MUỐN ĐẾN VỚI NGƯỜI PHẢI TỰ HIỂU MÌNH

Thoạt nhìn có vẻ nghịch lý nhưng có một điều người ta quan sát thấy ở lịch sử nhiều nước là mỗi khi đất nước ấy khao khát "hội nhập với thế giới", "muốn làm bạn với năm châu" thì cũng là lúc trong lòng người dân của đất nước đó lại nảy sinh cái cảm giác mãnh liệt là muốn tìm hiểu lại đất nước mình, nền văn hóa của chính mình. Sức lôi cuốn càng mạnh thì sức cưỡng lại cũng càng lớn, tạo nên một tình thế đối trọng thú vị do đấy, sự vật (ở đây là mỗi đất nước) mới tồn tại và phát triển.
Trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, ít nhất đã có hai lần xảy ra tình trạng song hành nói trên. Lần thứ nhất gắn liền với công cuộc Âu hóa, kéo dài trong nửa đầu thế kỷ XX. Mặc dù diễn ra trong một hoàn cảnh không bình thường - là sự có mặt của chế độ thực dân Pháp - song khách quan mà xét, đây vẫn là một dịp xã hội Việt Nam có nhiều đảo lộn theo hướng cả một mô hình văn hóa được du nhập để dung hợp với văn hóa bản địa, tạo dần nên một tình thế ổn định.
Và lần thứ hai chính là mươi mười lăm năm gần đây, khi mà nói chung, sau cuộc trường chinh giành độc lập, dân tộc bước vào giai đoạn xây dựng trở lại.
Trước mắt chúng ta, hiện đang diễn ra một cuộc kiểm kê dần dà toàn bộ di sản văn hóa. Và những bàn luận sôi nổi về vai trò của văn hóa trong phát triển thì gần như kéo dài vô tận, mặc dù còn rất lâu những công việc nói trên mới đạt được cái tầm vóc cần thiết, và có được kết quả thực sự, như đáng lẽ chúng phải có.
Khi sự thức tỉnh trở thành phổ biến
Một điều có thể nhận xét ngay là đồng thời với việc nghiên cứu tìm tòi của giới trí thức chuyên môn, phong trào trở về nguồn cũng đang gợi ra cảm hứng cho đông đảo những người bình thường. Được đánh thức bởi cách mạng và kháng chiến, từ mấy chục năm nay, cả những vùng đất hẻo lánh, những miền quê xa xôi cũng đã thức dậy hòa chung với nhịp sống của cộng đồng. Với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại, nay là lúc người ta càng thấy cần phải làm tất cả để chứng tỏ sự có mặt của mình trong xã hội. Mỗi miền đất một sắc thái, mỗi vùng quê một lai lịch riêng, một phong tục tập quán riêng - cái điều dường như đương nhiên đó, nay được người ta nhận thức đầy đủ hơn, để rồi tìm đủ mọi cách tô đậm thêm. Và cả cộng đồng thì năng động hẳn lên. Vùng này muốn biết thêm về vùng kia, thời kỳ này trong lịch sử được mang ra soi dọi đối chiếu với thời kỳ khác. Ngoài ra, mọi việc còn được làm với một thỏa thuận ngấm ngầm: Cái sự ta phải biết thêm về ta, chính là một tiền đề không thể thiếu để thực hiện cái ao ước hiện cũng đã manh nha, trong lòng nhiều người, cái ao ước mà chỉ con người Việt Nam thế kỷ này mới có quyền nghĩ: "Ta phải biết thêm về thế giới".
Những cuốn đầu tiên của tủ sách đất nước học
Chưa bao giờ du lịch được nhắc nhở và thực hiện rộng rãi như bây giờ.
Thăm thú lại đất nước trở nên một khao khát khôn nguôi cùng lúc chi phối những hạng người khác nhau, từ người cán bộ về hưu, chỉ đi tham quan tập thể, trên những chiếc xe hàng cũ kỹ, đến những Việt kiều, vừa đáp Boeing trở về, và có thể sáng ở TP. Hồ Chí Minh chiều đã bay ra Hà Nội.
