CHUYỆN ĂN CHUYỆN UỐNG

Lọ hoa tươi và bát nước vối
Có dịp theo nhà văn Tô Hoài đi công tác ở một số địa phương, tôi nhận ra một thói quen của ông là vào bất cứ đâu, các ban phòng trên tỉnh trên huyện hay trụ sở ủy ban xã, bao giờ ông cũng chú ý đến cái lọ hoa. Và kể độ mười lần thì đến bảy tám lần, ông đều rút ra một nhận xét giống nhau:
- Lạ thật, nước mình đầy hoa tươi mà đi đâu cũng thấy cắm hoa giả. Hoa bằng giấy, bằng vải hay bằng những gì gì nữa, thì theo tôi, nó vẫn không đẹp bằng hoa thật. Khốn khổ, ở nước người ta tuyết giá không trồng được hoa mà trồng ở nhà kính thì tốn kém, nên mới phải dùng hoa giả. Chứ ở xứ mình, khó gì mà không kiếm hoa thật nhỉ?
Câu chuyện của Tô Hoài gợi lên trong tôi những sự liên tưởng, do đó, sự tiếc nuối tương tự.
Chẳng hạn, gần đây, trong những chuyến công tác ở các tỉnh quanh Hà Nội, cũng như những vùng khá xa, dừng lại bên đường uống nước, tôi nhận thấy đâu đâu cũng coca-cola, pepsi, 7up với lại hàng lô thứ nước xanh xanh đỏ đỏ khác. Gọi ấm nước trà, nghe chừng chủ quán không thích lắm, miễn cưỡng mà rót, có nơi bảo không có. Đến như chè tươi lại càng ít, nước vối tuyệt nhiên không đâu bán. Lại nhớ một số khách du lịch phương Tây sang ta bảo nhỏ: "Nếu thích các cao ốc vài ba chục tầng, với lại các thứ tiện nghi hiện đại, tôi đến Băng Cốc, Xingapo chứ đến Việt Nam làm gì? Vậy mà có ít cảnh quan đơn sơ, thanh lịch, sao các bạn bỏ hoang để chạy theo người ta". Hóa ra, cái bệnh của nhiều người làm du lịch thời nay hình như cũng chung nguồn gốc với mấy bà hàng nước ven đường?! Đã đành ai cũng biết là bán thứ hàng đắt tiền thì lời lãi có khá hơn. Song chẳng nhẽ có thể coi đấy là nhân tố duy nhất quy định cách thức chúng ta tiếp xúc và đối đãi với nhau?
Cỗ ăn cỗ để
Quả thật lúc đầu, đọc cái phóng sự đó trên báo, tôi chỉ bật cười và thầm nghĩ bà con mình giỏi thích ứng thật. Nhưng lúc rỗi, ngồi nghĩ lại thì thấy buồn buồn, như là có phần đau xót.
Ấy là một đoạn phóng sự, miêu tả bà con ở một số nơi đến với các đám hiếu hỷ trong làng trong xóm. Đại khái là hết đoạn giao đãi, chia buồn hoặc chúc mừng, lập tức không thấy một bóng đàn ông. Mà quanh cái mâm cỗ, chỉ rặt đàn bà, từ các mẹ, các chị dẫu một hai con trở lên cho tới các bà cao tuổi. Và gọi là ăn cỗ (cỗ đám ma, cỗ cưới) song họ chỉ xì xụp húp ít nước và các món sắp tan thành nước. Còn cái phần thịt thà giò chả, những món xào ngon lành thơm tho thì được xẻ đều vào các túi ni lông để mọi người mang về. Nhà có đám bát đĩa sạch như chùi; còn nhà không có đám, trẻ con lại ran rỉnh như ngày tết.
Không cần khó khăn lắm, cũng có thể đoán ra cái cách "bảo nhau" cực kỳ thông minh này tố cáo một sự thật:
Tình trạng cỗ bàn hiếu hỷ ở nông thôn hiện nay đã trở nên quá tải, quá sức chịu đựng với nhiều gia đình.
Nhiều người thấy nó là không hợp lý.
Song ở trong làng trong xóm, một thế lực tự phát vẫn cuốn người ta đi, không ai, không gia đình nào đủ sức chống lại.
Trong khi nhắm mắt làm theo, người ta chỉ còn cố vớt vát để cái việc buộc phải làm (là đưa phong bì) có được một chút hiệu quả thiết thực.
Rút lại, trước mắt chúng ta là một trạng thái dang dở, cái dụng ý tốt đẹp là ăn với nhau bữa cơm để cùng chia vui (hoặc chia buồn) biến thành hình thức giả tạo. Chỉ có điều chừng nào mà xã hội chưa tìm ra cách tổ chức những sinh hoạt hiếu hỷ này cho hợp lý, thì tình trạng dang dở giả tạo ấy vẫn còn tiếp tục, và có thể còn nảy sinh nhiều biến tướng kỳ cục.
Bữa cơm nhớ đời
Sự nghiêm ngặt của những nghi thức cổ truyền trong ngày tết bắt đầu ngay từ các món ăn mà người ta chuẩn bị. Từ ngàn xưa đến nay, mâm cơm cúng gia tiên của người Việt thường vẫn bao gồm mấy món "cơ bản": bánh chưng, xôi, thịt gà, măng, miến, cá kho v.v... Hầu như suốt mấy ngày tết, nhà nào cũng có những món tương tự, thành thử không phải đến bây giờ mọi thứ thừa thãi, mà ngay từ hồi đời sống còn khó khăn (nói nôm na: đôi khi đói ăn) nhiều người vẫn cảm thấy không khỏi ngây ngấy sờ sợ khi nghĩ đến bữa ăn ngày tết.
