TRÊN ĐƯỜNG TÌM TỚI MỘT CÁCH HIÊU ĐÚNG ĐẮN VỀ GIỚI VĂN NGHỆ

“Bữa ăn có Phúc, thú vị hẳn lên. Phúc kể chuyện khéo, ông biết nhiều giai thoại ngộ nghĩnh của giới văn nghệ. Trong một bữa ăn phong lưu, thật chẳng có món gì gia giảm hợp vị hơn là món ấy. Giới này, theo con mắt của các vị công chức cùng sở với ông Thiều là bọn người lông bông, đầu óc rặt những tư tưởng rối ren”.
Không biết trong bụng, Nguyễn Huy Thiệp có nghĩ thế không (phần Không chắc nhiều hơn) nhưng mấy năm trước, hồi viết Huyền thoại phố phường, trong một đoạn nói tạt ngang men theo suy nghĩ của nhân vật, anh đã buông một câu lửng lơ về giới văn nghệ như vậy. Và tôi đoán là nhiều người - ở những cương vị khác nhau và thuộc nhiều ngành khác nhau - đã đọc câu ấy mà không lấy gì làm ngạc nhiên. Dù chưa có dịp nói ra, song, trong tâm trí họ, giới văn nghệ được hiểu như thế là phải:
Văn nghệ, ấy là một giới chỉ đáng cho người ta mang ra đàm tiếu trong những lúc ngồi bên bàn tiệc!
Người làm văn nghệ, ấy là những con người lêu lổng, lười biếng, lại hay sinh sự, đáng phải cảnh giác!
Nói mãi thành quen, những hư truyền như vậy (mượn một cặp tiếng Việt nay đã ít dùng ), trở thành những tục truyền. Thậm chí chính những người làm văn nghệ cũng tự đấm ngực nhận tội và dành cho mình và đồng nghiệp của mình những lời lẽ không lấy gì làm tốt đẹp. Trong những đợt sinh hoạt nội bộ, đôi khi người ta nói như phát khùng. Và ngay trong nhiều truyện ngắn truyện vừa của cả những cây bút tên tuổi, các nhân vật làm văn nghệ (nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ) thường vẫn hiện lên như những con người ngông nghênh, láo lếu, đặc biệt là rất ích kỷ, thường chỉ lo đua đòi hưởng thụ.
Có lẽ thói quen chả có gì là hay ho này bắt nguồn từ đạo đức phong kiến chăng, cái quan niệm phong kiến nhìn người nhà văn nghệ nói chung là một thứ xướng ca vô loài, nên chi, một nhà nho như Trần Tế Xương, khi trình diện mình như một người làm văn nghệ (tự gọi là Tú Xương) cũng tự vẽ ra hình ảnh mình theo phong cách biếm hoạ.
Những là :
Vị Xuyên có Tú Xương
Dở dở lại ương ương
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường
Rồi lại là:
Lúc túng toan lên bán cả trời
Trời rằng thằng bé nó hay chơi
Cho hay công nợ âu là thế
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời
Nhưng đấy chính là ví dụ về một truyền thống lỗi thời, cần phải vứt bỏ. Thay vào đấy, giới văn nghệ cần được thông cảm bằng những cách xem xét khác.
Phàm đã làm cha làm mẹ, người ta đều biết sự dễ bảo ở trẻ không phải bao giờ cũng là một đức tính đáng khen và sự ương bướng chưa chắc là điều đáng chê trách. Vậy phải tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xem xét. Một sự cẩn trọng như thế lại càng cần thiết nếu chúng ta muốn hiểu đúng con người các nhà nghệ sĩ. Trong thực tế, cái gọi là sự ương bướng, bất trị (nguồn gốc của những tư tưởng rối ren mà trên kia, nhân vật Phúc của Nguyễn Huy Thiệp nói) nhiều khi là cách gọi khác đi của sự tự trọng, nhu cầu sống và viết theo lương tâm mình, không vì bất cứ cái gì mà uốn cong ngòi bút. Người làm văn nghệ có được cái cốt cách cao quý ấy lẽ ra phải được kính nể. Còn như những thói xấu lặt vặt khác, nông nổi ư, hay ghen tụi nhau ư, toàn những chuyện thường tình. Lại như thích phô trương, thích nổi, có thói xấu nào phổ biến hơn và đáng tha thứ hơn?
Tuy không dám nói chắc là tốt hơn người, nhưng giới văn nghệ - nhìn chung cả giới - cũng không có gì xấu hơn người đời.
