TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN VỀ CÁCH NGHĨ CŨ, CÁCH NGHĨ MỚI

Tham lợi trước mắt, chuốc hại lâu dài
Một bài báo nhỏ in trên Nông thôn Ngày nay số 33 (ra 13-8-97) cho biết: ở Bạc Liêu và Cà Mau gần đây, một số người đã bơm rau câu hoặc tuồn đinh vào tôm trước khi mang bán. Bài báo viết thêm: từ khi lối làm ăn này bị phát hiện, giá tôm sụt gần 2USD/kg. Một số bạn hàng như Thái Lan, Nhật Bản đã dọa nếu tình trạng này không được khắc phục, sẽ không cho thủy sản Việt Nam nhập vào thị trường của họ.
Bài báo xui tôi nhớ lại hai chuyện tương tự:
Câu chuyện thứ nhất có liên quan đến những vùng đặc sản chung quanh Hà Nội. Đi xa về, chúng tôi thường dừng xe mua vài thứ mặt hàng nổi tiếng về làm quà. Đến Thanh Hóa mua nem. Đến Bần mua tương. Đến Quán Gánh mua bánh giầy. Thế nhưng một lần, tôi đã bị "vỡ mặt" vì chuyện đi công tác về, mang bánh giầy Quán Gánh đi biếu. Bánh bị thiu, mặc dù trước lúc mua, mấy chị ngồi trên xe đã cẩn thận nếm thử hàng mẫu. Thì ra hàng mẫu một đằng, hàng bán một nẻo. Bà xã tôi lạnh lùng hạ lệnh: Thôi bận sau cạch đến già đấy nhé!
Câu chuyện thứ hai là chuyện chó cảnh. Có một dạo ở Hà Nội phong trào này rất rầm rộ. Chó đắt lắm, có những con đẹp giá cả tính ra đến hàng cây vàng. Thế là có người nhanh nhảu làm hàng giả, mà tiếng trong nghề gọi là chó đểu. Họ đem chó ta phối với chó Nhật chính hiệu. Kết quả hàng không xuất được nữa, cái nghề hái ra tiền ấy cũng sập tiệm luôn.
Ở đây, không phải chỉ có chuyện con sâu làm rầu nồi canh, mà theo tôi có điều quan trọng hơn, đó là lối nghĩ của người sản xuất nhỏ. Chỉ cốt cái lợi trước mắt. Lừa được một lần là sung sướng lắm. Còn do sự lừa dối của mình, cả một vùng nghề mất tín nhiệm, cả loạt người thất cơ lỡ vận, thì không cần biết. Ai mà tính được từ xưa tới nay, những sự vô tình tương tự đã giết chết bao người làm nghề chân chính trên quê hương nghèo khó của chúng ta?!

Sự cần cù vô nghĩa
Cùng một sự việc xảy ra trước mắt mà mỗi thời điểm, nó lại có thể gợi ra trong ta những ý nghĩa riêng. Tôi xin lấy một ví dụ:
Hàng năm, trên đường từ Hà Nội về thăm quê, thường tôi vẫn gặp cái cảnh: quanh một cái ao, cái đầm, hoặc một lạch nước, một người, đôi khi là một em bé, đôi khi là một bà già, thả xuống dăm cọng vó, ném thêm vào đó mấy hột thính. Một lúc sau, ra cất lên được vài con tôm bé xíu.
Cách đây vài ba chục năm, lúc còn là một học sinh phổ thông, tôi thường nghĩ về cái cảnh đó với tình cảm tốt đẹp. Nhớ lại những bài giảng của các thầy các cô ở trường, tôi sung sướng tự nhủ: đúng là nhân dân ta thật cần cù và chăm chỉ!
Thời gian qua đi. Những cái đầm cái ao bên đường cạn dần, mặt nước thu hẹp hẳn lại, song người đặt vó vẫn tiếp tục công việc. Và giờ đây, chứng kiến cái cảnh đã quá quen thuộc ấy, tôi lại thường bị dằn vặt bởi những câu hỏi:
- Bắt tôm bắt tép từ khi "mới rời vú mẹ" như thế, thì còn đâu ra tôm lớn?
- Chẳng lẽ bà con mình không biết làm gì khác, mà cứ loanh quanh theo con đường mòn thế này?
- Đáng lẽ phải làm giàu cho thiên nhiên, rồi bắt nó "phục vụ" sau, sao ta lại cứ đẽo mãi vào nó như vậy?
Sự kiếm sống bao giờ cũng có ý nghĩa thiêng liêng. Khi còn có người giữa trưa hè dò dẫm đặt dăm gọng vó, nghĩa là cuộc sống nó đòi hỏi vậy, tôi nỡ lòng nào dám mở miệng khuyên can. Nhưng tôi cứ tha thiết cầu mong một ngày nào đó, sự cần cù nhẫn nại của bà con mình sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn. Nghĩa là chúng ta có cách làm ăn khác, cách quan hệ với môi trường thiên nhiên cũng đổi khác. Khi ấy tôi tin tấm cảm tình mến yêu khâm phục tôi học ở trường ngày xưa sẽ trở lại trong tôi và những người như tôi, mà là trở lại trọn vẹn và đàng hoàng nữa!
