NHỮNG SỰ DANG DỞ

Xóm tôi đang ở còn vắng xe cơ giới qua lại, nên nghe rõ mỗi tiếng rao của từng người bán hàng rong. Mà người bán hàng đi đều lâu ngày thành quen, nghe giọng biết ngay đó là ai. Nên buổi trưa hôm ấy, cũng cái câu Ai bánh mì bánh chưng bánh giầy nóng đây nhiều người đã rao, mà nghe cứ thấy lướng vướng là lạ. Thì ra một giọng rao hàng mới.
- Lại thêm một người mới bỏ quê lên Hà Nội để bổ sung vào đội quân nhập cư.
Nhân đây lại ngồi nghĩ lan man về dân các tỉnh lên đô thị.

Cho tới đầu thế kỷ XX, dân ta còn bị nhận xét là chỉ ru rú xó nhà. Người ở nông thôn ngại đi xa và đi đâu cũng mang bộ mặt "ngơ ngẩn như nhà quê ra tỉnh". Trải qua cách mạng và kháng chiến, đến thời làm ăn kinh tế hiện nay, người ta đã đến với các đô thị với một tâm thế khác. Họ cảm thấy mình có quyền có mặt ở đây. Buổi sáng nhìn các đoàn xe đạp rầm rập qua cầu Long Biên hoặc xe máy rú ga lên dốc cầu Chương Dương, có cảm tưởng đô thị là một con mồi lớn để họ tha hồ tung hoành kiếm ăn. Tự tin. Hào hứng...


Để công bằng, phải nói ngay là người từ nông thôn lên nhiều một phần là do yêu cầu của chính các đô thị. Kinh tế phát triển nghĩa là thiếu hụt sức lao động, nhất là các loại lao động đơn giản. Sự có mặt của đám nhân công rẻ đã thúc đẩy cho công cuộc làm ăn xây dựng của thủ đô thêm sôi động. Bao nhiêu gia đình Hà Nội đã dựa vào những ô-sin thuê với giá rẻ để làm ăn buôn bán. Bao gia đình có thêm người phục vụ cơm nước.

Có điều nếu như tự phát là đặc điểm lớn nhất của nhiều hoạt động ở ta hiện nay thì nó cũng là đặc điểm của quá trình đô thị hóa mà chúng ta thử tách mình ra quan sát.
Ở các nước khác, người nông thôn lên phần lớn để vào các nhà máy. Ở ta nông dân lên đô thị là để đổ ra đường buôn bán nhỏ. Những đôi quang gánh vẫn còn, nay lại được bổ sung bằng những chiếc xe thồ với hai sọt thồ lù lù trên đường làm cho Hà Nội có cái vẻ một phố huyện tấp nập nhưng lộn xộn.


Cái sự đô thị hóa tự phát, đô thị hóa dang dở không trọn vẹn này thật ra là một đặc điểm của lịch sử. Tôi nhớ tới một số làng ở vùng quanh Hà Nội. Dân không còn làm ruộng mà thường làm đủ các nghề. Mỗi nhà chỉ còn một khoảng diện tích rất hẹp. Chẳng còn là làng nhưng cũng chẳng ra phố. Con ngài không thoát khỏi cái vỏ dày để bay lên thành con bướm. Sự dang dở đó nay được nhân lên, nhưng cốt cách vẫn không khác.

Nhìn những người dân với mớ cây cảnh sau xe đạp đi bán rong, tôi cảm thấy phải gọi họ là một thứ cây ghép nửa quê nửa tỉnh mới đúng. Vì chỉ tối họ mới quay về lấy hàng, còn như suốt ngày lang thang khắp mọi phố xá, xó xỉnh nào cũng biết. Giá có công nghiên cứu, có thể ngồi phân tích ra cái gọi là một quá trình biến chất xảy ra ở họ dần dà mỗi ngày một ít.
Nhiều người nông thôn lên đô thị đang là một thứ cây ghép như vậy!

Nhưng chính đô thị cũng lại là một dạng lai ghép.
... Chúng tôi là cánh ít tiền, nên có rủ nhau đi ăn trưa, thường cũng chỉ vào các cửa hàng cơm bụi. Một đặc điểm của các cửa hàng loại này là không chỉ bàn ghế đồ đạc mà người phục vụ cũng xuềnh xoàng, trông qua biết ngay là dân các tỉnh lên Hà Nội làm ăn. Nhưng một anh bạn tôi bảo:
- Ông nhầm. Cả các cửa hàng ăn xịn cũng vậy. Chẳng qua, người lên trước người lên sau, với lại bọn chủ có chịu chi tiền may mặc cho nhân viên hay không thôi. Chứ ngay như các cửa hàng đồng hồ với cửa hàng vải trên phố Hàng Đào thì dân đứng bán nhiều khi cũng là dân các tỉnh.
Tôi cố gặng:
- Tức là chúng ta không bao giờ được người Hà Nội chính hiệu phục vụ.
Anh bạn ra chiều thạo đời:
- Tất nhiên rồi. Nay là thời không còn cái gì thuần nhất. Đến các giống lúa nổi tiếng ngày xưa cũng không còn thuần chủng, lấy đâu ra người thuần chủng. Nói vô phép nhé, chính đám người đi ăn cũng có phải Hà Nội chính hiệu đâu, mà đòi người Hà Nội chính cống phục vụ.
Thôi thì hãy tạm bằng lòng với một thứ đô thị nhôm nhoam, đô thị luôn luôn dang dở không bao giờ thuần nhất vậy!
SỐ TRUY CẬP đang online