TRONG MỘT MÀN SƯƠNG LỜ MỜ...

Về đổi mới tư duy trong tiểu thuyết


Không biết cái cũ làm sao biết được cái mới....đấy là ý nghĩ nảy sinh trong đầu óc tôi khi theo dõi một số cuộc trao đổi về tiểu thuyết đăng tải trên báo chí thời gian gần đây, kể cả trên tờ TT&VH của chúng ta.
Nay là lúc đi đâu cũng thấy nói tới đổi mới tiểu thuyết. Mà lại là đổi mới tư duy kia. Chúng ta không bằng lòng với hiện trạng, chúng ta muốn có những đổi thay về cơ bản.
Về mặt tình cảm, phải nhận rất nhiều tâm huyết ở người cầm bút đã được bộc lộ. Kiên quyết khẳng định tiểu thuyết không chết. Xót xa về tình trạng yếu kém của tiểu thuyết đương thời. Than vãn rằng viết tiểu thuyết vất vả mà thu nhập thấp. Sau hết là những khao khát khôn nguôi, khao khát muốn được làm hết sức mình cho tiểu thuyết tương lai.
Chỉ có điều những tình cảm nồng nhiệt đó không được nâng lên thành lý tính, thành sự nghiên cứu chi li tỉ mỉ theo những bài bản khoa học chắc chắn. Người thì đề cập tới khả năng bịa y như thật của tiểu thuyết và cho rằng người viết ở ta còn chân chỉ hạt bột quá. Người thì tìm cách phân biệt truyện ngắn với tiểu thuyết. Lạc sang câu chuyện đề tài, có người đi vào tiểu thuyết nông thôn, tiểu thuyết chiến tranh. Lại có người nhấn mạnh mối quan hệ giữa thể tài với tuổi tác và cho rằng tiểu thuyết là thuộc về tuổi trẻ, hoặc xoáy vào câu chuyện tài năng và phẩm hạnh công dân của người cầm bút... Tóm lại là các phát biểu thường đi loanh quanh bên rìa, chưa áp sát cái nhu cầu bàn về tư duy thể loại.
Trên nguyên tắc, một nền văn học đã có nhiều tiểu thuyết được viết ra tức là một quan niệm về tiểu thuyết đã được hình thành và quan niệm đó là một bộ phận làm nên quan niệm về văn chương mà mỗi thời theo đuổi. Song ở ta các quan niệm -- nhất là quan niệm về hình thức --- chỉ được hiểu ngầm với nhau mà không bao giờ được trình bày rõ ràng ; nếu coi các tiểu thuyết đã in được làm theo một mô hình thì mô hình đó chưa bao giờ được khảo sát theo con mắt thống kê cân đo đong đếm đầy đủ. Một lý do nữa là sự thiếu sót của khoa học lịch sử : xưa nay ở ta mọi việc tổng kết xem xét lại công việc đã làm trong quá khứ thường bị coi nhẹ, và tiểu thuyết cũng không ra khỏi thông lệ đó. Bên Trung Hoa, những tổng kết về thể loại được làm rất sớm và rất kỹ, bản thân Lỗ Tấn ngay từ những năm ba mươi thế kỷ XX đã cho in một cuốn sách bao quát lịch sử tiểu thuyết Trung quốc. Những việc như thế một vài nhà nghiên cứu Việt Nam gần đây có làm song nặng về những việc liên quan đến sáng tác đương thời, đánh giá rồi xếp chỗ cho các nhà tiểu thuyết hơn là tìm hiểu tư duy thể loại. Còn các nhà văn thì cho là không cần nghĩ tới.
Giữa mới và cũ vốn có một mối quan hệ chặt chẽ ; ở mọi lĩnh vực đời sống, cái mới nào cũng là mới so với một cái cũ nào đó. Biện chứng của quá trình tư duy ở đây là trước tiên nhờ biết thế nào là mới nên có điều kiện nhận ra thế nào là cũ, sau đó nhờ đi vào hiểu kỹ cái cũ mà lại biết cái mới sâu sắc hơn, và thấu hiểu những khía cạnh mới của cái mới mà tiếp nhận. Trong thực tế, cả hai chiều đó của tư duy sáng tác ở các nhà tiểu thuyết hôm nay còn đang hoạt động cầm chừng và điều đó đã bộc lộ qua các phát biểu trên mặt báo. Do thông tin bùng nổ, giờ đây các loại kiến thức có liên quan đến quan niệm mới về tiểu thuyết ít nhiều có được giới thiệu, nhiều chữ nghĩa cập nhật --- mối quan hệ giữa sử thi và tiểu thuyết, Trăm năm cô đơn và Phế đô, Bakhtin và Kundéra... cũng đã có được nhắc nhở. Song theo tôi hiểu, tất cả chỉ đang ở dạng lớt phớt. Thành thử, nếu hỏi thật, chắc hẳn là chưa ai trả lời được rành mạch một tư duy mới về tiểu thuyết bao gồm những yếu tố gì, có bao nhiêu loại mô hình tiểu thuyết mới và khả năng áp dụng những mô hình đó ở ta đến đâu. Rồi ra, trong thực tiễn sáng tác, sẽ là ai vẫn người ấy, nhiều nhà văn sẽ lại hào hứng nói đến sự tự do, tức là thích viết thế nào thì viết như vậy,và yên tâm kháo nhau rằng thế là hiện đại rồi, chứ cái gọi là đổi mới thì còn phải chờ nhiều cuộc khởi động khác.
SỐ TRUY CẬP đang online