VẮNG VẺ GA XÉP

Từ khi chuyển sang kinh thế thị trường, báo chí - sách vở phát hành chủ yếu ở các đô thị, các bài viết phần lớn cũng xoay quanh sinh hoạt văn hóa ở các đô thị ấy; còn như ở các tỉnh xa, người ta đọc gì, xem gì, nghĩ về truyền thống quá khứ ra sao... chúng ta được biết hơi ít. Thế nhưng không phải vì thế mà đời sống văn hóa tỉnh lẻ không có những nét đáng chú ý. Trong chừng mực nào đó, chính nó lại cho thấy đặc điểm chung của sinh hoạt văn hóa trong cả nước.

Trong mấy lời Cùng bạn đọc mở đầu cho cuốn Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị, nhà văn Xuân Đức - hiện kiêm nhiệm cả giám đốc Sở văn hóa thông tin lẫn Tổng thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị - có viết: "Đất này chẳng biết ngẫu nhiên hay định mệnh, đã trở thành phên dậu của nhiều đời biến động giang sơn. Ba lần từng là thủ phủ quốc gia, nhưng mà chỉ thủ phủ tạm thời khi chưa xây dựng được cơ đồ, khi lâm chung, hoạn nạn. Rồi ra, cố đô vẫn về nơi đô hội, đất này lại thành ga xép hoang sơ".
Vậy là cái ý niệm tỉnh lẻ, ga xép với con người ở đây là một cái gì tự nhiên, thấy thân phận mình như vậy thì nhận vậy, không chút mặc cảm. Đây cũng là điều kiện dễ dàng cho người từ xa tới, muốn nhìn nhận đời sống văn hóa Quảng Trị với tất cả những mục tiêu gần lẫn mục tiêu xa của nó.
Đơn sơ, uể oải, chậm chạp...
Buổi đầu đến với thị xã Đông Hà, khi tôi ngỏ ý muốn được ghé thăm một hiệu sách nào đó thì anh bạn Lê Đức Dục - phóng viên của Tuổi Trẻ thường trú ở Quảng Trị - gạt đi ngay: "Hiệu sách ở đây không có gì đâu anh. Toàn sách giáo khoa với các loại sách hàng chợ nhì nhằng. Có muốn tìm sách hay, tôi đều phải vào Huế hay ra Hà Nội".
Tôi hơi cảm thấy hụt hẫng, nhưng rồi cũng tự trấn an ngay được: chắc là thế! Mấy hôm nay, ngồi trên xe nhìn phố xá, chỉ thấy lác đác tiệm vàng, tiệm ăn, tiệm chữa xe, với lại trụ sở các cơ quan nhà nước. Chứ đâu có nhìn thấy hiệu sách. Chắc nó lẩn khuất ở một góc vắng nào đó.
Ghé vào bưu điện, hỏi mua một số báo tuần ra ngày thứ ba, tôi có thêm một "thực tế" nữa: mặc dù giá gốc có 1.800 đồng, ở đây tôi phải trả 2.500 đồng. Tự nghĩ: chắc là người mua hơi ít nên bưu điện phải thu lãi vậy mới bõ công phát hành(!).
Một mẩu chuyện khác, cũng liên quan đến Dục: tuy làm việc nhiều trên Đông Hà, nhưng gia đình riêng của anh ở thị xã Quảng Trị cũ. Khoảng cách đôi bên là 13km. Với một chiếc xe Honda tàng tàng, anh đi về thường xuyên. Và để giúp tôi có ý niệm về không khí uể oải nơi đây, anh kể thêm: "Báo của tỉnh đặt trụ sở trên Đông Hà. Nhưng báo ra hôm trước thì chiều hôm sau mới xuống tới dưới này. Đi mất gần hai ngày!".
Không rõ từ thị xã xuống đến các huyện báo còn đi mất bao lâu, trong khi nó là phương tiện thông tin chính thức của lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo các cơ sở (khi tôi hỏi một cán bộ xã Gio Việt về tình hình sách báo tới xã ra sao, thì anh cho biết: cũng chỉ có Báo Quảng Trị).
