CÒN PHẢI TÍNH TỚI BẠN ĐỌC NỮA CHỨ!

Ai người từng để mắt tới việc làm vườn đều biết rằng trồng trọt là một quá trình lựa chọn không bao giờ ngừng. Có được giống tốt chưa đủ. Sau khi gieo hạt, thường không mấy khi người ta mang đi trồng mọi cây con nẩy mầm mà chỉ chọn ra những cây khoẻ nhất. Những cây mọc khoẻ, lại chấm xem cây nào cho quá nhiều quả ngon, để kỳ sau nhân giống. Vấn đề không phải chỉ là loại trừ cỏ dại, mà là giữa những cây cùng loại, cũng phải có sự chọn lọc, để những gì kém cỏi bị hạn chế đi đến loại bỏ. Nếu hỗn độn là bản chất tự phát của tự nhiên thì lựa chọn tức là mang lại một trật tự và giúp cho thiên nhiên phát triển ngày một hợp lý.
Khi hướng vào những công việc của con người, mọi sự lựa chọn lại càng cần duy trì theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Không phải bất cứ cái gì do con người làm ra đều là đáng quý. Việc gạt bỏ những sản phẩm xấu, hỏng, thoạt nhìn có vẻ tàn nhẫn, song thật ra lại là một việc vô cùng nhân hậu, nó khiến cho hoạt động của con người có được kết quả tối ưu, và đẩy tới sự tiến hoá của xã hội. Người đứng ra lựa chọn phải có kiến thức, đồng thời lại phải có sự tinh tế biết người biết của, hơn nữa, có sự dũng cảm, dám chịu trách nhiệm. Nói như một câu trong Truyện Kiều:
“Thân tàn gạn đục khơi trong
Là nhờ quân tử khác lòng người ta”
Cần nói dài dòng như trên về sự lựa chọn, bởi lẽ, trong một phương diện của đời sống xã hội hiện nay là các hoạt động văn học, người ta bắt gặp một sự hỗn độn không thể chấp nhận.
Như chúng tôi đã lưu ý nhiều lần (qua các bài viết trong mục Sổ tay hàng tháng) nay là lúc các sáng tác đang bung ra về số lượng, mà cơ chế lựa chọn thì không theo kịp. Sự đánh giá giới thiệu trên báo chí thiếu độ tin cậy cần thiết. Những cuốn sách gọi là tuyển truyện hay tuyển thơ hay thường xuyên in ra, nhưng thường được biên soạn dễ dãi, tuỳ tiện. Định hướng vào cái đời sống sáng tác đang vận động hàng ngày, các giải thưởng nhiều hơn bao giờ hết, nhưng hình như cũng nhàm chán hơn bao giờ hết. Và trước tiên, sự hỗn độn được bổ sung đều đều, bằng việc cấp giấy khai sinh cho những cuốn sách kém cỏi, ở đó, người làm biên tập chối bỏ công việc của mình, chỉ cốt có thêm đầu sách, còn chất lượng chuyên môn thế nào không cần biết. Tình trạng nghiêm trọng đến mức dư luận nhiều phen lên tiếng, chẳng hạn gần đây cả báo Đầu tư cũng kêu về sự loạn thơ, còn báo Văn Nghệ đã đăng thư bạn đọc than phiền rằng quá nhiều tập thơ lá cải! Trước mắt chúng ta, không phải là “mảnh vườn xưa hoang vắng” mà là một mảnh vườn tốt um lên nhưng chẳng ra hàng ra lối gì cả, dây leo chất chồng, cây cho quả ngọt bị cây cho quả chua lấn át.
*
Nhìn vào thực trạng nói trên, trong khi một số người lo lắng, thì một số người lại gật gù tán thưởng. Họ có cả một lô những lý luận bảo vệ cho sự hỗn độn nói trên, trong đó, có thể quy lại như sau:
Một là, phải có bình đẳng trong sáng tạo. Mọi sự sáng tạo đều có quyền được trình diện.
Hai là, sự lựa chọn nào cũng có thể rơi vào sai sót, vậy thì băn khoăn lọc lựa làm gì, hãy cứ ném ra, rồi tuỳ bạn đọc.
Quyền bình đẳng đúng là một cái gì thiêng liêng, không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng cái quyền đó chỉ dành cho những sáng tạo thực sự. Nói cách khác, ở đây phải có những cái chuẩn, cái ngưỡng tối thiếu. Một thiên truyện viết bôi bác, cốt truyện chắp vá lung tung, câu cú sai ngữ pháp, đọc vào chẳng thấy toát lên một ý tưởng nào rõ rệt, hoặc một bài thơ hình thành theo lối ghép vần, lắp lại những điều nhàm chán, không có quyền nhận là những sản phẩm mang ý nghĩa sáng tạo. Nó có thể được làm ra để chép trong sổ tay “tác giả”, hoặc vài người bạn, nhưng nhân bản lên, làm thành sách, cho bày bán ở các hiệu sách, tức là muốn được xã hội hoá rộng rãi, thì phải bị hạn chế và những người giúp cho nó xuất biện, phải bị phê phán. Việc tước bỏ quyền tồn tại của những “tác phẩm” tiên thiên bất túc, bất thành nhân dạng chẳng khác gì nhổ bớt trong vườn các cây cho quả chua quả lép, nó là điều phù hợp với lương tri tối thiểu của con người, không thể coi là bất công, tàn nhẫn.
