Quý hồ đa bất quý hồ tinh!

(Thử cắt nghĩa tại sao có hiện tượng tác phẩm in ra rất nhiều, nhưng lại ít cuốn đạt tới chất lượng cần thiết)
¬ “Chưa bao giờ sách xuất bản nhiều như bây giờ, những tác phẩm đua nhau ra đời như bướm nở ngày mùa, như chuồn chuồn vỡ tổ. Đáng phàn nàn về sự nhiều chăng? Không, văn chương chúng ta còn cần nhiều nữa, hàng ngàn, hàng vạn quyển, đủ để bày trong các thư viện, trong các tủ sách gia đình. Điều đáng phàn nàn là cái giá trị của những văn phẩm đó viết ra một cách vội vàng, một cách cẩu thả, một cách đáng khinh rẻ vô cùng”.
- “Lẽ đâu mà nước ta lại có lắm người viết tiểu thuyết đến thế?... Mà mỗi người cũng viết ra tới 30 - 40 cuốn. Họ có biết họ làm gì? Chưa chắc! Viết được một bộ tiểu thuyết hay thật khó. Hàng ngày thường có những người vì ít tội nhỏ mà phải tù phải vạ. Sao lại không có hình phạt dành cho một cuốn tiểu thuyết dở?”.
Mới đọc qua dễ tưởng những nhận xét ấy vừa được viết ráo mực vì chúng quá đúng với tình hình sáng tác văn học hôm nay. Nhưng không phải vậy. Câu thứ hai là của một người Pháp, ông này viết về tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX, nhà phê bình Thiếu Sơn lấy ra để minh hoạ cho một ý tưởng của mình trong cuốn Phê bình và cảo luận in từ năm sáu chục năm trước (1933). Còn câu trước là của Thạch Lam in trong tập Theo dòng (1941), khi dẫn giải ý. Thạch Lam còn nhắc lại một câu chua chát của A. Ghide:
“Nếu họ viết ít đi, ta sẽ thấy thích viết hơn”.
Hoá ra không phải chỉ ở thời ta đang sống, ở nước chúng ta, mà ở mọi nước vào mọi thời, trong văn học đều có hiện tượng làm hàng theo kiểu quý hồ đa bất quý hồ tinh. Và cuộc đấu tranh cho chất lượng luôn luôn là một cuộc đấu tranh tuyệt vọng.
Để chấp nhận nó, hay nói cho lạc quan hơn, để tạo thêm những cơ may trong cuộc đấu tranh với nó, chúng ta hãy thử lý giải hiện tượng lạ lùng này xem sao.
Đại khái có thẻ có ba lý do sau đây:
1. Trên phạm vi tổng quát: Trình độ văn học chưa phát triển, nhà văn chỉ làm được có thế.
2. Xét ở khâu phổ biến tác phẩm: Vì còn nhà xuất bản cho in, và nhất là vì còn có bạn đọc đọc họ.
3. Xét hẹp về tâm lý người viết: Sở dĩ một người viết chạy theo số lượng vì làm thế có lợi, còn làm khác thì sẽ thiệt.
Cách cắt nghĩa thứ nhất bao giờ cũng đúng nên lại có vẻ một thứ nói cho xong chuyện. Cách cắt nghĩa thứ hai có tính đến một khía cạnh tế nhị là trình độ bạn đọc, đúng hơn là sự dễ dãi của họ.
Còn cách cắt nghĩa thứ ba thoạt nhìn có vẻ như là chỉ biết đến đồng tiền, ấy là những chuyện lặt vặt, sao lại mang ra để nói về một lĩnh vực thiêng liêng như văn học? Làm như vậy là đánh giá thấp các nhà văn?... Nhưng theo chúng tôi hiểu, ở cái chỗ mà chúng ta thường bỏ qua đó, lại có nhiều khúc mắc, chính nó là một thứ đầu mối có liên quan đến chất lượng sáng tác.
