TRĂM NĂM LÀ NGẮN, MỘT NGÀY DÀI GHÊ

Ngay từ những ngày đầu năm 1998, đến nhiều hiệu sách, và thậm chí đền cả các sạp báo, người ta đã nhanh chóng nhận ra một quyển sách mang tên: Truyện ngắn hay 1997.
Đặt vào hoàn cảnh mà sách vở báo chí thành ra một món hàng mua bán ồn ào, một quyển sách như thế có thể lẫn đi giữa bao xuất bản phẩm khác.
Nhưng với những người chưa quên ấn tượng về một thời sách vở khó khăn như bọn tôi thì cái việc một tập Truyện ngắn hay 1997 được tung ra bán ngay từ đầu 1998 này đã là một cái gì là lạ. Trước kia muốn khẳng định một tác phẩm dù là một truyện ngắn, một bài thơ, chúng tôi thường muốn có độ lùi về thời gian, sớm nhất cũng là một hai năm. Vả chăng một chữ hay thôi, là một cái gì thiêng liêng lắm, mọi người khá dè dặt khi tính chuyện ban phát cho đồng nghiệp. Nay thì đời sống văn học vận động thật nhanh nhảu và cũng thật hào phóng. Không phải tôi khắt khe cổ hủ muốn mọi người quay lui với lối làm ăn ngày trước, chẳng qua chỉ muốn tự nhủ: chúng ta đang viết văn trong một hoàn cảnh thuận lợi hơn bao giờ hết.
*
Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại, do Hội Nhà văn cho biên soạn (thực tế chỉ nên gọi là một thứ kỷ yếu, ghi chép về các hội viên của Hội) sau khi kể cho họ tên, năm sinh tháng đẻ, quê quán, các nhà văn hội viên còn có thêm một mục để khai: đó là các giải thưởng họ đã nhận. Có lần tôi tò mò đếm thử 100 người đầu, thì thấy có đến 53 người khai rằng đã nhận được một giải nào đó. Vậy tính đổ đồng cứ khoảng hai nhà văn lại có một người từng trúng giải, gần 800 hội viên, phải tới 400 được vinh thăng. Đã là một sự ghê gớm đấy chứ! Cũng trên cái mạch suy nghĩ về những thuận lợi của người viết hiện nay, lại muốn ghi nhận rằng, chung quanh một cây bút già có trẻ có bây giờ lúc nào cũng có bao nhiêu giải thưởng đơm sẵn chờ đợi. (Thấy người sang bắt quàng làm họ, thiếu gì trường hợp một cuốn sách được kéo vào để trao giải thưởng ở ngành này ngành nọ, chẳng qua vì nó đọc được, xếp giải cho sang, chứ cả người chấm lẫn người được giải đều biết rõ rằng lúc đầu nó, chẳng liên quan gì đến giải cả.)
*
Trong đại gia đình các ngành nghệ thuật, xưa nay giới viết văn vẫn được xếp vào loại “tiếng cả nhà thanh”, tức là tầm quan trọng thì không ai bằng mà chi phí lại đạm bạc, xoàng xĩnh. Bản thân tôi cũng nghĩ thế, cho đến cái lần tôi có may mắn được cử đến dự tổng kết trại viết do Hội văn nghệ một tỉnh tổ chức. Trại viên có đâu khoảng 20 người. Toàn trại làm việc trong khoảng ba tuần. Do là trại tổ chức ở một tỉnh nghèo nên sự chi phí cho các trại viên cũng tùng tiệm lắm, chỉ gói gọn trong hai chục ngàn một ngày. Song có những khoản hà tiện mấy cũng phải chi. Chẳng hạn tiền thầy thuê từ Hà Nội về. Lại còn khai giảng bế giảng, báo đài địa phương đều có đưa, làm lúi xùi quá sao tiện!? Tóm lại, bỏ rẻ ra một trại viết như thế cũng xấp xỉ hai chục triệu. Nhưng khi tôi hỏi cái đích phấn đấu của một trại loại này ra sao, thì các đồng chí phụ trách trại, không giấu giếm gì cả, nói một cách thành thực là chỉ mong có một hai truyện ngắn đăng ở báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Trung ương. Với thói quen của người làm nghề và sống phần bằng lương biên tập, phần lo viết lách thêm, tôi thử đối chiếu: ở góc độ của anh A chị B có truyện được đăng ở báo Văn Nghệ, thu nhập cũng chẳng hơn các anh em khác là bao, chừng một hai trăm ngàn gì đó. Nói mãi đã nhàm, nên giờ không ai nói chuyện ấy nữa, là chuyện nhuận bút bèo bọt. Nhưng xét trên phạm vi toàn xã hội, thì lại phải bảo thực chất tiền bỏ ra cho một hai truyện sẽ đăng ấy, là xấp xỉ hai chục triệu, vì phải tính nó bằng tổng số chi phí đã chi cho toàn trại, mức chi đâu có là thấp?
*
Trở lên, tôi vừa thử nêu một số khía cạnh của môi trường sáng tác hiện nay và có chút liên hệ với điều kiện làm việc trước kia, để thấy cái cởi mở của hoàn cảnh. Điều trớ trêu là ở chỗ chính trong hoàn cảnh ấy, đời sống văn học lại bị kéo xuống thấp tới cái mức khó ai ngờ tới: Tình trạng một dân tộc hơn 70 triệu người mà mỗi cuốn tiểu thuyết in ra loanh quanh ở con số 1.000 bản, là tình trạng thật đáng buồn, không một lý do gì có thể biện hộ nổi, và chừng nào chưa vượt qua được cái con số quái gở ấy, thì mọi sự nhắc nhở tới nó, còn là cần thiết.
