KHI ĐÃ THIẾU TÍNH NGHỆ THUẬT THÌ ĐỀ TÀI NÀO RỒI CŨNG VẬY

Dưới nhan đề Cuộc sống không phải là như thế, bài viết của nhà báo Thu Hà trên Tuổi trẻ số ra 18-19-04 chốt lại ở một nhận định : “Đến hội diễn vào năm thứ tư của thế kỷ mới, quả thật người ta không biết xem gì, và xem xong không biết phải thích thú với cái gì. 80% các vở tại hội diễn này là về đề tài chiến tranh. Đất nước trải qua nửa thế kỷ chiến tranh, đề tài hậu chiến nhiều là đương nhiên, nhưng 30 năm hoà bình rồi, đứa trẻ sinh năm 1975 cũng đã kịp làm cha, và những đứa con sinh năm 1995 có quyền được nhìn thấy trên sân khấu những gì mà cuộc sống hôm nay đang diễn ra, thấy trường học công viên và siêu thị … chứ không phải chỉ những cánh rừng, căn hầm, thấy máu tiếng bom đạn tiếng gào thất thanh và những hồn ma nhảy múa “ .
Mặc dầu đây là những nhận định có liên quan tới giới sân khấu, nhưng tôi cho rằng chúng ta không nên bỏ qua : nó là một gợi ý để người ta cùng nghĩ về các ngành nghệ thuật khác trong đó có giới văn chương.
Lẽ tự nhiên là đằng sau một những lời than vãn chính đáng như trên, có thể đặt ra hàng loạt câu hỏi :
-- Có phải là chúng ta đang làm việc một cách rất là duy ý chí, cho rằng cái nào cần thì làm, còn người xem và bạn đọc có cần không có thích không, không coi là chuyện phải theo dõi và tính toán ?
-- Mối quan hệ giữa đề tài và chất lượng : tại sao có nhiều đề tài được coi là cần thiết, đầu tư để làm, lại khó vào với đời sống ?
-- Lại còn hiệu quả nghệ thuật của công việc nữa chứ. Có phải khi xảy ra tình trạng chạy theo đề tài thì trước mắt chúng ta chỉ còn là những tác phẩm làm ăn theo kiểu may thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi, bôi bác xong chuyện ?
Đại khái là vậy, tuy nhiên, không chỉ có vậy.

dấu hiệu của một tình trạng hời hợt
Nhận xét về sự phân bố đề tài nói trên được nhiều người chia sẻ, bằng chứng là sau đó, báo Tuổi trẻ có thêm bài Nên tăng cường tính thời đại cũng với ngụ ý chính là nên đưa lên sân khấu ( và nói chung đưa vào phim ảnh trang sách ) những gì thuộc về đời thường. Phải chăng, đây là chỗ nhiều người lâu nay cảm thấy bức xúc, nên nhân có người của báo nêu lên thì cũng tỏ ý tán đồng ?!. Về phần mình, với tư cách một nhà chuyên môn, tôi muốn nói thêm : Kể ra nói quá nhiều về đề tài, cũng là một chuyện bất đắc dĩ. Trong nghệ thuật, đề tài chỉ có một ý nghĩa theo cách ta vẫn nói “ tương đối nhỏ”, nó chỉ là một cái cớ nào đó để tác giả nêu ra những vấn đề của mình. Yêu cầu một cuốn tiểu thuyết in ra, cũng như một vở kịch được diễn, phải mang một cuộc sống hàng ngày ta vẫn sống là đúng, nhưng có lẽ phải nói rõ hơn. Nên nhớ đây là tác phẩm văn nghệ. Trong dạng thức lý tưởng, nó phải có cái gì vượt hẳn lên trên so với chất thông tấn. Ở đây, rất cần những chi tiết, nhưng cái cần hơn lại là tư tưởng tình cảm cách xúc động cách suy nghĩ của con người. Bởi giữa một tác phẩm viết về chiến tranh với một tác phẩm đi vào đề tài hoà bình vẫn có một nét chung. Đó vẫn là thời đại chúng ta đang sống, là những con người quanh ta. Một khi đã đi vào con người thì mọi chuyện sẽ quyện với nhau chặt chẽ. Bấy giờ, viết về chiến tranh mà người ta thấy cả vấn đề của con người trong hoà bình, viết về quá khứ mà người ta lại thấy như là giúp vào việc soi sáng cuộc sống trước mắt. Và đấy chính là nghệ thuật ở trình độ cao của nó. Còn như khi đã thiếu cái phần căn bản này của tính nghệ thuật, thì đề tài nào rồi cũng vậy.

cái toàn bộ bị quên lãng
Nhắc lại câu chuyện bàn bạc bên sân khấu, sau hết, trong tôi thoáng qua một chút chạnh lòng : dẫu sao, một vấn đề có thực cũng đã được ráo lên để mọi người cùng nghĩ.
Còn trong sinh hoạt văn chương thì sao ?
Hàng ngày, trong hoàn cảnh báo chí tưng bừng viết về đủ mọi hiện tượng thì sách vở in ra bị thờ ơ nhất. Tức như là sống chui sống nhủi không có ai biết. Tôi không có số thống kê cụ thể song dự đoán hàng năm số sách sau khi được in mà được báo chí nhắc tới chắc chỉ chiếm độ dăm bảy phần trăm. Và điều quan trọng hơn : may lắm thì người ta mới đủ sức quan tâm tới từng quyển sách. Còn sau một năm xét chung lượng các tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết in ra như một toàn bộ, người ta thấy gì về đề tài, về cách thể hiện, về xu thế tư tưởng, từ đó thấy vấn đề nào nổi lên từ tình hình sáng tác… cái đó chưa ai tính chuyện trả lời cho dư luận ! Liệu văn chương có giống như bên sân khấu ? Hay nó lại đang ngả theo một hướng khác, ví dụ đua nhau kể những chuyện đời dung tục, hàng ngày con người lừa dối nhau, hành hạ nhau, kèm thêm vài tiếng cười khúc khích mua vui ? Nếu thế thì sao ? Có lẽ vì một hội diễn sân khấu căng ra cũng chỉ có mươi mười lăm vở, nên người ta còn bao quát được rồi nhận xét mà sách in ra thì quá nhiều nên đọc không xuể chăng ? Đối với một phương diện vẫn được xem là quan trọng như sinh hoạt văn chương, sau một thời gian nào đó, chẳng lẽ không có biện pháp nào để tìm tới một sự biểu nhất lãm, tức là nêu lên một toàn cảnh vốn luôn luôn thay đổi, để cùng rút kinh nghiệm ?
SỐ TRUY CẬP đang online