Có một sự thực đơn giản hình như ai cũng biết, song lại vô tình hay cố ý không muốn nói ra, ấy là trong sự sáng tác, giữa một cuốn sách dở và một cuốn sách hay, công sức bỏ ra chênh nhau không biết đâu mà kể. Thường thường trong nền văn học nào cũng vậy, mỗi cây bút viết tàm tạm đọc được cũng là những người không khó khăn lắm nếu cần phải sản xuất đều đều thứ hàng tầm tầm của họ, bảo họ viết gấp ba gấp bốn cái mức đang có, họ cũng làm nổi. Chỉ khi bảo họ chau chuốt làm kỹ lấy một cuốn thật hay, vượt lên khỏi mức thông thường, thì họ mới thấy lúng túng. Trừ những người còn quá ảo tưởng về mình, số đông sẽ bó tay cam chịu. Việc phiêu lưu quá. Mất công thì rõ rồi. Nhưng chắc đâu mất công vậy mà đã nên cơm cháo gì? Cái hay là chuyện phi phỏng. Và khi tính sang chuyện thu nhập thì người ta càng nản. Vâng, cố đuổi theo chất lượng đôi khi chỉ được cái tiếng hão. Theo cách tính nhuận bút hiện nay giữa các sáng tác thuộc loại hàng xịn, hàng cao cấp, hàng thượng đẳng và loại kém, loàng xoàng, in tạm được, sự chênh lệch chả có là bao, cao lắm cũng chỉ một hai chục phần trăm. Ngồi tính một lúc ai cũng thấy ngay là ngồi viết mười cuốn tiểu thuyết dở chắc chắn vớ bẫm hơn đầu tư công sức cho một cuốn tiểu thuyết hay. Vả chăng cái hay lại dễ gây ra tai vạ. Vả chăng cái hay thường ban đầu khó chấp nhận, trong giới đã không dễ chịu nhau, chứ chưa nói tới bạn đọc thông thường vốn bận bịu với các công chuyện và các trò vui khác. Có đến cả trăm thứ vả chăng ấy nó níu kéo người ta, nó khiến cho trừ khi có sự thúc bách đặc biệt, còn ngoài ra không mấy ai tự làm phiền mình, ngồi kỳ cạch với thứ văn chương để đời đó cả.
Người Pháp từng nói tới cái thông lệ nỗ lực tối thiểu. Làm gì cũng vậy, khi chỉ có cùng một kết quả, cái nào ít vất và hơn nói chung sẽ được người ta ưa chuộng hơn. Bảo rằng các nhà văn cần vượt lên trên cái thông lệ ấy, là quá yêu và quá kỳ vọng ở họ. Tốt hơn hết là nên có cái nhìn thông cảm với lớp người cầm bút và gia đình họ để rồi có sự độ lượng với những tính toán của mỗi người khi ngồi trước trang giấy trắng. ở trên chúng ta đã nói rằng hiện tượng viết nhiều chạy theo số lượng thời nào và nước nào cũng có. Song, bên cạnh đó ở các nước ấy vẫn thấy có nhiều trường hợp các nhà văn dám bỏ ra cả chục năm để viết một cuốn sách, lúc mới tung ra dư luận chưa công nhận chỉ dám in có vài trăm bản, họ cũng cứ bỏ công làm. Tại sao?
ở đây ngoài sự ham muốn, ngoài những lý do thiêng liêng như nhu cầu tìm hiểu chân lý, khám phá sự thật và phiêu lưu vào những bí mật của nghệ thuật - tóm lại là những động cơ trong sáng của chúng ta hay nói - thì còn những lý do rất trần tục: Họ biết chắc rằng khi cuộc thí nghiệm thành công, sách sẽ in ra rộng rãi và với số tiền tác quyền rất lớn, họ sẽ đủ để sống đời. Mà ở ta cái sự bảo đảm ấy chưa có. Tóm lại nhà văn làm ăn lớn cứ tính theo cách của họ, còn chúng ta cứ làm ăn cò con theo cách của chúng ta. Sự phát triển của một nền văn học sẽ luôn luôn bị những tính toán nho nhỏ trong tâm lý các nhà văn chi phối. Phải mạnh dạn mà nói thằng với nhau như vậy! Còn nếu như cứ dấu biệt cái lý do thật ấy đi, viện ra toàn những cớ đâu đâu để giải thích chất lượng sáng tác, thì mọi chuyện sẽ mãi mãi dừng lại ở cái điểm chết như cũ, người ta cứ viết nhiều viết vội, và những tác phẩm tốt nếu có, chỉ là những ăn may ngoại lệ.
SỐ TRUY CẬP đang online