VĂN CHƯƠNG, ĐỒNG TIỀN, SỰ KIẾM SỐNG

Trước khi nổi tiếng vì tác phẩm, một số nhà ăn tiền chiến ở ta đã rất nổi tiếng trong việc… sử dụng ngòi bút để kiếm sống. Vũ Trọng Phụng gánh trên vai cả gia đình bao gồm mẹ, vợ và về sau là con gái. Lưu Trọng Lư chạy đi chạy về giữa các tờ báo và nhà xuất bản, khiến Xuân Diệu phát sợ và phát ra lời than thở Cơm áo không đùa với khách thơ. Nam Cao từng kể lại việc mình thường chăm chú đi lĩnh nhuận bút về để trả nợ và mua thuốc cho con ra sao trong một số truyện ngắn. Còn nói tới Nguyễn Bính, Tô Hoài cho một câu gọn lỏn: Đó là người làm thơ duy nhất sống được bằng thơ. Kể đã là một lời khen tặng nặng ký.
Từ khoảng 1985 về trước trong đời sống văn nghệ Hà Nội, những chuyện tương tự như thế không được nhắc tới. Người viết văn không sống hẳn bằng ngòi bút, bởi thường thường họ được biên chế vào một nhà xuất bản hoặc một tờ báo nào đó và có lương đều đều, trong khi đời sống chung quanh còn khá đạm bạc. Thành thử có một thói quen trong giới, là mọi người không thích xem viết văn như một việc kiếm sống và ai người nói tới đồng tiền, dễ bị chung quanh khinh bỉ, coi là làm mất đi bản chất cao đẹp của sự sáng tạo.
Nay thì tình hình không hẳn như vậy nữa.
Một bậc đàn anh của tôi, tuổi gần 70 vẫn viết đều đều. Hỏi thì anh cười, đã quen tiêu rộng rồi, lương hưu lại không đủ, không có nhuận bút là chống chếnh ngay.
Một người bạn cùng lứa với tôi, sau 15 năm sống ở một tỉnh xa, kéo cả gia đình về Hà Nội. Có bao nhiêu tiền dồn vào mua nhà, lưng vốn đã cạn, sự mưu sinh của cái gia đình bé nhỏ ấy giờ đây trông cả vào ngòi bút của ông chồng. Mỗi buổi sáng thay cho tập thể dục, hãy ngồi gắng chế ra một hai báo vặt, cốt lấy dăm bảy chục một trăm gì đó - Anh kể với vẻ tự nhiên, như không có cách nào khác.
Một bạn còn trẻ, học xong phổ thông thi đại học trượt, song may mắn được nhận vào trường viết văn Nguyễn Du và đã học xong. Nhưng vào cái lúc mà tờ báo nào cũng ngại lấy thêm nguời, thì xin việc đâu có dễ. ưu ái lắm, người ta mới thương tình giao cho anh thầu vài ba mục vặt, mặc dù nhuận bút với anh lúc này hẳn đã trở thành thứ lương duy nhất.
ắt hẳn mấy trường hợp trên không phải là “cá biệt”.
Cả với những người đang sống tạm đủ cũng vậy. Không trình bày nỗi ám ảnh của đồng tiền lên mặt giấy song người ta không thể gạt nó ra khỏi đầu óc và nay là lúc đang có nhiều người phải nghĩ về nó.
Trong hơn hai chục năm làm nghề biên tập xuất bản, có một diễn biến tâm lý tôi từng quan sát ở nhiều người viết: Đại khái, khi mới đưa bản thảo tới, và cả khi được báo tin rằng bản thảo sẽ in, anh không nói gì đến nhuận bút. Anh tâm sự: Mình chỉ cốt in được thôi. Tiền nong chả thành vấn đề. Nhìn nét mặt và nghe giọng nói của anh, tôi biết rằng anh nói thật.
Nhưng cũng anh ấy, lại cũng thành thực không kém là cái dịp đến lĩnh nhuận bút. Mới nhìn con số trên mặt giấy anh đã gờn gợn, như không tin ở mắt mình nữa. ‘Tuy không nói ra, nhưng chắc là anh đang tự hỏi vì sao nó ít thế. Rồi anh cười gượng cho qua, và một lúc sau, mới trở lại được câu chuyện đang bỏ dở. Hoá ra, sự quan tâm đến đồng tiền vẫn đến. Và hình như càng vào sâu trong nghề người ta lại càng hay nói đến nó nhiều hơn.
Nói cách khác, thái độ đối với đồng tiền như trên là một thứ thước đo mức độ chuyên nghiệp của các ngòi bút. Để đạt tới sự chuyên nhất trong công việc và khả năng làm việc đều đều, hơn thế nữa, khả năng ngày mỗi hoàn thiện hơn ngòi bút của mình, nhà văn cần có sự yên tâm tin rằng tiền nào của ấy bản thân mình nỗ lực đến đâu, xã hội biết cho đến đấy. Đồng tiền chính là dấu hiệu của mối quan hệ đầy tính năng động đó. Trong tình hình hiện nay, chỉ có một số người mặc dù có thể viết lách đã lâu xong không hay nói đến tiền bạc, đó là những người đã có nghề khác để kiếm sống, thu nhập chính là ở đấy có viết cũng chỉ làm vui, hoặc để trang điểm thêm.
