VIẾT VẶT

Lỗ Tấn có lẽ là nhà nhà văn xa lạ với mọi lối viết dài. A.Q chính truyện bất quá chỉ đáng gọi là một truyện vừa. Mà đó là tác phẩm dài nhất kí tên ông.Ngoài ra ở ông, cái gì cũng ngắn, nếu tính theo kiểu Việt Nam, lấy trang 13 x 19 ra mà ang áng thì thấy
các truyện ngắn chỉ mươi mười lăm trang, các bài tạp văn thương ngắn hơn nữa, đâu chỉ dăm bảy trang gì đó. Lại nữa,chuyện ông nói tới trong những bài tạp văn nặng về tính cách thời sự, ở dưới mỗi bài, những dòng chú thích in cỡ chữ nhỏ cứ đen đặc, vậy mà bắt buộc người ta phải đọc, nếu không, việc tiếp nhận văn bản sẽ giảm bớt hứng thú.
Nói nôm na, là Lỗ Tấn toàn viết vặt cả.
Ấy thế nhưng trong các sách văn học sử, cũng như trong lòng giới cầm bút Lỗ Tấn không bao giờ là nhà văn nhẹ ký. Tên tuổi của ông là niềm tự hào của văn học Trung Quốc hiện đại. Cái cách người ta dùng để đối xử với ông, là cách đối xử với các đại gia, nghĩa là không bỏ đi một mảy gia tài nào cả. Trong cái sự tưởng như se sắt vụn vặt, cái gì cũng bàn, trước sau ông vẫn hiện ra như một nhà văn có tư tưởng lớn và bút pháp nhất quán.
Chuyện về Lỗ Tấn hôm nay đáng để nhắc lại, bởi lẽ càng ngày càng thấy nhiều nhà văn Việt Nam bị hút vào viết báo và như vậy là việc viết vặt bám theo họ như một định mệnh. Nhưng hãy thử nhìn lại từ thuở nền văn học quốc ngữ mới hình thành đến hôm nay, đấy đâu phải là chuyện lạ ? Nói tới những Nhất Linh, Khái Hưng,Thế Lữ v.v… người ta không chỉ nhớ tiểu thuyết hoặc truyện ngắn các ông đó in ở nhà in Đời Nay, mà phải nhớ tới hai tờ Phong Hóa, Ngày nay các ông đó chia nhau gánh vác, bao gồm từ viết tiểu thuyết đăng nhiều kỳ tới chạy tiểu phẩm lấp đầy các mục nhỏ. Và đôi khi dịch thơ, đôi khi nhảy ra … minh họa. Trong số những tác phẩm để đời của Thạch Lam, có hai cuốn hình thành hoàn toàn từ việc viết rời rạc từng mẩu trên mặt báo : Hà Nội băm sáu phố phường và Theo dòng. Thuở nào Tản Đà đã sống chết với tờ An Nam tạp chí. Đến một thi sĩ lơ mơ như Lưu Trọng Lư trước 1945 vốn sống chủ yếu ở các tỉnh miên Trung, ra Hà Nội có ít năm thì một phần hồn vía dồn vào những bài báo nhỏ in trong tờ Tao Đàn 1939. Trong kháng chiến chống Pháp, Xuân Diệu nhận giữ mục tiếng thơ trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1957, Nguyễn Công Hoan làm báo văn, thường xuất hiện trong mục Nói hay đừng. Mấy năm từ 1959 trở đi, Chế Lan Viên viết từng mẩu tin ngắn cho báo Văn Học, lại chuyên giữ chân trả lời bạn đọc, gom lại thành hai tập sách Nói chuyện thơ văn và Vào nghề kí tên Chàng Văn. Còn Tô Hoài thì từ thuở trai tráng hai mươi đến khi thành ông già tám mươi, thời nào cũng viết báo và quyển Chuyện cũ Hà Nội được giải Thăng Long mấy năm gần đây, không gì khỏc chính là được gom lại từ các bài báo viết theo một gịong thống nhất.
Không nỗi đau nào là của riêng ai, dù ta thích hay không, cũng phải chấp nhận rằng việc viết vặt là chuyện bình thường của nhà văn Việt Nam. Và nếu kiểu lao động nghề nghiệp này được sớm mang ra bàn bạc rút kinh nghiệm thì không biết chừng nó sẽ có lợi cho một số ngòi bớt khá đông ( còn ai có gan có chí, nhất định không viết vặt mà đóng cửa viết dài, xin cứ thẳng theo con đương đã chọn ).
Thế nhưng, trong thực tế, một việc thiết cốt với nghề và quá trình kiếm sống của nhiều ngòi bút như thế lại bị lảnh tránh. Đại khái ai biết phận ấy, tự phát mà làm và giá như một người nào đó có đặt vào việc viết vặt chút ít tâm huyết nghiêm chỉnh thì xung quanh sẵn sàng mỉm cười chế giễu. Rồi mọi chuyện diễn biến ra sao, nhiều người đã đoán biết. Trước mắt chúng ta, thấy có tình trạng khụng ít nhà văn, nhà thơ tuyên bố chắc chắn như đinh đóng cột rằng đời mình phải thuộc về một sự nghiệp rất cao rộng và chỉ viết về những bài báo hàng ngày theo kiểu qua quýt. Rồi năm tháng qua đi, tuổi già xộc tới, lúc kiểm điểm lại, cái tác phẩm gọi là để đời thì chẳng thấy đâu, loanh quanh chỉ toàn những bài báo đúng là lặt vặt lại được viết cẩu thả nên trở thành thành một thứ của tội của nợ mà chính người đẻ ra chúng cũng không muốn giáp mặt. Liệu có thể nói đây là một sự trả thù, lối viết vặt bị coi thường đó báo hại nhưng người từng khinh bỉ nó ?
SỐ TRUY CẬP đang online