Giả dối, vì thờ ơ với sự thực

Tết đến, mọi người đi lễ, chúng tôi tình cờ nhận được một cuốn sách, mới mở ra đã thấy nói chuyện chùa chiền. Trong cuốn phiếm luận Nhân Nào Quả Ấy, nhà văn Vương Trí Nhàn ở trong nước nói tới những “chùa giả” mà quan chức các địa phương dựng lên chỉ cốt câu du khách kiếm tiền. Ðồng bào về thăm quê trong dịp Tết cũng hay kể lại tai nạn đó, họ cảm thấy rõ ràng mình bị lừa gạt; mất tiền đã đành, mà tấm lòng yêu mến quê hương và kính ngưỡng tổ tiên cũng có thể bị tổn thương!
Nhiều cán bộ xã ấp thiếu hiểu biết đã xóa bỏ cả những di tích thật, vì thấy nó cũ kỹ, xấu xí, rồi dựng lên những ngôi chùa mới, tô son điểm phấn, xanh xanh đỏ đỏ, không còn ý nghĩa lịch sử nào cả. Vương Trí Nhàn kể, “Hiện đang có phong trào dân các địa phương thi nhau xin công nhận di tích, đưa chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ... nơi mình vào danh sách được nhà nước xếp hạng (cổ tích).” Một nơi rất nhiều “chùa giả” là ở Chùa Hương, một di tích tôn giáo, lịch sử và thắng cảnh ở ngoài Bắc. Có chùa giả, hang động giả, di tích giả. Cán bộ đã lợi dụng tiếng tăm của ngôi chùa có từ ngàn năm trước để trục lợi, dân chúng sống nhờ tiền du khách chi ra cũng vui vẻ. Ngay cả những món quà lưu niệm bán cho du khách cũng là đồ giả, như chính tác giả từng là nạn nhân khi mua một giỏ phong lan, đi một quãng thì các mối dây buộc tung ra hết. “Còn nói chi đến nước giải khát giả, kẹo bánh giả, rồi lá số giả, tờ sớ giả vẫn bán giá cắt cổ!”
Một điều mà Vương Trí Nhàn không nêu lên trong bài đó, là ở các nơi đông du khách người ta huy động cả đội ngũ thiếu nhi tham gia công tác làm đồ giả, bán đồ giả giúp cha mẹ. Ðến địa điểm du lịch nào cũng thấy cả đoàn lũ trẻ em chạy theo kéo áo, bám lấy khách người Việt và ngoại quốc năn nỉ bán quà bánh, vật kỷ niệm, chưa kể là xin tiền. Người ta vô tình hy sinh tấm lòng trong trắng, non nớt của cả một thế hệ con em, chỉ vì mối lợi trước mắt. Một người cháu tôi đem vợ con về nước lần đầu tiên, đi thăm Vịnh Hạ Long. Cháu kể chuyện đã thuê một chiếc thuyền đắt tiền đi chơi biển, thuyền có cả phòng ngủ cho cả gia đình. Nửa đêm về sáng có lúc cháu tỉnh dậy, nhìn thấy cái cửa sổ trên vách thuyền mở ra, một chú bé đang thò đầu vào trong, nhớn nhác tìm kiếm. Khi thấy có người thức giấc, cậu bé ăn trộm nhìn gia chủ, nhoẻn miệng cười rất tươi, rồi từ từ tụt xuống, nhẩy tõm xuống biển, bơi đi. Chắc là cậu đi tìm một cái thuyền khác.
Ðiều làm người du khách kinh ngạc là thái độ thản nhiên, miệng cười tươi tỉnh trên khuôn mặt ngây thơ của chú bé. Cháu bé mặt mũi khôi ngô kháu khỉnh không có vẻ gì lúng túng sợ hãi khi hành động trộm cắp của mình bị bại lộ. Cháu cười như thể câu chuyện này cũng chỉ là một trò chơi, mình bị thua thì chơi trò khác. Trẻ em khắp thế giới chơi những trò đi trốn đi tìm, chơi bịt mắt bắt dê, chơi trò điện tử, vân vân, còn các em bé Việt Nam hồn nhiên chơi trò ăn trộm, trò bán hàng giả, trò đánh lừa du khách.
Những người có lòng với tương lai dân tộc đều phải lo lắng trước cảnh tượng đó. Phân tích hiện tượng dựng lên những di tích, chùa miếu giả mạo, ông Vương Trí Nhàn nhận thấy “Ngay từ đầu... yếu tố mập mờ nước đôi, nói một đằng, hiểu ngầm với nhau một nẻo, đã xuất hiện. Và cái sự đi đêm ấy mở đường cho nhiều hoạt động giả dối tiếp tục nẩy nở.”
Ðọc lại câu này, để chúng ta cùng suy nghĩ. “Cái sự đi đêm ấy mở đường cho nhiều hoạt động giả dối tiếp tục nẩy nở.”
