NHỮNG SỰ TƯƠNG PHẢN

Mỗi khi có dịp hình dung lại đời sống văn học ở Hà Nội những năm từ 1986 về trước, tôi thường không khỏi lạ lùng về ý nghĩa trọng đại mà lúc ấy, dư luận xã hội đặt vào một quyển sách. Bước đi thông thường của một người viết văn ở lứa tuổi tôi, là sau khi có bài đăng báo (thơ, truyện, phê bình văn học), phải dăm bảy năm và già dặn ra là chục năm người ta mới có cơ may được in một quyển sách đầu tiên.
Cho tới hết 1975, ở Hà Nội, chỉ có một nhà xuất bản chuyên lo in các loại sáng tác và nghiên cứu phê bình là nhà Văn học.
Mà mỗi năm, văn xuôi in ra chỉ chưa đầy hai chục tập, thơ trên dưới một chục, và phê bình nghiên cứu, vài ba cuốn gì đó.
Nhà văn hồi đó còn ít, nhưng sự chia phần đã thực là khó.
Bởi vậy, hình dung cái ngày có sách được in, lũ chúng tôi thường bảo ngày một con ngài hoá bướm có lẽ cũng chỉ thiêng liêng đến vậy.
*
Năm 1977, sau cả chục năm hành nghề và liên tục có bài in trên báo chí của Hội, tôi đã trở thành hội viên Hội Nhà văn. Nhưng cuốn sách tập hợp các bài viết đã được chọn lọc cẩn thận, thì xếp hàng mãi ở nhà xuất bản Văn học, không đến lượt. Lúc nói vui với bạn bè, thường vẫn bảo in được quyển sách còn khó hơn vào Hội!
Có điều, tôi cũng chẳng lấy thế làm buồn. Năm 1967, ba anh Hoài Anh, Ngô Văn Phú, Phạm Ngọc Cảnh chen chúc trong một tập thơ mỏng. Năm 1969 anh Ma Văn Kháng chầu chực mãi mới tin được một tập truyện ngắn, trong khi số truyện đã in báo, đã được giải thưởng nọ, giải thưởng kia đủ cho dăm ba tập. Một ông kễnh như Nguyễn Tuân cũng chẳng may mắn gì hơn. Sau khi Sông Đà được in ra 1960, phải 13 năm sau, tức 1973, một cuốn sách khác là Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi mới được trình làng. Mà đó là in ở Hội Văn nghệ Hà Nội. Chứ ở nhà Văn học, thì phải tính tới quyển Ký, nghĩa là 16 năm. Hơn cả chặng đuờng của cô Kiều lưu lạc!
Giữa hai quyển sách ấy là bao nhiêu phá sản, đổ vỡ, đến nay còn lưu lại, thành những câu chuyện để cả giới truyền tụng. Đại khái có khi sách đã sắp chữ rồi, có bông in rồi, vẫn bị cúp.
Năm 1982, Tuyển tập Nguyễn Tuân được biên soạn, trong sự chờ đợi của mọi người và của cả tác giả. Bởi một tuyển tập in ra lúc đó là một cái gì lớn lắm: Là sự khẳng định một đời văn, một sự nghiệp văn học. Song Tuyển tập Nguyễn Tuân làm năm ấy chỉ vẻn vẹn có hơn 800 trang. Không có Nguyễn. Không có Chùa đàn. Và Chiếc lư đồng mắt cua chỉ được trích một đoạn ngắn. Năm ấy, cụ Nguyễn 72 tuổi.
Nhắc lại ít chuyện như trên để thấy một sự tương phản và lối in sách bây giờ.
Nay là lúc sự in ấn thuận tiện đến mức dễ dãi. Một cây bút mới viết nhì nhằng một hai năm nếu muốn, đã có sách in với tên họ thật to ngoài bìa, to hơn cả tên cuốn sách. Một người làng nhàng, cũng có thể thu nhập các bài viết tạp nham của mình dưới một cái tên rất oai: tuyển tập.
Trên đại thể, ai có tiền hoặc chạy được người tài trợ, lập tức có thể đứng tên sau một cuốn sách. Tiền càng nhiều, sách in càng dày càng đẹp.
Một đằng là cái khung cửa quá hẹp đến mức nản lòng. Mặt khác là cái lối in ào ào, quý hồ đa bát quý hồ tinh rút cục khiến cho người ta nghĩ rằng những chuẩn mực có thể hiểu thế nào cũng được.
Tôi nhớ những ao ước hôm qua: ao ước có thêm giấy mực có thêm chỗ in.
Nhưng khi những thay đổi ấy tới thì chúng lại khiến tôi ngần ngại.
*
Sau câu chuyện in sách, là chuyện in bài phê bình.
Do sách ra ít, từ 1986 về trước, các cuốn sách xuất bản ở Hà Nội dễ dàng được nhắc tới trên báo Văn Nghệ. Và cái cách nhắc cũng mang đặc điểm của thời gian ấy, tức là có sự phân cấp rõ rệt.
Sách bình thường chỉ được điểm qua trong một bài đọc sách nho nhỏ.
Sách được coi là thành công và quan trọng thì mới được dành cả trang báo.
