. “ÔNG TA KHÔNG BIẾT BAY!”

(Hay là câu chuyện chống vụ lợi và nguỵ biện trong việc khai thác văn học quá khứ)
ở đâu không biết chứ trong văn học nghệ thuật, cái cũ luôn luôn có giá của nó. Chả thế mà mấy năm nay trong khi đi tìm lối thoát cho công nghiệp điện ảnh, các nhà làm phim đua nhau khai thác các cốt truyện sẵn có trong văn hoá dân gian và cổ điển. Sau Thằng Bờm người xem lại được gặp gần như đồng thời cả Thằng Cuội lẫn Trạng, gần đây lại có thêm Đêm hội Long Trì. Bên giới xuất bản, việc in lại sách cũ cũng nô nức như ngày hội: Một ví dụ dễ thấy là việc xuất hiện trở lại các tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn. Nó gợi cho chúng ta hình ảnh một cây tre hôm qua bị vít chặt bao nhiêu, hôm nay bật lên mạnh bấy nhiêu, lôi tuột cả những người đứng vít nó lên theo. ý chúng tôi muốn nhớ tới mấy nhà giáo kiêm nhà phê bình văn học nổi tiếng, thuở hàn vi từng lập nghiệp bằng nhiều sự kiên quyết, trong đó có kiên quyết và triệt để phê phán Tự Lực văn đoàn, nay lại trang rọng viết những lời giới thiệu cho một số tiểu thuyết của văn đoàn ấy mới được in lại. Quan điểm của các ông đã thay đổi các ông cần trình ra cho được sự thay đổi đó trước mọi người hay đây chỉ đơn giản là đòi hỏi của cuộc mưu sinh (và cả sự kiên quyết hôm qua thật ra cũng là một cách mưu sinh mà thôi), chúng tôi không rõ. Chỉ biết cuối cùng các giáo sư đã vui lòng đứng tên bên cạnh Nhất Linh, Khái Hưng, âu cũng là vinh dự cho các nhà văn đó rồi!
Cũng trên phương diện trả lại ý nghĩa cho các giá trị chân chính trong quá khứ, lại đã thấy có những việc nghiêm túc hơn và đòi hỏi công phu hơn cũng được tiến hành. Khi cầm trên tay những Thầy Lazarô Phiền hay Hoan châu ký (tiểu thuyết cổ do Trần Nghĩa khảo đính và giới thiệu) người đọc hoàn toàn hiểu rằng trong việc “phục chế” các thứ đồ cổ quý giá này không thể có chuyện chạy theo mốt hay kiếm chút tiền bạc. Phải có một tâm tình sâu sắc như thế nào với di sản văn học dân tộc người ta mới quyết tâm làm việc đó giữa lúc văn hoá đại chúng tràn ngập như thế này.
ở đây chưa nói tới khâu kỹ thuật tức là phải tổ chức khai thác cho chu đáo, phải có vốn đầu tư ra sao để làm cho đàng hoàng và người làm khoa học cũng yên tâm với công việc của mình. ở đây chúng tôi chỉ lưu ý một vấn đề tưởng như đã cũ mà vẫn phải dè chừng: ấy là câu chuyện công bằng. Nếu không có một cách nhìn thông thoáng chúng ta dễ rơi vào tình trạng chủ quan, hẹp hòi chỉ khai thác những gì có lợi cho ngày hôm nay, rồi lại giở mọi lý lẽ để chứng minh rằng việc mình làm là phải, rút cục làm nghèo di sản dân tộc đi một cách đáng sợ, như hôm qua chúng ta đã mắc phải.
Những ý nghĩ đó đã đến với tôi khi tình cờ có dịp cầm trên tay cuốn Người trí thức Việt Nam qua các chặng đường lịch sử của Vũ Khiêu do NXB T.P. Hồ Chí Minh cho in 1987.
ở trang 181 bắt sang trang 182 nhân viết về Nguyễn Khuyến, GS. Khiêu viết: “Bao nhiêu người đã để lại những thơ văn còn nhiều hơn ông (chỉ Nguyễn Khuyến – V.T.N.) nữa. Trên ba ngàn bài thơ của vua Tự Đức còn giữ lại trong thư viện Khoa học Trung ương đã mấy ai đến đọc bao giờ! Nhưng thơ ông (vẫn Nguyễn Khuyến – V.T.N) thì khác (...) bao người đã chép thơ ông, bình thơ ông, thuộc thơ ông”.
Đọc đến đoạn này chúng tôi không khỏi giật mình. Suốt thời học phổ thông và đại học (sư phạm văn) chưa bao giờ bọn tôi được nghe nói là Tự Đức có nhiều thơ thế. Chưa thầy nào giảng, chưa sách nào giới thiệu. Đã có ai phiên âm và nhà xuất bản nào cho in ra đâu để chúng tôi có sách mà đọc? Vả chăng giá có biết chữ Hán hoặc chữ nôm nữa, thì ở Hà Nội trước 1975, cũng phải qua khâu làm giấy giới thiệu, khâu duyệt rất phiền hà mới được đọc. Vì đây là sáng tác của một vị vua vẫn được xem như có tội với nhân dân, với đất nước cơ mà! Canh giữ sáng tác của Tự Đức cẩn mật như vậy, sau đó lại chê thơ ông không được ai tìm đọc thì dễ quá rồi còn gì. Về mặt phổ biến, chắc chắn là sáng tác của Tự Đức không thể so với bất kỳ nhà thơ hạng nhì hạng ba nào của ta bây giờ, nói chi đến Nguyễn Khuyến. Mượn cách nói của Nguyễn Minh Châu, có thể bảo loại như Tự Đức sau khi bị trói liền được chúng ta mang ra giảng giải với bạn đọc rằng ông ta không biết bay! Sức mấy mà Tự Đức cãi lại nổi!
Cuốn sách của GS Khiêu in ra 1987 và bài viết về Nguyễn Khuyến còn được viết từ một vài năm trước nữa. Có thể hôm nay hiện tượng Tự Đức đã được GS hiểu khác. Nhắc lại mấy câu so sánh ở đây, tôi chỉ muốn lưu ý: Có nhiều khi chúng ta đã vô lý đến kỳ cục mà chúng ta không biết. Có thể một dịp nào đó người viết bài này cũng đã “hạ” một câu tương tự về một hiện tượng tương tự. Vấn đề bây giờ là chúng ta cùng phải tìm cách dứt khoát giã từ với cái quá khứ lỗi lầm ấy. Để cho những giá trị có thật tự nó sẽ bay lên.
SỐ TRUY CẬP đang online