...VÀ CHUYỆN NƠI Ở

Kiểu nhà đơn điệu mà lộn xộn
Nói ra thì hơi khó nghe, nhưng gần đây, cứ mỗi lần được tin ở quê có thêm nhiều ngôi nhà mới xây, là bên cạnh nỗi mừng, ở tôi không khỏi có thêm một chút lo lo.
Mừng vì quê hương mà giàu có lên thì mình dù ở nơi xa, cũng thấy mát ruột.
Song lo là vì làng xóm càng xây dựng trông lại càng lộn xộn. Nói riêng một chuyện kiểu nhà, có nhiều gia đình nhập ở đâu về những "mô đen" kỳ cục, thoạt trông đã chướng, về sau càng nhìn càng thấy xấu. Nhưng lúc biết thế thì đã muộn. Toàn bê tông cả, với lại của một đống tiền, có phải đập ngay được đâu!
... Trong số kỷ niệm vui buồn từ những năm chống Mỹ, tôi còn nhớ mãi cái lần đầu 1966, ăn tết ở một xã nọ trên Lục Nam, Hà Bắc. Ngày xuân nên mặc dầu thời chiến các cô con gái trong làng cũng có diện hơn ngày thường. Nhưng lại diện giống y như nhau, cả gầy lẫn béo, cả thấp lẫn cao, cô nào cũng áo bông trần, cổ quàng cái khăn ny-lông màu nõn chuối.
Sự đơn điệu chắc chắn là tẻ nhạt rồi, bây giờ ai cũng biết thế, nhắc lại một nét của thời đã qua để biết, chứ còn có cách nào khác, hơn là nở một nụ cười độ lượng.
Nhưng lộn xộn, tùy tiện, mỗi thành viên mỗi bộ phận theo một kiểu riêng, như cánh vài nhà có máu mặt ở quê tôi đang xây - từ đó dẫn tới một khung cảnh chung luộm thuộm tạp nhạp - thì cũng là gây phản cảm theo một cách khác. Ấy, cái khó là ở chỗ ấy. Tự xét thấy rằng mình không phải là quá cầu kỳ, hoặc khó khăn xét nét, nhưng tôi vẫn cứ ước ao làm sao ở quê hương từng nhà đã đẹp, mà gộp chung cả lại, cả làng cả xóm nhìn vẫn thấy đẹp. Có thể là tôi chưa đi được nhiều, song hình như những nơi được thế, hiện đang quá hiếm!
Một căn phòng nhỏ
Vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vợ tôi thường tỏ ra thích thú khi thỉnh thoảng được theo chồng con về quê, ngoài chuyện tình cảm nó cũng là những dịp tiếp xúc với thiên nhiên để rũ bớt trăm thứ bực bội của người phải sống ở đô thị. Chỉ có điều, mỗi lần về, cô vẫn không khỏi có chút ngần ngại, và quay ra thì cả người mệt rũ. Không phải cô sợ xa sợ bẩn gì cả. Mà, giấu mãi không được, về sau cô thú thực rằng một ngày về quê thường căng thẳng quá, cứ phải luôn miệng trò chuyện từ lúc về tới lúc đi, giá có mệt cũng không có chỗ để nghỉ. Căn nhà cũ của ông anh tôi cũng có một chái buồng, song suốt năm suốt tháng đóng cửa im ỉm, lại chồng chất quá nhiều thứ lưu cữu thành thử nó giống như một cái kho hơn là cái buồng, kể cả người nhà cũng không ai tính chuyện vào nghỉ, nữa là khách Hà Nội. Bởi vậy, theo lời vợ tôi kể, cô thấy nhẹ cả người khi nghe ông anh bà chị ở quê thông báo là nhà sẽ sửa sang cho khang trang, sạch sẽ. Nhất là, vẫn diện tích cũ thôi, nhưng nhà không để thông thống một gian thật rộng, mà hai đầu là hai phòng nhỏ, phòng nào cũng sáng sủa song lại kín đáo, giá đang trò chuyện mà thấy mệt có thể xin phép vào ngả lưng một lúc. Nhờ có mấy căn phòng nhỏ, tình cảm của người con gái thủ đô với quê chồng tự nhiên trở nên thắm thiết hơn hẳn.
