NGHÈO KHÓ NGHĨA LÀ MUỐN LÀM GÌ THÌ LÀM?

NGHÈO KHÓ NGHĨA LÀ MUỐN LÀM GÌ THÌ LÀM?


Vốn đã là câu chuyện đầu miệng của nhiều người, chuyện dân ăn xin hành nghề ở các đô thị cũng đã có lúc được đưa lên mặt báo (Tuổi trẻ chủ nhật số ra 23.XI.97). Bài viết chốt lại ở cái ý: chúng ta phải cùng lo tìm cho được một biện pháp hợp lý. Thương người cũng phải có cách thương hợp lý, nếu không lòng tốt của chúng ta chỉ gây thêm tác hại.
Tôi rất tán thành kết luận nói trên của tác giả Nguyễn Thị Oanh và nhân đây muốn chúng ta cùng để mắt tới một chuyện tương tự mà dưới đây tôi sẽ nói. Cả hai hiện tượng nhếch nhác này có chung một gốc rễ. Nói cách khác, khi làm công việc của mình, hai loại người này có chung một động cơ, một cách nghĩ, và đấy là điều ta phải giải quyết cho sòng phẳng.
Đó là chuyện những người bán hàng theo lối bán lấy được.
Đến thăm một vùng đất mới, người ta không thể ngồi mãi trong khách sạn mà phải lang thang ra phố. Nhưng người nước ngoài đến với các đô thị ở ta gần đây kêu trời vì chuyện trên đường họ bị mấy thanh niên chạy theo ép mua bản đồ hoặc các thứ quà lưu niệm lặt vặt. Đại khái vừa thấy họ ló mặt ra là tiếp cận ngay lập tức. Gí sát thứ hàng đem bán tận mắt người ta. Mời một lần không được thì bám nhằng nhằng mời đi mời lại, khiến người ta phát ngán. Đến mức có người khách du lịch đã phải chăng ra sau lưng tấm biển có hàng chữ:
- Tôi không cần mua đồ kỷ niệm
- Tôi không cần thuê xe
Họ chỉ cần yên ổn để đi du lịch trên đất nước này.
Và sự mời chào mua hàng đối với họ đã là một sự làm phiền không thể tha thứ.
Hàng đem bán có thể là du khách cũng cần. Nhưng điều đáng sợ là cách bán nài nỉ, ràng buộc và lối đặt giá cao. "Đã là dân du lịch, ắt hẳn lắm tiền. Đồng rơi đồng vãi của họ cũng đủ nuôi mình sống một cuộc sống đàng hoàng. Vậy thì hãy rán sức ép cho họ phải mua. Khi mình đã nghèo hơn họ, thì có quyền làm gì cũng được, miễn sao lôi được tiền trong ví họ ra". Trong cách nhìn, lối cư xử của đám người bán hàng thấy toát ra những ý tưởng như vậy, và bởi lẽ tin chắc như đinh đóng cột rằng đó là một thứ lẽ phải thông thường, nên họ càng thấy mình có quyền lấn tới làm theo ý muốn.
