Nhân tố thúc đẩy một sự tái sinh

Thử phác hoạ sự tiếp nhận của văn hoá Việt Nam
đối với văn hoá Pháp thế kỷ XX



I
Trước khi tiếp xúc với văn hoá Pháp,văn hoá VN nằm trong quỹ đạo của văn hoá Trung Hoa, hoặc nói như A. Toynbee, văn hoá VN lúc ấy là một loại vệ tinh của văn hoá Trung Hoa (1). Từ thế kỷ XX trở đi, văn hoá VN được xây dựng theo mô thức phương Tây để rồi gia nhập vào quỹ đạo của một nền văn hoá hiện đại. Hiện đại hoá ở Nhật Bản, Trung quốc, Việt Nam …cuối thế kỷ XI X đầu XX cùng có nghĩa là Âu hoá, mặc dầu mọi sự Âu hoá đều mang tính độc đáo của từng nước. Với việc tiếp xúc với văn hoá Pháp, trong thế kỷ XX, văn hoá VN có sự thay đổi trong mô thức ( pattern ), bởi vậy đây là một trong những ví dụ về tình trạng tiếp biến văn hoá ( acculturation ) với nghĩa đầy đủ của chữ này. Một số người thường chỉ dùng chữ giao lưu văn hoá Việt Pháp. Giao lưu có tính chất hai bên ảnh hưởng lẫn nhau. Riêng tôi cho rằng ảnh hưởng trở lại của văn hoá VN với văn hoá Pháp (cũng như sau này với văn hoá Nga ) là không đáng kể, bởi vậy dùng từ ảnh hưởng không nói hết được thực chất sự việc.


II
Xã hội VN thời trung đại chưa phát triển đến trình độ điển hình như một số xã hội trung đại khác ở châu Á. Đô thị theo nghĩa chặt chẽ gần như chưa có. Các hình thức vật chất bảo đảm cho sự thống nhất quốc gia khá yếu ớt, kinh tế từng vùng có tính tự cấp tự túc, các hoạt động thông tin liên lạc trong xã hội như giao thông, bưu điện… còn rất sơ khai.
Với sự có mặt của chính quyền thực dân ( = một công cụ của lịch sử ), xã hội VN như được làm từ đầu. Từ nay xã hội đó mới định hình thành một cơ chế tập trung, thống nhất và sang một trình độ mới về kinh tế.
Sự hoàn thiện về văn hoá một điều chưa thể đặt ra trong thời trung đại, thì nay cũng đã được khởi động.
Nói cách khác, theo sự cảm nhận của người viết bài này, văn hoá VN từ thế kỷ XIX về trước ở trong tình trạng chưa hoàn thành nó là những bước đầu của một quá trình phát triển, xanh,chưa chín, không còn là Trung Hoa nhưng cũng chưa tách mình khỏi Trung Hoa.
Việc tiếp xúc với văn hoá Pháp đồng thời thúc đẩy văn hoá VN nhanh chóng trưởng thành với nghĩa tự biết về mình, để tự hoàn chỉnh và trở thành chính mình chỗ hay cũng như chỗ dở đều định hình và hiện ra rõ rệt. Đây là chỗ khác giữa quá trình tiếp nhận văn hoá phương Tây ở VN ( tức cũng là quá trình hiện đại hoá của văn hoá VN ) với những quá trình tương tự xảy ra ở Trung Hoa, Nhật Bản. Ở các xứ đó văn hoá đã định hình từ trước hiện đại hoá, nên công cuộc hiện đại hoá không có vai trò quá lớn như ở VN.

