CÂU CHUYỆN CHUYÊN NGHIỆP

Trên báo Văn nghệ số ra ngày 27-8-1998, nhà văn Nguyễn Khải có một bài phát biểu ngắn, nêu lên một tình trạng có thực trong giới viết văn hiện nay: nhiều người ăn lương nhà nước bằng công việc khác, viết văn chỉ là tay trái. Nói nôm na tức là làm ăn theo lối được chăng hay chớ, không thiết cốt với nghề, không coi việc sáng tác là sống còn với đời mình. Trong khi ấy thì theo Nguyễn Khải các bậc thày trong nghề văn trước cách mạng là những người khác hẳn. Họ chính là những người làm chuyên nghiệp với nghĩa “nuôi sống mình bằng nghề văn, chỉ biết có nó, tận tuỵ với nó”, “đêm ngày vật vã với nó”, “lo lắng hy vọng cũng chỉ nhằm vào có nó” “viết xong lập tức nghĩ liền tới cái sẽ viết rồi những cái sẽ tiếp tục viết, viết cần mẫn, viết không ngưng nghỉ cho tới lúc buông bút tắt thở”. Và kết luận mà Nguyện Khải đi tới chính là cái câu dùng làm đề bài “Đã làm nghề văn, nhất thiết phải chuyên nghiệp”.
*
Trong các từ điển Hán Việt, chữ chuyên thường được giảng một cách gọn ghẽ: đơn thuần lo riêng một việc, tập trung tâm sức vào đó. Còn chữ nghiệp nghĩa là nghề, cái cách kiếm sống của con người. Cộng cả hai chữ lại, ý tưởng đã quá rõ: Chuyên nghiệp là ngược với nghiệp dư, tay ngang, tài tử.
Tuy nhiên, thường khi cũng dùng từ ngữ ấy mà vẫn mỗi người hiểu một khác. ở đây cũng vậy: đái khái hiện nay không ít người cho rằng cứ ăn lương ở những cơ quan có liên quan đến văn chương chữ nghĩa (các nhà xuất bản, các tờ báo hoặc các hội đoàn chuyên về văn nghệ) thì mặc nhiên đã là chuyên nghiệp. Tức là đánh đồng nơi làm việc với nghề, xem hai cái đó là một. Lại có những người lấy việc trở thành hội viên Hội Nhà văn trung ương là cái đích, sau khi đã có cái danh hiệu này rồi, thì có ườn ra hàng chục năm không viết, cũng vẫn là nhà văn chuyên nghiệp như thường(!). Trong khi ấy, trong xã hội hiện đại, hai chữ chuyên nghiệp đang ngày một trở nên có nội dung chặt chẽ. Người viết không có nguồn kiếm sống nào khác, ngoài công việc trước trang giấy trắng. 90% thu nhập của anh là ở đấy, cho nên cũng đến 90% thời gian tâm lực hàng ngày của anh ta dồn vào đấy. Luôn luôn anh ta phải tự đào tạo để trở thành người làm nghề ngày một sành sỏi. Chả cần ai dạy khôn hoặc luôn miệng nhắc nhở, anh ta vẫn tìm ra cách có “mặt hàng riêng”, sự cạnh tranh là gắt gao, sự đào thải là thường trực, nên toàn bộ nội lực của con người phải được phát huy, anh ta vừa mải làm việc trước mắt, vừa lo tích luỹ lâu dài, vừa biết tính toán để tự vệ, vừa dám hi sinh khi cần, tóm lại con người được sử dụng một cách tối ưu để trở nên hữu ích cho xã hội. Chưa nói đâu xa hãy lấy lại dẫn chứng của Nguyễn Khải về các nhà văn tiền chiến: Một mặt, như Nguyễn Khải đã nói, họ là những nhân cách đáng trọng (đói thì đói nhất quyết không bỏ nó để làm nghề khác; khổ sở túng thiếu thì nghe kể đã đủ hãi song lúc trẻ viết không đủ ăn thì nhờ vợ gánh vác giùm, về già thì nhờ con chu cấp thêm). Mặt khác năng suất cụ thể của họ, cũng là chuyện không thể coi thường. Không kể những ví dụ đã trở thành kinh điển như Nguyễn Công Hoan, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng…, hãy nói tới một người như Nam Cao. Trên Tiểu thuyết thử bẩy nửa cuối 1942, người ta liên tiếp đọc được các truyện ngắn như sau:
22-8: Cái mặt không chơi được
12-9: Nhỏ nhen
19-9: Con Mèo
26-9: Những truyện không muốn viết
10-10: Nhìn người ta sung sướng
30-10: Đòn chồng
14-11: Trăng sáng
5-12: Đôi móng giò
19-12: Trẻ con không được ăn thịt chó
Qua năm 1943 cũng vậy, cứ khoảng một hai tuần lại thấy xuất hiện một truyện ngắn hay của Nam Cao, loại truyện đến nay còn được in đi in lại trong các tuyển tập, tóm lại là những sáng tác ở lại vĩnh viễn với lịch sử văn học.
