AI BIẾT HỎI AI...

(Hay là sự thiếu vắng của dư luận trong sinh hoạt
văn học hiện nay)


- Bạn đọc sẽ trông vào đâu để chọn sách đọc và khi cần, mua sách?
- Các nhà văn sẽ trông vào đâu để đánh giá đúng thực chất công việc của mình và tự hoàn thiện ngòi bút ?
Những câu hỏi đó, chỉ được trả lời, khi xã hội hình thành được một dư luận lành mạnh.
Nhưng có phải ai cũng sốt ruột và cảm thấy cần có một dư luận như thế? Chưa chắc...
Từ những quyển sách rơi vào im lặng.
Nguyễn Khải vốn là một trong những ngòi bút năng động bậc nhất của nền văn học chúng ta. Sau mấy chiến tích vang dội một thời (Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người), từ sau 1986 ông lại chứng tỏ sức sống của mình bằng sự đột phá vào các đề tài trước mắt trong hàng loạt truyện ngắn mới in báo. Chỉ riêng năm 1993, các truyện ngắn gần đây của Nguyễn Khải được tập hợp lại trong hai cuốn Một thời gió bụi, Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu. Thế nhưng điểm mặt các tờ báo lớn mấy năm gần đây người ta thấy: trong khi Nguyễn Khải thường được các phóng viên săn đón phỏng vấn, thì chính các tác phẩm trên hầu như không có tờ báo nào nhắc tới, chứ đừng nói là đặt chúng trong cái mạch sáng tác của tác giả, để từ đó rút ra những điều khái quát liên quan đến đời sống văn học nói chung.
Nhưng Nguyễn Khải không phải là người duy nhất được dư luận trên mặt báo đối xử theo kiểu như vậy. Hầu như đến nay, Lê Lựu vẫn chỉ được biết tới như tác giả Thời xa vắng in ra lần đầu năm 1986, mặc dù từ đó đến nay nhà văn này đã có thêm nhiều cuốn tiểu thuyết khác: Đại tá không biết đùa, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông. Những bước đi gần đây của Ma Văn Kháng trong Heo may gió lộng, Ngày đẹp trời và gần đây nhất, trong Trăng soi sân nhỏ hoặc những bước đi của Phan Thị Vàng Anh trong Khi người ta trẻ và Hội chợ chưa được quan tâm thích đáng (mặc dù Vàng Anh cũng thường được phỏng vấn chẳng kém Nguyễn Khải). Một tình trạng tương tự như vậy, cũng thấy khá rõ ở thơ. Trong năm 1994, cùng lúc cả Bóng chữ của Lê Đạt lẫn Cổng tỉnh của Trần Dần được in ra. Nhưng mỗi cuốn, một số phận riêng: Một bên, Bóng chữ được chào đón, được phân tích, được phê phán, nói chung được đề cập tới trong khoảng chục bài phê bình trên các loại báo (và nười ta bảo rằng lâu lắm mới có một tập thơ thu hút được sự chú ý đến vậy, mà chỉ là do những vấn đề nghệ thuật nó đặt ra, chứ không phải do chuyện tư tưởng tức cái ý nghĩa xã hội mà độc giả tìm thấy ở nó). Còn bên kia, Cổng tỉnh thì đến nay đâu mới có một hai bài điểm sách nhận xét qua loa. Thế có nghĩa là so với Bóng chữ thì Cổng tỉnh yếu ớt, kém cỏi, không ai đọc? Không đúng. Nhiều người trong giới vẫn bảo nhau, rằng thật ra đây là một tập thơ khá chững chạc và mừng cho Trần Dần là vẫn giữ được ngòi bút có phong cốt cứng cáp. Một cán bộ của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, nơi in cả hai tập thơ trên của Trần Dần và Lê Đạt còn cả quyết rằng thật ra so với Bóng chữ, Cổng tỉnh là có chất hơn và mang tâm huyết của tác giả rõ hơn. Nhưng cái dư luận miệng ấy chưa được phản ánh lên mặt báo, và người ta vẫn có quyền bảo tập thơ của Trần Dần chìm đi trong cái năm nó được xuất bản.
Những bước thăng trầm
Cũng như mỗi con người, mỗi tác phẩm văn chương vốn có một số phận riêng. Khi đến tay bạn đọc, tác phẩm sinh động là tác phẩm mời gọi người ta đối thoại buộc người ta phải lên tiếng, khen và chê, chấp nhận và phản đối.
Một cách tự phát, các ý kiến chung quanh một tác phẩm cứ thế hình thành.
Nhưng đến xã hội hiện đại, khi mà mọi hoạt động được phân công rõ rệt, để được chuyên môn hoá cao độ, thì xuất hiện hẳn một loại người lấy việc đo đếm bình giá, nhận xét văn chương làm nghề nghiệp. Trong những trường hợp lý tưởng nhận xét của họ vừa xuất phát từ kinh nghiệm riêng, vừa thu góp được phản ứng của công chúng. Thay cho những ý kiến tự phát ban đầu, nay là lúc một cái gì tự giác đã xuất hiện.
Và đó chính là dư luận.
