ĐẸP ĐẤY MÀ CŨNG XẤU ĐẤY

Nơi tôi đang ở là một làng quê bên sông Hồng. Từ thuở có cầu Chương Dương rồi thành phố mở rộng, dân làng bán được đất xây nhà ầm ầm, cùng lúc cả làng có đến hàng chục nhà cùng khởi công xây dựng. Mà thời bây giờ mọi chuyện tiến bộ nhanh lắm, nhà nào mới xây cũng ra dáng hiện đại.
Gu Pháp đang thịnh hành, người ta mô phỏng rất nhanh những kiểu nhà mà ngày trước tôi chỉ thấy ở mấy đại lộ Lê Hồng Phong, Trần Phú trên quận Ba Đình.
Với mấy vị lão thành và có đi nhiều, bọn tôi nói đùa, nhà trong làng mà toàn như dinh công sứ với nhà quan tỉnh trưởng cả.
Nhưng cái bệnh cũ của dân mình vẫn bộc lộ: Đèn nhà ai nhà ấy rạng. Tức là chỉ biết ý thích của mình, không tính toán gì đến quy hoạch chung, càng không cần đếm xỉa đến kiểu dáng nhà hàng xóm xem nhà mình với nhà họ hai bên có ăn ý với nhau không. Bao nhiêu làng khác cũng xây dựng theo lối tùy nghi như vậy có riêng gì làng tôi? Cũng như thành phố có khi cả khu phố mới xây, mà vẫn cứ vênh váo, chẳng ra một thứ đường nét nào cho mạch lạc.

Về chuyện cảnh quan chung thì còn nhiều dẫn chứng khác để nói. Sinh thời một người bạn vong niên của tôi là Nguyễn Đình Nghi làm nghề đạo diễn sân khấu. Mà đạo diễn là gì ư, đơn giản lắm là người đứng ra phối hợp hoạt động của nhiều bộ phận khác nhau, để hình thành ý định chung. Bởi vậy anh Nghi rất nhạy trong việc đánh giá những hoạt động cần tới sự phối hợp của nhiều người. Chẳng hạn anh thường nửa đùa nửa thật giễu ngành múa: đặc điểm của múa Việt Nam là múa không đều, và khi cần có một hình tròn thì người ta thường có một hình bầu dục.
Học theo Nguyễn Đình Nghi, tôi cũng muốn bảo đặc điểm của các công trình kiến trúc dân lập hiện nay là tính tự phát, chẳng ai đứng ra phối hợp kiểu dáng, thành thử chỉ có những ngôi nhà đẹp chứ không có những quần thể kiến trúc đẹp, những khu phố đẹp.

Trong một tài liệu nghiên cứu về nông thôn, tôi đọc được nhận xét của một nhà khoa học: cái mà chúng ta mới làm được một phần là lo nước sạch. Nhưng về lâu về dài, một đời sống gọi là có văn hóa còn phụ thuộc vào câu chuyện xử lý chất thải các loại rác và cống rãnh nói chung (chính nó cũng quyết định cả chất lượng nước sạch nữa).
Nghe mà giật mình. Làng xóm bây giờ nhà gạch san sát, việc xây cho mình khu phụ riêng để giặt giũ tắm rửa đã quá phổ cập. Có nhà khu phụ này còn được xây ngay trong nhà, chữ của thời bây giờ gọi là công trình khép kín, có cả vòi hoa sen với xí bệt cẩn thận. Chỉ hiềm không mấy khi thấy ai nói đến hệ thống cống rãnh nước thải chung cho cả làng.

Đến một vài nơi gọi là du xuân sau những ngày hội, cái ấn tượng sau cùng về một vùng đất thường là những đống rác rấp vào ven bụi tre, hoặc một chỗ khuất nào đó bên đường. Đặc điểm đống rác thời nay là trông xa đã thấy các loại túi ny lông màu trắng lốm đốm nổi lên trên nền mùn rác đen kịt.

Lại nói tiếp về chuyện cái làng quê ngoại thành nơi tôi đang ở. Xưa, nghe kể đường đất trơn như mỡ có anh bộ đội mượn được cái xe đạp về thăm quê đến đầu làng phải vác xe lên vai cõng nó về đến cửa buồng. Nay thì đường xi măng phẳng lỳ. Có điều từ hồi bán được đất nhà nào cũng xây dựng. Đường lúc nào cũng lầm lầm mặt cát. Ngày mưa cát vón lại thành bờ, ngày nắng cát bay mù mịt. Ai cũng có lúc xây, nên không ai bảo được ai. Những đống cát thay nhau đứng lù lù ven đường.

Ở cửa khẩu Hữu nghị quan, vẫn thường thấy có một vài chiếc xe ô tô chở hàng mang biển chữ vuông qua lại phía bên đất Việt Nam. Nhưng, nhiều lần tôi thấy những người lái xe bên kia cẩn thận phun nước rửa sạch lốp trước khi trở về Trung Quốc. Hình như đường đất bên mình đất đá bẩn quá, mà luật nước họ không cho phép, cứ để bẩn vậy chắc bị phạt. Bao giờ thì mình làm được như vậy?
SỐ TRUY CẬP đang online