TRANG SÁCH VÀ TUỔI TÁC

ở bìa 4 cuốn tiểu thuyết Ỡm ờ... Xuân, tôi đọc được một số chi tiết có liên quan đến tác giả Trần Văn Sáng:
- Sinh năm 1914.
- Đã viết nhiều báo tiếng Việt, tiếng Pháp trước 1945, kể cả Phong Hoá, Ngày Nay.
- Có tác phẩm in ra từ 1935. Sau đó có truyện dài Chua cay với lời đề của Thế Lữ, truyện ngắn Con Mếu với tựa của Vũ Trọng Phụng.
- Bắt đầu viết và in lại từ 1995, trong đó có hồi ký, tiểu thuyết...
Thử làm một ít phép tính cộng thì thấy: tác giả nay đã trên 80. Tác phẩm đầu tay in ra năm 21 tuổi. Trong cuộc đời cầm bút, có những quãng nghỉ kéo dài tới trên dưới nửa thế kỷ!
Đây có lẽ là một ví dụ về khả năng dẻo dai của một ngòi bút.
Nôm na mà nói, có thể bảo với ông và những người như ông văn chương quả là một thứ nghiệp chướng. Nó theo đuổi người ta từ trẻ đến già. Một khi đã sa vào đấy, chẳng khác chui vào một cái hom: đường ra không có. Dù thành công, dù thất bại, người ta cứ phải loay hoay với nghề và chỉ có cách xem việc cầm bút là một bộ phận của đời sống.
Bên cạnh Trần Văn Sáng, có thể kể thêm hàng loạt trường hợp tương tự. Trần Kim Trắc, có truyện in ra từ 1954, nghỉ một mạch gần bốn chục năm rồi mãi tới 1990 mới xuất hiện trở lại. Phùng Cung, về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam từ trong kháng chiến chống Pháp, có truyện in trên báo từ 1955-1956, trải qua trăm ngàn trầm luân vất vả, vẫn không bỏ làm thơ, tới 1995 thì gom lại được thành một tập 200 bài, in ra đặt tên là Xem đêm. Đào Phương, từng được biết tới với Thồ lên Điện Biên, nghỉ viết cũng mấy chục năm, nay lại gắng gỏi làm một tập hồi ký và dịch, đặt tên chung là Vào Điện Biên Phủ. Ngân Giang và Hữu Loan, Trần Dần và Lê Đạt, Hà Minh Tuân và Siêu Hải... kể làm sao hết những cây bút ở ta mà quãng cách giữa tác phẩm nọ với tác phẩm kia là 15-20 năm. Không ít người trong họ, nói cho đúng là bị tai ách nghề nghiệp, khổ vì nghề, điêu đứng xiêu liêu vì nghề, hẳn đã có lúc thề cạch đến già, không cầm lấy bút làm gì. Nhưng sau một thời gian loay hoay, lại vẫn không bỏ được niềm say mê từ lúc mười tám đôi mươi lại tiếp tục viết.
*
Không rõ cái nghiệp chướng này có còn đúng với lớp các nhà văn trẻ hôm nay?
Một câu hỏi như thế, bây giờ chưa trả lời ngay được.
Chỉ biết rằng, nhiều bạn trẻ ngày nay, nhìn việc cầm bút không thiêng liêng như các lớp trước. Đại khái, sau khi cho in một vài tập truyện và được trong giới khen là có hi vọng người ta sẵn sàng tuyên bố là khi cần, sẽ bỏ viết đi buôn - một điều những người đi trước thuở mới vào nghề thường không dám nghĩ, có nghĩ cũng không dám nói.
Vậy, cái gọi là món nợ nghiệp chướng nói ở đây, là một sản phẩm của lịch sử?
Có thể lắm!
Nhưng không phải vì thế, mà nó không đẹp.
*
Trong cơn bực bội vì phải đọc quá nhiều thơ dở, và để phản ứng lại những dương dương tự đắc của dăm bảy người một chiều đề cao sự sáng tạo trong thơ, một nhà phê bình đã có một liên tưởng khủng khiếp. Theo ông, “chúng ta vẫn huyênh hoang là chúng ta yêu thơ nhưng thực sự chúng ta chỉ yêu thơ như Mã Giám Sinh yêu Thuý Kiều mà thôi”.
Tôi, tôi không nghĩ thế.
Đồng ý là có nhiều thơ dở dang và sẽ được in ra, nó làm khổ con mắt cũng như tấm lòng của người yêu thơ thực sự. Nhưng hãy đặt địa vị vào những người làm thơ.
Quả thật, giữa cuộc đời nhiều điều không như ý này, việc được viết ra ý nghĩ của mình là cả một điều an ủi. Nếu cần so sánh, tôi muốn nghĩ rằng thơ với chúng ta nhiều lúc như những đồ chơi trong tay đám trẻ con nhà nghèo. Lấy đâu ra tiền để mua những đồ chơi sang trọng hơn? Thôi thì bằng lòng với mấy mẩu gỗ, mấy đoạn giấy, mấy cái que... này vậy?
Trở lại câu chuyện văn chương và tuổi tác. Tôi không cho rằng cứ ham mê say đắm cố sống cố chết để viết, rồi sẽ có văn hay, thơ hay. Không, rất có thể, là một số sáng tác của những người thuộc các trường hợp tôi nêu ở đây, chẳng gây hiệu quả nào đáng kể trong lòng bạn đọc. Song có một sự thực ta phải ghi nhận: họ đã cả đời gắn bó với nó, họ đã say mê và nhất là họ không từ bỏ nổi nó. Với tất cả sự kính trọng phải có khi nói về những người lớn tuổi, tôi vẫn muốn nghĩ rằng một số người trong họ mãi mãi là hình ảnh của đám con nhà nghèo bằng lòng với thứ đồ chơi tội nghiệp tự tạo nên bằng tấm lòng và bàn tay của chính mình. Và như thế, với một cuộc đời, cũng đã là đủ.
SỐ TRUY CẬP đang online