CŨNG LÀ NHỮNG SỰ XUỐNG CẤP

Trong một bài viết in trên trang văn học của TT&VH tháng trước, người viết bài này đã tạm ghi nhận một sự thực là trong khi các công trình nghiên cứu giảm sút, thì các loại sách giai thoại lại được dịp tha hồ nẩy nở và đó chính là một bước thụt lùi khá rõ trong đời sống học thuật hiện thời.
Nhưng trong khung cảnh hỗn độn của một của sinh hoạt chữ nghĩa thuở giao thời, sự xuống cấp còn thấy bộc lộ ra ở vài phương diện khác.
Đọc lại lịch sử văn học nửa đầu thế kỷ XX, người ta biết rằng trong mấy chục năm ấy, văn xuôi Việt nam đã có những bước tiến rõ rệt. Trong thời gian đầu, những thể nghiệm văn xuôi in trên Đông dương tạp chí Nam phong,Phụ nữ tân văn, Hữu thanh … còn giống như những ghi chép vụn vặt ngẫu nhiên tuỳ hứng. Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính có bút pháp chẳng khác bao nhiêu so với Lĩnh Nam chích quái thế kỷ XIV. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Bá Học thực chất là viết lại một truyện dân gian ( Ví như Chuyện ông Lý Chắm ).Trong hoàn cảnh tư duy văn học mới có sự chuyển biến bước đầu theo hướng hiện đại hoá, sự non dại đơn sơ bộc lộ ở mấy điểm : quy mô tác phẩm thường nhỏ bé ; cách làm văn xuôi của tác giả cũng là cái cách khá cổ, lời kể gần với lời nói hàng ngày, mọi chuyện lướt đi rất nhanh mà chẳng dừng lại ở một chỗ nào cho kỹ càng.
Nhìn kỹ hơn thì thấy trong các truyện kể lúc này, việc miêu tả con người còn bị hạn chế. Người viết không có cách gì thâm nhập được vào thế giới của các nhân vật. Quả thật khi nghĩ về văn học trước Tố tâm (1925 ), không ai nhớ được một nhân vật nào gọi là có đường nét cho rõ rệt, tức là những con người này cụ thể, những điển hình sinh động, như cách gọi của lý luận văn học.
Bởi vậy, khi đối chiếu, phải thấy từ Tản Đà tùng văn tới Tuỳ bút I, Tuỳ bút II, Nhà Nguyễn của Nguyễn Tuân, hoặc từ các truyện ngắn viết những năm cuối thập kỷ 20, đầu 30 của Nguyễn Công Hoan tới truyện ngắn Nam Cao có một bước chuyển khá rõ trong ngôn ngữ thể loại.Cảm tưởng về một thứ văn viết ngày càng rõ ràng. Bút pháp dựng người dựng cảnh ngày mỗi thuần thục để đi gần tới chỗ có thể bước cùng một nhịp với văn xuôi thế giới hiện đại.
Còn như hôm nay, cùng lúc người ta chứng kiến hai quá trình trái ngược : trong khi một số nhà nghiên cứu mau mắn giới thiệu chủ nghĩa hậu hiện đại là thứ thể nghiệm mới nhất của văn học phương Tây và cố tìm ra những vang vọng của chủ nghĩa hậu hiện đại đó ở Việt nam ( quả thật cũng đã có những thể nghiệm đáng khuyến khích ) thì một quá trình lại gạo cũng đang xảy ra : trong một số truyện ngắn truyện vừa, một số ngòi bút thản nhiên quay lại thứ văn chương gần với truyện kể dân gian. Đời sống tràn vào trang sách với vẻ đơn sơ của nó. Nhân vật chỉ thấy hành động mà phần tâm lý thường bị lướt qua. Đọc sách, đôi khi ta có cảm tưởng như lạc vào một đám đông lắm điều lắm nhời, ồn ào, lộn xộn, người nào miệng lưỡi cũng sắc như dao, nên lại cũng giống hệt như những người khác.Thành thử, dù có bao nhiêu con người được gọi tên chỉ mặt đi nữa thì người đọc vẫn cảm thấy họ được đặt trong một khoảng cách để không sao trở nên thân thuộc như chúng ta đã từng thân thuộc với những Tám Bính, nhân vật xưng tôi trong Những ngày thơ ấu, hoặc Chí Phèo, lão Hạc.
Có ai đó sẽ cãi lại : Thế nhưng thứ văn chương đó lại đang có độc giả ! Thì có sao đâu. Như là công chúng vẫn chết mê chết mệt trước các chương trình đố vui, hoặc những màn kịch gây cười qua các chương trình truyền thanh truyền hình. Có phải vì được người ta hoan nghênh như vậy mà bảo rằng đó là các tiết mục có giá trị nghệ thuật chắc chắn.
Nhân nói đến sân khấu, lại nhớ Nguyễn Thị Minh Thái có lần đã ghi nhận cái sự lo lắng của nhiều người trước tình trạng một số nhà hát thời nay đang trở lại nguyên hình các gánh hát cái thời phường hội ngày xưa. Nhưng tình trạng lại gạo không chỉ bộc lộ trong phương thức tồn tại của các đơn vị nghệ thuật như thế, mà còn trên nhiều phương diện khác : Chẳng hạn một đặc điểm của sân khấu hiện đại là sự phân công rõ ràng giữa kịch bản và vở diễn. Và những người viết kịch có lý do chính đáng để nhận mình là các tác gia văn học. Đấy cũng là sự phân công được thực hiện trong sinh hoạt nghệ thuật ở ta những năm từ 1975 trở về trước. Nhưng càng những ngày gần đây thì càng thấy một xu thế ngược lại : lâu lắm không thấy báo nào cho in một kịch bản.Giá có ai muốn cũng không dễ gì tìm được một kịch bản để đọc. Bởi hình như không mấy khi nó có hình hài cố định, mà thường phụ thuộc vào các diễn viên các đạo diễn. Đi vào bếp núc nghề nghiệp, anh em bên sân khấu còn kể với tôi nay là lúc nhiều kịch bản chỉ hoàn chỉnh trong lúc tập tức là theo sự tuỳ hứng tự phát của các diễn viên. Nghe như thời của Moliere, Shakespeare trở lại chứ không phải thời của B. Shaw, B. Brecht, J. Anouilh.
Thành thử cái tình trạng trở lại truyện kể của văn xuôi hiện nay cũng không có gì là lạ. Các ngành sáng tạo thường vẫn dóng hàng ngang mà đi, trông nhau mà tồn tại.
Nghe nói đến sự xuống cấp, người ta thường chỉ lo lắng ( và đôi khi là có sự “ chăm sóc “ quá mức cần thiết ) trước những biểu hiện trên phương diện nội dung : tác phẩm này câu khách bằng chuyện giật gân, tác phẩm kia có xu thế ca ngợi bạo lực, một tác phẩm khác nữa quá nhiều yếu tố dung tục. Riêng những đặc điểm thuộc về hình thức thể loại thường ít được để ý.
Nhưng lẽ nào chúng ta quên rằng hình thức biểu hiện là một phần của nội dung, thậm chí là nội dung ở những phương diện sâu xa nhất của nó ?.
SỐ TRUY CẬP đang online