Mọi người hiểu ngầm, đi đêm với nhau. Tất cả đồng lõa trong một trò chơi gian dối, đó là cuộc sống diễn ra ở nước ta suốt nửa thế kỷ, do chế độ cộng sản nuôi dưỡng. Ðến cửa hàng quốc doanh không có gì để mua, nhưng có thể gặp cô bán hàng ở một góc đường trao đổi kín đáo. Người mua than củi lậu đã giao tiền trước, được hẹn đứng đợi ở dưới gốc cây bàng, sẽ có người lái chiếc xe chạy qua, làm rớt túi than xuống mặt đường, cứ việc lượm lên đem về đi bán lẻ. Ðọc báo, nghe đài nói cái gì không, phải hiểu là có; và ngược lại. Trong trò chơi hối lộ, người bán quyền lực và mua đều nói những lời hoa mỹ, yêu nước thương nòi, phục vụ nhân dân, xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội, vân vân. Hô hào toàn dân đi bỏ phiếu thể hiện quyền dân chủ, nhưng ai cũng biết danh sách các đại biểu Quốc Hội đã được chọn sẵn rồi! Hoan hô tình hữu nghị Việt Trung, nhưng ai cũng biết nó sơi của mình đất, đai, rừng, biển, mình ngậm đắng nuốt cay mà vẫn phải ca tụng đồng chí anh em vĩ đại.
“Và cái sự đi đêm ấy mở đường cho nhiều hoạt động giả dối tiếp tục nẩy nở.”
Vương Trí Nhàn đã mô tả nguyên nhân gây nên cảnh tượng phong hóa suy đồi. Khi nói đến những đền chùa miếu mạo giả, ông lên án “...kẻ bất lương lợi dụng lòng hướng thiện chính đáng của mọi người để kiếm lời.” Câu này nghe giống như một câu của Dương Thu Hương, khi bà lên án đảng Cộng Sản Việt Nam đã khai thác một mỏ vàng ròng là tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Hàng triệu thanh niên hy sinh mạng sống vì yêu nước, kết cục đảng bảo mục tiêu quan trọng hơn là xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Ðảng bèn đặt ra khẩu hiệu “Yêu nước là yêu Chủ Nghĩa Xã Hội!” Năm 1945 đảng Cộng Sản cướp chính quyền rồi tìm cách nắm độc quyền cai trị. Bao nhiêu người dân Việt đã hy sinh chịu cho đảng Cộng Sản nắm đầu chỉ vì muốn toàn dân đoàn kết chống thực dân Pháp. Nhưng ngay trong lúc còn phải đương đầu với thực dân xâm lược, đảng Cộng Sản đã thỏa hiệp với Pháp, rảnh tay tiêu diệt các đảng phái quốc gia để củng cố quyền hành. Ngay trong thời kháng chiến đã bầy ra trò đấu tố để giết thêm những thành phần dân Việt không thể chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Hòa bình rồi, thì tiêu diệt các nhà trí thức, văn nghệ để không còn ai dám nêu ý kiến khác với đám lãnh tụ đảng. Trong tất cả thời gian đó, đảng vẫn hô hào “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết!”
Khi đất nước đã thống nhất, chính sách kinh tế của đảng đã dẫn cả nước vào con đường nghèo đói. Chỉ vì họ nhắm mắt theo các giáo điều Mác Lê nin, áp dụng những chính sách của các quan thầy Trung Cộng, Liên Xô. Ðến lúc Liên Xô sắp sụp đổ hoàn toàn thì đảng Cộng Sản Việt Nam mới chạy theo xin hầu Ðặng Tiểu Bình, thay đổi kinh tế, dần dần biến đảng cộng sản thành một đảng tư sản đỏ, thiết lập một xã hội tư bản hoang dã như ở Âu Mỹ vào thế kỷ 19!
Họ đã đánh lừa cả nước, nay vẫn tiếp tục. Vẫn bắt các đảng viên học tập chủ nghĩa Mác trong lúc các cán bộ chỉ lo làm giầu, tiếp tay với tư bản nước ngoài bóc lột công nhân! Và vẫn khoe “đảng ta” có công “đổi mới!” Cả nước biết rằng nếu không đi vào con đường sai lầm thì không ai cần đổi mới! Nếu không vì đảng Cộng Sản phí phạm hai thế hệ dân Việt Nam, đưa đất nước đến đường cùng, thì không cần gì phải đổi mới cả. Nhưng không ai được nói như vậy. Có 600 thứ báo, đài để ca ngợi đảng, những người viết lời ca ngợi cũng biết là họ nói lời dối trá, nhưng vẫn phải nói! Lãnh tụ đảng, các đảng viên, và các nhà báo “hiểu ngầm” với nhau. Dân chúng giả bộ ngu, cũng đi đêm với cảnh hiểu ngầm đó.
“Và cái sự đi đêm ấy mở đường cho nhiều hoạt động giả dối tiếp tục nẩy nở.”
Vương Trí Nhàn đặt một câu hỏi cho đồng bào trong nước: “Bên cạnh cái lỗi của những người làm chùa giả, đâu là cái lỗi của mỗi chúng ta?”
Ðúng như vậy. Tại sao chúng ta không ngượng ngùng khi nghe và nói mãi những lời giả dối? Trong một đoạn sau, Vương Trí Nhàn viết rõ hơn: “Sự thờ ơ với cái giả chỉ là một biến tướng của sự thờ ơ với cái thực.”
Hơn 600 cái miệng báo đài chấp nhận lối nói dối vì không ai quan tâm đến sự thật. Người ta đã sống quen trong cảnh giả trá, mà hàng ngày, Vương Trí Nhàn viết, “chúng ta giấu kín và che phủ bên ngoài bằng những lời lẽ hoa mỹ.”
Những người như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Dương Thu Hương, đã can đảm nhìn vào sự thực, nói lên sự thực không úp mở. Vương Trí Nhàn chỉ bàn chuyện chùa giả, nhưng trong lời văn của ông chúng ta thấy cả nỗi thao thức về cả hiện trạng và tương lai đất nước.

Ngô Nhân Dụng
SỐ TRUY CẬP đang online