CON ĐƯỜNG NHỌC NHẰN

Lo gì mà lo, lo bò trắng răng - Lo ông trời đổ lo thằng trên cao. Người xưa từng đã chế giễu những kẻ hay lo bằng mấy câu đùa như vậy. Không rõ trường hợp anh M. bạn tôi sẽ nói sau đây có thuộc về cái dạng quá lo xa đáng buồn cười ấy, chỉ biết trong những dịp trò chuyện với nhau về việc trở lại với một vài phong tục cũ, hoặc bàn bổ đi thăm chùa nọ đền kia, trong khi chúng tôi hồ hởi tự tin (tin rằng chả khó gì cả!) anh thường trình ra một bộ mặt đăm chiêu. Khi thì anh nói to lên với chúng tôi, khi thì anh lầm rầm tự nói với mình, song bao giờ cũng một câu ấy: "Ờ, ý định hay lắm, nhưng mà xem xem, có làm được không đã". Rồi anh đưa ra một loạt lý lẽ. Tôi thấy những lý lẽ này không hoàn toàn vô lý. Và cái chính là chúng tôi chưa đủ sức bác bỏ được nó, vậy xin chép lại ở đây, để các bạn cùng gỡ giúp, tạm xem như một trò đố vui trong dịp Tết.
- Hẳn ông còn nhớ một hai năm nay, báo chí nói nhiều đến tình trạng khu di tích Yên Tử bị đe dọa bởi một công trường khai thác than ngay bên cạnh. Đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về cái mà chúng ta gọi là khả năng biến dạng của di sản trong kinh tế thị trường. Nói đến tàn phá ai cũng bực bội lên án, nhưng trong thực tế những sự tàn phá ấy cứ tiếp tục xảy ra mà xã hội không biết làm thế nào để ngăn chặn. Giữa chúng ta với quá khứ đang có cả một cái hố ngăn cách, đó là nếp sống tùy tiện và vụ lợi.
- Hồi tôi còn nhỏ, tức là ở Hà Nội trước 1954, và sau đó, những năm sáu mươi, trong danh mục các chùa nổi tiếng quanh Hà Nội, không bao giờ nghe nói đến chùa Hà. Người buôn bán thời ấy cũng không có chuyện đổ đi lễ đền Bà chúa Kho như các giám đốc công ty bây giờ.
... Lại nhớ có lần đi hội chùa Hương, tôi được giới thiệu vào một cái hang gọi là hang mới khai thác. Màu đất còn đỏ. Gạch đá thiếu hẳn vẻ rêu phong. Nhưng đến khi người quản lý đứng ra giới thiệu thì ông ta cứ hồn nhiên mà kể rằng quân của vua Quang Trung trên đường ra đánh giặc Thanh đã ghé lại nơi đây. Và để chứng minh, ông ta chỉ vào những viên đất nung trên đó có vạch sơ sài mấy chữ Hán viết rất vụng và thiếu nét (đúng hơn, phải gọi là vẽ chữ không phải viết). Thật tôi phải cố để khỏi nhịn cười! Nghĩ tới những chuyện trên và nhiều chuyện tương tự, cứ ấm ức, như vừa bị lừa. Tôi nghĩ mình không có gì sai, khi đòi hỏi tính chân thực tuyệt đối ở các di sản. Nếu chúng ta còn coi mảnh đất ấy, ngôi chùa ấy là thiêng liêng, phải giữ cho bằng được tính chất thuần khiết của nó. Mọi sự tô son trát phấn ở đây đều gây phản cảm.
- À quên, lại còn câu chuyện dân ca quan họ nữa chứ. Đầu 2000, có một chương trình truyền hình, trong đó, nhờ sự môi giới của những chuyên gia hàng đầu, người ta ghi được quang cảnh các cụ xưa gặp gỡ nhau và hát với nhau ngay trên làng quê của mình. Cũng những giai điệu quen thuộc, mà tinh thần thì khác, lời lẽ khác, và không khí làm nền cho sinh hoạt âm nhạc cũng khác. Ai đó đã nói đùa: Lâu nay ta toàn được nghe dân ca của đài, chứ đâu phải dân ca thứ thiệt! Nghe mà nẫu cả ruột!
- Nói thế, không phải là tôi sổ toẹt công lao của nhiều người trong công cuộc khôi phục và gìn giữ di sản. Tôi chỉ lưu ý một điều: lòng hăng hái của chúng ta phải biến thành hành động cụ thể, mà trước tiên là việc nghiên cứu cho thấu đáo. Lấy một ví dụ: xem phim Trung Quốc làm về đề tài lịch sử dù là phim truyền hình loại hàng chợ, tư tưởng không có gì sâu sắc, trang phục của các nhân vật cũng rất rành mạch, đời Hán ra đời Hán, đời Thanh ra đời Thanh. Đằng này ở ta, quần áo thời Hai Bà Trưng hay thời khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp cũng là một. Nghe đâu có người còn bảo rằng cái áo mà các nhạc công trong các dàn nhạc dân tộc ở ta hay mặc (trông na ná như cái gilet, nhưng không bó vào người và không cài khuy) là cái áo thường dùng của các diễn viên xiếc Liên Xô (cũ) hay Đông Âu gì đó, có người thấy tiện mang ra dùng, lâu mãi thành quen. Nếu đúng như thế, thì thật không ra thể thống gì nữa!
