RỒI SẼ CƯỜI TRỪ VỚI NHAU MỘT LƯỢT

Chữ tín thời nay

Chương trình VTV1 trưa 10-5-2003 đưa tin: ở nhiều vùng nông sản nguyên liệu, đang có hiện tượng nông dân tùy tiện phá bỏ hợp đồng đã ký với nhà máy. Tới ngày thu hoạch, những cây mía cây dứa đã trồng theo kế hoạch được bà con mang bán thẳng cho các tư thương. Sau khi để một ông ở Vụ pháp chế giảng giải một hồi, chương trình TV kết luận bằng lời kêu gọi nông dân hãy giữ chữ tín trong quan hệ làm ăn với nhà nước.
Có lý cả đấy!
Lâu nay, tôi tập cho mình có một thói quen suy nghĩ là nghe chuyện gì không hay, chưa phê phán vội, trước tiên hãy tìm cách lý giải tại sao cái sự không hay đó xảy ra. Như trong trường hợp này, khi nghe có sự gọi là bội tín như trên, tôi thử đặt mình vào địa vị của những người nông dân để cãi lại. Cái lý thật đơn giản: vào thời điểm này (lúc khác có thể khác) bán cho nhà nước theo hợp đồng thì giá thấp mà bán theo giá tư thương thì giá cao. Rồi còn chuyện nhận tiền khó khăn, một bên tiền ngay tuốt suýt, một bên rõ là tiền của mình mà khi đi nhận lằng nhằng chờ đợi lạy lục mãi mới lấy nổi. Vả chăng nay là lúc nhìn đâu chẳng thấy chuyện hứa hươu hứa vượn, chuyện thả vịt trời. Đưa người đi khai hoang, hoặc di dân lấy đất làm công trình thì vẽ ra đủ thứ, sau chẳng khác gì đưa con bỏ chợ. Mất điện thì chỉ đổ cho lý do là có sự cố, còn lờ đi không bao giờ tính chuyện đền bù thiệt hại do việc mất điện gây nên... Có bao nhiêu việc chung quanh tồn tại làm cái cớ cho người bội tín dựa vào để tự biện hộ.
Nhưng đấy mới chỉ là những nguyên cớ dễ thấy; trong tâm lý con người còn lắm chuyện rắc rối khác.
"Quyền" của những người tự cho là mình khổ hơn người khác
Theo dõi các vụ án to có nhỏ có và rất nhiều trường hợp phạm luật ở mức nhẹ, phạm luật mà chưa đến mức bị đưa ra tòa (loại vụ này phổ biến đến mức đã có người nói đùa Trên trời có một Phạm Tuân mà dưới đất có muôn ngàn người phạm pháp), có thể tạm chia các bị can hiện thời ra làm hai loại, một loại vô tình, một loại cố ý. Loại thứ hai này tự cho phép làm liều, vì nhiều lẽ: Vì quá túng quẫn. Vì thấy mình bị thiệt. Vì biết rằng những người khác phạm tội cũng không sao, nên có làm sao, cũng không ai làm gì được mình (!)…
Nói cách khác đó là những người hành động một cách có ý thức. Nhiều người đang sống với cái lý sự: Khi người ta khổ hơn người khác tức là có quyền làm bất cứ việc gì khỏi khổ. Để được chứng tỏ bình đẳng. Và cho bõ tức. Có lợi thì cái gì cũng có quyền làm. Chỉ sợ nói dối không trôi chứ không việc gì phải xấu hổ trước những lời nói dối. Mang tiếng là lừa lọc nhưng còn có tiền mà nuôi con, còn hơn để con đói con khổ.
- Đói ăn vụng túng làm càn
- Chính sách em học đã thông
Chỉ vì túng thiếu xin ông ít nhiều
Thường khi vào cuộc, người ta tự nguyện tuân theo một thứ luật miệng, bắt đầu từ chữ chỉ biết: Chỉ biết tới đồng tiền mang về, còn như uy tín danh dự, việc ấy không quan trọng. Chỉ biết nhà mình, còn việc chung của cả xã hội, hơi đâu mà lo cho mệt. Chỉ biết có ngày hôm nay, còn mai ra sao chưa tính. Trước mắt chúng ta vậy là có một quá trình khép kín, đủ để cho người phạm lỗi tự vệ. Và... và mai lại làm tiếp.
Nếu không nói to lên thành lời thì đây đã là cái điều nhiều người tự nhủ trong lòng. Mà nó sẽ dẫn người ta đến đâu thì không ai biết.
Cái vòng luẩn quẩn
Có thể dự đoán câu chuyện bán hàng nông sản nói ở phần trên như sau: Năm nay, hàng hiếm, dân tư thương mua tranh bán cướp, thì chạy theo tư thương. Nhưng một vài năm sau, tư thương làm ăn thất bát hoặc hạ giá, thì lại đến gõ cửa nhà nước. Và van vỉ: Hãy giúp đỡ chúng tôi trong lúc khó khăn. Và lý sự: Các anh phải có trách nhiệm chứ. Liên minh công nông cơ mà! Cố nhiên là có thêm những nụ cười dân gian quen gọi là cười trừ. Mà cười trừ thì bao giờ cũng thắng. Việc thực hiện hợp đồng trót lọt, cho đến khi giá ngoài lại cao hơn giá trong, lại có chuyện có mới nới cũ. Một cái vòng luẩn quẩn sẽ được lặp đi lặp lại.
Xét ở từng người, thì chẳng qua cũng vì nghèo túng mà phá bỏ cả chữ tín. Nhưng xét chung trong cả xã hội thì những sự tùy tiện trong quan hệ làm ăn thế này sẽ khiến cho cả nền sản xuất xã hội không thể khá lên được. Cái vòng luẩn quẩn thứ hai này mới thật là đáng sợ. Rút cục, tôi cũng không biết nên nói dân mình là khôn hay dại, người mình là thực dụng hay nông nổi nữa.
SỐ TRUY CẬP đang online