Tôi chỉ sợ mình nhìn sai...

Chính thức thì ông làm ở NXB Hội Nhà văn, nhưng độc giả lại biết đến Vương Trí Nhàn với tư cách là một nhà nghiên cứu phê bình nhiều hơn. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, một loạt bài viết về "thói hư tật xấu", về văn hóa ứng xử của người Việt được ông cho đăng trên các báo, ít nhiều gây sự chú ý của dư luận. Ông từng bày tỏ quan điểm: "Tôi chỉ sợ mình nhìn sai chứ không sợ mình nhìn vào cái xấu"...

-Được biết, ban đầu ông cũng ôm mộng sáng tác, nhưng sau một thời gian, ông lại chuyển sang nghiên cứu và viết phê bình?

+ Đầu tiên tôi cũng thích sáng tác. Đặc biệt khi vào bộ đội, nhu cầu viết lách là rất lớn. Các cuộc thi thơ hay ca dao do các Sở Văn hóa tổ chức, tôi đều nhiệt tình tham gia, nhưng đến một thời điểm mới nhận ra rằng, về sáng tác, mình không thể nào bằng Nguyễn Khoa Điềm, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật... được. Trong một dịp, được cầm trên tay tập thơ "Sức mới", đọc thấy rất nhiều nhà thơ tên tuổi là bạn bè mình và đặc biệt, những cảm xúc của bạn trong tập thơ, mình đồng cảm được. Vậy là cầm bút bình một vài bài thơ trong đó. Bài viết được đăng trên báo Văn Nghệ năm 1964. Đó là bài viết phê bình đầu tiên của tôi.

- Nói như vậy nghĩa là ông đã may mắn, bởi, chỉ một thời gian ngắn, ông đã nhận ra mình, biết được thế mạnh và con đường đi của mình…

+ Đúng như anh nói. Tôi không mất quá nhiều thời gian để tìm đường đi. Đó cũng có thể gọi là may mắn được nhỉ. Vì đến giờ mình cũng đã có hơn 40 năm làm phê bình rồi.

- Hơn bốn mươi năm "làm dâu trăm họ", làm cách nào mà ông có thể theo nghề một cách bền bỉ và trường kỳ đến như vậy?

+ Ở bộ đội về năm 1968, mặc dù cũng có một số bài viết được đăng báo nhưng tôi chưa có ý nghĩ theo nghiệp phê bình lý luận. Thậm chí, nhà thơ Vũ Cao, khi đó là Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội bảo tôi: "Nhàn về đây làm phê bình được thì làm, không thì làm... kế toán". Về Văn nghệ Quân đội tôi mới thực sự xác lập cho mình một ý thức viết chuyên nghiệp. Đầu tiên phải yêu công việc của mình. Tức là anh phải có "lửa" với nghề. Tôi nghĩ để có thể trường kỳ được là tôi đã "phả" được vào trong các bài phê bình chất văn học. Khi viết, tôi cảm tưởng như mình đang sáng tạo chứ không phải nghiên cứu dưới góc độ hàn lâm như nhiều nhà phê bình khác. Đó cũng là nét riêng của tôi. Nhưng nói thật là nhiều khi cũng buồn, bởi trong đời sống văn học, những nhà phê bình luôn bị coi như phận làm "lẽ", phận "ăn theo" nhà văn.

- Tôi lại nghĩ phê bình và các tác phẩm luôn luôn có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Nhưng nhìn vào đời sống văn nghệ thì thấy mối quan hệ này chưa thật tương xứng. Các nhà phê bình tên tuổi thì hình như ngày một ngại viết. Đa phần chỉ còn những cây bút không chuyên. Mà phần nhiều mới "bình", chứ chưa "phê"?

