BAO GIỜ CÓ MẶT HÀNG RIÊNG?

Những yêu cầu mà đông đảo bạn đọc đặt ra với một nhà văn được họ yêu mến thường khi phong phú tới mức tham lam và chắc chắn không thể thực hiện được. Đại khái, đó phải là một cây bút viết nhiều viết khoẻ, biết động chạm tới những lĩnh vực khác nhau của đời sống. Cây bút ấy không những phải viết hay mà còn phải dễ hiểu. Quyển sách của ông làm cho người ta say mê từ trang đầu, và sẽ để lại dư vị khá lâu sau khi gặp lại v.v...
Đã rõ ràng là những yêu cầu ấy không mấy ai đáp ứng nổi, nên gọi là kể ra cho vui.
Còn như một cái nhìn phải chăng đối với người viết văn - đấy cũng là những tiêu chuẩn thường được người trong nghề đặt ra để đo tính nhau - thì có phần đơn giản hơn. ở đây, người ta chỉ trông chờ ở mỗi đương sự một cái gì riêng, người khác không thay thế được. Món hàng độc ấy (độc đáo chứ không phải độc hại) có thể hiểu theo nhiều nghĩa.
Một đề tài được trở đi trở lại (như kiểu Tô Hoài với các loài vật, hoặc Kim Lân với các trò chọi gà, đánh vật).
Một loại nhân vật có đường nét riêng (như cái “tôi” tai ngược, khi mang tên Nguyễn, khi mang tên Bạch, của Nguyễn Tuân).
Một giọng văn riêng (như Hoàng Đạo Thuý với lối văn cộc lốc, rơi rớt từ thời Hoàng Tích Chu).
Rút gọn đi một bước nữa, một nhà văn sẽ dễ dàng được ghi nhận, nếu có lấy một tác phẩm được nhiều người cùng biết, kiểu như Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm, Lưu Trọng Lư với Tiếng Thu, Quang Dũng với Tây Tiến v.v...
Như vậy, trong cái nghề nóng lạnh thất thường này, công việc của mỗi người đã đành là phải ngồi vào bàn, là viết, là phục vụ. Song tất cả chỉ có ý nghĩa khi nhà văn biết mang lại cho trang sách một ánh sáng khác, và nhuộm cho nó một sắc thái chỉ ở anh ta mới có. Sự tìm ra chính mình, cái việc tưởng như chủ quan ấy, hoá ra lại có ý nghĩa khách quan. Đó không phải là làm điệu, làm dáng, mà chính là việc cần thiết. Không phải ngẫu nhiên, một số nhà văn có lối đặt tên sách theo kiểu nhấn mạnh vai trò bản thân: Tôi đọc, Người đi tìm mặt, Tôi vạch mặt tôi, Tôi lật con bài của tôi, Tôi thú nhận là tôi đã sống v.v...
Tuy vậy, có một sự thực hiển nhiên: ấy là chẳng có một cuốn cẩm nang nào dắt dẫn nhà văn đi tới “mặt hàng” in dấu ấn riêng đời mình cả. Con đường để một cây bút tự khẳng định bản sắc, thật muôn màu muôn vẻ.
Có người vừa cầm bút, vớ ngay được mảnh đất chưa ai đặt chân, và rồi cứ thế khai thác.
Có người sinh sau đẻ muộn, đến với nghề lúc các mặt hàng chính đã có người “thầu” hết cả rồi, bắt buộc phải nghĩ ra những ngón nghề mới để khẳng định lý do sự có mặt của mình. Túng thì phải tính, hoá ra đắc thế!
Đặt bên cạnh một số người ngẫu hứng dễ dàng “tìm ra mình”, có một số khác trải qua chặng đường cơ cực hơn. Sau cái giai đoạn cốt viết ít trang trình làng, được dăm bảy năm vui chơi, lúc nào đó, họ chợt nhận ra mình cũng chỉ táp nham quà vặt như nhiều người. Đời mình, họ muốn làm lại. Và bởi lẽ cái cây được uốn khi đã lớn nên chi sự thay đổi ở đây vất vả chậm chạp. Một số “nửa đường đứt gánh” Chỉ một ít người sống sót trong sự sày vảy đớn đau. Cái gọi là mặt hàng riêng, sự thuần nhất riêng của một ngòi bút thường khi đến với người ta trớ trêu như thế. Cho nên, nó là chuyện cần được thông cảm hơn nữa, cần được khuyến khích. Mỗi cá nhân đơn độc, lúc này hơn lúc nào hết, cần được sự hỗ trợ của đồng nghiệp và bè bạn.
Hồi mối quan hệ văn học Liên Xô (cũ) và Việt Nam đang được triển khai rộng rãi, thỉnh thoảng tôi cũng có dịp được gặp một số đồng nghiệp là các nhà nghiên cứu đến từ Moskva, Leningrad... Sau vài lời giao đãi chung chung đâu có tới mấy lần tôi nhận được câu hỏi đầy thiện ý:
- Thế đề tài chủ yếu của đồng chí là gì? Có vấn đề nào hoặc tác giả nào được đồng chí thường xuyên quan tâm? Xin cho biết, trong tất cả những cái đã cho in, công trình nào của đồng chí được coi như công trình chủ yếu?
Khỏi phải nói, trước những câu hỏi kiểu ấy tôi đã đỏ rừ mặt, không biết trả lời thế nào. Mang tiếng là mấy chục năm liên tục theo đuổi nghề lý luận phê bình, song tôi thường lan man hết chuyện này tới chuyện kia, cái gì cũng hăm hở cụng đầu vào, rồi ít lâu sau, lại bỏ lửng, chạy sang cái khác.