Đây đó, thỉnh thoảng các nhà văn học sử lại có dịp lôi ra những hồ đồ của một số nhà xuất bản trong việc đánh giá một số kiệt tác (Umberto Eco đã chế giễu chuyện này, trong bài phiếm luận mang tên “Chúng tôi lấy làm tiếc là không thể xuất bản tác phẩm của ông”, in trên tạp chí Văn học nước ngoài số 1.1997). Một số người đã chộp lấy những chuyện tương tự như thế này để nói rằng thôi thôi, tốt hơn hết là chẳng lựa chọn hay dở gì nữa, cứ cho in tuốt. Song một công việc nghiêm túc như định giá và cho phép một cuốn sách “xuất xưởng” không thể dễ dàng bị sổ toẹt như vậy. Đúng là nhiều cuốn lịch sử văn học Pháp gần đây còn ghi lại một sự thực: Khi viết xong Đi tìm thời gian đã mất, M. Proust gửi cho mấy nhà xuất bản và đều bị từ chối. Nhưng không phải là toàn bộ giới xuất bản bấy giờ đáng đánh đòn cả, lý do đơn giản là, cuối cùng, tác phẩm ấy của Proust vẫn được một nhà xuất bản lớn đương thời là nhà Grasset cho in. Từng sự lựa chọn chỗ này chỗ khác có thể sai lầm, nhưng toàn bộ công việc lựa chọn, định giá, vẫn là cần thiết.
*
ảo tưởng không phải là độc quyền của riêng ai. Sau cơn hứng khởi làm ra một vật phẩm mới, xúc động đầy mình, người cầm bút nào cũng sung sướng và muốn nhân những gì mình vừa viết ra thành nhiều bản, muốn gửi nó tới tay mọi người trong bàn dân thiên hạ. Thế nhưng tôi tin là một người bình thường, có lương tri lành mạnh, khi bình tĩnh lại, được người khác chỉ ra chỗ yếu thực sự trong “tác phẩm” của mình một cách có lý có tình, sẽ dễ dàng tỉnh ngộ và chấp nhận rút lui, kể cả rút lui cái lý luận “ai cũng có quyền sáng tạo”. Điều đáng quan ngại hơn là đôi khi, những lập luận nói trên lại bắt đầu từ một thái độ không nghiêm túc, trở thành trò đùa của một số cây bút tạm gọi là lâu năm trong nghề. Trước tình trạng khó khăn của sáng tác, trong thâm tâm tự cảm thấy bất lực, không vượt lên nổi, người ta liền tìm cách “chung sống” với nó. Nguỵ biện để thích nghi. Lấy số lượng để thay cho chất lượng. Và phỉnh nịnh đồng nghiệp để cùng tạo nên niềm tin giả tạo. Múa may một lúc với thứ lý luận đó, cũng thấy hay hay, tự mình bị mê hoặc bởi lời lẽ của mình, thế là lại tiếp tục đùa bỡn nữa. Có biết đâu, dù động cơ thế nào không biết, song một khi đã cổ động cho sự hỗn độn tự phát, người ta chỉ tự tố cáo là đã mất hết lòng tin tối thiểu vào công việc của mình, cũng như ngăn cản người khác tin rằng, bằng lý tính cần thiết, từng con người cũng như toàn bộ xã hội có thể đi dần tới sự hoàn thiện.
*
Còn một “điểm đối chiếu”nữa mà sau hết, mọi câu chuyện văn chương phải tính tới, đó là bạn đọc. Hoạt động trong trăm ngàn lĩnh vực khác nhau của đời sống, những người bình thường đâu có thì giờ tự lựa lấy sách. Họ phải trông chờ một phần vào sự gợi ý của giới chuyên môn. Trong việc mua bán những đồ lặt vặt hàng ngày không ít phen họ đã phải chịu đựng cái cảnh hàng tốt không có, lật đi lật lại chỉ có mấy thứ hàng xấu hàng hỏng, còn đám người bán thì ồn ào bên cạnh, anh này làm cò mồi cho chị kia, càng lắm thầy dùi thì người mua càng rối ruột, không biết đằng nào mà lần. Trong cái việc một số cây bút tháo khoán cho nhau in sách (cứ có tiền là được in!) rồi xúm vào tâng bốc nhau, người ta không khỏi cảm thấy thấp thoáng không khí chợ trời nói trên. Lúc bấy giờ, liệu văn chương có còn đáng được gọi là một lĩnh vực cao đẹp trong đời sống tinh thần như chúng ta hằng mong muốn?
SỐ TRUY CẬP đang online