Theo chỗ tôi biết, lối cải tạo nhà cửa như ông anh tôi đã làm, hiện nay chưa phải phổ biến. Song điều đáng nói là người ta không làm không phải vì không có tiền, mà trong một số trường hợp, là không vượt qua được những thói quen cố hữu, đại khái cho rằng nông thôn có cách sống riêng, không thể học đòi theo lối thành thị như thế được! Kể cũng lạ - vợ chồng tôi bảo nhau - học theo thành thị dùng điện đài, chạy xe máy, thì thấy tự nhiên, mà chữa lại cái nhà cho tiện dụng thì lại ngần ngại, đã rõ là những thay đổi ở nông thôn cần được hướng dẫn bởi một cách nhìn nhất quán mới tránh khỏi chắp vá tùy tiện.
Phụ trở thành chính
Làm xong cái nhà, chưa kịp chính thức làm lễ ăn mừng tân gia, cháu gái con bà chị tôi đã nhắn sang chơi, gọi là khoe với ông cậu cái tổ ấm mới "bóc tem". Vừa đến nơi, nó đã dẫn tôi vào bếp với lại phòng tắm để khoe nào bệ xí ra sao, vòi hoa sen ra sao... Thấy tôi cứ ngớ ra, nó giảng:
- Cậu phải biết chứ, với một cái nhà để ở bây giờ, công trình phụ thật ra phải gọi là công trình chính mới đúng. Nó giúp cho mình tiện lợi hơn trong sinh hoạt. Công trình phụ mà vớ vẩn thì phòng khách có đẹp đến mấy cũng vứt đi!
Tôi nghe cũng thấy bùi tai và lại chợt nhớ tới những cái làng mình đã đi qua.
So với những năm chiến tranh thì bây giờ quê ta chỗ nào chẳng tấp nập xây dựng. Song nói cho đúng ra, làm được cái nhà đẹp đã khó, qui hoạch được một cái làng cho khang trang hợp lý lại càng khó. Có một hồi, đi đâu cũng thấy mái bằng, nhà như cái hộp. Lại một hồi đi đâu cũng thấy sân thượng có hàng lan can bụng chửa. Nhưng chỉ một hai năm là chán, không gì cũ nhanh bằng cái mới! Riêng về mặt kiến trúc mà xét, quê ta còn phải đi một chặng đường dài, chắc mới tới một trạng thái ổn định.
Bởi vậy chúng tôi bảo nhau: đến một vùng quê, trước hết hãy xem các công trình phụ, tức là giếng ăn, giếng giặt ra sao, cống rãnh thoát nước có hợp vệ sinh không. Ăn ở có sạch sẽ thì làm ăn mới mở mày mở mặt lên được.
Công trình phụ - cũng tức là những chuyện lâu nay bị coi là vặt vãnh - đang trở nên công trình chính, quyết định bộ mặt của xóm làng. Y như ở nhà cháu tôi vậy.
Tân trang mộ ông cha
"Đừng lấy mụn gấm vá lên tấm áo nâu sồng" là một trong những câu danh ngôn tôi được nghe từ hồi đi học tiểu học, và trong đời tôi, nó đã nhiều lần ứng nghiệm. Tuy nhiên, thật chưa bao giờ thấm thía bằng cái lần mới đây về quê thanh minh.
Tha ma làng (giờ gọi là nghĩa trang) là một thửa đất cao, ngay rìa xóm trên.
Làng nghèo, người sống đã chật chội, nên người chết cũng tùng tiệm lắm.
Nhưng tha ma làng tôi, xem ra vẫn có một vẻ đẹp riêng. Các ngôi mộ xây đã lâu, rêu phong, dầu dãi, khiến cho khung cảnh chung thanh vắng, tĩnh mịch mà gợi nhiều suy nghĩ.
Cho đến dịp cuối năm ngoái.
