LỜI DẪN

Báo chí hàng ngày một vài năm gần đây đầy rẫy những bài vở tin tức có liên quan tới các hiện tượng mà ta quen gọi là tiêu cực xã hội: Đó là ăn cắp, tham nhũng, hối lộ làm hàng giả, gian lận, dối trá. Là chơi bời hưởng lạc lãng phí. Là tham lam vụ lợi, làm bất cứ việc gì có thể làm miễn sao có tiền, - triết lý thực dụng này mở đường cho cách sống vô cảm tàn nhẫn lan ra trên phạm vi rộng. Đó cũng là tình trạng mất lòng tin sâu sắc dẫn đến mê tín dị đoan, và mở rộng ra là hiện tượng tha hóa, tức tự mình thấy mình bị làm hỏng, mình đang xấu đi, - một điều chắc chắn khiến cho những người còn chút lương tri cảm thấy có lỗi mà không biết cách nào thay đổi.
Nhiệm vụ của báo chí là đưa các hiện tượng ra ánh sáng.
Văn chương - trong nghĩa cao đẹp của nó - đảm nhiệm một việc khó khăn hơn là lôi cuốn con người vào việc suy nghĩ và lý giải các hiện tượng nói trên, từ chiều sâu của kinh nghiệm lịch sử và văn hóa,
Là một người viết văn, tôi cũng muốn góp phần nhỏ bé của mình vào công việc lớn lao đó. Trước khi đưa vào sách, các bài sau đây đã in trên các báo Thể thao & văn hóa, Nông thôn ngày nay, Văn nghệ, Người lao động, Văn hóa, Tuổi trẻ...
Xin phép được nói qua về nhan đề của cuốn sách, Theo các từ điển Phật giáo, thì nhân là cái có thể sinh ra cái khác (năng sinh), mà quả là cái được sinh ra (sở sinh). Chuốc quả là nhân, thu được là quả. Giáo lý đạo Phật cũng nói Chân quả nhất như, từ đó dẫn tới câu tục ngữ mà chúng ta hay nói: Nhân nào quả ấy. Xét ở phạm vi hẹp của thế giới lượng tử thì câu nói đó còn quá thô thiển, thường thì nhiều nguyên nhân mới sinh ra một kết quả mà một nguyên nhân lại sinh ra nhiều kết quả. Bởi vậy, có khi nhân đi một đằng mà quả đi một nẻo. Song xét trên đại quát thì cái sự nhân nào quả ấy vẫn hết sức chính xác. Sở dĩ các thói tật không dễ gạt bỏ bởi nó vốn có gốc rễ sâu xa thâm căn cố đế trong quá khứ lịch sử. Đã đến lúc chúng ta phải vượt lên trên những huyền thoại mang tính cách ảo tưởng để tự nhận thức về mình sâu xa hơn. Muốn thay đổi hoàn cảnh, ta phải tính chuyện thay đổi chính ta trước.
Bạn đọc thân mến, rất mong nếu bạn đã có lần cầm tới cuốn sách thì xin bớt chút thời giờ đọc tới trang cuối, và hiểu cho cả những điều người viết chưa kịp trình bày trên mặt giấy.
TÁC GIẢ
SỐ TRUY CẬP đang online