TÌM ĐÂU CON ĐƯỜNG TRẢI HOA CHỜ SẴN !

Trở lại với những cuộc đấu tranh trong làng thơ hồi Thơ mới

Tuy bức tranh chung còn lờ mờ thấp thoáng và các ý kiến phát biểu thường mang cái vẻ dở dang ấp úng, nhưng rõ ràng là hiện nay đang có một cuộc đấu tranh cũ mới trong làng thơ. Người này nói thơ ta cũ lắm rồi phải thay đổi đi ; người kia bảo cái hay thì không có chuyện cũ mới, một số thể nghiệm các bạn trẻ mới trình ra gần đây là con đường lầm lạc không triển vọng.Trong lúc chờ đợi có ai đó đứng ra tổng kết tình hình, và tiên đoán những bước tiếp theo, tôi muốn trở lại với một sự kiện trong lịch sử là cuộc đấu tranh cũ mới trong thơ hồi !932 - 1941 ( từ hồi Phan Khôi cho in bài Tình già cho đến khi Hoài Thanh viết Thi nhân Việt nam 1932-1941 ). Tạm thời có thể nêu ra một số nhận xét sau đây :
1/ Cái mới chỉ xuất hiện khi xã hội có nhu cầu. Trước khi nói đến những thay đổi trong cách cảm cách nghĩ của con người và do đó trong nghệ thuật, Hoài Thanh đã nói tới những thay đổi trong xã hội. Ông bảo “Cho đến những hang cùng ngõ hẻm cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình như ngày trước “. Đời sống mang sẵn trong mình nó những lời cắt nghĩa đối với văn học, người ta chỉ còn có việc là tìm ra chúng.
2/ Chẳng bao giờ có một con đường trải sẵn hoa để đón chào cái mới cả. Mà thực chất nó là kết quả một cuộc đấu tranh với nhiều cuộc co đi kéo lại. Ngoài việc công bố những bài thơ, thời ấy các đương sự còn dùng tới nhiều hình thức đối chọi khác, mà phổ biến nhất là tranh luận công khai trên mặt báo. Lại có cả những cuộc đăng đàn diễn thuyết, người ta tranh nhau nói để cãi cho cánh của mình. Bề ngoài nháo nhào lộn xộn. Tuỳ tình hình có khi phải mất cả chục năm, mới ngã ngũ đâu là kẻ thua đâu là người thắng.
3/ Cái cũ có uy tín, lại có quá khứ. Cái mới nhiều khi hiện ra trong cái vẻ dở dang thô kệch. Phải đến lúc có những tài năng như Thế Lữ xuất hiện, thì Thơ mới mới coi như chiến thắng. Đó là những cá nhân có khả năng ghi bàn vào những thời điểm cần thiết và do đó có vai trò quyết định xu thế một trận đấu, như trong bóng đá hiện đại người ta thường nói.
4/ Nhiều khi tình hình diễn ra không theo một quy luật nào cả. Trong lịch sử văn học, Phan Khôi ít khi được nói tới như một nhà thơ. Ông lại thuộc về lớp người cũ, thấm nhuần văn hoá Nho giáo, chỉ lớn lên mới tiếp nhận phương Tây theo con đường tự học. Bài Tình già được ông cho đăng lần đầu trên Phụ nữ tân văn là một tờ báo in ở Sài Gòn, trong khi trung tâm của Thơ mới về sau lại chuyển về Hà Nội, với các tờ Phong hoá Ngày nay. Đây chỉ là một ví dụ. Đi sâu vào còn có thể kể ra những điều oái oăm khác, chính chúng tạo nên cái vẻ thú vị riêng của cuộc chơi.
5/ Thơ cũ đã quá quen thuộc nên mặc dù truy về gốc cũng là hàng ngoại nhập ( học theo thơ Đường ), song lại được coi là có chất dân tộc. Còn Thơ mới lúc đầu bị chê là không hợp với cách cảm cách nghĩ của người Việt. Truyền thống thường được viện dẫn ra để bài bác cái mới. Nên biết thêm là về sau, hồi kháng chiến chống Pháp, những vài hát nổi tiếng như Sông Lô của Văn Cao, Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải khi mới xuất hiện cũng bị kêu là quá Tây. Vậy thì người sáng tác có thể yên tâm, trước khi được công nhận, bao giờ mình cũng có tội. Mà người tiếp nhận cũng nên bình tĩnh hơn một chút : Có thể những cái hôm nay ta chê bai, ngày mai với ta lại trở thành thân thiết không thể rời bỏ.
Tuỳ thuộc vào việc nhìn sâu vào tình hình hôm nay đến đâu, còn có thể rút ra nhiều bài học khác. Và bấy nhiêu điều rút lại chỉ chứng tỏ việc trở lại với lịch sử là không bao giờ thừa. Người ta có thể xem xét tình hình trước mắt mà không bao giờ nên có những sốt ruột thậm chí cáu kỉnh vô lối./.
SỐ TRUY CẬP đang online