Huống chi, bên cạnh những thói xấu ấy những văn nghệ sĩ chân chính thường khi là những người chăm chỉ miệt mài khổ công tập luyện, hết lòng vì công việc. Do lòng yêu nghề, có những người trong họ sẵn sàng hy sinh tất cả, từ những niềm vui riêng tư đến danh vị, chức tước, miễn sao đạt tới những đỉnh cao nghệ thuật mà họ ao ước.
Cho đến nay, lao động nghệ thuật nói chung, lao động của các nhà văn nói riêng còn đang là một bí mật mà khoa học cần phải dày công khai phá.
Sở dĩ tôi muốn dừng lại kỹ hơn ở giới viết văn vì trong văn nghệ nói chung, nghề nghiệp của những người cầm bút lại chịu nhiều thành kiến hơn hết.
Câu chuyện sau đây của một người bạn làm chứng cho điều đó.
Số là, cũng như số đông anh em làm nghề văn nghệ khác, anh bạn này công tác ở một địa phương. Điều làm anh sửng sốt là các nhà chức trách ở địa phương có một lối đối xử phân biệt rất lạ. Tức là các hoạ sĩ, nhạc sĩ thì được các vị ưu ái, nói gì cũng nghe, xin gì cũng cho. Riêng giới viết văn, lại bị rẻ rúng. điều tra thăm dò mãi, sau mới vỡ lẽ: Do ngồi vào pi-a-nô không biết đàn, cầm bút vẽ, không phác ra hình dáng gì, nên các vị còn coi những người làm các công việc ấy là có nghề. Chứ thơ văn ấy ư, các vị cũng làm được! Mà thơ lại hay nữa! Đưa thơ của các vị ra cho các cô ở văn công địa phương đọc, nghe cũng véo von lắm, mà người nghe thì vỗ tay rào rào. Sự đối xử của các vị là có tính toán kỹ càng cả đấy chứ (!)
Đâu là lý do khiến cho một cách hiểu thô thiển như thế có đất sống và tồn tại khá dai dẳng?
Một là, so phương tiện để sáng tạo trong văn học là ngôn ngữ, thứ ngôn ngữ này do ngôn ngữ đời thường được tinh lọc mà thành. Khi chưa hiểu rằng giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ văn học có sự khác nhau, như sự khác nhau giữa đá và ngọc, lại không có ý niệm gì về các nguyên lý kết cấu văn bản, xây dựng hình tượng…., ai người nông nổi một chút dễ nảy sinh ảo tưởng cho rằng nếu muốn là mình có thể sáng tác văn học ngay được.
Hai là, bấy lâu công việc viết văn lại thường được xem là một công tác hơn là một nghề nghiệp. Gọi là công tác tức là phần nhiệt tình là chính, ai lập trường vững và có năng khiếu một chút là làm được. Người viết văn được xếp gọn trong hệ thống hành chính, theo thâm niên mà lên lương và hưởng bổng lộc. Khi trao đổi về sáng tác, sự chú ý của mọi người trước tiên hướng vào nội dung tư tưởng, còn các vấn đề nghề nghiệp ít khi được bàn bạc một cách thấu đáo.
Một thời gian dài, quá trình văn học ở nước ta gần như đứng tách riêng ra, rất ít liên hệ với quá trình văn học chung của thế giới. Kỹ thuật sáng tác thì lạc hậu, đôi khi là thuần thục ngay trong sự lạc hậu của mình. Vậy lại là những lý do thêm vào khiến cho công việc viết văn bị hiểu tầm thường đi. Chuyện lao động nghệ thuật chưa bao giờ được xem xét một cách chu đáo, công phu, mà thường chỉ được kể lại qua những giai thoại ngồ ngộ, vui vui, rồi truyền đi theo lối tam sao thất bản.
Đã đến lúc sự đơn giản, sơ lược ấy cần được khắc phục. Quá trình dân chủ hoá đời sống tinh thần hiện nay mở ra khả năng để dư luận có thể hiểu kỹ thêm và nhất là hiểu đúng hơn cả vai trò sứ mệnh của văn chương lẫn những đặc điểm của nó, về mặt nghề nghiệp. Những nhà văn xuất sắc ở ta cần được giới thiệu không chỉ như những người có nhiệt tình công dân cao, có khả năng gắn bó với thực tế đời sống chặt chẽ, mà còn là những người có tay nghề vững vàng, biết lao động trong văn chương một cách có kỹ thuật và sáng tạo. Nhiều người trong họ đã viết nên những trang lịch sử nghề văn khá sinh động trong mấy chục năm qua.
SỐ TRUY CẬP đang online