NHỚ LẠI MÔT CUỘC PHIÊU LƯU CÓ HẬU

Từ trong bản chất của nó, sự sáng tạo trong nghề văn là đối nghịch với mọi trạng thái ngưng đọng, trì trệ. Ai đó từng nói nhà văn là kẻ đời đời khởi nghiệp, và chúng ta phải hiểu câu nói đó với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng có thể có của nó. Sau khi có một vài tác phẩm trình làng, các cây bút gọi là có triển vọng thường được đưa về công tác ở các cơ sở xuất bản, báo chí. Đứng ngoài mà nhìn, dễ tưởng rằng từ ấy, được sống trong lòng của giới văn chương, người kia đã có thể yên chí làm nghề. Nhưng ở đây ít ai dám nghĩ thế. Một ngòi bút tự trọng nghĩa là một ngòi bút luôn luôn đặt ra yêu cầu cao với mình. Một mặt, anh ta cố gắng trở nên chuyên nghiệp, tức là viết sao chất lượng đều đều, trang viết “sạch nước cản”, bài ngắn báo chí có thể sử dụng, tác phẩm dài hơi được giới xuất bản cho in. Mặt khác, anh ta lại phải phấn đấu làm sao để không tự lặp lại mình, hơn thế nữa để ngày càng tìm tới một cái gì đích thực là mình. Sự cân bằng giữa ổn định và thay đổi có liên quan đến câu chuyện gọi là phong cách. Khi đã viết nhiều, thì mỗi ngòi bút đều có đường ray riêng, kiểu suy nghĩ và khai phá vấn đề, kiểu kết thúc câu chuyện... mà riêng người đó mới có. Nhưng một phong cách, theo đúng nghĩa của nó, vẫn phải bao hàm một khả năng đi tới cùng trên con đường đã lựa chọn để mở ra cái triển vọng không ai ngờ trước. Đọc một nhà văn có bản lĩnh người ta vừa thấy quen thuộc vừa từng bước ngạc nhiên: Anh ta đã tìm ra cách để “tự bùng nổ”, “tự giải phóng” theo cái hướng chính anh ta cũng không hay biết!
*
Đã đặt đời mình vào việc viết văn, lẽ tự nhiên chẳng ai muốn trở thành một ngòi bút đơn điệu, nghèo nàn. Và giữa những người cùng làm nghề, lời chê “thợ viết”, “công chức” có lẽ là một trong những lời chê nặng, có thể dẫn tới thù oán nhau đến mãn kiếp.
Ấy thế nhưng không phải cái gì người ta không muốn là đã dễ dàng tránh ngay được.
Trong cái gọi là giới cầm bút, vốn cũng đa dạng như cuộc đời này bên cạnh nhà văn băn khoăn, nhà văn như kẻ đi đường không bao giờ ngừng, cùng là nhà văn vật vờ, nhà văn lạc đường vào nghề, nhà văn xích lô “tây cũng chở mà lợn cũng chở ”... còn luôn luôn tồn tại một ít người mà tuy không tiện nói ra, nhưng chung quanh đều cảm thấy rất gần với ý niệm về một thứ gì đều đều, mòn mỏi... Hoặc là trời sinh ra anh ta đã có cái tạng như vậy. Hoặc là sau những năm tháng cục cựa không đi tới đâu, anh ta trở nên đầu hàng, buông trôi. Lại không loại trừ cả những trường hợp “miệng khôn trôn dại”, ngoài miệng luôn luôn chân thành phát biểu rằng phải tìm tòi, mà trong thực tế, cứ đâu đóng đấy, tác phẩm càng tống ra ùn ùn, thì mọi đứa con càng giống nhau như lột. Vâng, quả thực nỗi đau này không của riêng ai, và trong nhiều trường hợp, người ta phải ghi nhận tình trạng lực bất tòng tâm, thiện chí có thừa song không sao thực hiện được. Đặt trong hoàn cảnh ấy, người ta càng nhớ tới một số tác giả vượt lên trên sự quen tay, quen việc, tạo ra những bước đột biến cho cuộc đời mình. Và nếu như điểm xuất phát của người đó càng thấp, độ trì trệ trước đó càng cao, thì cái sự cất cánh càng đáng khâm phục.
*
Giữa những người viết một vài chục năm gần đây, ví dụ thích hợp nhất cho sự đột biến này có lẽ là Duy Khán (1934-1993).
Từ khoảng những năm 80 về trước trong đầu óc của một số đồng nghiệp như bọn tôi, Duy Khán là một nhà thơ thuộc loại hơi... yếu. Nghĩa là cũng thường có thơ đăng báo, thơ in sách đấy, nhưng chưa trở thành một giọng điệu riêng. Chẳng những thế, đôi khi thơ anh lại có vẻ ồn ào, phô, dễ dãi, toàn những bệnh tối kỵ với cái nghề thơ mà anh theo đuổi.