+ Ý kiến của anh không sai nhưng nếu nói sâu xa thì điều ấy chỉ đúng với thời đại ngày nay, tức là các sản phẩm văn học đã thành hàng hóa và ít nhiều cũng phải được các nhà phê bình gợi mở, mổ xẻ giúp người đọc. Trong lịch sử, văn học ra đời khi chưa có phê bình. Ví như Trung Quốc, có hàng nghìn nhà văn tên tuổi nhưng các nhà phê bình chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nước ta cũng vậy. Nên hiện vẫn tồn tại một nền phê bình chậm và chưa tương xứng.

- Vậy có một hướng giải quyết nào để gần hơn, tương xứng hơn giữa phê bình và sáng tác không, thưa ông?

+ Văn học phải phát triển hơn nữa. Báo chí và các ngành xã hội phải phát triển hơn nữa. Vừa làm vừa phải ngoái lại nhìn. Từ trước đến nay mình chỉ quen làm mà chưa quen nhìn.

- Vậy dưới con mắt của một nhà phê bình, ông nhận xét như thế nào về vị trí của văn chương Việt Nam so với thế giới?

+ Tôi xin khất câu trả lời này. Có một thực tế ở Việt Nam, học sinh phổ thông khi học văn, chỉ được nhà trường giảng dạy rất sâu về từng tác giả và tác phẩm nhưng ít khi có được một cái nhìn tổng thể. Chưa một ai khái quát được nền văn học nước nhà mà chỉ nói chung chung. Kiểu như, chúng ta có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc... Đây là một vấn đề tôi cũng rất muốn tìm hiểu nên chưa thể trả lời bạn được. Tuy nhiên, việc làm này là công phu và không thể một sớm một chiều có lời giải.

- Khi đã có một cái tên, thậm chí giải thưởng Hội Nhà văn của ông cũng là một cuốn sách phê bình văn học (Cây bút đời người) nhưng rồi ông lại chuyển sang nghiên cứu văn hóa?

+ Văn học là một bộ phận của văn hóa. Hai phạm trù này rất gần nhau. Năm 1989 tôi đã có những bài viết về văn hóa và xem nó như một nhu cầu tự thân. Vừa rồi, Hội Nhà văn đặt tôi viết một cuốn sách "Nhìn văn học dưới góc độ văn hóa" qua đó mình càng có điều kiện để bước chân vào nghiên cứu văn hóa. Tất nhiên, thành công đến đâu thì tôi chưa dám khẳng định.

- Được biết, trước đây Giáo sư Trần Quốc Vượng đã có ý định làm cuốn sách "Thói hư tật xấu" nhưng rồi chưa kịp. Có phải ông muốn kế tiếp công việc còn dang dở của GS Vượng?

+ Việc này có lần tôi nói rồi. Từ khi cầm bút viết phê bình văn học, tôi phần lớn tập trung vào cái dở, cái chưa được của nhà văn cũng như tác phẩm. Có người bảo tôi là tà tâm, tầm thường nhưng tôi không sợ. Tôi chỉ sợ mình nhìn sai chứ không sợ mình nhìn vào cái xấu. Mà nhà văn, đầu tiên phải là một con người bình thường. Từ đó tôi mới có ý định đi tìm những "thói hư tật xấu" của người Việt.

- Nhưng nói chung, tâm lý người đời từ trước đến nay chỉ thích khen, chê là khó chịu, cho dù anh chê đúng. Với việc làm này của ông ít nhiều sẽ gây ra tranh luận?

+ Nhiều chứ. Sự phản ứng ấy là hoàn toàn hiểu được. Tôi nhớ có lần Nguyễn Minh Châu viết một truyện ngắn đưa cho Triệu Bôn xem, xem xong Triệu Bôn nói đại ý truyện không mới, chỉ ở mức thường. Vậy mà Nguyễn Minh Châu giận mãi. Đến một hôm hai người tắm chung một buồng, Triệu Bôn mới dám khẽ khàng hỏi: "Chẳng nhẽ tôi nói không đúng sao?". Lúc này Nguyễn Minh Châu mới nhăn mặt bảo: "Đúng nhưng mà vẫn...tức". Nói vậy để thấy rằng, một tên tuổi như anh Châu mà vẫn có những cảm giác ấy.

