VỪA LÀ TÌNH CẢM, VỪA LÀ CẦU LỢI

Có phải cách biểu hiện tình cảm của người mình nhiều khi quá ồn và mang nặng chất diễn, tức thích ngả sang khoe mẽ phô phang? Liệu bao giờ chúng ta mới tìm ra được cái hình thức hợp lý cho những nghi lễ cần thiết? Nhiều lần ý nghĩ ấy đã đến với tôi, nhất là trong những dịp vui, chẳng hạn một đám cưới hỏi, một lễ hội, và cả trong những ngày tết cổ truyền. Hôm nay đây nó lại đến với tôi nhân không khí xã hội vào đêm trước của ngày 20-11, ngày Nhà giáo Việt Nam như vẫn được gọi một cách trang trọng. Một mặt, tôi thấy việc này là cần thiết và mong mỏi có cách gì đó thực hiện một nhu cầu tình cảm chân thành nơi mình; mặt khác, lúng túng vì chẳng biết cách sao để bộc lộ. Nhìn ra chung quanh, cũng thấy một tình trạng bất lực tương tự. Trong phần lớn trường hợp, tình cảm được biểu hiện một cách vụng về. Người này lặp lại người kia, năm nay nói những chuyện y như năm ngoái. Cười cười nói nói đấy mà không tạo được cảm giác thiêng liêng như nó phải có. Lời nói của con người lúc này trở nên nhàm chán, nó đã bị tha hóa ngay ở cái chỗ nó phải tự nhiên và tươi mới hơn ở đâu hết. Người ta, tức là cả học sinh và thầy giáo, chỉ làm cái việc hình như ai ở vào hoàn cảnh ấy cũng làm, chúc tụng nhau, cám ơn nhau, hứa hẹn với nhau, ngoài ra các trò thường không quên có thêm ít quà, quà sẽ to nhỏ tùy tâm tùy sức, mà cũng tùy theo cái yêu cầu họ muốn gửi gấm và chờ đợi nơi thầy - điều sau cùng này tuy không nói ra song ai cũng hiểu.
Ngày hội này đang có quy mô ngày càng lan rộng, nhất là ở các thành thị. Đường sá tấp nập hơn những ngày thường. Trước khi nối nhau xuôi ngược, học trò chen chúc ở các cửa hàng. Giá hoa ở những người đạp xe bán rong tăng vọt hẳn lên, để rồi mấy hôm sau, đống rác nào bên đường cũng to hơn ngày thường vì những bó hoa vứt sớm.
Người có lỗi trước tiên phải kể là chính chúng ta, tức là các bậc cha mẹ học sinh, cái bên chủ động trong cái lễ hội tự phát này. Rằng tình cảm không thể là lời nói suông. Rằng mỗi người phải góp phần xã hội hóa giáo dục. Rằng lương của các thầy các cô, cũng như lương của mỗi chúng ta, vốn đã quá thấp... Ta viện ra đủ thứ lý do để biện hộ như vậy. Song đằng sau cái việc mà bảo là làm vì các thầy, thật ra ta đang làm vì chính bản thân.
Nhiều người tha thiết giục con đi đến thăm thầy bởi chỉ sợ thầy quên con mình. Không muốn để ai biết, nhưng trong thâm tâm, họ sẵn sàng tìm cách lấy lòng thầy một cách thiết thực, như khi đi cúng bái, họ đã toan hối lộ thần thánh. Tức là, cái tư duy thực dụng - một lối thực dụng sát mặt đất mà người ta thường tưởng lầm là đặc trưng của thời buổi kinh tế thị trường - đã sớm có mặt.
Thế nhưng các thầy hoàn toàn vô can chăng?
Trong khi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, tôi tìm được một đoạn trong cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (sách viết năm 1915).
Sau khi bảo rằng "người ta sinh ra ở đời,... có thầy dạy mới khôn biết việc này việc nọ, cho nên học trò ở với thầy cũng như con ở với cha mẹ, ấy cũng là một luân thường của Á Đông ta", tác giả than phiền: "Song cũng vì tục trọng sư đạo ấy mà sinh ra mấy thói dở. Kìa như các bực đáng mặt mô phạm, có công dạy dỗ có ân đức giáo hóa nhuần thấm đến người thì người ta không nên quên đã đành. Còn như mấy ông đồ quèn học hành chưa hiểu vỡ mạch sách, văn chương chưa thuộc đủ lề lối, mà đã đi về các vùng nhà quê tìm nơi thiết trường, gõ đầu năm ba đứa trẻ để hộ khẩu (có thể hiểu là để kiếm ăn - VTN chú) cho qua ngày, vậy mà cũng dám lên mặt đạo mạo. Động một tí thì bổ cho đồng môn, nào khi nhà thầy có giỗ, nào khi thầy có việc mừng vui, nào khi thầy lấy vợ, nào khi thầy lên lão làng cũng lôi đồng môn ra mà bắt gánh vác, ấy lại là cái mọt của thiên hạ".
Cái hiện tượng Phan Kế Bính miêu tả thuộc loại những bi kịch của một xã hội dựa trên kinh tế tiểu nông - khi chưa tìm ra được cách thanh toán công xá với nhau, người ta phải nghĩ ra nhiều thứ gọi là lễ để thay thế. Và cái bi kịch ấy vẫn còn, khi điều kiện kinh tế đẻ ra nó vẫn còn! Vào những ngày này, nhiều thầy cô giáo, ở chỗ riêng tư, vẫn bảo rằng nhận quà và nghe những lời chúc mà chẳng thấy thú vị gì cả. Song bất chấp những phản ứng lẻ tẻ, guồng máy vẫn quay, và đứng ở ngoài mà nhìn, thì thấy thầy trò ai vẫn ở đúng vị trí người đó.
SỐ TRUY CẬP đang online