... nhưng vẫn giữ được nhịp sống văn hóa bình thường
Đã từng đến với một vài địa phương loại ga xép, nên những chi tiết trên đây đã thành quen với chúng tôi. Đời sống văn hóa ở những vùng như thế vốn quá khó khăn, có ai còn lạ. Cho đến nhiều nơi làm kinh tế có hiệu quả, người đi người về tấp nập, thì phố xá cũng chỉ lập lòe ẩn hiện một ít ánh đèn từ các cửa hàng karaoke, chứ nhìn kỹ đâu có gì hơn! Thà sự hoang vắng cứ trần trụi thế này lại hóa dễ chịu.
Vả chăng, trong cái bình lặng nơi đây vẫn có những điểm đáng mừng: mấy hôm chúng tôi tới, cũng là thời gian lưu diễn của đoàn kịch nhà hát Tuổi Trẻ - Hà Nội tại Đông Hà. Có mấy cái apphich quảng cáo cho các vở Quỉ nhập tràng và Bến bờ xa lắc, mà, theo lời của một cán bộ địa phương, hết cả chỗ dán, nhiều quãng hang cùng ngõ hẻm phải dán liền mấy cái mới hết. Bù lại, các tối người đến xem còn đông, đâu ngồi gần kín rạp hát chính của thị xã.
Trong số những hoạt động làm nên cái nhịp sống đều đều của văn hóa Quảng Trị, nhà văn Xuân Đức cho biết: tạp chí Cửa Việt vẫn ra thường xuyên; tỉnh có đoàn kịch, vẫn sống tạm được. Và trong những năm qua, một số cuốn sách đã được biên soạn: Văn học dân gian Quảng Trị (tập I), Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị, Âm nhạc cổ truyền Quảng Trị.
Địa đạo Vĩnh Mốc và Thành cổ là những di tích đã được đầu tư trùng tu lại để trở thành những địa điểm lịch sử đáp ứng nhu cầu khách trong, ngoài nước đến tham quan. Các di tích khác cũng đã có dự án chờ phê duyệt.
Ấy là không kể, một việc lớn của ngành văn hóa Quảng Trị, là giúp các cơ sở xây dựng làng văn hóa. Văn hóa trong trường hợp này, không chỉ có nghĩa "cờ đèn kèn trống", mà đã đi vào cái lõi của đời sống. Đầu tháng 9-1997, tỉnh mở hội thi "làng văn hóa, gia đình văn hóa" lần thứ nhất.
Những của chìm chờ... nơi trưng bày
Có dịp dự lễ khánh thành Nghĩa trang đường 9, bọn tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra bóng dáng các cụ già đầu đội khăn xếp, mặc áo dài đen, tay cầm ô, từ các làng xóm quanh Đông Hà đi bộ tới để có mặt trong buổi lễ long trọng. Trong khi ở nhiều làng xóm ngoài đồng bằng sông Hồng, loại "quốc phục" này đã rất hiếm hoi, thì ở đây như các cụ cho bọn tôi biết, vẫn là một cách ăn mặc không có gì phải ngại ngùng. Hình như chính ở những miền đất xa xôi, con người ta lại có sự hoài cổ chính đáng hơn ở các khu vực vẫn coi mình là trung tâm? Lịch sử đi dần vào phía nam cũng đồng thời là lịch sử giữ gìn và hoàn chỉnh cá tính văn hóa của cả dân tộc.
