LÀNG VĂN CÓ GÌ VUI?

(Thử phân tích một phương diện đời sống văn học những năm 1987-1990)
Nghe tin rằng ở Liên Xô cũ, các tạp chí cho in ra hàng loạt những Chức vụ mưói, áo trắng, Bò rừng, Những đứa con của phố Arbat, Quyền tưởng nhớ v.v... và v.v... , có nhiều bạn đọc đã có ý hỏi các nhà văn ở ta, liệu tới đây, có thể có những tác phẩm tương tự (Chỉ loại đó thôi chứ chưa phải những tác phẩm lớn hơn, những kiệt tác) ? Không rõ khi gặp những câu hỏi loại đó, các anh các chị khác trả lời thế nào, phần tôi, một lần tôi đã buột miệng: “Không, không thể có được!”. Trả lời xong, cũng thấy buồn. Biết đâu, thời gian tới, một vài nhà văn nào đó sẽ đưa ra những quyển sách từng được nghiền ngẫm kỹ, vừa mới mẻ về tư tưởng, vừa chín về nghệ thuật, sách đã viết ra từ mấy năm trước, và bây giờ mới đưa tới nhà xuất bản. Khi ấy, sự phỏng đoán của mình là sai, mình bị cười giễu mà vẫn vui. Song theo tôi hiểu, ở ta, những dấu hiệu cho thấy sắp tới có hàng loạt tác phẩm loại đó, còn chưa xuất hiện. Lý do: cái nền chung của chúng ta còn quá yếu; sự lạc hậu của sáng tác văn học, với ý nghĩa một ngành sản xuất tinh thần, thấy khá rõ, đã đến lúc chúng ta nên thẳng thắn với nhau về chuyện này. Trước khi nói sự thật về toàn xã hội, những người cầm bút phải sòng phẳng với nhau về chính thực trạng ngành mình cái đã.
*
Làng giáo có gì vui? là tên một bài phóng sự khá sắc sảo về giáo giới ở ta. Ngay sau khi đọc bài báo đó (của Hoàng Minh Tường, báo Văn Nghệ số 42- 1987), trong tôi chợt nảy ra cái ý giá có ai thử làm một phóng sự tương tự “Làng văn có gì vui?”, chắc cũng phác hoạ ra một bức tranh vừa ngộ, vừa bi đát không kém. Nào điều kiện sống chật vật, trong căn phòng gia đình, nhiều người viết còn thiếu ngay cả cái bàn của mình. Nào chuyện nhuận bút thấp một cách thảm hại. Nào là không khí nghề nghiệp nhạt nhẽo, cái hay cái dở lẫn lộn, và nhiều khi, người viết cảm thấy công việc của mình chả có chút nghĩa lý gì cả. Biết rằng viết văn không thể giàu có, nhiều người vẫn tự an ủi: viết để thoả cái lòng yêu cuộc sống, cái “chính nghĩa cảm” của mình. Khi mà cả cái yêu cầu tưởng như bé nhỏ đó, cũng rất khó thực hiện được, người ta có “ngã lòng”, thì cũng không ai có thể mở miệng để trách ai được. Sự ngã lòng đó đã đến, đang đến, mỗi ngày một ít, ở mỗi người một dạng, tinh tế lạ lùng, nhưng không ai che giấu nổi. Có người thuộc loại nổi tiếng mà đến hàng chục năm nay không viết gì. Có người sau những quyển đầu tiên viết “ra viết”, có tên, có nghề, giờ bỏ, xoay ra lo chuyện kiếm sống. Chẳng hạn đi nói chuyện (nói chuyện cũng cần thôi, nhưng nếu lấy việc đó làm chính, bỏ sáng tác, tức là chuyển nghề rồi) hoặc chẳng hạn, nhận “thầu” viết sử, viết dư địa chí, hoặc nhiều loại “đơn đặt hàng” khác. Một động tác thường thấy: viết ký cho đài, cho các số báo đặc biệt, sau các chuyến đi. Trong các bài ký đó, cố ý nhắc tên một vài đơn vị sản xuất, tổ hợp nọ, xí nghiệp kia. Nhuận bút bài viết chẳng bao nhiêu nhưng cơ sở được nhắc sẽ nhượng lại với giá rẻ hoặc biếu không nhà văn vài tạ xi măng, mấy chục mét vải, về bán đi nuôi con. Thành thử đôi khi vẫn có bài in ra, thậm chí có sách ra mà tự mình xấu hổ, chẳng muốn tặng ai. Nhưng, “giao kèo với quỷ sứ” đã ký mất rồi, những chuyến đi đó tiếp tục. Nhân danh “lăn lộn với thực tế” người ta lang thang hết chỗ này đến chỗ khác, còn sự học hành tu luyện, suy nghĩ thêm, đọc sách thêm, lo cho một câu, lo cho một chữ, thì ngày càng ngần ngại. Và cái ước mơ viết những tác phẩm để đời, những ước mơ từng ôm ấp khi mới vào nghề, ngày càng thấy xa dần, xa mãi.
