HỘI NHẬP & ĐỔI MỚI

Cuộc gặp gỡ tự nhiên
Những phát hiện lớn về tham nhũng thường được mọi người nhớ tới đầu tiên khi điểm lại những sự kiện chính của đời sống nửa đầu 2006. Tiếp đó, cùng với việc Bảo tàng dân tộc học mở cuộc trưng bày về cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, báo chí có loạt bài khắc họa lại tình hình đêm trước đổi mới, những mong tìm ra cái lý do sâu xa làm nên sự chuyển biến của xã hội hai chục năm qua. Cái sự nghiệp đang là lẽ sống của chúng ta trong những ngày này như đã tìm được cách kỷ niệm độc đáo. Song đó cũng chính là một lời thú nhận về những lúng túng trong việc nhìn lại một chặng đường lịch sử.
Vụt một cái, những ngày cuối năm 2006, định hướng hội nhập ào đến và không rời khỏi đầu óc chúng ta nữa. Giờ đây nhiều người kết thúc một ngày công việc với ý nghĩ về hội nhập, mở mắt dạy với ý nghĩ hội nhập. Con đường vừa mở khiến ta bàng hoàng song nghĩ cho cùng, nó là kết quả của một cuộc khai phá kiên trì và ráo riết.
Đâu là mối quan hệ qua lại, đúng hơn là mối quan hệ biện chứng, giữa Hội nhập và đổi mới trong hoàn cảnh của một nước VN ở giai đoạn bản lề này ?

Một phương hướng lớn hay là một sự hoàn thiện
mà hội nhập mang lại cho đổi mới
Bung ra là hai tiếng tóm tắt chính xác cái tinh thần của không khí thời bắt đầu đổi mới. Người ta cảm thấy không thể sống nguyên như cũ được nữa. Tất cả có thể và phải làm khác. Không kịp nghĩ nhiều, chần chừ là có tội, lúc này hãy hành động đã. Đó là tình trạng của chúng ta hai chục năm trước.
Nhà sử học Phan Huy Lê đã nói sự thật khi bảo rằng “ những người khởi xướng cuộc vận động xã hội những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ 20,chính là những người nông dân lao động trong hợp tác xã, rồi đến các lãnh đạo địa phương. Những ràng buộc của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã đẩy họ vào bước đường cùng và buộc họ phải bứt phá, từ đó có những sáng tạo cấp tiến.” (mạng VietnamNet 6-12-06 )
Tiếp theo sự bung ra tự phát như vậy, có thể nói hội nhập hôm nay là cái bước đi tự giác. Hội nhập để thoát ra khỏi thế cô lập, hội nhập để thoát khỏi đói nghèo, giờ đây ai cũng hiểu vậy. Không chỉ là sự nối tiếp tự nhiên của chặng đường đã qua, hội nhập còn là cái bước đi kiên định của kẻ đã tìm được phương hướng. Trước ta chỉ nói thay đổi. Nay đã có thể nói rõ hơn thay đổi bằng cách đi ra với thế giới. Trước ta sống bằng những chuẩn mực do chính ta đặt ra. Nay ta chia sẻ với nhân loại những giá trị chung. Không co mình lại giữ miếng. Không còn những e ngại, kể cả những hù dọa tưởng tượng tự mình nhát mình. Cái hướng lớn đã tìm thấy. Và sự hào hứng thì nẩy sinh trong hành động.

Việc trước mắt có, việc lâu dài có
Thời bắt tay đổi mới ấy, ta chỉ biết đại khái rằng trên con đường làm giàu sẽ có những việc như buôn bán đối ngoại, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, mời gọi đầu tư, làm hàng để xuất khẩu, đưa người đi lao động. Nay với việc hội nhập toàn diện, những việc lâu dài như cải cách hành chính, xác định hành lang pháp lý, tổ chức lại lực lượng lao động, xây dựng con người hiện đại … mới được đặt ra. Sở dĩ một chuyên đề được bàn bạc nhiều trong những ngày này là giáo dục đại học, lý do là vì như thế.
Hội nhập như vậy mang lại cho đổi mới một nội dung toàn diện và cụ thể. Ai cũng biết dân mình có thói quen nước đến chân mới nhảy, và chín bỏ làm mười tùng tiệm thế nào cũng xong, cách nghĩ này đã kéo dài quá lâu. Nay chỉ cần nhìn vào quyết tâm làm lại đại học đủ thấy chúng ta bắt đầu tập phóng tầm mắt xa hơn, lo việc năm mười năm sau, và tính cả chuyện đạt tới những chuẩn mực quốc tế. Rồi đây, những thay đổi trong cách nghĩ như thế sẽ nẩy nở ngày một nhiều. Hội nhập thực đã đánh dấu một giai đoạn phát triển về chất của đổi mới.

Những đơn đặt hàng cấp bách
Sau một thời gian bung ra, thì những yếu kém của xã hội có dịp bộc lộ đầy đủ hơn bao giờ hết. Ở trên chúng ta đã nói vì quá bức bách mà phải đổi mới. Song ngược lại cũng vì những yếu kém sâu xa ấy mà những bước đổi mới ban đầu không tránh khỏi vấp váp. Có bước trồi bước sụt. Có lúc đi đường vòng. Có nhiều việc mà ngày nay nếu được làm lại, chắc chắn sẽ làm khác.
Đối diện với hội nhập tức là nhận lấy một thách thức. Đứng ở nhu cầu hội nhập mà xem xét thì có thể nói chính vì những yếu kém nói trên của đổi mới mà hội nhập được khởi động có phần chậm chạp và có lúc tưởng đã không nhích lên được khỏi những bước ban đầu. Càng ngày càng thấy chỉ hội nhập mới đóng được cái vai trò lớn lao là đặt hàng cho những đổi mới cụ thể. Nhu cầu thật rõ ràng và nghiêm khắc: không đổi mới không hội nhập được. Muốn vươn ra biển lớn thì chính con tàu phải được sắp xếp lại. Cái mệnh lệnh của đổi mới đã đến cả với những khâu công việc vốn lâu nay chìm trong bóng tối, do đó trì trệ nhất, chậm chuyển biến nhất.
Theo nghĩa này, chính quá trình hội nhập tạo nên sức ép và mang lại cho đổi mới một động cơ thúc đẩy thực sự.
SỐ TRUY CẬP đang online