SỐNG SAO TRONG NHỮNG NGÀY VUI?

Ai đó từng khái quát: Các dân tộc đều khóc giống nhau và chỉ cười là khác nhau. Không biết một nhận xét như thế liệu có chính xác, chỉ biết giữa một đám đông, người trong cảnh buồn thảm thường được chung quanh chia sẻ, nếu không, ít ra mọi người cũng yên lặng để tỏ ý tôn trọng. Còn với người vui thì không hẳn thế. Người đang vui dễ gợi cả sự đồng cảm lẫn những phản cảm, dễ bị mang ra luận bàn xét nét, và đấy là một quy luật chung trong giao tiếp - ngay cả khi mọi người cùng vui, như trong dịp Tết.


Một nhà nghiên cứu lịch sử cho biết: Ngày xưa, vua có ban tặng cho các quan tiền bạc hoặc phẩm vật nào đó, thường không cho nhận ngay trước mặt đồng liêu, mà dặn hãy cứ về nhà; rồi lính sẽ mang đến sau. Vua làm thế là để giữ thể diện cho người nhận. Người ta dễ bộc lộ sự tầm thường, khi quá hí hửng trước món quà trao tay.
Rộng ra mà xét, mỗi khi vui, tức là chúng ta hài lòng vì gặp được điều hợp ý muốn; nói cho hết lẽ, trong khi vui, con người có dịp trình ra một điều quan trọng: lý tưởng của anh ta, những gì làm cho anh ta thấy cuộc sống có ý nghĩa, và trong một số trường hợp, điều mà anh ta có thể mang cả cuộc đời ra đánh đổi.
Có lẽ vì thế mà vào những ngày Tết, người lớn dễ cười bọn trẻ con: chỉ có mấy đồng mừng tuổi (lì xì) mà chúng cũng sung sướng như bắt được vàng!
Nhưng thử tách ra để nhìn lại chính mình - thật không ai dám cam đoan là ta đã thoát khỏi cái tâm lý trẻ con ấy!
Một người bạn tôi, nhận xét một anh bạn khác:
- Thằng ấy cả đời nghèo, bây giờ mới nảy nòi lên một tí, cứ cuống cả lên, chỉ sợ chung quanh không ai biết!
Tôi nghe mà giật mình: Chắc nhiều người cùng cảnh như anh bạn nọ, mới đỡ khổ được vài năm, những điều sung sướng không dám nói là đã quen, nên cái sự hiện ra lố lăng tầm thường truớc mặt mọi người, chắc không thể tránh khỏi.
Lại nhớ cách yêu ghét của người thời xưa: Bấy giờ những kẻ giàu xổi mà lại hợm của, thường bị khinh bỉ, như một thứ gì gớm ghiếc lắm, tệ hơn cả sự nghèo túng. Còn bây giờ hình như chúng ta sống xô bồ hơn và trong quan hệ thì xuê xoa dễ dãi với nhau hơn. Trong đời sống hàng ngày, ta mải đua đả với nhau, tranh khôn cùng nhau, hơn là suy xét bảo ban nhau, thành thử sự hợm hĩnh chỉ được coi là cái lỗi quá nhẹ, không mấy khi bị lên án.

Một điều dễ hiểu là trong các thời điểm thiêng liêng, như những ngày Tết, mỗi cá nhân đều có nhu cầu tự khẳng định. Nhưng khẳng định như thế nào bây giờ? Lệ đốt pháo đã bị cấm một cách chính đáng, lý do chỉ vì quá nhiều kẻ lấy việc nhà mình phát ra một tiếng nổ to hơn các nhà khác làm niềm kiêu hãnh. Nhưng tương tự như vậy, những thói xấu nho nhỏ khác, đâu đã được dẹp hết. Ngồi trong nhà, hát ông ổng, rồi mở thật to cái loa điện, bắt cả làng cả phố cùng nghe... Giữa đám tế lễ, buông lời pha trò cợt nhả, để đồng bọn cùng cười với nhau... Ăn uống thừa mứa, nói năng tục tằn... Với nhiều người chúng ta, tự do đồng nghĩa với buông thả, ta muốn gây chú ý với bất cứ giá nào và sẵn sàng để cho cái phần hoang dã trong mình nó tha hồ hoành hành, có biết đâu, đó chỉ là một cách tự tố cáo rằng đời sống tinh thần ở ta nghèo nàn, văn hóa chung sống thấp.

Bởi văn hóa là một cái gì quá rộng, nên cái sự thiếu thốn sự vắng mặt của nó, chúng ta còn cảm thấy trong nhiều trường hợp khác. Ta nhớ tới văn hóa khi cần chọn một cành đào, bày một mâm ngũ quả, lựa một bức tranh treo trên tường: làm sao để khỏi mang tiếng đắp điếm lộn xộn, để tất cả hòa hợp với nhau đây? (Văn hóa lúc này có nghĩa một trật tự, một tinh thần quán xuyến và một thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh). Ta lại càng nhớ tới văn hóa, khi tái tạo lại một tập tục xưa, hoặc tới thăm lại một ngôi chùa, dự một ngày hội: liệu có cái gì trong hồn người xưa, mà ta chưa đủ nội lực để thâm nhập? (Văn hóa ở đây không chỉ là những hiểu biết cặn kẽ về quá khứ, mà còn là khả năng cảm thấy tính liên tục của thời gian, cùng là nghe được sự có mặt của giống nòi trong huyết quản mỗi con người đang sống).
Nói là mới mẻ, nhưng rồi cứ theo vòng vần xoay của trời đất, mỗi năm Tết lại quay về một lần. Hình như tuổi tác càng tăng, thì niềm háo hức với Tết càng giảm. Nhưng dù không sống ngày Tết cho ta, mà chỉ đón Tết cho mọi người, vẫn cần đến một chút tươi mới trong cảm xúc. Làm sao để thoát khỏi nhàm chán, nếu thiếu đi sự trợ giúp của văn hóa?

Nguyễn Công Hoan và Nguyễn Tuân là hai nhà văn trái ngược hẳn nhau trên phương diện cảm thụ đời sống, ấy vậy mà giữa hai người vẫn có một chỗ gặp nhau tự nhiên. Nguyễn Công Hoan trong nhiều truyện ngắn thường chế giễu một cách cay độc bọn trọc phú hợm hĩnh vô học, còn Nguyễn Tuân, trong Vang bóng một thời, lại phác hoạ một cách tài hoa nếp sống thanh nhã của người xưa, và cho thấy một đời sống tinh thần vững chãi là cần thiết cho con người đến như thế nào.
Nam Cao trong Mua nhà vừa sung sướng nghĩ rằng mình gặp may, lập tức xót xa vì cảnh thất cơ lỡ vận của người khác.
Thạch Lam trong một bài báo Tết không chỉ nói đến mứt, rượu... mà còn lưu ý riêng đến mấy bông hoa nát, những cành đào xấu xí, những bó thược dược tơi tả không ai mua... và chỉ thanh thản khi thấy trong phút cuối cùng trước giao thừa, những thứ hèn mọn ấy kịp đến với những căn buồng tiều tụy để mang lại một ít niềm vui, một ít hy vọng nhỏ bé.
Những nếp sống đẹp, chín, thuần thục còn được ghi lại một phần trong văn chương hôm qua.
Trên con đường tìm tới một cách sống văn hóa trong những ngày vui, có những điều mà người hôm nay phải có cách giải đáp riêng của mình, nhưng nếu bớt chút thời gian đọc lại người đi trước chúng ta vẫn nghe được nhiều lời dẫn dụ bổ ích.
SỐ TRUY CẬP đang online