*
Bây giờ thì không ai bảo ai, nhiều người viết chúng ta đều thấm thía rằng văn nghệ ta còn nghèo, sáng tác của chúng ta vừa thấp về trình độ tư tưởng, vừa yếu, kém, cổ lỗ về trình độ nghệ thuật. Thế nhưng nhìn kỹ thì mươi năm nay lại thấy có một tình trạng ngược lại, là phồn vinh giả tạo. Do nhu cầu tuyên truyền, sách ra không phải ít. Vậy mà các nhà xuất bản vẫn thường xuyên ở tình trạng đói bản thảo (bản thảo tạm in được, chứ không phải bản thảo kém, cố nhiên), và phải cố in cho đủ kế hoạch đề tài. Bởi vậy số người viết văn xuôi có bốn năm quyển sách mà không phải hội viên Hội nhà văn rất nhiều. Số người làm thơ có trên trăm bài thơ đăng báo và chỉ cần nhà xuất bản hô một tiếng là “dọn dẹp” thành một vài tập thơ “sạch sẽ”, số đó càng nhiều. Chất lượng những tác phẩm loại này thế nào, chắc chúng ta đều biết: phần lớn, đó là thứ hàng tầm tầm, hoặc đôi khi gợi người ta nghĩ tới một thứ quả xanh, giá để nữa cũng có thể chín, nhưng chót hái xuống rồi, không bao giờ chín được nữa. Đây không phải căn bệnh dành riêng cho các cây bút không chuyên nghiệp. Những người “thành danh” rồi, vẫn nhiều phen làm hàng kiểu ấy. Danh hiệu nhà văn chỉ giúp cho sản phẩm của người ấy trông khéo hơn một chút (thơ uốn éo nặn nọt hơn; văn xuôi, kịch ra miếng ra nghề hơn), nhưng rút cục, vẫn là thấp hơn nhiều so với nhà văn có thể làm được, lại càng thấp hơn, so với đòi hỏi của bạn đọc hiện nay. ấy là không kể thứ hàng giả, hàng rởm, lấy cốt truyện của nước ngoài xào xáo lại, cóp nhặt văn phong, cách viết của người khác. Lối làm “hàng chợ”, lối biến văn học thành một sản phẩm thương mại trước đây tưởng chỉ có ở xã hội tư bản, nay đã lây lan đến nhiều người và có những “ca” không phải là không trầm trọng.
Thử nhìn vào trình độ nghề nghiệp của người viết trong các sáng tác, chúng ta sẽ thấy: giống như những gian phòng chúng ta ở hiện nay, vừa chật chội, lại vừa luộm thuộm, nhiều cuốn sách đã in ra tuỳ tiện trong dẫn dắt, xộc xệch về bố cục, nhân vật phát triển chẳng đâu vào đâu, đặc biệt rất nhiều chi tiết sai. Trong giới thỉnh thoảng vẫn xì xào: ông nọ tả người Mán mà hoá ra chi tiết ở người Mường, ông kia kể chuyện đời Lê ra chuyện đời Nguyễn. Giới khoa học đọc văn, kêu lên “Sao chỗ này các bố liều thế, bịa ghê thế!”, nhưng rồi những bịa đặt ấy qua đi, lại đến những bịa đặt khác, bởi có bắt được quả tang chăng nữa, cũng chả chết ai kia mà. Hình như chả ai có lỗi cả. Và ai tài lẩn, tài đánh bài lờ, mặt cứ tỉnh bơ trước những phê bình “lặt vặt” kiểu ấy, người đó sẽ thắng.
