Bóng tối ở dưới chân đèn

Trong số ra ngày 21-4-1991, báo Hà Nội mới chủ nhật có cho đăng ngay trên trang đầu một bài báo hơi lạ. Bài điều tra đó kể rằng ở Hà Nội báo này chạy báo nọ ế, rằng cuộc thi ở báo này được khen và cho là hay hơn ở báo kia v.v... và v.v...
Sở dĩ gọi đó là bài báo lạ, vì nó phá vỡ một thói quen hình thành từ lâu: thói quen báo chí không nói gì về mình. Bán được báo là yêu cầu của thị trường. Mỗi khi gặp nhau, câu đầu tiên dân làng báo thăm dò nhau là dạo này báo lên báo xuống ra sao, số in từng tờ ra sao. Nhưng đó là bí mật nghề nghiệp! Nhìn trên mặt báo thật có trời biết có báo ế và vì sao mà ế. Chính báo chí lại thiếu thông báo về ngành của mình. Thiếu tính báo chí trong các hoạt động của giới báo chí.
Phương Tây có câu ngạn ngữ đại ý bảo ở dưới chân đèn bao giờ cũng là bóng tối. Các cụ ở ta xưa cũng đã nói: dao sắc không gọt được chuôi. Xem ra những câu nói thông minh ấy vẫn đúng với báo chí thời nay. Báo chí sinh ra để nói về mọi chuyện. Còn chuyện của giới làm báo thì bạn đọc đi mà nghe lỏm!
*
Nhân đây, nhìn ra một khu vực rộng hơn, khu vực có liên quan đến cả xã hội, là đời sống văn hoá trong nước.
Cũng giống như tình hình báo chí vừa nêu, điều oái oăm đang thấy rõ ở đây là chính nó - văn hoá - lại thiếu cái đặc tính mà ai cũng tưởng nó sẵn nhất trong hoạt động của mình: tính văn hoá.
Trước khi có nghĩa là “những hoạt động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu của đời sống tinh thần” văn hoá trong các thứ tiếng phương Tây vốn có một nghĩa hẹp hơn mà cụ thể hơn: sự thâm canh, sự làm kỹ, làm đến thành thục, một việc gì đấy. Còn ở phương đông văn hóa đi liền với nghĩa làm đẹp, trau chuốt, tô vẽ, làm cho dễ coi. Đối chiếu với những tiêu chuẩn đó thì không ai có thể yên lòng và văn hoá ta được. Từ biên soạn một cuốn sách đến sản xuất một bộ phim, từ phối hợp với nhau trong dàn nhạc đến dịch một cái phim, vẽ một tranh minh hoạ, cái phong cách làm việc đang chi phối không ít người chúng ta là sự cẩu thả, sự qua loa cốt cho xong chuyện, còn chất lượng công việc thế nào không tính. Tâm trạng ăn xổi ở thì bộc lộ ra với thiên hình vạn trạng, những cách thể hiện dễ thấy và khó thấy. Làm văn hoá mà người ta tranh chấp nhau như ngoài chợ trời. Chụp giật là gì? Là nghĩ ra một sáng kiến mới phải làm lấy được làm thật nhanh, chậm chân là có kẻ nẫng tay trên mất, dù học chẳng hiểu gì về công việc hết. Móc ngoặc với nhau để làm bậy, dìm dập những kẻ không cùng cánh vế, bất chấp mọi lời kêu ca, mọi lối phê bình, thậm chí sẵn công cụ trong tay, giáng cho kẻ phê bình mình những đòn mạnh như trời giáng, đấy là những thói xấu được tha bổng, được coi như không có tội, trong giới người làm văn hoá. Cái lý mà người ta nêu ra trong trường hợp này là: bởi không ai nuôi tôi nên tôi có quyền làm tất cả những gì cần thiết cốt sao sống sót... Người ta tự nhủ như vậy. Đi tới cùng, cái phương châm xử thế trên dẫn một số người làm văn hoá tới đâu chắc chúng ta biết: sự trâng tráo, sự lỳ lợm, toàn những đặc tính phản văn hoá.
Nhưng ai cũng thế thôi! Huề cả làng! Kiếm sống cái đã!
Một điều cũng phải nói thêm là mặc dù hoạt động khá nhộn nhịp nhưng trên mặt báo, đời sống văn hoá trong nước rất ít được nhắc tới. Một diễn viên Hollywood vừa chết, hàng loạt báo có tin; một nàng Madonna thất vọng vì tình, hàng loạt báo đua nhau khai thác. Rồi những bộ phim đang ăn khách ở Pháp, quyển sách sắp được viết ở Mỹ, giá bán một bức tranh ở cửa hàng bán đấu giá bên thủ đô nước Anh... thời buổi làm ăn này, tin đến nhanh lắm, tin gì cũng có. Nhưng hàng tuần hàng tháng sách trong nước có những quyển nào được in, quyển nào được tìm đọc, thì không ai hay; một bộ phim thuộc loại tốn kém nhất ở ta hiện làm mất bao nhiêu tiền, mà món tiền đó đã được phân chia như thế nào, thì không ai biết. Cũng như phần lớn chúng ta chỉ biết mang máng mà không có ý niệm gì cụ thể về cuộc sống của các diễn viên lúc về già, hoặc quang cảnh hoang tàn cũ nát của các thư viện, hoặc tâm lý chán chường của học sinh các trường nghệ thuật. Giả sử ngẫu nhiên có nhà báo nào buồn tình đi viết về những chuyện đó thì bài viết trước khi in đã bị tước bỏ hết sự thực để khỏi gây phiền, do đó cũng không còn làm cảm động được ai. Cứ thế đời sống văn hoá trong nước chìm vào bóng tối, ở đó lắm người song cũng nhiều ma, ở đó tất cả lần hồi mà sống. Thời nào kia và bên những xứ nào kia, sở dĩ người ta có thể làm văn hoá được, bởi chính mỗi người trong cuộc đều ấp ủ một niềm tin sâu xa, tin rằng con người có thể sáng tạo nên những giá trị vượt qua thời gian để trường tồn cùng nhân loại. Trong đời sống nước ta, ở một số người làm văn hoá hôm nay, đấy lại chính là thứ đang thiếu thốn nhất. Lâu dần, thậm chí một số người cho rằng lòng tin đó là một thứ xa xỉ không hề cần cho người làm văn hoá. Và ở dưới chân đèn, bóng tối cứ quánh đặc lại!
SỐ TRUY CẬP đang online