thì cũng đỡ . Giống như một thứ máy mồm máy miệng, tôi đẩy liên tưởng của mình đi xa hơn . Tôi nhớ đến những bài học mà học trò bao đời vẫn được nhà trường dạy dỗ : rằng do cuộc sống vất vả của mình nên những người chân lấm tay bùn thường là những người có phẩm cách tốt đẹp . Họ thật thà trung hậu ; họ nhân ái tiết kiệm ; họ siêng năng làm lụng ; họ “lành cho sạch rách cho thơm” … Những người ấy còn không ? Hay là tôi phải nghĩ khác và những người viết văn phải viết khác đi về họ ? .
Đến bây giờ thì bạn đọc thân mến đã hiểu lời tôi rào đón ban đầu rồi chứ . Tôi biết những liên hệ của tôi vừa rồi là mang tiếng suy diễn . Tôi vừa nghĩ vừa sợ tội và viết ra trong ngần ngại . Nhưng tôi biết dựa vào đâu để hiểu nông thôn bây giờ ? Chẳng nhẽ những người nông dân lên thành phố vài ba ngày đã không phải là nông dân nữa và tôi chỉ có quyền sống với người nông dân trong mộng ?
Ghép tôi vào tội suy diễn cũng được, nhưng đâu là hình ảnh chân thực của người nông dân thời nay , ai chỉ giùm tôi bây giờ ?
Tết đã đến nơi rồi . Tết có nghĩa là phố phường sẽ chỉ còn người Hà Nội với nhau . Tôi tưởng tượng ở nhiều làng quê các tỉnh lân cận , trong các gia đình , ông bố bà mẹ sung sướng đón nhận đứa con lên tỉnh làm ăn giờ về gặp lại họ. Các em các cháu còn mang về cho họ tiền , nhiều khi là tiền triệu .Thế nhưng trong các gia đình này liệu có ông bố bà mẹ nào chợt nhận ra rằng con mình bây giờ hư quá , mất hết cả nết ngoan ngoãn thuần hậu như ngày trước. Tôi se lòng lại khi nghĩ rằng người Hà Nội có lỗi trong việc hàng ngày hàng giờ đẻ thêm ra những công dân trẻ dở dang nham nhở , nửa tỉnh nửa quê. Nhưng tôi càng buồn thêm khi nghe mọi người bảo rằng bây giờ ở các làng quê cũng chẳng còn ông bố bà mẹ nào sợ con hư đâu, chỉ cần có tiền là họ vui rồi, và họ cũng đang lây cả cách nghĩ cách sống mà bọn trẻ mang từ thành phố về .Tôi hiểu rằng nông thôn ta phải giàu lên chứ không thể nghèo mãi như cũ . Thế nhưng chẳng nhẽ giữa một bên là nếp sống tốt đẹp tử tế và một bên là sự giàu có hơn lên , chúng ta chỉ có quyền chọn một ?
SỐ TRUY CẬP đang online