III
Sự xây dựng nền văn hoá mới theo mẫu hình Tây phương ( mà đại diện là văn hoá Pháp ) được tiến hành chủ yếu trong nửa đầu thế kỷ XX với nhiều khó khăn. Vì đây là công việc được làm trong điều kiện chính quyền thực dân đang đóng vai trò điều khiển xã hội. Ý thức dân tộc của người Việt bị xúc phạm nên có sự chống đối. Công việc Âu hoá được hoàn thành với nhiều cực nhọc.
Nếu muốn qua đây khái quát đặc điểm của người Việt trong việc tiếp nhận văn hoá nước ngoài thì các kết luận là một song đề mâu thuẫn.
Một mặt, trên bình diện ý thức, cái mới được tiếp nhận dè dặt, thường có pha thêm chế giễu, không có cách nào khác thì con người đành phải chấp nhận cái mới ấy vậy. Lòng người còn hướng nhiều về quá khứ. Điều này được bộc lộ rõ trong văn học. Rất nhiều sáng tác ghi lại những đau khổ mà con người phải chịu trong một hoàn cảnh quá mới đối với họ (dòng văn học hiện thực trước 1945 ).
Mặt khác, trong thực tế người Việt lại biết tiếp nhận cái mới một cách khôn ngoan nhanh nhạy. Thích ứng với hoàn cảnh là một phẩm chất tuyệt vời của con người xứ này và đó là một bảo đảm cho sự trường tồn của dân tộc.


IV
Dù chỉ lo tách khỏi Trung Hoa về mặt địa giới cương vực ( còn văn hoá như trên đã nói, vẫn chấp nhận và học theo ), nhưng suốt thời trung đại, ý thức của người Việt về mình đã nẩy nở một cách mạnh mẽ, cái mình đây được đặt trong thế đối lập với kẻ khác.
Nếu sử dụng một khái niệm văn hoá học là kẻ khác, thì kẻ khác với người Việt lúc ấy chỉ là Trung Hoa.
Sang thời hiện đại ( từ đầu thế kỷ XX ), cùng với sự hình thành một ý niệm rộng lớn hơn về thế giới cái phần tự ý thức về bản thân, cũng tức là tự ý thức về văn hoá VN ( “ có một nền văn hoá VN “) cũng được nâng lên một trình độ mới.
Được sự gợi ý của các nhà chuyên môn người Pháp, tiếp theo họ, theo sự chỉ đạo của họ, hoàn chỉnh công việc mà họ bắt đầu ---, người Việt thế kỷ XX bắt đầu làm những công việc mà dân tộc nào cũng phải làm trên con đường tự khẳng định và hoà nhập vào văn hoá thế giới.Việc phân định biên giới VN với các nước láng giềng, trước tiên là nước láng giềng phương bắc, vốn chưa được làm rành rọt rõ ràng trong suốt trường kỳ lịch sử thì nay được làm, và việc này quả đã có ý nghĩa tượng trưng.Trong văn hoá cũng vậy. Gia tài của ông cha được kiểm kê đầy đủ, những bộ sách viết về lịch sử VN trước kia đã có nay được làm lại. Bắt đầu có sự nghiên cứu theo phương pháp mới về lịch sử nói chung lịch sử văn học nói riêng ; những bộ ngữ pháp tiếng Việt được biên soạn. Rõ ràng ý thức dân tộc lúc này trở nên chín muồi hơn và nếu so với ý thức dân tộc hình thành từ thời trung đại thì có thể nhận là đã có sự biến chuyển về chất. Đồng thời một thứ ý thức dân chủ theo nghĩa hiện đại cũng nảy nở, khác hẳn thứ dân chủ làng xã vốn có từ trước.