Không nói đâu xa, xã hội ta mấy chục năm gần đây, vượt lên trên khó khăn về kinh tế, vượt lên trên cả bom đạn chiến tranh nữa, các sáng tác văn học vẫn ra đời, và các ý kiến đánh giá vẫn được đăng tải đều đều trên mặt báo, khiến người ta cảm thấy có một dư luận tồn tại. Trong sự ổn định của nó, dư luận ấy là một thứ đồng hồ đo tốc độ chiếc xe đang chạy, một tấm kính phản ánh đời sống văn học biến động hàng ngày (còn chính xác đến đâu lại là chuyện khác).
Song dăm bảy năm gần đây, lại thấy xảy ra một tình trạng lộn xộn, mà ai cũng kêu, nhưng không biết làm sao thay đổi: Sách in ra nhiều hơn bao giờ hết. Còn sự sàng lọc, tức là cơ chế đánh giá sơ bộ và giúp bạn đọc chọn sách thì hoạt động kém cỏi đến mức không có được hiệu quả đáng lẽ phải có. Đằng thằng mà nói thì trang phê bình của các báo vẫn còn và vẫn có bài viết về tác phẩm nọ tác phẩm kia. Có điều ở đó, người ta chỉ mới thấy phần nào sự phân biệt đúng sai, còn như chuyện hay dở - một yêu cầu cốt tử đối với một dư luận lành mạnh - thì lại chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, mới có hiện tượng mọi người khen chê nhau lung tung vô tội vạ, và trong khi không ít tác phẩm xoàng xĩnh được quảng cáo bằng đủ mọi cách khiến người ngoài nghề hoa cả mắt, thì những tác phẩm tương đối quan trọng lại để sót. ở một mức độ nào đó, có thể bảo dư luận đang trở lại giai đoạn tự phát, và việc thiếu vắng những cây bút phê bình có uy tín được cả người sáng tác lẫn công chung nể trọng chính là một trong những dấu hiệu của sự khủng hoảng mà chúng ta đang nói.
Chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi.
Không nên tuyệt đối hoá tính chính xác của dư luận.
Giống như người bắt cá ngay giữa dòng nước, các nhà phê bình chuyên nghiệp luôn luôn có thể sai. Và nhìn rộng ra, ngay cả đông đảo bạn đọc đôi khi cũng có thể sai, lúc thì họ quá rộng rãi với tác phẩm này, lúc khác lại quá khắt khe với tác phẩm kia, và sự thiên kiến là không thể tránh khỏi, sự hùa theo nhau lại càng phổ biến hơn. Thế nhưng với tất cả tính chất tương đối của nó, dư luận vẫn là một bộ phận không thể thiếu của đời sống tinh thần trong xã hội hiện đại. Vượt lên trên lối phê bình đao to búa lớn càn rỡ và những kiểu tâng bốc lẫn nhau đã quá lỗi thời, cái mà công chúng dang cần là một dư luận tốt, lành mạnh, hoạt động đều đặn và hợp lý. Một dư luận như thế không những là có ích cho bạn đọc, mà còn có ích cho người sáng tác, bởi nếu còn viết, thì các nhà văn chân chính vẫn còn khao khát mỗi ngày viết một khá hơn và cái chính họ chờ đợi không phải là những lời hoa mỹ nói bên chén rượu mà là những nhận xét có tình có lý có cân nhắc thận trọng. Còn như cứ duy trì tình trạng như hiện nay, thì có nhà văn đã nói với chúng tôi là họ bơ vơ, không biết mình đang viết thành công thất bại thực sự như thế nào để lo liệu làm ăn tiếp.
... Nhưng một sự nghiêm khắc với mình, và chờ đợi đối thoại để ngày một hoàn thiện như thế, đang là một thái độ hiếm hoi. Phổ biến hơn là một cái nhìn dửng dưng: ờ, phê bình có nhiễu, có rối rắm đến đâu đi nữa, thì nhà văn vẫn viết đều đặn, và bạn đọc vẫn tự chọn sách lấy để đọc, rồi ngồi tán gẫu với nhau, tóm lại là đời sống văn học vẫn vận động theo cái nhịp sôi động của nó, có gì mà phải làm ồn? Sau Một thời gió bụi, Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu, đến lượt Hà Nội trong mắt tôi của Nguyễn Khải được in ra, rồi một tập truyện ngắn chọn lọc của tác giả này mười năm qua cũng đang được chuẩn bị, thế là được rồi. Không có các bài phê bình ư? Bây giờ thì Nguyễn Khải còn cần đến ai lăng xê nữa? Và không có bài giới thiệu, nhưng để ý xem, vào thời điểm này các báo đang nháo lên chạy số Tết, mà người đầu tiên nhiều báo muốn đặt viết, sẽ là Nguyễn Khải, bên cạnh thơ Nguyễn Duy, thơ Thanh Thảo, truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh, thì truyện ngắn Nguyễn Khải sẽ là món đầu vị của nhiều số báo tết đang được bày biện, chẳng đã đủ vinh dự hay sao? Vâng, trong văn học hôm nay, dư luận vẫn tồn tại, nhưng là tồn tại theo kiểu như thế. Còn bao giờ nó thay đổi thì không ai biết.
SỐ TRUY CẬP đang online