Thậm chí, ai viết bài phê bình cũng phải tính sao cho đăng đối với người có sách được mang ra phê bình. Chữ nghĩa đánh giá nhau thì cân đi tính lại thận trọng, như trong những bản án!
Còn như phê bình hiện nay: Lại chỉ có thể gói gọn trong hai chữ tuỳ tiện. Một quyển sách xoàng mà tác giả giỏi chạy, có thể có tới dăm bảy bài nhắc nhở trên đủ các loại báo. Trong khi đó, sách tốt lẫn đi, nhoè đi giữa thương trường ồn ào và bụi bặm.
Hôm qua sự chặt chẽ được duy trì, nhân danh chất lượng tức cũng là nhân danh tác dụng to lớn của văn chương trong đời sống tinh thần. Thôi thì hoàn cảnh khó khăn, không nói làm gì!
Còn như hôm nay, khi sự xô bồ được mặc sức tung hoành, nhân danh sự phong phú đa dạng và tinh thần dân chủ, mọi chuyện liệu sẽ đi tới đâu? Tôi không dám chắc rồi ra sẽ nảy nở những tác phẩm có giá trị. Hoặc nếu có, đó sẽ chỉ là những ngẫu nhiên bột phát, mà không phải do công phu chuẩn bị. Bởi tuy chỉ ghi tên một tác giả, song mỗi thành tựu sáng giá thực ra bao gồm đóng góp chung của nhiều người làm nghề, cùng sống trong một giai đoạn lịch sử.
*
Đã có một thời, chúng tôi phải xếp hàng mới xin được chữ ký để mua mấy quyển tiểu thuyết phương Tây mới dịch ra tiếng Việt.
Nay thì sách của những Camus, Malraux, Sarraute, Duras chỉ in nhỏ giọt vì chẳng ai buồn đọc.
Cũng như đã một thời, người ta quan niệm khoa học xã hội không cần đi học ở nước nào hết, văn bằng không là gì cả. Còn như ngày nay không ít trường hợp chung quanh một nhân vật có kèm ba chữ PTS là những giai thoại kể rằng bằng cấp có được do xoay xoả chạy chọt ra sao.
Cũng lại là những thái cực, những tương phản... mà không phải tiến bộ
*
Có một câu chuyện cũ kể rằng sau khi chú ngựa nọ vượt qua một chặng đường dài, chủ nhân thương tình cung cấp cho nó đầy đủ cả thóc lẫn nước. Điều oái oăm là ở chỗ lần ấy người ta đặt cả giỏ thóc lẫn thùng nước cách đều hai bên chú ngựa. Do chỗ vừa đói vừa khát, cái gì nó cũng thèm, cứ ngoảnh sang trái định uống nước, lại ngoảnh sang phải tìm thóc. Giãy giụa mãi rồi quá mệt, nó lăn ra chết.
Không biết có một chuyện ngẫu nhiên như vậy không hay đây chỉ là chuyện bịa? Nhưng tôi cho rằng cái tình thế nói ở câu chuyện là có thể có. Người ta có thể chết đứng khi bị đặt: “một cách chính xác đến từng mi-li-mét” giữa hai yêu cầu tương tự, và khả năng lựa chọn là tối ưu như nhau.
Còn đây, một điều có thật khác, là tình thế của bọn tôi bây giờ, bị đặt cách đều giữa hai phương án buồn chán như nhau, ngoảnh về quá khứ thấy tội nghiệp mà nhìn vào hiện tại cũng không thể bằng lòng. Không dễ mà “chết”, tức không dễ bỏ nghề, song quả thật là quá mệt mỏi! Sao cuộc sống trong khi tiến lên về phương diện này, lại lùi về phương diện khác? Bởi tham vọng của con người ta vô cùng, nên chỉ lùi một chút thôi, đã thấy nặng nề. Nói không biết đằng nào mà lựa chọn, là với nghĩa ấy.
*
Một cô bạn cùng cơ quan với tôi, có chồng cũng làm công việc dây dưa đến văn chương chữ nghĩa, và hay mua sách. Mới đây, cô khoe một việc mà cô cho là đã giúp đỡ đắc lực cho chồng:
- Em phải bỏ cả một buổi để giúp nhà em dọn dẹp bớt sách cũ đi. Căn phòng bằng cái lỗ mũi mà kềnh càng mấy giá sách. Đại khái có mấy cuốn của Nam Cao với lại Thạch Lam, hồi trước giấy đen bìa mỏng khó bảo quản lắm. Bây giờ cũng cuốn sách cũ ấy được in lại, giấy trắng, bài đẹp, trông ngon lành như miếng giò lụa. Vậy thì để cuốn sách cũ làm gì cho mệt?
Tô buột miệng:
- ấy chết, chớ có vội vàng như thế, phải xem cho kỹ đã. Nên biết là hồi trước, giấy xấu mực nhạt, nhưng sách thường chữa mo-rát cẩn thận. Còn như bây giờ, có nhiều cuốn, trông mỹ miều thế, nhưng in sai có khi bỏ sót cả đoạn văn của người ta.
- Thế anh khuyên em thế nào?
- Trong những trường hợp như thế phải để cả hai. Một cuốn để đọc và một cuốn để ngắm.
Nói xong cũng thấy buồn cười, và cả buồn... buồn nữa.
SỐ TRUY CẬP đang online