- Có lần, xem một bộ phim du lịch, tôi được biết ở Nhật có phong tục rất lạ, là họ thích di chuyển các di sản vật chất (một ngôi chùa chẳng hạn) từ địa điểm này sang địa điểm khác, chỉ có điều, từng chi tiết của ngôi chùa được giữ nguyên. Ví dụ cột cao bao nhiêu và làm bằng thứ gỗ gì, gỗ bao nhiêu tuổi, nhất nhất cứ như cũ mà làm, người sau lấy việc được giống y như người trước làm niềm vui và xem như kỷ luật bắt buộc.
Còn ở ta, hình như có truyền thống ngược lại, là người đời Nguyễn có phải sửa lại ngôi đền có từ đời Lê, thì trong khi để lại nó nguyên ở chỗ cũ, lại tha hồ thay đổi vật liệu, thay đổi kích thước cùng các loại chi tiết lặt vặt, và không bao giờ coi đó là chuyện xúc phạm tới di sản. Đến thời hiện đại, người ta càng sẵn sàng mang xi-măng, cốt sắt vào đền chùa một cách thoải mái.
- Để cho công bằng chúng ta cũng phải chia sẻ một chút khó khăn với các nhà nghiên cứu: Tiếp cận với người xưa khó lắm. Tài liệu tam sao thất bản, lại mất mát lung tung. Nhưng trước tiên, là tài liệu quá ít. Một bộ quần áo của người bình thường thôi, nó cũng có lai lịch riêng, nó thay đổi qua từng thời kỳ và nhìn vào những cải biến ấy người ta biết được sự tiến triển trong quan niệm sống hoặc những sự giao lưu văn hóa giữa xứ này với xứ khác. Tiếc thay ở ta những chi tiết vặt vãnh này gần như không được khảo sát và ghi chép, thành ra bây giờ có muốn phục hồi chính xác cũng rất khó. Một ngôi đình được dựng lên, được người đương thời nhắc nhở, có khi được truyền tụng cả trong ca dao, thế nhưng mọi người chỉ biết đại khái làm theo hình chữ "đinh" hay chữ "công", và chạm trổ kỳ khu lắm, và dành để thờ những vị thần hoặc những bậc anh hùng linh thiêng lắm, còn bên trong tổng diện tích là bao nhiêu, có bao nhiêu hàng cột, trên các hàng cột, các vì kèo có những phù điêu như thế nào, do ai chạm trổ... thì không có tài liệu nào ghi chép cả. Nói người xưa cố tình giấu kín không muốn cho hậu thế biết về mình một cách chi tiết, có lẽ... hơi oan, song quả thực quá khứ nhiều khi hiển hiện đấy, mà lại vẫn có cái vẻ ẩn khuất, lờ mờ, người các thời sau khó lòng đến với cái nguyên bản chắc chắn của nó. Sứ mạng rút cục đặt lên vai con người thế kỷ XX. Đáng lẽ, chúng ta phải biết tận dụng các phương tiện khoa học thời nay, đi vào đo đạc khảo tả các công trình còn lại một cách hết sức chi tiết để khi có điều kiện, phục hồi chúng hoàn toàn... thì, vì bận bịu quá, mệt mỏi quá, mà đôi khi đơn giản vì ít tiền quá, chúng ta không đủ sức làm.
Tóm lại, tôi muốn nói một điều: trở lại với quá khứ nhọc nhằn lắm, không phải cứ luôn mồm kêu gọi nhau, rủ rê nhau là làm ngay được.
- Nhân vật Chí Phèo của Nam Cao thường được dẫn ra để chỉ những anh chàng lì lợm ăn vạ hoặc trâng tráo bất cần đời, và nhiều người thường chỉ nhớ tới Chí Phèo những khi đùa bỡn. Nhưng trong câu chuyện nghiêm chỉnh của chúng ta hôm nay, tôi cứ thấy nhớ bác Chí ở một khía cạnh khác: ý tôi muốn các anh cùng lưu ý đến đoạn cuối cùng, khi Chí Phèo dõng dạc nói với Bá Kiến: "Tao muốn làm người lương thiện", rồi khi Bá Kiến cười ha hả "Ô tưởng gì.... tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ" thì Chí Phèo lắc đầu nói như đanh đóng cột: "Không được! Ai cho tao lương thiện(...). Tao không thể là người lương thiện nữa".
Khi bắt đầu tả Chí Phèo đến với Bá Kiến, nhà văn Nam Cao ghi rõ rằng lúc ấy Chí Phèo say rượu và hắn làm thế vì "những thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi, chúng định làm". Thế nhưng đọc đoạn này, tôi lại thấy Chí Phèo rất tỉnh, vì chỉ tỉnh táo lắm, người ta mới tính được rằng hành động của mình cần những điều gì bảo đảm và nó sẽ được người chung quanh tiếp nhận ra sao, liệu mình có thể làm được cái điều mình đã dự định hay không. Còn chúng ta, trong sự sôi nổi của các hành động hàng ngày - ở đây là cái ao ước thiết tha muốn được trở về quá khứ - hình như nhiều người chưa bao giờ có được sự tính toán cần thiết và sáng suốt ấy.
SỐ TRUY CẬP đang online