Thế nhưng không phải bao giờ những chuyến du lịch ấy cũng diễn ra dễ dàng.
Ngay cả khi ngồi trên xe du lịch rồi, người ta vẫn cần có sự hướng dẫn của người khác, từ một tấm bản đồ, đến những tri thức cơ bản về cái vùng đất mà mình sẽ đặt chân tới.
Huống chi trong những trường hợp lý tưởng những quyển sách viết tốt, những thước phim quay có chất lượng còn có thể phần nào đó, giúp cho người ta làm quen với những gì không thấy được tận mắt.
Loại sách giới thiệu đất nước, con người Việt Nam cũng như các loại phim truyền hình, phim tư liệu, kiểu Du lịch qua màn ảnh nhỏ ra đời, là để đáp ứng nhu cầu đó.
Sau đây là những tên sách mà giới nghiên cứu và phổ biến kiến thức về đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các nhà nghiên cứu về từng địa phương đã cho công bố:
Loại sách giới thiệu tổng quát: Thiên nhiên Việt Nam, Việt Nam đất biển trời, Đất nước ta, Biển và đảo Việt Nam...
Loại sách miêu tả về một vùng đất: Tây Nguyên, thiên nhiên và con người; Xứ Trầm Hương; Cố đô Huế, Di tích, lịch sử, thắng cảnh; Cố đô Huế: bí mật và khám phá; Hào khí Đồng Nai; Nghệ Tĩnh hôm qua và hôm nay; Tỉnh Mường Hòa Bình (cuốn này của một người Pháp viết từ trước 1945 nay mới được in lại). Cũng thuộc loại sách "đất nước học" này còn có các tập sách mang tính cách kiến thức tổng hợp, gọi là các địa chí. Nhiều tập đã được hình thành: Địa chí Hải Hưng, Địa chí Hà Bắc, Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Địa chí văn hóa dân gian Hà Nội, Địa chí Long An v.v...
Vai trò của các nhà văn
Lạ một điều là cho đến nay loại sách giới thiệu về các vùng đất như thế này còn chưa có sức lôi cuốn với các cây bút chuyên về sáng tác văn học. Số người dành hẳn công sức tìm hiểu và viết về vùng quê của mình hoặc vùng đất mình thông thạo, số người tham gia vào các công trình địa chí nói trên còn hơi ít. Có điều, mỗi khi có mặt, họ đều để lại những trang viết độc đáo. Trong số những nhà văn nhà thơ, nếu ở lớp trước, có thể ghi nhận: Hoàng Đạo Thúy, Quách Tấn, Tô Hoài, Sơn Nam... thì ở lớp người trẻ hơn, người ta hay nói tới Võ Văn Trực và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Võ Văn Trực được biết tới qua Câu chuyện những dòng sông, Chuyện làng năm ấy. Hoàng Phủ Ngọc Tường khá thành công trong Rất nhiều ánh lửa cũng như Hoa trái quanh tôi. Nhân đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Hoài nhận xét: "Nếu có thể so sánh, thì tôi nghĩ rằng Sơn Nam thuộc đến ngóc ngách những sự tích xưa sau của Sài Gòn - Bến Nghé, tôi thì nhớ được ít tên đất tên làng vùng Hà Nội, Hoàng Phủ Ngọc Tường thì trầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời sông nước xứ Huế".
Hẳn những vùng đất khác đều đang đợi những Sơn Nam, Tô Hoài, Hoàng Phủ Ngọc Tường của mình!
Và bạn đọc trong nước, cũng như bạn bè ở nước ngoài thì vẫn chờ đợi một ngòi bút nào đó viết về đất nước con người Việt Nam cỡ như Lâm Ngữ Đường, người đã giới thiệu đất nước Trung Hoa với thế giới qua những cuốn sách nổi tiếng: Nước tôi, dân tôi; Sống đẹp.
SỐ TRUY CẬP đang online