Cơ chế và sự thích ứng

Nhìn lại những vất vả của một đời văn tài hoa như Tản Đà, trong một bài viết in trên Ngày nay cuối năm 1939, tức là sau khi Tản Đà mất mấy tháng - và sau này in lại trong tập Theo dòng - Thạch Lam tỏ ý than tiếc là “những tác phẩm của ông dễ không có quyển nào xuất bản tới ba lần”. ý Thạch Lam muốn nói giá sách được in nhiều, thì sinh thời, Tản Đà sẽ đỡ túng hơn. Bài viết kết lại ở cái ý: Mua sách, quý sách, đó là cách công hiệu nhất để nâng đỡ những tài năng thất vọng và khiến cho nền văn chương của nước nhà đến chỗ thịnh vượng và phong phú.
*
Thạch Lam nói thế có cái lý của ông. Theo một tin quảng cáo in trên Ngày nay, tới 1940, Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng đã in ra tới nghìn thứ 15 (lần xuất bản thứ 8). Cũng khoảng thời gian ấy, một cuốn tiểu thuyết luận để gây sôi nổi trong dư luận, là cuốn Đoạn tuyệt của Nhất Linh cũng được in khoảng năm sáu lần gì đó.
Mà quãng trước sau 1940, dân Việt Nam mới độ 25-30 triệu (thơ Tản Đà: Dân hai lăm triệu hai người lớn - Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con). Mà hồi đó số người không biết chữ còn đông lắm. Thành thử, việc Hồn bướm mơ tiên hay Đoạn tuyệt được in ra với số lượng như thế, đã là đạt đến con số lý tưởng. Từ chỗ đứng rất thuận lợi của mình và các đồng nghiệp, Thạch Lam có tỏ lòng ưu ái với Tản Đà, thì cũng là chuyện dễ hiểu.
*
Trong đời sống văn chương tiền chiến, Thạch Lam nổi tiếng là người kỹ tính và có yêu cầu cao về nghề nghiệp. Nhân câu chuyện của Thạch Lam với Tản Đà, chúng ta nhận ra một sự thực:
Cả những nhà văn nghiêm túc bậc nhất, và không chịu về hùa với dư luận thông thường, cũng rất coi trọng số lượng in ra của từng cuốn sách mình đã viết. Không gì khác, đó là cách tồn tại của anh ta, là điều kiện để anh trò chuyện với bạn đọc.
Số lượng trong trường hợp nói ở đây, chính là dấu hiệu của chất lượng.
Chính từ chỗ này, chúng tôi muốn trở lại với cái tình trạng mà nhiều người đã đề cập tới - tình trạng dân số cả nước lên tới trên 70 triệu và số người biết chữ đâu chiếm tới 70-80% vậy mà các sáng tác trong nước in ra lại chỉ quanh quẩn ở con số 1.000 hoặc dưới 1.000.
Dẫu sao, cũng phải công nhận đấy là tình trạng trớ trêu không nên có.
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là tình trạng trớ trêu ấy ngày mỗi trở thành một xu thế rõ rệt. Không ai biết làm thế nào để chống lại nó. Ngược lại, người ta chỉ có cách thích ứng với nó. Người làm biên tập xử lý bản thảo qua loa cho xong - sách in có một ngàn bản chứ có nhiều nhặn gì mà phải cẩn thận! Ngay các nhà văn nhiều người cũng đâm ra dễ dãi với chính mình. Chẳng nhẽ đi đòi người ta phải tăng bản in cho nhiều vào à? Mà đòi sao được! Âu là tiền nào của ấy, sách in ít, thu nhập ít, thì lao động bỏ ra càng ít càng tốt.
*
Cũng là quan tâm tới số lượng, nhưng thay cho bản in, một số nhà văn bây giờ chỉ biết lo sao có thêm đầu sách.
Và quang cảnh chung của giới sáng tác hiện ra, như một đám đi câu, nhiều người giật luôn tay, nhưng toàn là những thầu dầu, cá mương, với lại đòng đong cân cấn, mà những con chép, cá trôi, những con cá quả trĩu cần, thì chỉ còn là những ước mơ ngày một xa xôi!
*
Xét trên lý thuyết, thì cái giải pháp tuỳ nghi nói ở đây, có vẻ ngược hẳn với bản chất nghề văn:
- Là người cầm bút, sự tự trọng của anh để đâu?
- Lại nữa, có thể không ai khuyến khích anh, song chắc chắn, không ai phản đối, nếu anh ngồi chau chuốt tác phẩm cho thật kỹ lưỡng. Vậy anh hãy ngồi lỳ làm việc cho họ biết tay. Gái có công, chồng chẳng phụ - sau khi in ra lần đầu chỉ dăm trăm hoặc một ngàn bản, cuốn sách mang đầy tâm huyết và in dấu tài năng của anh sẽ biến rất nhanh khỏi các quầy hàng. Báo chí khen ngợi hết lời. Các đại lý tới tấp yêu cầu tái bản. Lúc ấy, các nhà xuất bản lại chẳng chạy bổ tới, mà dúi tiền vào tay anh xin cho in tiếp, tôi chớ kể!
Có điều, đó là những khả năng chỉ xảy ra trong lý thuyết. Trong thực tế loại nhà văn biết thâm canh, dám thâm canh, tính chuyện làm việc cho tương lai, loại đó đang còn quá hiếm. Và loại người viết không bị miếng cơm manh áo thúc bách, hơn nữa dù giàu có lên, vẫn cứ ham viết hay viết kỹ, loại đó càng hiếm. Vâng, tôi có thể an bần lạc đạo, thậm chí ngồi lỳ cân đo tính toán từng câu từng chữ, nhưng lúc nhìn lên trước mắt tôi biết bao đồng nghiệp xoàng xĩnh hơn, cẩu thả hơn, vẫn cứ ra sách tơi tới, rồi giải thưởng nọ giải thưởng kia - con gà tức nhau tiếng gáy, hỏi tôi bình tĩnh sao được! Cái sự kiên trì “không chịu uốn mình trước cơ chế làm ăn tuỳ tiện hiện thời” cần được sự khuyến khích thân tình của hoàn cảnh. Một khi sự khuyến khích như thế chưa có, việc khá nhiều người cầm bút phải tìm cách thích ứng, như chúng ta thấy, dù có đáng trách bao nhiêu, song suy cho cùng cũng là chuyện tự nhiên không thể tránh khỏi.
SỐ TRUY CẬP đang online