. BAO GIỜ CHO ĐẾN THÁNG MƯỜI?

I
Theo cái đà “bung ra” của việc buôn bán trên cả thành phố, dọc khu tập thể chúng tôi dạo này thấy mọc lên khá nhiều lều quán nho nhỏ. Ông này về hưu tháng trước, tháng sau ra chữa xe đạp. Bà kia còn đi làm nhưng cũng biết là ngày đi làm sắp hết, hãy muối ít dưa cà giữ khách. Một bà khác nữa, nhân chưa có việc liền mở quán. Mới đầu thì phở gà, miến gà, sau cháo lòng, nhưng làm gì cũng ế, cuối cùng xoay ra nấu cháo sườn bán cho bọn trẻ con. Loại cửa hàng thay mặt hàng xoành xoạch như thế này thì rất nhiều, hình như nhiều người ướm mãi vẫn không thấy công việc thích hợp. Nói chuyện với nhau, ai cũng kêu khó, nhưng khong ai chịu lui, đơn giản vì nghĩ rằng kiên trì là được. Chẳng qua thời vận chưa đến thôi chứ buôn bán là thứ năng khiếu tạo hoá chia đều cho mọi người có ai phải dạy ai nữa!
Nỗi cám cảnh với đám dân buôn vặt mới nảy nòi vừa tả, dĩ nhiên có thể cùng lúc gợi ra nhiều loại liên tưởng. Mỗi người nhìn nó một cách. Phần tôi, tôi thấy nó như sự hiện hình của một lớp người cầm bút. Phần lớn chúng tôi cũng tiện thể mà làm cái nghề cao quý này. Thấy đất trống không ai cắm thì mình đổ bộ cắm vội. Vốn liếng là hai bàn tay trắng. Chỉ hoàn toàn trông chờ vào thứ năng khiếu trời cho. Mãi rồi cũng thành. Cố nhiên, ở đây trong nghề cầm bút, năng khiếu có vẻ được coi trọng hơn. Nhưng cách nuôi dưỡng năng khiếu thì cũng như đám buôn vặt nọ, nghĩa là cũng qua loa vụng về, được đến đâu hay đến đấy. Tính cách nghiệp dư của công việc đã là điều không ai chối cãi được, do chỗ phần lớn chúng tôi xuất phát từ viên chức có lương, mọi người sống bằng lương là chính. Song tính cách nghiệp dư ấy cũng thấy rất rõ qua con đường mọi người đến với nghề. Sự đào tạo quá sơ sài. ở mỗi người, cái lỳ lợm, hơn nữa, cái láu cá sống bám vào nghề, cái đó có thừa. Ngặt một nỗi phương thức suy nghĩ tìm tòi để nâng cao trình độ làm nghề, và tồn tại một cách đàng hoàng trong nghề thì rất hạn chế, chắc chắn là có một khoảng cách rất xa, so với trình độ những người cùng làm nghề này, vào lúc này, ở các nước khác trên thế giới.
II.
Nhân nói đến tình cảnh nghiệp dư của công việc viết văn ngoài sự liên tưởng từ đám buôn vặt có một hình ảnh thường cũng ám ảnh đầu óc tôi, đó là hình ảnh các loài cây dại.
Không cần là một nhà sinh học hay một người chuyên về làm vườn, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể biết rằng đôi khi một loài cây dại lại cho loại quả rất ngon, rất lạ, có điều chúng không có khả năng cho quả đều đều, lại càng chắc chắn không thể mỗi ngày cho nhiều quả hơn và có chất lượng cao hơn, là những ưu thế mà chỉ những cây được thuần hoá kỹ mới có.
Có thể là sự so sánh hơi thô thiển, song đôi lúc người ta vẫn buộc phải nghĩ nền văn minh non trẻ của chúng ta có nhiều phần giống như một nền nông nghiệp dựa hẳn trên các giống cây chưa thuần hoá ấy. Sự hấp dẫn của nhiều bộ phim không phải do trình độ diễn xuất của các diễn viên chuyên nghiệp, mà ở mấy cô hoa khôi mới được tạm tuyển. Trong các cuộc thi âm nhạc, các ca sĩ nghiệp dư cũng vận dụng kỹ thuật y như các ca sĩ học năm năm bảy năm ở các trường chuyên, vậy mà hiệu quả biểu diễn chưa biết ai hơn ai. Cứ vài năm một lần, giới cầm bút lại cùng xúm xít lại khen những tên tuổi mới phát hiện còn những tên tuổi đại diện cho cái mới của năm ngoái năm kia bây giờ ra sao, thì không ai muốn nghĩ tới nữa vì trình độ như thế nào, tất cả cũng đã biết. Một nền văn nghệ như thế có nhiều cái tiện: luôn luôn có những mặt hàng lạ. Không phải mất công đào tạo, nghĩa là đỡ tốn kém. Lại luôn được tiếng là dựa vào quần chúng, biết xây dựng tiềm năng sáng tạo của quần chúng. Để bù lại, nó chỉ có một chỗ yếu chắc chắn: Nó không hứa hẹn có một mùa màng liên tục, ổn định. Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, sau mấy cuốn sách mang lại sinh sắc ít nhiều cho đời sống văn học, như Thân phận tình yêu, Mảnh đất lắm người nhiều ma... nhiều người bảo nhau không biết một hai năm tới lấy đâu ra những cuốn sách tương tự hoặc nhỉnh hơn để tặng thưởng cho nhau đây. Một sự lo xa quá đáng chăng, làm gì mà ban chấm giải không tìm ra những tài năng mới? Nhưng ngay cả trong trường hợp có thêm những tên tuổi khác, người ta vẫn không khỏi cảm thấy buồn buồn! Vẫn là một thứ cây dại, vừa mang ở rừng về chứ không phải cây trong vườn mới kết một mùa chín đẹp. Bao giờ cho đến tháng mười? Câu nói đầu miệng ấy ở đây có thể dịch ra thành: bao giờ chúng ta mới có một nền văn nghệ với những người làm nghề thuần thục, mỗi ngày biểu diễn sáng tác... một hay hơn, thành công chắc chắn và ổn định hơn? Cái ấy hình như khó quá bởi vì nó liên quan đến đủ thứ tiền của, chính sách và phương hướng đào tạo. Văn hoá không bao giờ là chuyện chụp giật, là “mỳ ăn liền”. Văn hoá đòi hỏi thời gian.
SỐ TRUY CẬP đang online