Nói riêng về chuyện văn chương chữ nghĩa. Nếu không sợ mang tiếng là hàm hồ cay nghiệt, tôi muốn nói đã lâu lắm, chúng ta không có được những ngòi bút có văn hay, những giọng văn thật độc đáo. Ngược lại giờ đay, giở nhiều trang sách dễ có cảm tưởng như nhìn vào mẹt gạo mới đong, trấu sạn còn đầy, và điều đáng tiếc là cỏ dại ăn lấn cả vào mảnh đất chuyên canh của những ngòi bút một thời được coi là kỹ tính. Hình như bây giờ lúc nào chúng ta cũng phải viết trong tình trạng “ngồi không yên ổn, đứng không vững vàng”, và không sao tìm thấy sự bình tâm cần thiết! Người này dùng chữ cẩu thả, người kia câu cú vặn vẹo lung tung, mẹo luật tối thiểu cũng vi phạm. Người khác nữa, khi dịch cứ bê nguyên cú pháp nước ngoài vào văn nước mình, đến một dấu phẩy cũng không chịu thay đổi. Quả thật, tiếng Việt đang chịu dày vò mà ở thế kỷ này, nó không đáng phải hứng chịu.
Bàn về phê bình văn học, gần đây chúng ta thường nhắc tới một số căn bệnh thâm niên của nó như thô thiển công thức, hoặc cơ hội, nói theo. Nhưng phê bình ở ta còn một điểm nữa rất tệ là nhiều khi chỉ truy nhau quan điểm, chăm chăm xác định đúng sai (theo những tiêu chuẩn tuỳ tiện, tạm bợ), còn sự phân biệt hay dở nhiều khi chỉ làm chiếu lệ. Không phải tất cả, nhưng lói phê bình cạn cợt đó rất thường gặp. Đấy lại là một lý do nữa khiến các loại hàng tầm tầm, hàng chợ, thi nhau đua nở. Thế phê bình không chỉ ra được cái hay cái dở, thì phê bình còn tồn tại làm gì? Thưa, trong nhiều trường hợp, phê bình văn học biến thành thứ “văn” tuyên truyền giúp cho phát hành bán sách, thành một thứ bao bì có cũng được, không cũng được, hoặc một thứ hoạ tiết trang trí cho sản phẩm là cuốn sách. Mà cũng là một thứ chi tiết phụ, rất rẻ mạt: hàng khan, hàng xấu cũng bán được, thì việc gì phải quảng cáo! Trong số những kỷ niệm cay đắng của một người viết phê bình văn học, tôi nhớ những lần người ta rỉ tai tôi: ngành nọ, ngành kia mới ra quyển sách đấy, viết cho nó đi, rồi nó lấy tuyên truyền phí trả thêm cho. Một lần khác, một nhà văn cùng tuổi thương cảnh túng đói, đến mặc cả lơ lửng:
- Này, tỉnh X. đang cần thêm mấy bài cho cuốn tác giả văn học của nó đấy. Cậu viết cho nó một bài. Định đòi mấy trăm nào? (hồi ấy mấy trăm còn quý).
Tôi còn đang ngắc ngứ, chưa hiểu làm ăn thế nào, thì, như chợt nhớ ra điều gì, anh bạn tắc lưỡi, vứt toẹt quyển sách xuống bàn.
- Mà thôi, chả nhờ cậu làm gì. Để tớ bảo mấy thằng giáo viên cấp ba ở huyện nó viết. Bài viết sẽ thành kính, mà muốn bảo chữa gì cũng dễ.
Phê bình văn học của chúng ta lâu nay còn dở, nên rẻ rúng như thế là có lý - có người sẽ bảo như thế. Nhưng rồi sự rẻ rúng ấy lại làm cho phê bình ngày càng dở hơn, trở nên tuỳ tiện, vô trách nhiệm hơn. Tích tiểu thành đại, đến nay, đã có thể nói là trong khi đánh giá nhau (thậm chí làm những công việc với ý định để đời, như viết các loại từ điển), chúng ta cũng quá dễ dãi, không có chuẩn mực vững chắc. Khi những thành phẩm xoàng xĩnh, tầm thường, được xúm vào khen là hay là tuyệt, được đưa vào sách trích giảng văn học để dạy trong nhà trường, trở thành đầu đề cho các sinh viên làm luận án tốt nghiệp, thì tự nhiên những tìm tòi chân chính sẽ mất dần đi, và tình trạng ngưng trệ thoái hoá sẽ lây lan, khó lòng ngăn chặn.
