. NHẢY ĐẠI... VÀO LÀM VĂN HOÁ

Chân dung một số người
làm việc biên soạn sách hiện nay
Trong cách hiểu chính thức của xã hội ta và ở trình độ sản xuất của chúng ta thì lâu nay văn hoá chưa thành nghề kiếm sống và trong số những người giàu có trong xã hội, thường không có người làm văn hoá.
ấy thế nhưng trong mươi năm gần đây, tình hình đã thay đổi. Bắt đầu có những người nhận thấy văn hoá là một lĩnh vực kinh doanh. Tức là họ đứng ra đảm nhận công việc giám đốc thương mại cho các khâu sản xuất và lưu thông văn hoá phẩm.
Tiền kiếm không nhiều, nhưng cũng tạm đủ, và phải khách quan mà công nhận rằng trong việc họ đã làm, có cái hay có cái dở, có đóng góp và cũng có kiếm lợi riêng.
Thế nhưng trong số này có một số người không dừng lại ở công việc kiếm tiền đơn thuần, mà còn muốn trực tiếp đứng ra làm công việc sáng tạo. Và cả lần này nữa, họ cũng thành đạt, để rồi làm nên một kiểu người làm văn hoá mà chỉ thời nay mới có.
Cố nhiên, khu vực mà những người này... nhảy đại vào, không phải loại lôi thôi, như âm nhạc hay hội hoạ. Hát được phải có giọng trời cho. Tập nhị, tập sáo cũng khó như chơi viôlông. Vẽ sơn dầu hay vẽ lụa đều cần phải khổ công học hỏi. Húc đầu vào tường mà làm gì? Có một khu vực rộng rãi hơn nhiều, mà vẫn có thể có tiếng, đó là văn chương. Chữ nghĩa thì ai mà chả sử dụng được!
Nếu như thức thời một chút, không háo danh lao vào làm thơ viết văn, mà chọn nghề biên soạn sách, thì lại càng chắc ăn hơn nữa. Vốn rất nhạy cảm và thực dụng, một số người tinh khôn loại này đã tính toán như vậy, và thực tế cho thấy họ tính đúng.
Đối tượng để họ chinh phục thường là các nhà thơ cổ điển (cỡ như Hồ Xuân Hương, Tú Xương) hoặc một vài nhà văn hiện đại đã được liệt hạng (như Thạch Lam, Nam Cao) tức là những người có tác phẩm được bạn đọc ưa chuộng và nhất là học sinh ở trường phải học. Nắm được yêu cầu ấy họ liền lấy văn bản cũ ra để... “xử lý”. Trước đây, thường thường các văn bản thơ Hồ Xuân Hương, Tú Xương phải do các giáo sư có kinh nghiệm, các nhà nghiên cứu đã bạc đầu khảo chứng chú giải. Nhưng có hề gì thời buổi này, ai còn nghĩ “cổ lỗ” như vậy nữa. Thiên hạ giờ là của chung, ông giáo sư tóc bạc kia hoặc đã qua đời hoặc còn sống thì cũng nằm bẹp một góc nào đó biết gì đến thị trường sách vở. Vậy động tác của nhà biên soạn hôm nay rất đơn giản, tức là mang photocopy lại bản in, rồi đảo đi đảo lại một chút cho nó không hoàn toàn giống bản chính. Nếu với một tác giả trước đây có đến mấy tuyển tập khác nhau thì càng dễ, người ta sẽ lấy ở bản A dăm bài, thêm cho bản B, thế là trông lại càng như mới. Vâng, tuyệt lắm, đến một số thầy bậc đại học bây giờ thường cũng chỉ làm như vậy! Người ta hoàn toàn yên tâm khi đề tên mình vào văn bản rồi mang in, và tự tin rằng mình trở thành nhà biên soạn thứ thiệt, không kém ai hết!
Có hai điều kiện tiên quyết khiến cho các nhà biên soạn loại này chắc chắn thành công:
Một là, bản thân họ nắm được khâu phát hành. Tức là có nơi tiêu thụ sách.
Với người khôn ngoan thì chẳng có gì là khó! Móc với các ông bà trông nom việc mua sách cho thư viện, lót tay cho họ ít tiền là xong. Hoặc, hiệu nghiệm hơn, “đi đêm” với Sở giáo dục các địa phương, đặt vấn đề để họ mua làm tài liệu tham khảo cho các trường. Ngoài ra, còn một ít bán lẻ. Độc giả bây giờ vốn dễ tính. Cứ làm bìa đẹp vào là ăn hết, khốn khổ mỗi cuốn sách in có ngàn bản, ấn vào đâu chẳng hết.
Hai là, trước đó, phải xin được giấy phép ở các nhà xuất bản. Nhưng chuyện này cũng dễ ợt. Dân xuất bản đang đói, đúng hơn là thấy mình bị bó chân bó tay trong khi xung quanh hái ra tiền. Vậy thì có người làm sách và nộp quản lý phí đầy đủ, là ô kê liền, có cần gì phải oẻ hoẹ, lo chọn chuyên gia với lại chuyên vào cho mệt!
Vạn sử khởi đầu nan. Thoạt đầu loại người biên soạn sách này cũng còn có chút áy náy về công việc, có vẻ như mình đã quá liều lĩnh, đã chen ngang nhảy bổ vào một khu vực thiêng liêng. Nhưng rồi tự họ cũng nghĩ ra đủ lý lẽ để cãi cho trắng án. Này nhé thử nhìn kỹ xem, khối nhà văn hoá ở ta, chẳng qua cũng do dám làm dám quyết mà thành, tức là xào xáo cái cũ, chế ra vài quyển sách ký tên mình rồi tự nhiên lưu danh thiên cổ! Không nói đâu xa, chính những người trong giới nghiên cứu và xuất bản cũng có khác gì mình?! Gọi là ông nọ bà kia cho sang đấy thôi, chứ cũng chủ yếu làm sách bằng cách phôtô và cắt dán, chẳng thế mà hàng năm mỗi người biên soạn ra đến hàng dăm bảy đầu sách. Trước những tấm gương “tày liếp” như thế, còn có điều gì để người ta phải ngại ngùng trên đường trở thành những nhà biên soạn, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hoá!
SỐ TRUY CẬP đang online