SỰ BAO DUNG KHÔNG CỐ Ý

Một số nhận xét về việc tiếp nhận văn hóa ở ta,
xưa và nay

Bây giờ thì ai cũng biết rằng trong quá trình hình thành của mình, văn hóa Việt Nam đã tiếp nhận khá nhiều từ văn hóa nước ngoài. Nếu sự giao thoa giữa các nền văn hóa bao gồm cả nhận và cho thì chúng ta đã nhận nhiều hơn cho. Tuy vậy không việc gì phải xấu hổ vì sự tiếp nhận ấy. Chẳng những thế, theo con mắt nhìn hiện đại, chúng ta còn có quyền tự hào: tổ tiên ta đã biết đón lấy cái mạnh của người để làm giàu thêm vốn liếng cho mình.
Cao hứng lên, người ta còn nói văn hóa Việt Nam rất "chịu chơi" tức rất cởi mở, rất bao dung trong tiếp nhận.
Nhưng sự thực có phải là như thế?
Về mặt địa lý, không gian tồn tại của dân tộc này nằm ở giữa một bên là nước Trung Hoa khổng lồ, bên kia là một lô quốc gia Đông Nam Á bé nhỏ, rời rạc, và trong lịch sử, là một thực thể luôn luôn thay đổi. Sách vở gần đây nói nhiều tới căn cước Đông Nam Á của văn hóa dân tộc. Song nhìn lại lịch sử thì thấy mối quan hệ văn hóa Việt Nam - Đông Nam Á đậm đà hơn cả là vào thời sơ sử, nên chủ yếu chìm xuống bề sâu, còn càng về sau, càng biến dạng (ở đây không thể nói tới một quần thể quốc gia dân tộc đồng đều như ở châu Âu hoặc khối Ả-rập).
Còn với văn hóa Trung Hoa và văn hóa phương Tây thì khác. Một thời gian dài, với chúng ta, đấy là những mẫu mực phải theo.
Điều oái oăm là cả hai nền văn hóa ấy cùng đến với ta theo bước chân của kẻ xâm lược. Trong tiếp xúc, ta thường thụ động. Không phải tự nguyện chọn lựa, mà bị áp đặt. Ban đầu ta chống. Rồi chống không nổi, từ chối không nổi, thì mới chịu nhận (về sau lại nhận một cách hết mình, nhận đến cùng, thì đấy lại là chuyện khác).
Đối với văn hóa Trung Hoa: Như các nhà nghiên cứu lịch sử hay nói, mỗi lần đánh thắng quân xâm lược từ phương Bắc tới là một lần dân tộc này bước gần hơn tới văn minh Trung Hoa. Điều này có nghĩa là ngay từ đầu khoảng cách còn lớn. Đến thời Nguyễn, thì ta mới trở nên gần người láng giềng phương Bắc hơn bao giờ hết.
Sự tiếp nhận văn hóa Trung Hoa của ta là mở ra trên nhiều mặt. Nhưng như một nhà nghiên cứu chuyên về vấn đề này là Trần Đình Hượu đã nhận xét, mặc dù Hán học phát triển đến từng xóm làng bé nhỏ, song ở ta không có nhà Trung Quốc học nào đạt tới trình độ được thế giới công nhận.
Cùng với Việt Nam, trong suốt thời kỳ Trung cổ, Triều Tiên, Nhật Bản cũng tiếp nhận văn hóa Trung Hoa một cách toàn diện. Có điều đọc các tài liệu nghiên cứu về Nhật Bản in ra bằng tiếng Việt gần đây, chúng tôi thấy cách tiếp nhận văn hóa Trung Hoa của họ khác hẳn: Do chỗ là một đảo quốc, nên họ không sợ bị xâm lược. Ngược lại một nỗi ám ảnh nơi tâm thức họ là sợ bị tách rời khỏi đất liền, và không tiếp thu được cái hay cái tốt của lục địa. Cũng giống như ta, người Nhật biết rằng họ không có những tư tưởng lớn. Nên họ lo học. Nhưng học rất quy mô, cử người sang Trung Quốc cẩn thận và học đến nơi đến chốn, không toát ước, không tóm tắt học lấy ngọn. Lại theo dõi được cả quá trình phát triển tư tưởng của Trung Quốc mà không bị bắt vít vào một giai đoạn nhất định.
Chúng tôi ngờ rằng lối học - mà cũng là lối tiếp nhận - công khai, đàng hoàng, chủ động, có bài bản như thế ở ta chưa có.
Trong việc tiếp nhận văn hóa phương Tây, cũng thấy những nét tương tự. Ở đây dân tộc ta đã có dịp bộc lộ trí thông minh, óc ham học hỏi. Nhiều kẻ đến xâm lược cũng phải nể trọng. Đồng thời, trong khi làm một cuộc tự nhào nặn lại rất đau xót, văn hóa Việt Nam vẫn giữ vững bản lĩnh, và thể hiện được tinh thần tự chủ cao độ. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý lại rằng việc tiếp nhận nền văn hóa mới mẻ này lúc đầu rất khó khăn. Không phải chỉ vua quan triều đình Huế, mà cả các tầng lớp sĩ phu, những ông đồ nho sống giữa xóm làng, và cả nhiều người dân thường nữa, đã nhìn nhận nền văn hóa mà người Pháp mang tới, với nhiều dè dặt, nếu không nói là khó chịu, căm ghét. Và chỉ khi không từ chối nổi, ta mới đành lòng vậy, cầm lòng vậy để làm theo.

