Bốc đồng và những nguyên do của nó

Báo Văn nghệ số 31 (2-8-97) có đăng những lời phàn nàn của một bạn đọc về những câu chữ bốc đồng trong một bài viết nhân bế giảng khoá V trường viết văn Nguyễn Du cũng in ở tờ báo này, số ra hai tuần trước đó.
Đọc lại thì thấy lời phàn nàn kia là chính đáng thực.
Thử kê ra một số mỹ từ mà người ta dành cho một số khoá sinh ở lớp viết văn này:
- Anh A: “già dặn, nhất quán”.
- Chị B: “một bản lĩnh thơ nữ”, “có lửa, đặc điểm dương tính đáng quý, đam mê nhưng cẩn trọng”.
- Anh C: “thơ đích thực với sức tưởng tưọng phi thường gợi sự liên tưởng có tầm nghệ thuật cao”.
- Chị D: “u hoài, ma quái, thể hiện một thế giới xa xăm, huyền ảo, không lấm bụi trần, có rất nhiều câu thơ hay, bài thơ hay đạt đến mức kinh điển”.
- Anh E: gây ấn tượng về “sự lấp lánh và hiện đại kỳ lạ”.
v.v... và v.v...
Như thế mà mới nhận xét rằng thiếu khiêm tốn, ngạo mạn, tưởng còn là quá nhẹ!
*
Một điều đáng nói ở đây: những nhận xét trên không những học sinh tự bốc nhau lên, mà trong nhiều trường hợp là của Hội đồng giám khảo nhà trường dành cho khoá sinh (người viết đã chua rõ như thế ở phần chú thích).
Điều này khiến tôi liên tưởng tới một chuyện gần đây thường gặp trong các gia đình: thời buổi bây giờ nghe con cái đi học về, báo rằng được thầy cô cho điểm cao, mà thấy sướng tai.
Xem kỹ bài vở của con, mới phát hiện ra một sự thực: là nhiều bài đáng ra hồi mình đi học thầy cô lúc ấy chỉ cho 7-8 thì thầy cô bây giờ toàn cho 9-10.
Không phải trẻ con chúng nó không biết đâu. Chúng dùng cái chữ của kinh tế thị trường: điểm của các thầy cô thời nay “rẻ” lắm.
Có điều dễ hiểu là cho điểm cao thế, không mất gì của thầy mà chỉ mang lại niềm vui cho cả học trò, cả phụ huynh, nhất là niềm vui cho cả trên sở, trên bộ, tội gì không cho!
*
Vâng, những mỹ từ trong bài viết về khoá V Trường Viết văn Nguyễn Du, sở dĩ làm cho bạn đọc trái tai, là bởi nó được xuất hiện quá tập trung.
Chứ nhìn rộng ra, trên mặt báo người ta bốc nhau bằng những lời lẽ đâu có hạn chế hơn. Thôi thì đủ thứ: bước đột phá mới, đỉnh cao của tìm tòi, khám phá ngang tầm thời đại... Có lần, tôi nghe một nhà thơ kiêm nhà phê bình sắc sảo khen một nhà thơ khác là “mượn bút của trời” để sáng tạo. Trời ơi, hình như với Nguyễn Du, người ta cũng không mấy khi hạ những chữ như thế!
Hàng năm, tờ báo nọ thường tổ chức những cuộc thi thơ, thi truyện ngắn. Đã thi phải có giải, người nọ người kia được giải nhất, giải nhì, tưởng cũng là chuyện bình thường. Bỗng nhiên ai đó hứng lên phong cho một người được giải nhất là trạng nguyên thơ. Thế là hàng loạt người dùng theo một cách “vô tư”, không ai xem là chuyện chướng.
*
Bốc đồng một chút trong khen chê, kể ra chỉ là một bệnh nhẹ.
Song cũng là tự nhiên nếu xem nó như một dấu hiệu của một căn bệnh trầm trọng hơn: bệnh thiểu lực, tức ở đây, trong văn nghệ, là sức sáng tạo suy yếu, thành quả làm ra, chính những người trong cuộc cũng thấy không vừa lòng, mà không biết cách nào để làm được hơn, đành phải vuốt ve mơn trớn nhau, đề cao nhau, cho đỡ buồn.
Chắc nhiều người đã biết nhưng xin cứ ghi lại ở đây tình tạng hiện thời ở một số khu vực cụ thể của sự sáng tạo văn chương.
- Tiểu thuyết vẫn có, nhưng phần lớn là có những tiểu thuyết viết dông dài, không dựa trên một quan niệm vững chắc nào về thể loại.
- Truyện ngắn xuất hiện đều đều, trong đó, từng tuyện có thể rất khá. Nhưng nhìn chung thì sao? Trước đây sở dĩ một cuốn sách ra như Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân có giá trị vì nó như một nải chuối chín đều, quả nào cũng đẹp, cả tập được tổ chức chặt chẽ theo một chủ đề thống nhất. Còn như các tập truyện gnắn gần đây thường chỉ được hình thành theo đề tài, theo giới tính của tác giả, hoặc do chỗ các truyện ấy cùng in ở một tờ báo nào đó, thuộc một địa phương nào đó. Ngay những tập truyện riêng củ một tác giải cũng được gom lại tuỳ tiện, đại khái sau một thời gian chăm chỉ viết lách, tác giả thấy đủ số trang làm nên cuốn sách thì mang in, như trong một rổ hoa quả, dăm quả doi, vài quả ổi, mấy quả nhãn... quả xanh quả chín lẫn lộn, bảo đa dạng cũng được, mà bát nháo cũng được.
- Phê bình văn học gặp đâu hay đấy, lại tản mát tuỳ tiện, đến mức phải nghĩ rằng nó gần như không có. Thay vào đấy khá phổ biến là những giai thoại văn chương, tức là những chuyện đồn thổi về những nhà văn mà không ai đảm bảo về độ chính xác.
- Những tập chuyên khảo có chất lượng về một vấn đề nào đó, một tác giả nào đó, lại càng hiếm hoi. Nhiều cuốn sách in ra mới trông có vẻ công trình dày dặn, nhìn kỹ, chỉ là tập hợp những bài viết đây đó của những tác giả khác nhau hoặc các bài đã đọc trong một cuộc hội thảo mà có khi như trong một dàn nhạc, mỗi người chơi theo một kiểu, chẳng có chỉ huy thống nhất, chẳng có hoà âm phối khí gì cả.
Như thế thì làm sao khỏi nản lòng? Để tìm ra chút tự tin ngõ hầu tiếp tục hành nghề, âu là nhắm mắt nhắm mũi, coi như không biết rằng có những chuyện đó, mà chỉ thấy toàn đỉnh cao với lại tuyệt vời. Và những cơn bốc đồng cứ thế lây lan, câu chuyện về thầy trò trường Nguyễn Du chỉ là một ví dụ nhỏ.
SỐ TRUY CẬP đang online