V
Cùng với những biến chuyển xảy ra trong xã hội kinh tế tài chính,điều kiện và phương thức sống… toàn bộ văn hoá VN cũng thay đổi bao gồm môi trường văn hoá thay đổi, bộ máy hoạt động văn hoá thay đổi và các chủ thể văn hoá cũng thay đổi. Bắt đầu có những người xem hoạt động văn hoá như một nghề kiếm sống ( một điều trước đây chưa từng có ).
Trong nền văn hoá hiện đại, người Việt tuy chưa có được một nền khoa học kỹ thuật độc lập, song tư duy khoa học có tiến triển, đời sống lý tính và óc phê phán bắt đầu nảy nở, phong tục tập quán có nhiều cải biến cho hợp với khoa học.
Thời trung đại, văn học VN nặng tính cách ước lệ, và bộ mặt thật của đời sống chỉ hiện lên mờ nhạt trong các sáng tác (ngay cả truyện biết bằng chữ nôm cũng lấy đề tài Trung quốc và tả phong cảnh Trung quốc ). Với phương pháp thực nghiệm học được ở Âu Tây cộng với sự phổ cập của ngôn ngữ,bắt đầu có nền văn học viết ngay về đời sống quanh mình. Âm nhạc hội hoạ sân khấu …từ nghiệp dư trở thành những bộ môn nghệ thuật độc lập. Bắt đầu nhiều khi chỉ là mô phỏng bắt chước văn hoá phương Tây nhưng rồi dần dần các nhà văn nghệ VN hiện đại đã có thể tự sáng tạo. Họ thường tìm cảm hứng sáng tác trong các bậc thày người Pháp, như cha ông họ trước đây được gợi ý từ các bậc thày Trung Hoa.
Trong khi một nền văn học francophone ở VN đầu thế kỷ XX tuy đã ra đời ( ) song không thể phát triển bình thường và sau 1945 bị hoàn toàn quên lãng, thì nền văn học viết bằng tiếng mẹ đẻ và làm theo mẫu hình phương Tây lại đạt đến một đỉnh cao mà văn học dân tộc chưa bao giờ đạt tới. Mặc dầu còn mang nặng tính chất thuộc địa (đây là chỗ khác giữa văn hoá VN hiện đại với văn hoá một số nước khác cũng trong quá trình Âu hoá như văn hoá Trung Hoa hiện đại ) song nền văn hoá mới được xây dựng vẫn có một bản sắc riêng : không thể nói nền văn hoá VN trong giai đoạn này là một bộ phận của văn hoá Pháp. Mà ngược ý muốn của những người Pháp thực dân, nó vẫn là một sản phẩm chuyên nhất, độc đáo. Tuy vậy không thể không ghi nhận văn hoá Pháp đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của văn hoá Việt Nam xu thế này có nhiều ý nghĩa tích cực và không thể đảo ngược. Đây là một ví dụ cho thấy sự tiếp biến văn hoá là một quá trình khách quan và có những kết quả nằm ngoài công cuộc xâm lược và cai trị.

VI
Sự phát triển của nền văn hoá mới góp phần thúc đẩy quá trình đấu tranh của người Việt cho độc lập dân tộc. Có một sự thực liên quan đến các phong trào yêu nước ở Việt Nam : từ phong trào duy tân đến Việt Nam quốc dân đảng, đó là nếu trong hoạt động thực tiễn họ có nhiều dây dưa với các phong trào yêu nước của Trung quốc, thì về ý thức, lại hướng thẳng về các tư tưởng tiến bộ của phương Tây. Từ đầu những năm ba mươi với những công cụ mới nhất tiếp nhận được từ nước ngoài ( ý thức hệ Mác Lê-nin, việc thành lập Đảng Cộng sản, việc vận động quần chúng ), công cuộc chống ngoại xâm có những bước chuyển căn bản và giành được thắng lợi.
Thế tức là không nên chỉ nói tới truyền thống ngàn năm và ý thức dân tộc khi bàn về những nhân tố đóng vai trò động cơ chủ đạo trong cách mạng và có loại hẳn vai trò của văn hoá Pháp trong những biến động lịch sử. Bởi đứng lùi ra để xem xét, đặt mọi vận động lịch sử vào cái mạch chung của văn hoá, hoàn toàn có thể nói người Việt làm Cách mạng với văn hoá Pháp đi kháng chiến chống Pháp với văn hoá Pháp ( nói cho đầy đủ là văn hoá Tây phương mà văn hoá Pháp là đại diện ).
Nhìn trên bề mặt, trong nền văn hoá mới được xây dựng ở VN, văn hoá Pháp chỉ đóng một vai trò khiêm tốn, các hoạt động giao lưu có lúc gần như ngừng hẳn. Nhưng tận bề sâu, văn hoá Pháp vẫn có sức tác động, tầng lớp trí thức do nhà trường Pháp thuộc đào tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt trong mọi quyết định của xã hội.
Văn hoá Pháp cũng đóng vai trò một thứ trung gian tích cực để Việt Nam tiếp nhận những nền văn hoá mới như văn hoá Nga bắt đầu ồ ạt đến với Việt Nam từ cuối những năm năm mươi của thế kỷ XX.
Cố nhiên từ cuối thế kỷ XX, phương Tây không phải chỉ có Pháp mà còn là và nhiều khi chủ yếu là Anh Mỹ. Tiếng Pháp lùi bước một cách vô vọng trước tiếng Anh. Nhưng văn hoá Pháp vẫn có mặt trong nhiều hoạt động văn hoá ; ví dụ trong kiến trúc, những kiểu nhà Pháp ngày nay vẫn được ưa chuộng,và nói chung, trong mỹ cảm, con người VN hiện đại vẫn thấy gần với người Pháp hơn cả. Nhiều người thường nhận xét trong những cảm nhận về đời sống giữa người Việt và người Pháp có nhiều nét chung ( và đó là công lao của văn hoá Pháp, một phần cũng là dấu ấn mà văn hoá Pháp để lại trong văn hoá VN ) --- song điều đó cần có một cuộc khảo sát tỉ mỉ mới xác định được chính xác.