ấy thế mà đùng một cái, tập văn xuôi Tuổi thơ im lặng xuất hiện (1986). Đang từ một người làm thơ, Duy Khán chuyển sang văn xuôi. Đang từ một người dễ dãi chạy theo các đề tài thời sự, Duy Khán trở lại với cái phần ký ức tuổi thơ nằm sâu và đã trở nên bền chặt trong tâm trí. Anh viết về những người thân trong gia đình. Anh viết về đình làng, về những nấm mộ bên đường, về con mèo, con vện trong nhà. Từ các trang viết, người đọc nghe ra một giọng nói xót xa mà lại đầm ấm. Ngòi bút ấy đang viết cho chính mình. Người ta cảm thấy một phương hướng đúng đã được gợi mở và thành tâm chờ đón lời tâm tình của tác giả. Các nhà văn độc miệng thường nói đùa: Có những cuộc đời dang dở, viết lách chưa được gì, đến mức có nhắm mắt cũng không yên. Ngược lại, có những tác phẩm viết xong rồi thì người viết có thể xoa tay tựa như là làm xong nghĩa vụ với đời. Tuổi thơ im lặng của Duy Khán là thuộc cái dạng tâm huyết như thế.
*
Cũng như mọi người làm các nghề khác trên đời, những người viết văn có nhu cầu hoàn thành công việc theo cái nhịp độ đều đều hàng ngày. Bởi kèm theo đó, là nhu cầu kiếm sống, nuôi dưỡng bản thân và gia đình. Buộc một nhà văn lúc nào cũng mạo hiểm thử sức trong những công việc không phù hợp với họ, là một cái gì bất cận nhân tình, và hơn nữa, một ảo tưởng.
Lịch sử văn học không hề ghi chép, song thực tế là trong đời sống văn học không thiếu những kẻ bốc đồng, toan tính những việc đâu đâu, rút cục dở giăng, dở đèn, và trở thành lố bịch. Không những chính họ thân tàn ma dại, mà cả bạn bè gần gũi họ cũng bị làm phiền, và những người thân trong gia đình thì bị kéo theo vào vòng khổ ải.
Có một câu rất thực mà những người trong nghề hay nói với nhau: “Tự lượng sức mình là điều quan trọng nhất đối với người viết”. Đó là những gì đám người từng trải rút ruột truyền lại cho đám hậu sinh “ngựa non háu đá”.
Nhưng oái oăm thay, cái nghề đang nói ở đây là một nghề lạ. Nó không để cho người ta sống trong bình lặng. Thường xuyên nó đòi hỏi người ta tạo ra những sản phẩm mới theo mẫu mã mới, những sản phẩm đơn nhất không có một bản sao tương tự trên đời. Cái thế cân bằng ở đây là cân bằng động.
Vậy thì trong khi vẫn làm ăn đều đều, nghề nghiệp lại đòi hỏi mỗi người viết phải có con mắt tách ra, đứng ngoài mà nhìn, để nghĩ rằng tất cả có thể làm khác so với thói quen mình vẫn làm, cả cuộc đời mình có thể khác đi, so với cái mẫu hình mà mình vẫn theo đuổi. Rồi từ ý nghĩa phải chuyển sang hành động. Thành công chưa thấy đâu, còn thất bại lúc nào cũng rình rập? Không sao, cái chính là những thèm muốn tự đổi khác đã trở nên không thể chế ngự, nó làm cho mọi nỗi e sợ tiêu tan và mang lại cho sự liều lĩnh một vẻ đẹp. Thơ Xuân Diệu: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối - Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm. Và thời soạn tập Từ ấy, Tố Hữu cũng đã viết: Sống tung sóng gió thanh cao mới - sống mạnh dù trong một phút giây. Những câu thơ ấy đều giả thiết một kết quả cực đoan, đều muốn truyền sang người ta cái khoái cảm được ăn cả ngã về không, nó là cái điều một số người nghĩ tới đã ngần ngại, nhưng lại có thể mở đường cho việc tự giải phóng sức sáng tạo chân chính.
*
Sẽ là quá đáng nếu bảo rằng Duy Khán là một nhà văn lớn và Tuổi thơ im lặng là cuốn sách làm điên đảo người đọc. Không, mọi chuyện ở đây đơn giản hơn nhiều. Trong khi kể lại những kỷ niệm mà tác giả đã sống trong thời thơ ấu, tập truyện nhỏ của Duy Khán có cái vẻ của một chùm quả mà hầu như bất cứ ai cũng với tới được, song lại bỏ qua. Cũng như điều dáng nói chính ở Duy Khán, là anh đã viết nó ở tuổi 50, và sự thực là đã bỏ cả “nàng thơ”, chuyển sang văn xuôi, xoay lại cả đời viết của mình để làm một cuộc thăng hoa nho nhỏ mà chính anh cũng không ngờ tới. Bởi chỗ xuất phát của tác giả Tuổi thơ im lặng gần gũi với phần lớn những người cầm bút hôm nay, và cái đích mà tác giả đạt tới cũng nhũn nhặn khiêm tốn như một thành quả lao động chân chính, nên trường hợp Duy Khán nói ở đây cũng giống như một lời kêu gọi: Hãy thử tìm tới những cách nghĩ khác để rồi thử làm khác những gì bấy lâu vẫn quen làm. Hãy xem lại đâu là chỗ mạnh của mình, và nếu như những gì riêng tư nhất, gắn bó với ta sâu sắc nhất, còn chưa được khai thác, thì hãy mạnh dạn đầu tư sức lực và suy nghĩ vào đấy. Dù rằng không phải bao giờ cũng có hậu, song một cuộc phiêu lưu tìm lại chính mình thường khi có thể mang lại cái vị say người cho những cuộc đời cầm bút tẻ nhạt.
SỐ TRUY CẬP đang online