Đọc đến đây, có thể có bạn đọc thầm nghĩ chuyện mấy người bán hàng nói trên là chuyện vặt, làm gì có ý tưởng sâu xa nào chi phối họ trong khi hành động. Tôi cũng nhận là những người ấy có thể chẳng suy nghĩ gì nhiều. Song vẫn muốn tin rằng họ có cách lý sự của họ, và tôi chỉ thử gọi lên điều họ thầm tự nhủ. Một điều có thể chắc chắn là giữa đám bán hàng cho Tây theo kiểu "gí tận mặt" và những người ăn xin "chuyên nghiệp" nêu ra trong bài của Nguyễn Thị Oanh mặc dù cách hành nghề khác nhau, song vẫn có những ý tưởng chung chi phối. Điều cần nói thêm ở đây là một số người chúng ta tuy không thích các hành động ấy, song vẫn ngầm tán thành lý sự của họ, xem đó là một cách nghĩ hợp lý. Chẳng những thế, trong quan hệ với người nước ngoài, ở những công việc lớn lao và hệ trọng hơn - dịch vụ, buôn bán, tiếp xúc, đưa đón... - không ít thì nhiều, một số chúng ta cũng đang bị những ý tưởng tương tự chi phối. Đại khái cái lô-gic ở đây cũng khá giản dị: Tức là nhân danh sự nghèo khó để làm liều làm bậy. Cho rằng trước cái nghèo khó của mình, mọi người giàu có đều có lỗi. Và với người nghèo khó, chỉ có những việc chưa làm được, chứ không có những việc bị cấm, không bao giờ được phép làm. Một lối suy nghĩ như vậy, thoạt nghe cũng có vẻ có lý, hơn nữa, nó thúc đẩy chúng ta xoay xỏa tính toán, nó giải phóng ở ta nhiều "sáng kiến" và giúp ta bớt ngần ngại mà thêm kiên trì trong công việc. Nhưng xét về lâu về dài, nó chỉ hạ thấp chúng ta, và níu kéo không cho phép ta vươn lên làm ăn ngang tầm với người. Trong chừng mực nào đó, những người ăn xin còn tồn tại, cũng như đám bán hàng theo kiểu pressing còn hành nghề được, là vì ở ta, cái mầm mống triết lý của họ chưa bị rũ sạch.
Có một điều kể cũng thú vị, liên quan đến bài viết của tác giả Nguyễn Thị Oanh về dân ăn mày: trong khi lục lọi các tài liệu văn học sử hồi đầu thế kỷ, ngẫu nhiên tôi tìm được một bài hịch lâu nay ít ai để ý: Hịch đuổi kẻ ăn mày của Tản Đà. Bài hịch này mở đầu bằng một đoạn dẫn nói rằng nhiều người ăn xin chẳng qua lười biếng, không chịu làm lụng "Nhất như những đứa trẻ con đứng chực dưới xe điện và tụ họp ngoài cửa ô, thật có người nói chuyện với tôi rằng: nhiều người ở làng cạnh muốn nuôi chúng nó chăn trâu mà chúng nó không đi, cứ làm nghề xin xu, để dễ sự no ấm". Và sau khi dẫn lại một câu trong sách Mạnh Tử: "Sự cho người có khi làm hại sự ân huệ", tác giả nói thêm "sự không đáng thương xót mà thương xót, đó là vô học". Tiếp đó, trong phần chính văn, tác giả viết:
Hôm hôm mai mai
Bị bị bát bát
Quỷ đưa đường, ma dắt lối
quen ngõ thời vào
Nay được thịt, mai được xôi
thấy mùi đánh mãi
Cửa ô, xe điện
Rêu rao quạ vỡ chiều hôm
Đám hội, nhà chay
quấn quýt gà què gặm cối
Làm xấu hổ cho cả nước
Khéo bêu nhuốc cho loài người
Bảo mãi mỏi mồm
Trông càng nhớp mắt
Nào là
Người nhà, con vú
Thằng ở quân hầu
Truyền là bay đóng chặt cửa vào
Thây cha chúng nó.
...
Người trong gia đình đến nay còn kể: Trong những lời Tản Đà dặn dò con cháu, có hai điều cấm, cấm không được làm quan và cấm đi ăn mày.
Khi biết rằng những điều hôm nay chúng ta bàn bạc, nhà thơ núi Tản sông Đà đã đả động tới từ hơn nửa thế kỷ trước, chúng ta càng tin không phải là mình nhẫn tâm mà đang suy nghĩ đúng.
Lâu nay bài hịch này của Tản Đà không được nhắc nhở tới có lẽ một phần là vì nó đi ngược lại mọi ảo tưởng về nhân đạo và từ thiện vốn nằm sâu trong tâm thức mọi người. Còn như nếu chúng ta muốn tìm tòi một cách suy nghĩ khác đi, nó có thể là một trong những trợ thủ. Nhất là khi thói quen nhân danh sự nghèo khó vẫn đang được bộc lộ trong vô số hành động khác nhau, kể cả những việc bề ngoài có vẻ chẳng dây dưa gì hết tới chuyện ăn mày.
SỐ TRUY CẬP đang online