Vậy mà thay đổi thì ngại!
Phải trong những dịp ngẫu nhiên bột phát, người ta mới dám đi chệch khuôn phép trong một hai... bữa, để rồi, cứ thế nhớ đời.
Sau đây là một kỷ niệm nho nhỏ liên quan đến chuyện bữa ăn ngày tết mà đến nay, tôi vẫn thấy thú vị:
Khoảng những năm 66-67, các đơn vị bộ đội được lệnh rời doanh trại ra đóng ở nhà dân. Khi về ăn tết ở một làng quê, một hôm bọn tôi được bác chủ nhà cao hứng dặn dò:
- Thể nào các chú cũng phải ăn với gia đình một bữa cơm. Mà này, thích món gì cứ nói, để tôi bảo mẹ cháu làm, chứ các món thông thường ngày tết chính tôi cũng chán lắm.
Anh A, bạn tôi, vốn dân Hà Nội chính cống, liền nhập cuộc ngay:
- Thế ông cho phép tôi đặt hàng nhé.
- Nem công chả phượng chắc?
- Không, chỉ đơn giản thôi: một niêu cơm nóng vừa chín tới, đĩa trứng tráng, bát canh rau cải nấu cá rô, thái vào mấy nhát gừng. Với cút rượu nữa. Trưa mùng ba ăn. Chỉ nhớ là hôm ấy bữa sáng, ông ăn qua loa thôi, đừng ăn no quá, bữa trưa mất ngon. Bác chủ nhà đã "trót dại" hứa trước, đành dặn vợ con làm đúng như thế. Bữa cơm trưa mùng ba chỉ có ba người, bác ta và hai chúng tôi. Nhưng đến mấy năm sau, nhắc đến bữa cơm ngày tết, bác còn xuýt xoa khen ngon, dù chẳng bao giờ bác dám "tái bản", tức làm một bữa tương tự.
Về phần mình, tôi cũng chả khá gì hơn. Từ ngày có gia đình, đã một đôi lần, tôi muốn đặt hàng bà xã, để bà, trong những ngày tết, dọn cho một bữa thực đơn khác đi, ăn lấy ngon. Nhưng vừa dóng lên, bà đã gạt phắt, bảo rằng tết nhất ai lại thế, họ hàng làng xóm mà biết, người ta cười cho. Thế là thôi, bữa ăn nọ với tôi trở thành kỷ niệm duy nhất về một sự phá cách hiếm hoi.
Tôi không nói rằng có thể vứt bỏ hết mọi nghi thức trong ngày lễ cổ truyền.
Tôi chỉ muốn chúng ta cùng xét cho kỹ, cái gì châm chước được thì hãy nới tay với nhau một chút.
Rộng hơn câu chuyện bữa ăn ngày tết, là những con đường mòn trong làm ăn tính toán chúng cũng nhiều vô kể. Những thói quen cổ hủ ấy trói chân trói tay chúng ta, mà không đến nỗi như một câu Kiều: Gỡ ra cho thoát còn gì là thân, nhưng thực sự là khó gỡ.
Cũng là một sự mất mát...
Nhân bàn về chất chân quê trong thơ Nguyễn Bính trước 1945, nhà phê bình văn học Hoài Thanh có viết trong Thi nhân Việt Nam 1932-1941 rằng ông thường khó chịu, khi vào một ngôi chùa, thấy có những ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật. Có lẽ ông muốn lưu ý là có những hiện tượng tự nó không sao, nhưng để cạnh nhau, lại gây phản cảm. Cái lối lắp ghép lố lăng ấy chính là biểu hiện của sự kém cỏi trong văn hóa sống.
Theo nghĩa đen của nó, thì câu chuyện của Hoài Thanh giờ đã trở nên cổ lỗ: vào những năm này, điện đã đến với nhiều ngôi chùa, và ngự cả trên bàn thờ. Có điều nay là lúc lại đang nảy sinh trong sự lắp ghép tùy tiện vô lối khác, nó khiến cho người ta cảm thấy là trong nhận xét của nhà phê bình vẫn có một hạt nhân hợp lý không thể phủ nhận.
Từ lâu, vào những chiều hè, tôi có thói quen là mỗi khi có việc đạp xe lên khu vực đường Thanh Niên của Hà Nội, thường bớt ít phút nán lại ngắm chùa Trấn Quốc một lúc. Giữa cảnh trời nước, ngôi chùa với màu ngói đỏ đơn sơ hiện lên thật gợi cảm. Nhưng độ dăm năm gần đây, thì không dám ngắm cảnh theo kiểu đó nữa. Phần vì đường Thanh Niên, vào các buổi chiều, thường đông nghịt xe pháo. Nhưng có một điều phải thú thực đáng sợ hơn: ấy là sát gần chùa ngay phía bên kia đường nhựa là quán bánh tôm. Ngày hè, đứng ở bên hồ nhìn vào chùa, người vãn cảnh lúc nào mũi cũng phải ngửi cái mùi dầu rán rất trần tục. Tôi đâm nản hẳn, không còn đủ can đảm để tận hưởng một trong những vẻ đẹp lâu đời của chốn ngàn năm văn vật.
Điều đáng nói ở đây, là bề ngoài, di tích dường như không bị xâm phạm gì cả. Nhân danh một yêu cầu rất chính đáng là ăn uống, người ta chỉ làm cho ngôi chùa mất đi vẻ thuần khiết mà nó vốn có. Nhưng tôi cho rằng đó đã là một sự mất mát quá lớn, về mặt văn hóa.
SỐ TRUY CẬP đang online