*
Năm 1963, Nguyễn Khải từng có một bài viết mang tên Con đường dẫn tôi tới “nghề” văn. Riêng việc chữ nghề ở đây được đặt trong dấu ngoặc kép, đã hàm ý một tuyên ngôn: Ông coi nghề nghiệp của mình là một nghề đặc biệt. Bởi vậy, khi có người yêu cầu giảng về nghề, ông không đi vào công việc cụ thể mà toàn nói rằng phải thấy mình may mắn thế này, có trách nhiệm thế kia… Nhưng đấy là chuyện của 35 năm về trước. Trong nhận thức chung của xã hội lúc ấy, cách hiểu của Nguyễn Khải như trên kể cũng không có gì là lạ. Rồi thời gian sẽ làm cho sự suy nghĩ của ông ngày một mềm mại mà cũng là gần gũi với mọi người hơn. Khoảng mươi năm lại đây mỗi lần nói tới công việc, ông đã dùng chữ nghề bình thường chứ không đặt nó trong ngoặc kép nữa. Và ông sẵn sàng dành giấy mực để tâm sự với bạn đọc nào là những bước học nghề, công phu học nghề, nào là mọi chuyện thăng trầm cùng những biến hoá kì lạ của nghề. Thành thử kể cũng là bước phát triển tự nhiên, khi cuối cùng, Nguyễn Khải cũng đã bắt đầu đả động tới câu chuyện chuyên nghiệp. Dẫu rằng chuyện này đây đó, người khác nói đã từ lâu nay tác giả Xung đột mới nhập cuộc, song bản thân điều đó lại cho thấy vấn đề nay đã thật chín, người ta không thể cứ lảng tránh mãi. Tác phẩm ra nhiều, song toàn là đồ tầm tầm, không có đỉnh. Sức bền của nhiều ngòi bút có hạn, sau một vài tác phẩm gây ấn tượng, tự nhiên cây bụt nọ, cây bút kia cứ chìm nghỉm hàng chục năm, đến nỗi người ta phải đặt câu hỏi hay là các tác phẩm nổi tiếng trước kia ra đời do ngẫu nhiên ăn may. Danh sách nhà văn thì đông, nhưng không ít người trong đó chỉ mang hai chữ hội viên để lấy tiếng, còn toàn bộ lo toan hàng ngày là dành cho những việc khác, chẳng dây dưa gì đến văn chương. Trong khi ấy, nhìn vào từng tác phẩm cũng như hoạt động của đám người viết, có thể nhận ra những lỗi ngớ ngẩn, chỉ có thể có ở dân viết chơi bời, chứ người đã sống với nghề thì không được phép… Bằng ấy nhược điểm của đời sống văn học đương thời ngày càng rõ rệt đến mức những người có tâm huyết phải tính tới một số vấn đề cơ bản: Bàn về sự chuyên nghiệp hoá chẳng qua cũng là một dịp để xem xét lại cả cách làm việc cách tồn tại, lẫn sự tự đào luyện của người cầm bút.
Chẳng riêng gì nghề viết văn mà nhiều nghề khác ở ta cũng chưa đạt được chuyên nghiệp hoá, tức là người làm nghề thường đến với nghề một cách ngẫu nhiên, việc chuẩn bị học hành đã chẳng là bao, lại nay nghề này mai nghề khác, nên trình độ có thấp thì cũng là chuyện dễ hiểu.
Đây quả là một tình hình phải tính tới, nó khiến cho câu chuyện chuyên nghiệp hoá nghề cầm bút còn là rắc rối chưa phải mỗi lúc thực hiện ngay được.
Nhưng để lý do đó sang một bên, lại thấy có một số người nghi ngờ sự cần thiết chuyên nghiệp hoá ở một góc độ khác. Rất thành tâm những người này lý lẽ “Đã có chút duyên nợ với nghề cầm bút, ai người lại không hăm hở viết đêm viết ngày cho có tác phẩm hay! Chẳng qua, chưa viết được, nên họ đành chịu, tạm xếp bút nghiên làm công tác khác một thời gian. Ràng buộc họ vào một tờ báo, bắt họ phải viết đều đều kiếm sống tức là làm hại tới sự sáng tạo rất cao quý ở họ”. Nghe ra, kể cũng có lý, song thực tế, đó là một cách hiểu có phần đã cũ, hợp với kiểu sống và làm việc tài tử của các xã hội “tự cấp tự túc”. Còn một quan niệm hiện đại hơn, thì có phần khác. Thay cho ý niệm trừu tượng, nay là lúc người ta có một cách hiểu thiết thực (thông tục) hơn về cầm bút: suy cho cùng, nó cũng là một nghề, tức một hoạt động kiếm sống của con người, vừa phục vụ xã hội vừa nuôi sống bản thân và gia đình. Đại khái anh ta không thể hết lòng với nghề, nếu như chỉ cần viết lách cầm chừng là đủ. Anh ta thích điệu đà dong chơi, và sẽ sẵn sàng thi vị hoá kiểu sống gặp đâu hay đấy ấy, gọi nó là phong cách nghệ sĩ. Thành thật mà nói, những kiểu người tài tử như vậy có thể đã kéo dài cả hàng trăm năm, nhưng nay đâu còn thích hợp với cuộc sống mà chúng ta cùng lo gây dựng
*
Một trong những lý do khiến cho nhiều người cứ phải ngần ngại khi nói tới chuyện chuyên nghiệp hoá, có lẽ là ngay ở tính chất quyết liệt của nó. Từng người phải vắt kiệt sức mình cho công việc. Mà cả giới thì luôn ở trong tình trạng tự sàng lọc, chỉ ai thích ứng mới tìm được chỗ trong nghề, còn ai kém cỏi sớm muộn sẽ phải bán sới để chuyển sang các nghề khác. Nghe ra quả là tàn nhẫn!
Thành thử trong điều kiện hiện nay, đấy vẫn là thứ liệu pháp sốc, chưa chắc nên áp dụng, và câu chuyện nói ra ở đây, không phải để làm. Chẳng qua nhân bài viết của Nguyễn Khải, chúng tôi nắc tới chỉ cốt để cắt nghĩa tại sao giờ đây sau lớp vỏ “phồn vinh giả tạo” lại có tình trạng người đọc chán chường, sách vở ế ẩm và guồng máy văn chương trở nên vật vờ chậm chạp đến vậy.
SỐ TRUY CẬP đang online