CƠ HỘI CHO LÝ LUẬN

sự suy thoái âm ỉ
Một năm bình thường nữa lại sắp trôi qua. Trong vòng mười hai tháng ấy, các nhà văn vẫn viết ra đều đều,các nhà xuất bản vẫn hoạt động, các giải thưởng vẫn tới hẹn lại lên … Và vào dịp cuối năm tới đây, báo chí lại sắp có những bài thuộc dạng đánh giá tình hình, tổng kết, rút kinh nghiệm. Nhưng lòng người vẫn thấy quan ngại. Suốt một năm trời, gần như không có cuốn sách nào có được khả năng bùng nổ, tức làm cho người ta say mê, náo nức tìm đọc và đọc xong rồi thấy nó vận vào mình, liên quan đến chính mình. Ngược lại, dù rằng ở đó không phải là không có những nỗ lực âm thầm, song phần lớn những gì chúng ta làm được còn đang ở trong tình trạng loè nhoè, tản mạn, mỗi chỗ một tí, mỗi người một tí, không sao dồn tụ lại được cái gì nên hồn. Nếu không phải là những vụ ồn ào giả tạo thì trong những trường hợp khá nhất, các tác phẩm mà người ta tưởng rằng có thể hy vọng cũng chỉ gợi ra cảm giác bằng phẳng, không ghét nổi mà cũng không yêu nổi. Bởi vậy, luôn có cảm tưởng đời sống văn học đang vận động như một thói quen. Đây đó vài cuộc tranh cãi có làm cho văn đàn sôi động lên được một lúc, có điều rút cục, chúng vẫn mang dáng dấp những cuộc cãi vã nặng về yêu ghét cá nhân, chứ chưa chứng tỏ sự có lý, tức sự cần thiết của mình, càng chưa đưa ra được những kết luận có ý nghĩa nghề nghiệp để thúc đẩy sự sáng tạo đi tới.
Bởi vậy, cái đáng sợ nhất là sự hờ hững của bạn đọc, cái đó cũng đang kéo dài. Và một khi chính những người viết văn cũng hờ hững với những gì do mình và các đồng nghiệp của mình làm ra thì người ta có thể nói tới một căn bệnh mệt mỏi đã thành mạn tính.

cái mới của một cuộc hội thảo
Trong tình hình ấy, như báo chí đã đưa tin, cuối tháng 11-2004, một cuộc hội thảo riêng về công tác lý luận trong văn học đã được tổ chức. Thông thường nói tới những cuộc hội thảo loại này, người ta kể ra những báo cáo đi vào một vài nội dung kinh viện, hoặc thông báo kết quả của một ít thông tin cập nhật từ nước ngoài. Nhưng hội thảo kỳ này có chỗ khác. Nhiều tham luận tập trung nói lên tình trạng cằn cỗi, xơ cứng, xa lạ với đời sống và thiếu triển vọng của công việc. Nghĩa là các nhà lý luận cũng đã bắt đầu thấy sốt ruột trước cái cách tồn tại của chính mình. Và đấy chính là ấn tượng sâu sắc nhất mà hội thảo để lại.
Lâu nay, mặc dầu cùng là những phân ngành khác nhau của đời sống văn học, nhưng lý luận cứ đi một đằng mà sáng tác đi một nẻo. Nay trong cái sự tự thấy bất mãn với chính mình kia, lý luận và sáng tác lại như xích lại gần nhau. Người lạc quan bỗng cảm thấy một cơ hội may mắn có thể mở ra.

vai trò có thể có của lý luận
Thật ra, ngay sau khi gọi ra tình trạng trì trệ của văn học, nhiều người đã thử đi tìm những nguyên nhân của căn bệnh nan y này. Có điều, nghĩ lại những bí kíp từng biết, thấy cái gì ta cũng đã áp dụng. Nhà văn phải gắn bó với thực tế đời sống ư, có ! Cần được sự quan tâm của xã hội ư ? Lại cũng không thiếu. Ngay cả cái gọi là sự tự do nữa : đây là một khái niệm dễ gây bàn cãi ; song thử nhìn vào một ngành gần gũi như mỹ thuật thì thấy rồi nó cũng chỉ có ý nghĩa tương đối ; nghĩa là rồi có hơn ngày hôm nay đi nữa, tự nó cũng chẳng đủ sức tạo nên những giá trị lâu dài ; thành thử bảo đấy là cái sự níu kéo văn học cũng không phải. Vậy chẳng nhẽ cuối cùng nhân tố phải đặt thành vấn đề là chính cái cách suy nghĩ của chúng ta về văn học. Bởi chính nó là đầu mối, nên nó phải khác đi rồi thì may ra mới có cơ giúp cho tình hình thay đổi ? ồ, có thể lắm, có thể lắm.
“ Hiện nay tôi tin rằng không có những sự cải thiện nào trong số phận của loài người lại có thể thực hiện được cho đến khi có sự thay đổi lớn lao xảy ra trong kết cấu căn bản của những phương thức suy nghĩ của họ “.
John Stuart Mill (1806-1873), nhà triết học và kinh tế học người Anh đã viết như vậy trong cuốn tự truyện, và Jawaharlal Nehru đã dẫn lại trong đoạn kết cuốn sách Phát hiện Ấn Độ của ông (bản dịch tiếng Việt in ra ở NXB Văn học 1990 ).
Bàn lẻ với nhau một chút về sự sáng tác văn học hiện thời mà lại dẫn ra một câu nói muốn khái quát những vấn đề có liên quan tới số phận loài người như vậy ở đây e không hợp, song tôi vẫn cảm thấy bị ám ảnh bởi câu nói đó và mang máng cảm thấy có thể chỉ có nó mới giải quyết được những khúc mắc liên quan tới khu vực hẹp mà mình đang quan tâm ! Nên nhớ vào lúc Nehru viết quyển sách trên, cuộc sống tinh thần của đất nước ông đang trải qua một giai đoạn khó khăn, khi mà người ta “ còn đang phân vân giữa một bên là sự gắn bó mù quáng với những tập tục cũ và bên kia là sự bắt chước nô lệ những cung cách sống và làm việc của nươc ngoài “. Chính trong hoàn cảnh ấy mà Nehru thấy cần đặt vấn đề như J. Stuard Mill, tức là cần thay đổi cả một phương thức suy nghĩ. Không chừng đây là một sự gợi ý cần thiết ?!Và nếu giả thiết này được xác minh, thì tức là lý luận đang có cơ hội : trong khi tự tìm cách thay đổi, chính nó cũng sẽ là cái hích làm cho sự sáng tác ra khỏi tình trạng trì trệ đã kéo quá dài.
SỐ TRUY CẬP đang online