Một điều khiến tôi tự an ủi: Chung quanh nào có khác chi mình? Nhìn trước nhìn sau, số nhà văn thâm canh vào một đề tài đã ít, số người dám theo đuổi những tìm tòi riêng để có được những khai phá mới trong cách nhìn đời sống cũng như cách viết, số đó càng ít. ở chỗ riêng tư, cũng có nghe nói về một vài người định tính cho đời mình một cái gì đó gọi là độc đáo. Nhưng được ít lâu, họ nản. Việc thì khó quá. Lại không có không khí chung, có chuyện ngắc ngứ muốn mang bàn bạc cũng không biết nên nói ở đâu. Thời buổi ồn ào thế này, ai đóng cửa ngồi “luyện đan” như ngày xưa? Thôi thì viết ù cho xong, còn ra góp mặt với mọi người. Sáng tác đã vậy, phê bình càng vậy, giá có hoa thơm bướm lượn với lại chuồn chuồn đạp nước, thì cũng không có gì lạ.
Nói cho đúng ra, trong nghề của tôi, không phải không có những chuẩn mực, ở đây là những người cả đời theo đuổi một sự nghiệp.
Giữa vô số xuất bản phẩm xô bồ, xoàng xĩnh, vài năm gần đây, riêng tôi thú nhất mấy cuốn sách nghiên cứu: Tư tưởng phương đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc người, Người Mường ở Hoà Bình, Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Đến hiện đại từ truyền thống.
Tác giả của mấy cuốn sách đáng quý ây là những học giả vừa quá cố: Cao Xuân Huy (1900-1983), Nguyễn Từ Chi (1925-1995) và Trần Đình Hượu (1928-1995).
Nét thần thái trong cách làm việc của các học giả ấy là mỗi người có một đề tài để suốt đời theo đuổi. Họ “sống chung” với nó, từ lúc còn trẻ. Và suốt đời họ chỉ có nó, làm cái gì cũng nghĩ tới nó, tìm tòi học hỏi được điều gì cũng quy về mối liên hệ với đề tài sẵn có ở mình. Một điều lạ nữa là sinh thời, các học giả này gần như sống trong im lặng. Tìm đến các ô phích thư viện có liên quan đến tên tuổi họ, người ta chỉ nhận thấy một vài tài liệu mỏng (mấy quyển sách nói trên, đều chỉ in ra, sau khi tác giả qua đời). Cái việc họ sống kỹ lưỡng, sống thành thục với đề tài hình như tìm thấy ở cách tồn tại im lặng này một khu đệm có ý nghĩa bảo vệ.
Những tấm gương ấy, ít nhiều không phải chúng tôi không biết. Có điều, để biện hộ cho sự lười biếng của mình, tôi lại lý sự: cả một thế hệ có khi chỉ đẻ ra được vài người như thế.
Nhìn kỹ mà xem, các cây bút bậc thầy ấy có chút gì đó quá cao siêu thánh thiện, vốn liếng văn hoá Đông Tây thâm hậu, mà cốt cách kẻ sĩ an bần lạc đạo, lại được trui rèn từ lúc còn nhỏ. Họ là những người ta nghĩ tới để sợ, chứ không phải nghĩ tới để noi gương! Đám chúng sinh “hơn nửa đời hư”, từng lê lết trong tình trạng nghề ngỗng dở dang, vừa ham chơi vừa ham danh lợi như phần lớn chúng tôi, làm sao theo nổi? Rồi cứ thế lần lữa qua ngày, tham bát bỏ mâm, sống bằng những quả pháo chuột lẹt đẹt mà không bao giờ có nổi một quả pháo đùng của... cả một đời cầm bút.
Những người có dịp sống ở Hà Nội liên tục dăm chục năm nay thường gặp nhau ở một nhận xét: khẩu vị của dân kinh kỳ cũng đang trở nên pha tạp.
Người xưa thưởng thức quà bánh trong sự tinh khiết riêng của từng món. Cái bát phở bò của người ta mà anh chan bằng cái môi có đá tí vị gà là người ta bắt đền ngay. Đằng nào phải ra đằng ấy. Lại càng không bao giờ có chuyện một cửa hàng bày ra vừa phở, vừa cháo, đôi khi lại ghé cả bún ốc nữa! Mùi vị bốc lên, thấy đã hỗn tạp, làm khổ cho cái mũi rồi, còn nói chi ăn vào làm chán cái miệng. Và những hàng quán bán tạp nham như thế, người ta bảo nhau chắc như đinh đóng cột rằng không có món nào ngon lành thật hạt cho được.
Nhắc tới chuyện này, có thể mấy cây bút “tiện gì viết nấy” tỏ ý thích thú bởi có thêm một lý do để đá gà sang những khu vực vốn không phải đất của mình. Nhưng lại có người tỏ ý lo ngại, bởi cảm thấy tình trạng nghiệp dư trong văn chương xem ra sâu cây bén rễ từ nhiều chuyện lắm, rồi đây chưua biết gỡ ra làm sao. Vâng, gì thì gì, chứ cái sự phân công lao động ngày một tinh vi, sự tiến tới chuyên nhất, là xu thế mà mọi xã hội sẽ hướng tới, chắc chúng ta cũng sẽ không nằm ngoài quy luật chung ấy.
SỐ TRUY CẬP đang online