Chắc chắn đó không phải là bộ phận chủ lực làm nên nhịp điệu đều đều của đời sống văn học.
*
Có một sự thực mà người trong giới đang phải chịu đựng, và người ngoài cuộc cũng bắt đầu biết, đó là tình trạng nhuận bút dành cho sáng tác văn chương khá thấp và có xu hướng ngày càng giảm đi. Bởi lẽ công in ngày một cao, giá giấy ngày một đắt, và việc bán sách thì khó, số phần trăm phải chi cho việc phát hành ngày mỗi “thượng” mãi lên, trong khi đó bản in cho mỗi cuốn sách lại giảm đi, cho nên nhuận bút đã hạ tới mức thảm hại. Đại khái, sau khi viết xong một cuốn sách vài trăm trang giờ đây người viết chỉ nhận được một số tiền đủ để mua dăm bảy chục cuốn sách theo giá bán trên thị trường.
Vậy nay là lúc câu chuyện về áp lực của đồng tiền đối với sáng tạo chẳng còn có gì để nói? Không. Không hẳn thế. Ngược lại mới đúng: Chính đồng tiền là nguyên nhân dẫn tới nhiều sự phân hoá nho nhỏ diễn ra hàng ngày.
Thỉnh thoảng, trong đám những người viết văn, vẫn thấy xảy ra hiện tượng một người đang viết rất khoẻ thuộc về thời kỳ anh hoa phát tiết ra ngoài - bỗng nhiên “tạnh” hẳn, không viết gì nữa, và con người tác giả thì biến đi tưởng như chưa bao giờ anh ta quan hệ với giới viết văn. Hỏi ra mới biết: do chỗ viết khá, anh ta (hay chị ta) nay đã được mời về bên điện ảnh hay truyền hình. Mà ở các ngành đó thì “cá cả lợn lớn” chứ đâu bèo bọt như bên văn chương.
Có điều, đâu có phải rồi người viết văn nào cũng được mời đi như thế?! Đa số, vẫn phải lưu ở lại, bì bõm chìm nổi trong nghề. Vì thế, mới có cảnh mọi người đổ đi viết báo làm “mì ăn liền” như chúng ta đang thấy, hoặc có thể tiếp tục chung thuỷ với văn chương, thì viết ra theo kiểu bôi bác cốt chạy theo số lượng.
Nhìn qua ở đây, hình như chẳng có chuyện gì, nhà văn viết nhiều chẳng qua là nhà văn biết thích ứng với hoàn cảnh. Nhưng đứng về quyền lợi lâu dài của cả giới, thì đấy là cả một mối di hoạ. Văn chương càng kém cỏi thì bạn đọc càng quay lưng lại với nó, và con số bản in của từng đầu sách (một con số liên quan tới uy tín của một nền văn học) sẽ ngày càng suy giảm. Nảy sinh từ sự thấp kém của nhuận bút, tình trạng viết nhiều viết ẩu lại là một cái cớ đích đáng để cho người ta thấy sự thấp kém kia là có lý.
Đứng lùi ra xa một chút mà xét, có vẻ như nay là lúc đồng tiền trả thù. Bị coi thường, nó tác oai, tác quái cho người ta biết. Nó buộc người ta phải nhìn nhận lại nó và tìm tới một mối quan hệ đúng đắng với nó. Nhưng bắt đầu từ đâu thì chưa ai biết.
*
Nghiên cứu về các vụ ly hôn, nhiều nhà tâm lý học từng rút ra một nhận xét mang tính nghịch lý: những cặp chỉ lấy nhau thuần tuý do tình yêu lại hay bỏ nhau hơn là những cặp vừa có yêu vừa có tính toán. Lý do kể cũng dễ hiểu, có tính toán tức là có vận dụng tới lý trí. Mà lý trí thì có khả năng nhìn nhận phân tích tình thế một cách sáng suốt trong khi tình yêu thuần tuý cảm tính dễ cực đoan một chiều. Khi các đối tượng bắt đầu tiếp xúc với nhau, tình yêu thuần tuý có thể tạo nên sức thu hút mạnh mẽ. Nhưng để hai bên sống cùng nhau một thời gian dài thì chưa chắc. Với tính cách một sự liên kết, hôn nhân lâu bền rất cần thiết sự có mặt của lý tính.
Nhiều nhà văn thực không quá lời khi nói rằng họ đến với văn chương là do tình yêu vì thế cái nhận xét nói trên của các nhà tâm lý có thể mang ra áp dụng: Đồng tiền mà chúng ta đang nói từ đầu đến giờ, chính là một phần của sự tính toán của lý tính trong nghề văn. Vì thiếu sự tính toán, một số người có đang sống vật vờ trong nghề (theo kiểu ly thân chứ chưa ly hôn) kể cũng là hiện tượng dễ hiểu. Văn chương là cả sân chơi rộng rãi: Ai muốn sống theo kiểu lãng tử, gặp đâu hay đấy, xin cứ tiếp tục. Còn với những cây bút nghiêm túc sống chết với nghề, thì việc giúp đỡ cho họ có được mối quan hệ công khai, rành mạch hợp lý… đối với đồng tiền cũng đã đến lúc thành việc cần thiết, vì đấy là tiền đề tốt, để giúp cho họ có thể giải phóng hết tiềm năng sáng tạo vốn có.
SỐ TRUY CẬP đang online