*
“Tại sao văn học chúng ta chưa có tác phẩm lớn?” - Mỗi lần soát xét lại tình hình là một lần câu hỏi đó được đặt ra cho cả giới. Câu trả lời gần đây của nhiều người là: tại sự trói buộc, tại cái “hành lang vừa hẹp vừa thấp” (chữ của Nguyễn Minh Châu) nó hạn chế chúng ta, khiến chúng ta thường vừa viết vừa run, không dám là mình, không viết hết mình. Nói thế là đúng, nhưng tôi cho là còn phải thấy lý do sự đình đốn, trì trệ khá toàn diện ràng buộc, cả ngành chúng ta (chứ không riêng ai) thiếu những tiền đề cần thiết để làm việc. Công tác nghiên cứu văn học cổ quá chậm trễ, không mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, thiếu sự giao lưu thường xuyên và lành mạnh với văn hoá thế giới, nên cách sống, cách làm việc của từng người cũng như các hoạt động của toàn ngành (tức là trình độ sản xuất) còn ở tình trạng lạc hậu. Chẳng những thế, trong một thời gian dài, mặt nghề nghiệp của sáng tác bị coi nhẹ, sự đào tạo bồi dưỡng không đến nơi đến chốn, không hình thành nổi dư luận chân chính. Khi cá mè một lứa trong đối xử thì làm sao người thợ có tay nghề tinh xảo yên tâm cho được? Tổng hợp cả hai mặt đó lại, trên một số phương diện nghề viết văn hiện nay vừa giống tình trạng trong nông nghiệp, con trâu đi trước cái cày đi sau là phổ biến, vừa giống các nghề thủ công, nghề đúc đồng, nghề dệt lụa, thợ giỏi ít dần. Tại sao có sự đình đốn như vậy? Dĩ nhiên, ở đây, có vai trò của sự trói buộc quá lâu, trói buộc vô lý mà không ai cãi được, nên người ta chỉ còn hình thức phản đối thụ động là chẳng cần gì, chẳng thiết gì, sẵn sàng làm bậy, làm hèn mình đi, thế nào cũng xong. Nhưng đấy mới là một khía cạnh. Nhìn rộng ra hơn, phải thấy ở đây, không ngoài lý do sâu xa là đất nước nghèo khó, chiến tranh liên miên, mọi người lúc nào cũng mải miết bận bịu, đến những việc lớn như lo bữa ăn hàng ngày, dạy con cái học hành... còn chưa xong, thì còn lấy đâu thì giờ mà bàn văn chương nghệ thuật, nên chi, bề ngoài có vẻ ngặt nghèo, nhưng thật ra, xã hội vẫn quá dễ dãi, không yêu cầu cao ở văn nghệ. Rồi tự chúng ta dễ dãi với nhau. Dần dần, mỗi ngày một ít, ta kéo ta xuống, ai cũng thấy, mà không biết trách nhiệm tại ai. Giờ đây, tại một số địa phương nghệ thuật không khỏi ít nhiều có cái vẻ một thứ hát xẩm, cốt vui tai mọi người, sáng tác thành một thứ hề, một thứ nghệ nhân mà không phải nghệ sĩ, với đầy đủ ý nghĩa của chữ ấy... Khi người cầm hút đã ở vào tình trạng bạc nhược suy thoái như thế, thì dù có gỡ hết trói buộc, mở ra cho đi trên những hành lang cao rộng chăng nữa, cũng không phải ngay một lúc, làm được những việc muốn làm. Còn là nhiều vất vả, rồi ngành văn học của ta mới trở thành một ngành sản xuất lành mạnh, và những tác phẩm lớn mới có cơ nảy nở.
Đã có người nhận xét một cách cực đoan: không những trình độ của chúng ta hiện nay thua kém so với thế giới mà ngay cả so với các bậc tiền bối, ta cũng không chín được tới cái độ như thời đại họ cho phép họ, nên những sáng tác tốt của thời đại ta đóng góp vào lịch sử văn học dân tộc có lẽ cũng... khá khiêm tốn. Có phải vậy chăng, cái này nên bàn, nhưng nếu đúng như thế, thì ở đây, có phần trách nhiệm của mỗi chúng ta, và cộng cả lại, trách nhiệm của cả giới, thứ trách nhiệm của người trong cuộc không gì thay thế được.
SỐ TRUY CẬP đang online