ĐỐI DIỆN VỚI QUÊ HƯƠNG

Chuyện gẫu quanh một bài thơ của Nguyễn Khuyến
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Từ đã bao lâu nay, bài thơ Thu điếu (Câu cá mùa thu) ấy đã được đưa vào các trường phổ thông để dạy, và còn lưu luyến mãi trong tâm trí nhiều lớp người bất kể gốc gác xuất thân là nông thôn hay thành thị. Vào những ngày thu, mặc dù tuổi đã lớn, tôi và đám bạn bè đồng niên, không ai bảo ai, trong dịp gặp nhau cũng tự nhiên nhắc tới nó. Và khi một người đã lên tiếng, thì những người khác đế theo ngay.
Anh A. thuộc loại mơ mộng:
- Khả năng của văn chương là ghê thật. Nó cố định trong mình những hình ảnh, kèm theo đó là bao nhiêu liên tuởng xa gần.
Anh B. để hồn phiêu diêu trong quá khứ:
- Thế mới biết nông thôn mình đẹp, nó có cái vẻ thơ mộng riêng, không đâu có.
Anh C. thì nghiêng về lối tư duy tỉnh táo, nên sau khi đã cố kiềm chế vẫn phải lên tiếng để dội cho mọi người một gáo nước lạnh:
- Ôi dào, đọc cho vui thôi, chứ bây giờ ở nhiều vùng nông thôn, ao chuôm lấp tiệt cả, cái nào còn lại, nước cống đổ vào cũng đen ngòm. Tát ao mới thấy chả khác cái vũng, cá mú đâu mà câu.
Câu chuyện xem chừng sắp đến chỗ ông chẳng bà chuộc, anh D. phải đứng ra dàn hòa:
- Tôi không muốn làm người ba phải, nhưng trong trường hợp này, cho phép tôi được đồng ý với tất cả các anh tức là người nào cũng có lý cả. Nhất là tôi muốn nhấn mạnh thêm một khía cạnh: Qua cái ao, thấy số phận của cả nông thôn, những vùng quê của chúng ta. Nhưng đấy là nông thôn hôm qua. Còn nông thôn hôm nay?
Một sự thiệt thòi...
Nguyễn Khải từng quen biết với bạn đọc xa gần qua nhiều truyện ngắn truyện vừa viết về phong trào hợp tác, trong đó có truyện Tầm nhìn xa chế giễu ông Tuy Kiền, phó chủ nhiệm hợp tác mà tham lam, xoay xở kiếm lợi.
Mươi năm gần đây, nhà văn này vẫn viết về nông thôn, nhưng lại có cách viết khác. Đây là một thí dụ: truyện ngắn Một thời gió bụi (1991).
Trong thiên truyện này, nhà văn kể rằng có một cán bộ đang sống ở thành phố, khi nhận sổ hưu liền có ý định về sống hẳn ở quê. Song chỉ về quê thăm thú ít ngày, ông Tú (nhân vật chính trong truyện) đã phải bật ra, quay trở lại với vợ con. Thì ra xưa nay, trong đầu óc những người như ông Tú, nông thôn là một khu vực bình yên, êm ả, lại có vẻ thơ mộng nữa. Còn lần này về thăm quê, ông Tú nhận ra trước mắt mình là một thực tế quá ư ngổn ngang bề bộn, "một cái làng, một vùng quê không còn quá khứ, không còn lịch sử, cái quá khứ gần nhất là các hợp tác xã nông nghiệp cũng không còn, cũng đã bị phá tan tành". Quay trở lại với đô thị, ông Tú nghe một đứa con hỏi "Về quê có vui không?", đành đáp "Cuộc sống gay gắt lắm". Lại nghe hỏi "Vùng ấy phong cảnh đẹp lắm hả bố", ông chỉ còn cách trả lời "Bây giờ thì trần trụi tan hoang cả".
Thú thực trong số các sáng tác gần đây của Nguyễn Khải không phải truyện nào tôi cũng thích, nhưng cái truyện Một thời gió bụi này khá thật. Ít ra, nó cũng nói lên một sự thực: nông thôn ta đang thay đổi, và suy nghĩ của nhiều người về nông thôn cũng đang thay đổi (chữ người ở đây bao gồm cả dân nông thôn lẫn dân thành phố) chỉ có điều tiếc là ngày trước, một thiên truyện như Tầm nhìn xa thì in đi in lại bao nhiêu lần, lại được đưa vào cả sách giáo khoa cho học sinh học, còn những sáng tác như Một thời gió bụi nói ở đây, nếu tôi không nhầm, chả mấy ai biết tới. Và đó là một thiệt thòi, không chỉ với tác giả, mà còn với bạn đọc. Bởi trên con đường đi lên đầy nhọc nhằn của mình, để tránh những bước mò mẫm, nông thôn ta không chỉ cần những lời động viên khuyến khích, mà còn cần cả những ý kiến nhận xét sắc sảo, như của Nguyễn Khải.
Đâu dám xui dại
Khoảng những năm bảy mươi trở về trước, cùng với Vũ Thị Thường, Nguyễn Khải, Nguyễn Địch Dũng v.v... anh M mà tôi quen là một trong những nhà văn chuyên viết về phong trào hợp tác lúc đó đang thời thịnh. Trong khi viết lách, anh có dịp sử dụng cái vốn khá chắc chắn về nông thôn, nó là cái thực tế nhiều năm anh đã trải qua (nói như cái chữ hồi ấy "đã gắn bó với phong trào").