Ở một tầng sâu hơn nữa, người ta bắt gặp trong lòng đất Quảng Trị những hiện vật của các nền văn hóa thời tiền sử. Và trước khi nảy nở rực rỡ ở Mỹ Sơn, Đồng Dương, thuộc các tỉnh bên kia đèo Hải Vân, nền văn minh Champa cũng đã để lại dấu ấn của những bước đi cụ thể trong lòng đất các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong... Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng nơi đây từng có đủ các loại hình di tích như đền tháp, thành lũy, mộ táng. Lạ nhất là một số nơi còn giữ được hệ thống các công trình dẫn thủy cổ, các loại giếng vừa phục vụ cho sinh hoạt, vừa dùng để tưới tiêu cho ruộng mà người Chăm đã dựng nên theo những nguyên tắc khác hẳn người Việt. Tuy đơn sơ hơn, nhưng các hiện vật thuộc văn hóa Chăm tìm thấy ở Quảng Trị cố nhiên có tuổi đời cao hơn hẳn, so với những hiện vật cùng loại tìm thấy ở các nơi khác.
Thế nhưng khi hỏi đến nơi trưng bày các hiện vật thì... có nhiều điều đáng buồn.
Khoảng năm 1973, khi Đông Hà trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, một nhà hát ngoài trời (kiểu nhà hát Nhân Dân cũ ở Hà Nội) được dựng lên. Gần 1/4 thế kỷ trôi qua, nay khu khán giả trở thành bãi cỏ hoang, còn trơ lại phía trên cái sàn diễn, với hai bên cánh gà có mái che, giờ ngăn ra làm mấy phòng nhỏ. Các cán bộ của Sở Văn hóa thông tin Quảng Trị đã dẫn tôi tới đây để giới thiệu không phải một di tích cũ, mà là nơi làm việc tạm thời của Bảo tàng Quảng Trị.
Thì ra, trong qui hoạch chung của thị xã, người ta quên mất nhà bảo tàng, và nay thì đặt vào đâu cũng không tiện, âu là bảo tàng, với tất cả những hiện vật đã nêu ở trên - hiện vật khảo cổ có, các loại đồ đá của người Chăm, các loại tiền cổ, cùng các di vật lịch sử cách mạng khác - tạm qui tụ về nơi sàn diễn của cái nhà hát cũ này vậy.
Niềm tự hào từ những người ra đi
Nói đến một vùng đất văn hóa phải nói tới những người làm văn hóa lớn lên ở vùng đất ấy. Về phương diện này, có lẽ Quảng Trị không thua kém mọi địa phương khác. Chỉ có điều tiếc, người ở lại với Quảng Trị không mấy.
Ở một quán ăn thuộc loại thanh lịch của thị xã, tôi và Dục gặp một cán bộ giảng dạy lịch sử văn học, vừa tu nghiệp ở Mỹ mấy năm trở về. Nhưng ông chỉ ghé thị xã chơi một hai ngày, còn nơi làm việc chính của ông là Huế. Cũng theo lời anh em kể, ở đây có một cán bộ thư viện rất giỏi, chuyên gia về các địa danh cổ ở Quảng Trị. Nhưng ông chỉ đến làm việc ở Quảng Trị, rồi lại về Huế. Và cả chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Trị, một trí thức nổi tiếng, cũng đang ở Huế nốt.
Khó lòng kể hết những người con tài ba, giỏi giang của Quảng Trị hiện nay đang ở nơi khác. Và ngày hôm nay, dòng người ra đi đó vẫn đang được bổ sung. Trần Thanh Hà, cô giáo dạy văn của Trường Lê Quí Đôn, vừa được nhắc nhở nhiều sau khi đoạt giải nhất trong cuộc thi "Sáng tác văn học cho tuổi trẻ" và tập truyện ngắn Gió của mùa sau, đã chuyển về Hà Nội công tác. Như trước đó, Nguyễn Quang Lập đã chuyển, và cũng lúc này nhà thơ Lê Thị Mây cũng đã xong thủ tục để ra đi. Nghĩ đến những người bạn Quảng Trị đang sống và làm việc rải rác khắp nơi, trong tôi thoáng qua một tình cảm lẫn lộn, vừa vui vì đóng góp của Quảng Trị vào đời sống văn hóa cả nước, vừa hơi buồn buồn vì cảm thấy một cái gì giống như là... thân phận tỉnh lẻ.
SỐ TRUY CẬP đang online