NHÌN TỪ HAI PHÍA

Nỗi đau khổ không của riêng ai
Nhiều truyện ngắn Nguyễn Công Hoan được mở đầu bằng một nhận xét ngược đời. Truyện ngắn mang tên Thằng quýt (viết năm 1937) cũng vậy. Nhà văn kể rằng một số người đi giúp việc có lối vô tâm làm cho chủ nhà rất khó xử: họ thường không nhận tiền công ngay mà lại chỉ rình lúc chủ đang túng bấn là đòi tiền công, "có khi tích lũy đến hàng ba bốn chục, đến nỗi trả được xong xuôi, nhiều ông chủ ngồi bó giò, thuỗn mặt ra mà tiếc ngơ tiếc ngẩn". Nguyễn Công Hoan khái quát: Chính cánh giúp việc ấy là đám chúa ác.
(Đây chẳng qua là một cách nói. Sau đoạn mở đầu ngược đời này, cả thiên truyện Thằng quýt rút lại là chuyện một người chủ ăn cắp ngay của đầy tớ.)
Tôi thường nhớ tới cái câu lạ tai này trong nhiều buổi chuyện trò đấu hót với anh em trong cơ quan và bạn bè xa gần.
Chả là thời nay, không ít nhà bọn tôi do vợ chồng cùng đi làm cả, phải có người giúp việc, gọi chung là ô-sin.
Một đặc điểm mà chúng tôi thường không biết kêu ai: Ấy là nhiều khi các ô - sin làm khổ chủ nhà bằng cái lớ ngớ của người không quen với cuộc sống đô thị. Cáu giận không được, các gia chủ chỉ còn có cách kêu trời!
Không trách được người chưa biết
Sau ngày 30-4-75, nhiều cán bộ miền bắc được phân công vào miền nam, và bên cạnh một số thạo việc, thì một số hiện ra như những người quê mùa, thiển cận, không hiểu biết và do đó không thích ứng được với một Sài Gòn năng động. Chẳng những thế, một số khác sa đà trong cảnh ăn chơi hưởng thụ.
Có nhiều cách giải thích về chuyện này nhưng tôi nhớ hơn cả cái ý của nhà khoa học Trần Đại Nghĩa từng nói trong một buổi nói chuyện ở Thư viện quốc gia Hà Nội:
- Có gì lạ đâu. Hãy hình dung xã hội miền nam như một cỗ máy, nhiều anh em vào đấy mà không được chỉ dẫn trước rằng cỗ máy đó hoạt động ra sao, thành ra nhiều khi họ cho cả tay vào, vừa hỏng máy vừa hỏng người, nhưng khách quan mà xét không trách họ được.
Đối với người nông dân lên đô thị làm ăn - ở đây là các ô sin - cũng vậy.
Tự phát và được quản lý chặt chẽ
Khi đến Nam Ninh (Quảng Tây) Trung Quốc, tôi thấy đám đánh giày có hẳn một loại trang phục riêng. Và nghe nói cái hòm đồ nghề của họ cũng phải thống nhất theo một kích thước đã quy định. Hỏi ra mới biết, từ nông thôn lên họ có được huấn luyện cẩn thận rồi mới được cấp phép hành nghề. Đó là quá trình đô thị hóa có ý thức, đô thị hóa có kiểm soát.
Còn ở ta thì sao? Tôi muốn dùng lại cái từ tự phát. Nói nôm na là gặp đâu làm đấy, bất cứ ai muốn lên thành phố khi nào thì lên làm gì thì làm, thành phố như miếng mồi ngon ai liều lĩnh và biết cách xoay sở, người đó được.
Sự ra đi bất đắc dĩ
Sống giữa làng quê là cách sống tự nhiên của con người. Đô thị chỉ hình thành khi cuộc sống tự nhiên ấy, người ta cảm thấy không đủ nữa, và muốn sống khác đi. Trên nguyên tắc, cuộc sống đô thị là cuộc sống được tổ chức. Con người phải tập cho mình những thói quen mới.
Thế nhưng ở ta nhiều người có một quan niệm khác. Vì miếng cơm manh áo mà phải lên đô thị kiếm ăn nhưng bụng dạ hình như vẫn để cả ở chốn quê hương, xem những ngày xưa là cái mẫu mực tuyệt vời mà con người hôm nay không với tới được. Và sự tạm bợ cứ thế kéo dài cả một đời người cả mấy thế hệ.
Trở lại với lịch sử
Thời nào thì việc Hà Nội được bổ sung bằng người các tỉnh cũng là chuyện thường xảy ra. Nhưng xưa nay vẫn có chỗ khác:
Ngày trước người các tỉnh lẻ lên Hà Nội phần lớn là thông qua các nhà trường. Từ các tỉnh vào các trường học rồi do học giỏi mà ở lại Hà Nội làm việc luôn. Hoặc những người làm nghề gì đấy, nhưng tài hoa khéo léo, có tay nghề cao, chỉ Hà Nội mới tiêu hóa hết khả năng nghề nghiệp của họ. Cũng có những người lên theo lối tắt. Nhưng dù bằng cách nào thì người ta cũng nhìn Hà Nội với sự tôn kính: nơi đó, người ta sống ở trình độ cao hơn mình, mình phải kín đáo học hỏi để cho người ta khỏi nghĩ mình ngây ngô vụng dại.
Còn ngày nay, nhiều người lên thành phố với ý nghĩ trên ấy cũng chả hơn gì mình, chẳng việc gì phải giữ gìn khép nép cho thêm mệt. Tha hồ ăn vận lôi thôi. Hoặc có học theo được ít mốt mới, song chỉ là chuyện may mặc đắp điếm cho dễ coi. Ngoài ra hàng ngày vẫn nói tục, nói ngọng. Giữ nguyên cái lối gặp đâu hay đấy tùy tiện của một nếp sống đơn giản. Xem cả thành phố là một cái làng lớn, bệ nguyên xi những mối quan hệ họ hàng gia đình vào công việc. Thành thử giữa đôi bên, hỏi rằng ai làm khổ ai, thật cũng khó nói cho được rành mạch.
SỐ TRUY CẬP đang online