Trở lại với cái nhận xét về sự cởi mở, bao dung mà ở trên đã nói. Người nêu ra ý này chắc chắn xuất phát từ một thiện chí là muốn tìm ra một mặt mạnh của đời sống văn hóa dân tộc. Và thực tế cũng có một sự thật là nhìn vào văn hóa Việt Nam, ở văn hóa tinh thần cũng như văn hóa vật chất, đâu đâu cũng bắt gặp ảnh hưởng nước ngoài. Nhưng, nên nói là các ảnh hưởng này tự nó thấm vào, bị người lạ đẩy vào, hơn là chúng ta muốn. Ngôi nhà văn hóa của ta thường rào dậu thưa thớt, ảnh hưởng không vào theo cổng chính nhưng lại vào theo nhiều ngóc ngách khác nhau, và lúc nhận ra, ta cũng không thể tính chuyện thoát khỏi nó nữa.
Nói bao dung là nói về mặt tình cảm. Một nền văn hóa chỉ có khả năng bao dung khi nó hiểu kỹ về mình và công nhận kẻ khác, nói chung là có ý niệm chính xác về kẻ khác. Mà ở chỗ này, nhận thức của chúng ta còn tồn tại khá nhiều vấn đề. Trong một cuốn sách viết về Việt Nam (chúng tôi được đọc lại bản giới thiệu tóm tắt trên tạp chí Bách khoa in ở Sài gòn, số 73, năm 1960), một giáo sĩ phương Tây nhận xét đại ý: do chỗ trong lịch sử, dân tộc này đã bị quá nhiều thế lực bên ngoài làm phiền, nên họ, tức là người Việt Nam, có xu hướng nghĩ rằng tất cả đau khổ của họ là do người nước ngoài mang tới. Ông ta còn đả động tới một số thói xấu mà theo ông có ở dân ta, như óc kỳ thị, nghi ngại những cái xa lạ, cùng nhiều hạn chế khác trong việc người Việt tiếp xúc với văn hóa nước ngoài. Những nhận xét cụ thể cần bàn thêm, nhưng quả thật là nó đáng để chúng ta suy nghĩ. Nhận thức về mình, về người cũng là một bằng chứng cho thấy trình độ trưởng thành của một dân tộc, và nếu như bộ phận này trong nền văn hóa chung của dân tộc là còn ở tình trạng yếu ớt, thì những hạn chế trong việc tiếp nhận là điều làm sao tránh khỏi!
Chỉ cần tỉnh táo một chút, nghiêm túc một chút trong nhìn nhận, người ta cũng thấy ngay là việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài ở ta vài chục năm gần đây không được thanh thoát như nó có thể có. Khi thì chúng ta cự tuyệt ra mặt: trừ những gì thuộc phe ta không kể, ngoài ra mọi thứ của người ta đều bị xem là hư hỏng, suy đồi, là có mưu đồ xâm lược. Khi thì lại thấy cái gì của nước ngoài cũng là tốt đẹp, cũng là hơn của trong nước, tâm lý vọng ngoại tuy không nói ra, nhưng thực sự là thấm sâu trong tâm khảm cả già lẫn trẻ. Bấy nhiêu nhược điểm sở dĩ tồn tại, không phải chỉ do tác động của hoàn cảnh thời đại, mà còn do một thứ di sản nặng nề đã ăn sâu trong tâm lý nhiều thế hệ, lâu nay do bận bịu quá, ta chưa có dịp bàn tính thấu đáo.
Thói quen suy nghĩ này chắc chắn là không thích hợp với tình hình mới. Việc nhấn mạnh bản sắc dân tộc của văn hóa là cần thiết. Nhưng dân tộc lúc này phải đi đôi với nhân bản. Không gì tốt đẹp của thế giới xa lạ với chúng ta cả. Ta sẽ phải tiếp nhận, học hỏi rất nhiều, học hỏi một cách chủ động, đàng hoàng, có bài bản cẩn thận. Đó không chỉ là kết luận mang dấu ấn của một tư duy hiện đại. Mà với chúng ta, trước tiên đó là một bài học của lịch sử.
SỐ TRUY CẬP đang online