Nếu cắt nghĩa sao về điều trớ trêu này? Trong lúc tôi loay hoay đi tìm sự giải thích, thì thật may mắn một cây bút phê bình mỹ thuật gần đây đã mang tới một ít gợi ý.
Nguyên là trên TT &VH số ra 2-8-1997 có in bài viết của Phạm Cẩm Thượng mang tên Thoái trào hội hoạ? Bài viết đã tạo nên một thoáng sôi động. Nhiều người có ý cho rằng tác giả có phần bi quan trong sự nhìn nhận và đánh giá. Giá kể đẩy lên một chút nữa, hẳn sẽ có một cuộc tranh luận thú vị (tuy nhiên, cái sự giá kể ấy không xảy ra, mọi chuyện treo lại lơ lửng).
Không rõ giờ đây, giới hội hoạ còn ai nhớ tới bài báo đó không, riêng tôi cứ vương vấn mãi với nó. Sở dĩ vậy, vì lâu nay, tôi vẫn nhìn sang cái ngành nghệ thuật của mầu sắc và hình khối ấy với nhiều ghen tị. ở bên ấy, việc giao tiếp với thế giới có tính cách hồn nhiên, trực tiếp không bị hàng rào ngôn ngữ ngăn cản. ở bên ấy giờ đây ai vẽ thế nào thì vẽ, tả thực càng hay mà lập thể trừu tượng cũng được, cái điều ngăn cấm ngày nào nay được gỡ bỏ. Cộng với nhiều điều kiện cụ thể khác, có thể bảo rằng hoàn cảnh cho những người cầm bút vẽ đang là một hoàn cảnh khá lý tưởng. Vậy mà không cần một lời rào đón dài dòng, như vẫn thấy ở cánh phê bình văn học chúng tôi, Phan Cẩm Thượng nói tuột ra rằng hội hoạ Việt Nam, sau vài năm hứng khởi, đang đi xuống, và anh đã đưa ra đủ những dẫn chứng cần thiết, để làm cho người ta tin ở kết luận của bài. Về phần mình, liên hệ với hoàn cảnh cởi mở của sự sáng tạo trong văn học nói riêng, trong các ngành văn nghệ nói chung, tôi tìm được lời giải đáp cho tình trạng trớ trêu hiện nay: Hoá ra điều kiện làm việc, cái khung cái môi trường sáng tạo, dù quan trọng đến đâu cũng không phải tất cả. Khi một nghệ sĩ thiếu đi đủ thứ, từ học vấn đến lòng tự trọng, nhất là thiếu đi những yêu cầu cao về nghề nghiệp, tóm lại khi thiếu cái nội lực cần thiết, thì chẳng những không thể khai thác tốt mọi thuận lợi, mà trong hoàn cảnh mới, lại có dịp bộc lộ ra nhiều nhược điểm nặng nề. ở hội hoạ đó là tình trạng đua nhau mở phòng tranh, sẵn sàng chép tranh của nước ngoài ký tên mình, mọi tìm tòi đều dở dang, không cái gì đến đầu đến đũa. ở văn học đó là hiện tượng viết nhanh viết ẩu, chạy theo số lượng đầu sách, đi theo những lối mòn cổ lỗ, hoặc chiều đãi những thị hiếu thấp của bạn đọc. ở đâu cũng vậy, khi công chúng quay lưng lại với nghệ thuật, thì những người làm nghề là người trước tiên có lỗi.
*
Phong trào Thơ mới là một hiện tượng bồng bột và chói sáng trong đời sống văn hoá dân tộc thế kỷ XX. Điều kỳ lạ là ở chỗ nếu đo đếm cho kỹ thì cái ấn tượng rực rỡ mà phong rrào đó đem lại chỉ xuất phát từ một mặt bằng thơ khá hạn hẹp. Trong hơn chục năm, số lượng những tập thơ được in ra chỉ độ vài ba chục gì đấy (Riêng NXB Đời nay của nhóm Tự Lực văn đoàn suốt trong thời gian tồn tại của mình chỉ in có 8 tập). Báo chí cũng không mấy mặn mà với thơ, mỗi số Phong hoá hay Ngày nay chỉ in có vài ba bài. Lạ một điều phần lớn loại bài họ đã in còn lại với lịch sử văn học.
Trong khi đó nếu nhìn lại thời kỳ trước 1932, người ta sẽ nhận ra một sự tương phản. Trên tờ tạp chí Nam Phong mỗi tháng thơ in theo kiểu nối đuôi nhau (gọi chung là Văn Uyển) có số lên tới vài chục bài. Song nếu để Tản Đà sang một bên, chỉ xét đại trà thì, có khi hàng năm trôi qua, không một bài nào về sau còn được tìm đọc.
Kết luận rút ra: hình như văn chương cũng giống mùa màng, cũng có thời vụ của nó. Có thời của sự gặt và hái có thời của việc đánh luống, gieo mạ. Bởi biết người ta không ai chọn được thời mà sống, nên tôi cũng tự bảo mình là không nên sốt ruột. Trăm năm là ngắn một ngày dài ghê - mọi chuyện đều có tính cách tương đối. Chỉ khổ một nỗi cách cảm nghĩ của một người lớn lên trong thời buổi khó khăn không phải mỗi lúc rũ bỏ ngay được. Chẳng hạn thấy một quyển sách giấy trắng mực đen in đẹp bìa trình bày sang trọng, những quyển sách ngon lành như trái chín, mà bên trong văn chương lại cẩu thả xoàng xĩnh, tự nhiên cứ thấy cảm cảnh và đôi khi không khỏi bực bội.
SỐ TRUY CẬP đang online