- Thì đến thi sĩ Tản Đà đầu thế kỷ 20 cũng bảo: "Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con..."…

+ Đấy, các cụ ngày trước rất tinh đấy nhé. Họ nhận thức được cả nhưng thay đổi thì chưa tìm được cách đi đúng hướng.

- Nhưng tôi được biết trong bài trả lời phỏng vấn một tờ báo điện tử cũng về chủ đề này, đến phút 24 ông đã nổi giận bỏ về và thề không bao giờ gặp người phóng viên kia nữa?

+ Giờ thì tôi không giận họ nữa. Tôi hiểu, nhiều khi họ cũng muốn có những cách làm, cách "gài" phát ngôn của nhân vật để bán được báo, được nhiều người đọc. Tôi bảo tôi không giận nữa vì chuyện cũng đã qua và... cũng chẳng biết giận ai. Khi phỏng vấn, phóng viên đó đã không dám xưng tên họ và khi đăng bài lại ký là "nhóm phóng viên". Thật lòng qua dịp đó cũng là cơ hội cho tôi học thêm về sự tha thứ

- Ở Trung Quốc cũng đã có hai cuốn sách rất nổi tiếng là "Người Trung Quốc xấu xí" và "Người Trung Quốc tự trào" họ lên án những tính xấu của dân tộc họ rất nặng nề và gay gắt, nhưng đó lại là những cuốc sách rất được đón nhận. Mà đúng ra, thấy được cái xấu, cái yếu của mình để rồi khắc chế nó mới thực sự là kẻ mạnh?

+ Thì rõ là thế. Ngày trước chúng ta phải có những sách lược và cách nhìn nhận mình cho phù hợp với nhiệm vụ thời đó nhưng giờ thì nên thay đổi. Xưa nay kẻ tự biết cười mình, biết tự trào mới là người giỏi.

- Vậy để có cơ hội "nhận ra mình", cơ bản chúng ta phải làm gì thưa ông?

+ Tôi cho rằng khả năng tự nhận thức của mỗi người là quan trọng nhất.

- Đọc Vương Trí Nhàn, tôi thấy cách làm của ông là phê bình văn học dưới góc nhìn văn hóa. Qua văn hóa để thấy văn học. Điều này không giống như nhiều người khác?

+ Các nhà phê bình phần lớn là làm tự phát. Có nhà giáo viết sách là để học trò học và nể, có nhà nghiên cứu viết là để lấy học hàm học vị. Còn tôi, tôi mong muốn có dịp đi được đến tận cùng vấn đề một cách sâu, rộng. Các bài viết của tôi không dành cho học sinh đang theo học những giáo trình hiện nay. Nó dành cho người nào có thể chia sẻ ít nhiều trong đó…

- Và trong một số những bài viết, ông đã gợi mở được nhiều điều, hữu ích cho việc xây dựng và quy chuẩn những nét văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử. Nhưng cũng mạn phép để nói, sự nhìn nhận của ông có vẻ... tiêu cực và thiếu lạc quan quá. Kiểu như, bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng vậy. Có phải ông nghĩ: "Yêu nên cho roi cho vọt..."?

+ Không phải thế. Tôi chỉ muốn nói rằng, dù gì con người cũng phải tự nhận thức được mình và phải biết ước mơ. Nếu tôi không làm thì thể nào cũng có người khác làm. Nó là nhu cầu thực của cuộc sống…

- Dạo này ông đang viết gì?

+ Tôi dành thời gian tổ chức lại bản thảo "Văn học Việt Nam thế kỷ XX dưới góc nhìn văn hóa". Đây là cuốn tôi tâm huyết nên sẽ cố gắng chặt chẽ, viết theo tiêu chuẩn quốc tế. Tất nhiên đó chỉ là mong muốn, còn làm được đến đâu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này

Nguyễn Văn Quân (thực hiện) 06/03/2009CAND
SỐ TRUY CẬP đang online