. Cái giá của sự sòng phẳng

Ngoài 50 tuổi, đã là Hội viên Hội Nhà văn VN từ năm 1980, bạn tôi, nhà thơ Anh Ngọc, vừa cùng lúc cho in hai tập thơ: Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi (thơ viết), và Độc thoại của Marylin Monroe (thơ dịch). Nhận được sách tặng, tôi hỏi ngay:
- Chi phí độ bao nhiêu?
- Tổng cộng bằng một chiếc xe Chaly.
- Thu hồi vốn bằng cách nào bây giờ?
- Gửi bán mỗi nơi một ít.
Rồi anh nói thêm:
- Tôi chỉ ước có một tờ báo nào cho quảng cáo, tức là cho phép tôi trả tiền thuê một ít “đất” trên báo để tin cho bạn đọc là có hai tập thơ như thế, giá bây nhiêu, bây nhiêu và nếu muốn mua xin mời đến số nhà... Nhưng ở ta chưa có tiền lệ, nên không báo nào nhận cả.
*
Câu hỏi đặt ra: Trong việc đưa thơ đến với bạn đọc, trường hợp Anh Ngọc nêu trên ở đây, có phải điển hình không?
Câu trả lời: cũng không hẳn. Theo chỗ tôi biết, các nhà thơ tạm gọi là chuyên nghiệp (Hội viên Hội Nhà văn VN ngành thơ) trước khi tính chuyện bỏ tiền in sách còn phân vân chán. Số người mạnh tay một lúc in hai tập càng ít. Về mức độ máu mê, chắc chắn họ không thể bằng hai loại người dưới đây:
Một là: những anh em đang tấp tểnh vào nghề, muốn có một tập thơ đầu tay để làm cái danh thiếp trong giao thiệp, hoặc có cớ xin vào hội này, hội nọ.
Hai là: các vị cán bộ nhà nước sắp về hưu, tâm sự đầy mình; hoặc các doanh nhân đã thành công trên thương trường muốn có thêm thơ để tự khẳng định một phương diện nữa trong con người tài năng ở mình.
Nhưng với hai loại này, thì việc bán thơ không đặt ra. Thường họ in để biếu, hoạ hoằn lắm mới gửi bán cho vui. Và trong khi để in 1.000 bản, thực tế họ chỉ in độ vài trăm là đủ.
*
Thế các thi sĩ (không thuộc hai loại người trên) làm thế nào để có thơ in? Vẫn có cách của họ.
So với các tiểu thuyết và các tập truyện ngắn thì các tập thơ có một ưu thế hơn hẳn: Chúng thường mỏng mảnh dăm chục trang hoặc cùng lắm, ngót nghét trăm trang. Với một xí nghiệp sản xuất hay buôn bán, bảo trợ cho một tập thơ như thế này không bao nhiêu, có khi chi phí chỉ bằng một đợt quảng cáo ngắn trên tivi.
Đây là điều cả các nhà thơ lẫn một số giám đốc đều biết rất rõ.
Thành thử đã hình thành một lối xuất bản như sau:
- Nhà thơ mang thơ đến nhờ xí nghiệp X, công ty Y tài trợ. Đôi khi trong sách hoặc ngay ngoài bìa 4, có ghi lời cảm ơn nồng nhiệt với cơ sở “Mạnh Thường Quân” đã chi tiền cho in.
- Sau khi in xong trừ số trả bản quyền cho tác giả, số còn lại xí nghiệp lấy làm phần thưởng cho các cuộc thi, làm tặng phẩm thi đua, hoặc phát không cho cán bộ công nhân viên đọc.
Lối xuất bản có tài trợ này khá phổ biến, tới mức cách làm như Anh Ngọc trong hai tập thơ mới in thuộc những trường hợp ngoại lệ, ít người có gan làm vậy.
*
Lý lẽ của Anh Ngọc trong việc không chạy cơ quan tài trợ:
- Tôi đã thấy không ít tập thơ được bảo trợ in, phát cho công nhân, họ không đọc, thậm chí đôi khi các xí nghiệp ấy không buồn phát cho ai nữa, in xong, xếp xó một chỗ chờ ngày bán cân. Tôi... tôi chỉ muốn thơ mình có người đọc, giá kể họ không đủ tiền, tôi sẵn sàng tặng, miễn họ yêu thơ thực lòng.
Tóm lại, nhà thơ chỉ muốn sòng phẳng.
Nhưng hãy xem, những người tự trọng đã phải trả giá như thế nào?
Chạy tiền để in đã khó. Nhưng một vài nhà thơ còn cho biết nông nỗi mang thơ đi gửi bán mới thật cơ cực. Ai chẳng biết bây giờ cửa hàng bán sách không thiếu. Giá kể có sách luyện thi, sách tin học, sách dạy ngoại ngữ, họ sẽ thầu ngay. Chứ thơ thì thù lao cũng mấy chục phần trăm đấy, nhưng sách mỏng, bán chậm, không mấy người muốn nhận.
Đến đận này thì nhiều người sòng phẳng thật ngấy đến tận cổ, và chúng ta mới hiểu tại sao nhà thơ Anh Ngọc lại ước ao có chỗ để quảng cáo!
*
Có người nghe chuyện này buông một câu lạnh lùng:
- Tại thơ không hay, nên mới đa sự. Hữu xạ tự nhiên hương, thơ hay thì không cần quảng cáo, bạn đọc cũng đổ đi tìm mua. Một khi thơ đã không hay, không ai muốn in, khong ai muốn mua, thì còn viết với xuất bản làm gì nữa cho nhọc!
Nhưng đấy là lý lẽ của người đứng ngoài, nhất là của những người trẻ, lớn lên vào thời của máy tính và tiếng Anh, nếu giỏi có thể xin làm việc ở các công ty nước ngoài.
Còn như khi người ta đã trên dưới 50, đã sống (đôi khi là vất vưởng, nhưng đôi khi là rất vinh quang) với nghề làm thơ một vài chục năm, làm sao có thể nghĩ như thế được.
Còn nước, còn tất, còn viết được họ còn cục cựa với niềm tin sâu xa rằng lịch sử văn học thực ra vận động bằng sự sống sót của những ảo tưởng.
Bạn đọc có quyền dửng dưng!
Nhưng các nhà thơ có quyền bám trụ!
Và chỉ cần một chút thân tình với thơ, người ta cũng phải nhận rằng việc đưa thơ đến với bạn đọc thật là gian lao và cái giá để trả cho sự sòng phẳng thật quá cao vậy.
SỐ TRUY CẬP đang online