Những tưởng một người như anh có để cả đời viết về nông thôn cũng không hết chuyện. Song sự đời không như tôi nghĩ. Từ hồi mở cửa (và ở nông thôn bắt đầu khoán 10) anh M của tôi từ giã đề tài nông thôn để đi làm ăn nơi thành thị. So với trước, anh viết khác hẳn. Nào là chuyện buôn bán, công ty này thành lập, công ty kia phá sản. Nào cảnh chè chén linh đình ở các nhà hàng, hoặc ông giám đốc bồ bịch với các cô thư ký... Làm sao mà nhận ra anh M của đề tài nông thôn ngày xưa nữa!
Nhưng viết về đời sống hôm nay, thú thực, M đâu có được cái hào hứng tự nhiên như cánh trẻ. Chẳng gì anh cũng đã trên sáu mươi. Vì thế, trong vòng một hai năm gần đây, anh thấy bí, cứ thơ ra thẩn vào, hết oán trời lại trách đất.
Đặt mình vào địa vị M, tôi cứ tự đặt câu hỏi: sao anh không quay lại với nông thôn. Cái gì quen thuộc viết vẫn thuận hơn - lý luận xưa nay bao giờ chẳng thế. Không viết được về nông thôn làm ăn hôm nay, thì viết lại về những chuyện cũ. Ngày xưa, anh bảo rằng viết khó hay vì bản thân phong trào hợp tác lúc ấy có nhiều cái gò bó. Nay có ai ràng buộc gì đâu, có thể viết về chính những ngơ ngẩn dại dột hôm qua để hôm nay rút kinh nghiệm - văn chương là đi vào khai thác những vấn đề có tầm khái quát, chứ đâu phải "mì ăn liền" như báo chí.
Nhưng nghĩ vậy, rồi tôi cũng chỉ để bụng, không dám nói với M.
Hình như ở ta có thói quen cái gì cũng theo mùa, làm theo mùa và mua bán theo mùa, viết theo mùa và đọc theo mùa. Cái việc anh M xoay ra viết về cái đời sống xanh xanh đỏ đỏ trước mắt ngẫm ra cũng là bình thường, bây giờ ai chẳng viết thế. Không viết được, ấy là lỗi tại anh. Chứ khuyên anh trở lại với đời sống nông thôn, rồi viết ra không có ai đọc tức là xui dại anh, tôi đâu dám, trong khi vẫn tin chắc rằng nếu cần kể ra một người có tài viết về nông thôn thì bao giờ tôi cũng nhớ tới anh ấy.
Một phen lộ mặt
Mặc dầu đều đã bỏ ra thành phố từ lâu, song tôi và anh bạn T. đồng hương vẫn hay gặp nhau và có điều gì mới của quê hương là thông báo với nhau ngay tắp lự. Bữa nọ, đi làm về, thấy anh chạy sang, hồ hởi kể:
- Có biết không, xong rồi.
- Cái gì xong rồi?
- Đường làng đã đổ bê tông gần hết. Cũng đáng công cho anh em mình góp mỗi thằng bao xi măng! Và cho nó tạnh hẳn cái câu tục ngữ truyền đã bao đời "Trăm cái tội không bằng cái lội làng Đông Hồ".
Vợ tôi đang ở trong bếp, từ nãy chắc đã nghe hết, cũng vui vẻ tham gia ngay vào câu chuyện. Nhưng điều bất ngờ là cô chớp ngay lấy cái câu cuối cùng T. vừa nói, và dẫn câu chuyện quặt sang hướng khác:
- Câu ca hay nhỉ! Nhưng "Trăm cái tội không bằng cái lội làng Đông Hồ" nghĩa là thế nào?
- Còn là thế nào nữa? Ngày xưa, bùn lầy nước đọng, mưa gió, ai cũng ru rú ở nhà, không dám bước ra đường, chứ còn sao nữa.
- Thì bao lần về quê, tôi còn lạ gì cái cảnh ấy! Chỉ hiềm một nỗi là mãi bây giờ mới nghe các ông thú nhận vậy. Chứ ngày xưa toàn là khoe khôn khoe ngoan, nào làng mình còn có tên làng Mái, nào làng Mái văn minh lịch sự lắm.
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh.
Đến lượt cả tôi và T cùng chưng hửng - Xưa nay, không ai bảo ai, cả lũ chúng tôi cùng có thói quen chỉ nói cái gì đẹp đẽ của quê hương còn cái xấu, cái dở thì lớ lờ lơ coi như không có. Giấu cả thiên hạ đến vợ con trong nhà cũng giấu. Bảo là buồn cười thì sẽ được cười đến mỏi miệng!
Thỉnh thoảng cũng có thầm nghĩ rằng một sự kém cỏi, nếu được nói ra, sẽ thúc đẩy người ta thay đổi nhanh hơn.
Nhưng nói như nàng Kiều của Nguyễn Du, rằng quen mất nết đi rồi, khó bỏ lắm.
Một phen lộ mặt như hôm nay, lại là một bài học.
SỐ TRUY CẬP đang online