Tự nhiên một nhà trong làng, đâu có bà con ở nước ngoài về thăm, bỏ tiền ra, tôn tạo một ngôi mộ khiến nó nổi lên thật... chói lọi. Nhìn kỹ chẳng ra kiểu cách gì. Chỉ được cái, nhờ mấy viên gạch tráng men xanh có, tím có, mà trông bóng lọng, khác hẳn các mộ chung quanh. Đúng là giữa tấm áo nâu, vá vào miếng gấm, chẳng những khung cảnh chung bị phá hoại, mà bản thân cái nơi yên nghỉ của người chết cũng không thể nói là đẹp. Ác một nỗi là nhiều người làng thấy hay hay. Đã có nhà đánh tiếng là nay mai sẽ bớt ăn bớt tiêu để xây lại mấy ngôi mộ cũ, với lối trang hoàng tương tự.
Trong các bài viết ngắn bàn về văn hóa, đã nhiều phen tôi gợi ý là bà con nông thôn nên trông vào cách sống của dân thành thị mà bỏ bớt những hủ tục trong ăn ở. May quá, lần này, tôi có một ví dụ để "nói xuôi còn có nói ngược". Vâng, trong sự tiếp xúc với cái nơi đầy ánh sáng ấy, lại cũng có những nền nếp mà ta không bao giờ nên học. Không học xì-ke, ma túy, cờ bạc, đĩ điếm đã đành, mà cũng chẳng nên học cái lối rực của, xây những ngôi mộ theo kiểu lố lăng, khiến cho cái nghĩa trang trở thành nơi khoe giàu khoe sang. Học là dại!
Cây cối thưa thớt
Thuở nhỏ, thằng cháu tôi tên H. vốn thích theo các bác các chú về quê, và nay đã ngoài 20, nó vẫn thường được bố mẹ ủy quyền khi có mặt ở đám giỗ này, khi mừng đám cưới nọ. Thì sẵn xe máy, chỉ vèo một cái, độ tiếng đồng hồ là tới. Lần nào ở quê ra, nó cũng kể cho tôi nghe một vài nhận xét về cái quê gốc của tôi, một làng nghề nổi tiếng ở xứ Kinh Bắc. Nhưng chưa bao giờ, tôi thấy nó nêu ra một nhận xét kỳ cục, như cái lần mới đây:
- Cậu ạ, hóa ra nhà quê bây giờ nóng hơn cả Hà Nội.
- Mày nói gì lạ?
- Không có gì lạ, thưa cậu! Trưa nóng quá, người mệt rũ, mà không nhắm mắt ngủ được, ra ngồi vỉa hè, cháu mới để ý: Hóa ra bây giờ làng xóm cây cối thưa thớt quá. Có ít cây cũ thì chặt trụi đi, chưa kịp trồng lại. Cứ bảo làng xóm là ở sau lũy tre xanh, chứ bây giờ nhiều làng có lũy tre đâu! Trên đê nhìn xuống, chỉ thấy san sát mái ngói với lại mái bằng. Có mấy cái ao, cũng lấp hết cả, lấy đất xây nhà. Có chút gió đồng thổi vào, thì phải lách qua cả đống bê tông, cậu bảo không nóng sao được?
Có thể cái cách đánh giá của thằng cháu tôi "quê nóng hơn cả Hà Nội" có phần không được khách quan. Chẳng qua là ở Hà Nội, nóng quen đi rồi, còn khi về quê, hy vọng có chút gió mát lại không có, nên nó nói quá lên thế. Nhưng đằng sau cái quá đáng ấy, không phải không có một chút sự thực. Là trong giai đoạn bung ra làm ăn xây dựng hiện nay, một số làng xóm nông thôn đang mất đi sự hài hòa vốn có. Đặc biệt là cây cối, loại cây lưu niên, không được chú trọng vun trồng. Cấu trúc bền vững của làng xóm xưa bị phá tung ra, cảnh quan mới hình thành luôn luôn ở tình trạng dang dở, chắp vá. Nếu đúng như thế, thì đó chẳng phải chỉ là nỗi đau của người ở làng, mà còn là nỗi buồn của chúng tôi, những kẻ xa quê song bao giờ cũng nghĩ về quê như một miền đất thanh bình yên ả. Cái nóng ở quê bao giờ cũng khó chịu đựng hơn ở đô thị.
SỐ TRUY CẬP đang online