VII
Được đưa vào Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử, văn hoá Trung Hoa là một bộ phận hợp thành của văn hoá cổ truyền VN và đến nay, người Việt vẫn chưa có sự tính sổ rạch ròi những gì mà mình tiếp nhận được từ người láng giềng phương Bắc. Ngay trong thế kỷ XX, văn hoá VN cũng không thể từ bỏ hoàn toàn những ảnh hưởng muôn màu muôn vẻ của Trung Hoa. VN thường nhìn vào Trung Hoa để hành động. Chính sự tiếp nhận phương Tây của Trung Hoa đã là một tiền lệ có ý nghĩa quyết định mang lại cơ sở hợp lý cho sự Âu hoá ở VN.
Trên nhiều phương diện, văn hoá Trung Hoa đã đóng vai trò trung gian để VN tiếp nhận phương Tây. Nhờ đọc loại sách người ta gọi là tân thư mà đầu thế kỷ này nhiều trí thức nho học trở thành trí thức Tây học. Thực tế là các cán bộ cách mạng về sau thường tiếp nhận Mác Lê nin qua các văn bản tiếng Hán, và theo cách giải thích của người Trung quốc.
Cùng với văn hoá Nga, văn hoá Trung Hoa hiện đại là bộ phận thay thế khi văn hoá Pháp phai nhạt. Và mặc dầu có một giai đoạn ngắn, trên bình diện ý thức chung của xã hội, các ảnh hưởng Trung Hoa bị từ chối (1966-1976 ), nhưng đến hai thập kỷ cuối thế kỷ XX thì văn hoá Trung Hoa lại quay trở lại trên phạm vi rộng, ăn sâu đến mức trở thành một thứ sản phẩm đại chúng, và đây là điều mà văn hoá Pháp không làm được, mặc dầu nó đã cắm rễ sâu sắc và vĩnh viễn trở nên một yếu tố nội tại của văn hoá VN hiện đại.
Chúng tôi nói thêm nhận xét này để đề nghị muốn hình dung và đánh giá chính xác sự tiếp nhận văn hoá Pháp ở VN, các công trình nghiên cứu về văn hoá VN hiện đại cần đi vào đối chiếu nó ( sự tiếp nhận văn hoá Pháp ),với sự tiếp nhận cũng của VN đối với văn hoá Trung Hoa. Cần có một bảng đối chiếu song song./.

-------
SỐ TRUY CẬP đang online