Không cho ai được sống khác
Có một nhận xét, tôi được nghe từ cuối 1975, nhân cái lần về công tác ở một xã nọ Thái Bình, và đến nay còn nhớ. Đó là lời đúc kết của một người nông dân khôn ngoan:
- Các anh không biết chứ ở nhà quê này, giả dụ chưa ai trồng khoai tây mà mình trồng thì chả được yên. Trẻ nó phá. Mà người lớn cũng phá, không ai muốn cho mình làm khác đi. Còn đến khi cả làng cả huyện cũng biết trồng khoai tây, mình cũng làm như mọi nhà, thì lại khổ nỗi khác. Phải nói là khoai sẽ rẻ thối ra, được một mùa háo hức, mùa sau rồi ai cũng sinh ra dửng dưng, chả còn bụng dạ đâu trông nom ruộng khoai nữa.
Sự việc nêu lên chưa chắc đã phổ biến rộng, tôi biết. Song cam đoan rằng nó chỉ là chuyện cá biệt một vài nơi thì tôi không dám. Có thể thấy nó là di lụy của một thời khi con người cứ vón cục lại với nhau trong làm ăn sinh sống, lâu dần thành một thói quen, một lối nghĩ hẹp hòi "chết cả đống hơn sống một người". Trong khi đó, nghĩ kỹ thì thấy ngược lại: Cuộc sống cộng đồng đích thực bao hàm trong nó một sự bao dung. Bên cạnh những quy định ai ai cũng bắt buộc phải tuân thủ, lại nên có sự rộng lượng để mỗi người, mỗi gia đình tìm thấy cách sống, cách làm việc riêng. Bởi suy cho cùng, những tìm tòi đơn độc kia, một khi thành công, lại sẽ mở ra cho cộng đồng một khả năng phát triển rộng lớn.
Sự chấp nhận muộn màng
Một bài báo nhỏ in trên tờ Tin tức buổi chiều số tháng 8-1998 cho biết: ở một lâm trường Cà Mau, do dân đói, không làm sao giữ được rừng tràm. Bình quân mỗi đêm mất khoảng 3.000 cây tràm trị giá đâu tới 15 triệu, và mỗi tháng như vậy là mất đi gần nửa tỷ đồng.
Kể ra, giữa bao nhiêu chuyện rắc rối xảy ra hàng ngày thì những tin tức nói trên không phải cái gì thật lạ, chẳng qua nó chỉ là minh họa cho mấy câu tục ngữ vẫn lưu truyền, đại loại "Có thực mới vực được đạo" hoặc "Chớ cho người đói thổi cơm, người no thổi lửa, người hờn rửa rau".
Tuy nhiên, điều gây cho tôi ngạc nhiên là cái đầu đề của bài viết: Khi dân đói đừng nói chuyện giữ rừng.
Theo thói quen của người làm công việc liên quan đến báo chí tuyên truyền, tôi thoáng cảm thấy ở đây có chút gì khang khác.
Xưa nay chúng tôi chỉ quen viết là dân đang quyết tâm thế này, dầu có khó khăn cũng quyết làm bằng được việc kia việc nọ.
Nay đã đến lúc mọi người bảo nhau rằng nhiều việc to lớn chỉ được hoàn thành với những điều kiện cụ thể và nếu thiếu đi những điều kiện ấy, thì có muốn mấy cũng không làm nổi.
Nhân đây, nhìn rộng ra, thấy nhiều dự định kế hoạch cũng bắt đầu được nhận thức lại. Người ta hay dùng tới chữ tính khả thi của nó. Ai sẽ làm? Điều kiện để làm là gì? Lấy đâu ra tiền ra vốn? Khi đã có vốn rồi, sử dụng ra sao? Ai kiểm tra mọi khâu công việc cụ thể? Tóm lại, một câu hỏi thường xuyên được đặt ra: ý đồ thì tốt đẹp đấy, nhưng liệu có biến thành hiện thực?
Khi tự hỏi thế, tức là chúng ta đã biết rằng giữa mong muốn và năng lực của chúng ta bao giờ cũng có một khoảng cách. Không phải cứ muốn là được. Cân nhắc không phải là bàn lùi. Mà tính toán cho chi li, tỉ mỉ (kể cả những tính toán trên phương diện tâm lý) là thực tế hơn, trong cách nghĩ. Là chấp nhận con người với những yêu cầu cụ thể của họ trong việc thực hiện mọi nhiệm vụ xã hội.
SỐ TRUY CẬP đang online