GIỮ GÌN VÀ TÔN TẠO NHƯ THẾ NÀO?

Những ngày du lịch bình dân trên đất Trung Quốc, tới thăm các di sản của họ, có một chi tiết nhỏ mà bạn tôi thường hay nhớ, ấy là những tấm biển có hàng chữ ghi rõ tên di tích, và nói chung là những hàng chữ Hán đặt rải rác trước các ngôi nhà. Chùa Linh Ẩn, núi Phi Lai, vườn Dự, vườn Di Hòa... Chỉ cần có một mỹ cảm tối thiểu thì dù là không biết chữ Hán, người ta cũng có thể hiểu những tấm biển ấy là đẹp, mà chữ đẹp đây được hiểu thật đa dạng: nghiêm trang có, phóng túng có, tôn trọng quy tắc đến cùng, mà phá cách cũng triệt để.
Nhân đây, lại cứ thấy nhớ đến các di tích ở Việt Nam. Nhiều đền chùa ở ta vốn có sẵn những hàng chữ Hán viết ngay ngoài cửa, chữ người xưa viết cũng rất đẹp. Có lẽ vì biết vậy, nên các hàng chữ ấy đến nay còn được tô sửa lại, nơi hư hỏng đều được viết lại. Cứ tạm cho là người Việt Nam viết chữ Hán thì không thể bằng người Trung Hoa và lâu nay, người học thứ chữ vuông này ngày càng ít đi, nên không thể đòi hỏi quá cao. Nhưng gì thì gì cũng phải viết đúng, theo tiêu chuẩn chữ Hán là viết cho đủ nét và ngang bằng sổ thẳng. Tóm lại, phải sạch nước cản một chút! Đằng này ở ta, các hàng chữ này thường được xử lý tùy tiện. Hoặc tô lại chữ người xưa, nhưng vì thợ phục chế không biết nên làm hỏng, chữ mất nét, hoặc nét nọ lẫn với nét kia, xiên xẹo rối mắt. Hoặc mới viết, nhưng người viết học hành không đến nơi đến chốn, nên chữ cứ đờ ra, dại ra (trình độ như thế xưa đâu được phép đề vào những chỗ thành kính). Ý nghĩa ban đầu của việc khôi phục chữ Hán trên di tích, lúc này chả còn gì nữa. Nó không đủ sức gợi ra cảm giác cổ kính, mà chỉ khiến cho người ta buồn cười, vì một việc học đòi không xong.

Tới thăm một di tích, người vô tâm đến mấy cũng muốn biết lai lịch ngôi đền ngôi chùa mình đang đứng, ý nghĩa lịch sử của nó, những nét độc đáo trong cảnh quan kiến trúc, cũng như xử lý nghệ thuật. Nếu được viết đầy đủ, chặt chẽ, những lời giới thiệu này có thể được người tới thăm ghi nhớ sâu sắc, nó giúp cho thời gian thăm thú di tích là một dịp để người ta học hỏi thêm về văn hóa, về lịch sử.
Dường như cũng biết điều đó, nên hầu như tất cả các di tích ở ta cũng có bảng giới thiệu khi đặt ngay ngoài cổng đình cổng chùa, khi treo trong phòng khách. Nhưng hỏi rằng những bảng giới thiệu này đã tuân theo những quy cách chung và đáng tin cậy chưa, thì chưa ai dám chắc. Cách trình bày thường luộm thuộm. Bảng mờ. Chữ xấu, có khi sai cả chính tả. Và sợ nhất là các niên hiệu, con số các năm tháng đôi khi gợi ý nghĩa là không chính xác, hình như chỉ ghi theo lối truyền khẩu, chứ không có bằng chứng sách vở đáng tin cậy. Lạ một điều là trong khi nội dung luộm thuộm thì một số bảng giới thiệu lại có những lời lẽ khoa trương quá đáng, chúng không làm cho người ta thấy yêu mến di tích, mà ngược lại, chỉ gây ra những ác cảm.

Công trình kiến trúc nào cũng cần tu bổ theo định kỳ và càng những công trình cổ, xây cất từ lâu, trong điều kiện kỹ thuật thô sơ thì mỗi khi hư hỏng càng cần xử lý kịp thời. Thế nhưng, theo sự quan sát của các nhà chuyên môn, việc tu bổ đền chùa di tích lại là khâu đang có nhiều lộn xộn. Báo chí gần đây đã lưu ý ngay những công trình văn hóa thuộc tầm cỡ quốc gia, như khu di tích Cố đô Huế, việc trùng tu cũng có chuyện phải bàn! Nữa là với các di sản nhỏ hơn tản mát ở các làng xã, sự tùy tiện càng là điều dễ nhận. Mỗi công trình vừa trùng tu xong thường không giấu nổi vẻ "hiện đại". Màu ngói quá đỏ! Màu vôi quá vàng! Những hàng cột bóng lộn. Khách thập phương đến thăm trong bụng không khỏi thoáng qua một nỗi xót xa, không được tiếp cận với cái di tích như nó vốn có. Nhưng dân làng sở tại những người chủ trì việc trùng tu thì lại hoàn toàn mãn nguyện. Theo họ, chữa chạy tức là tha hồ tô vẽ, cốt nhang nhác như xưa là được. Chính cái tâm lý sẵn sàng "hiện đại hóa di sản", cộng với cái gu thẩm mỹ pha tạp... đã khiến cho bộ mặt nhiều đền chùa bị biến dạng và nhiều người chúng ta đã mắc lỗi với ông cha, cũng như mắc lỗi với các thế hệ tương lai mà không hay biết.

Trong số những khái niệm liên quan đến di tích xưa, có một khái niệm gọi là dâm từ. Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của ghi rõ: đền miếu thờ yêu quái. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thích nghĩa: đền miếu thờ những vị thần không chính đáng.
Xưa nay ở các địa phương thường có những đền miếu mọc lên một cách ngẫu nhiên. Do đầu óc tôn giáo của người dân còn mang dấu vết tư duy nguyên thủy, một thứ đa thần luận tự phát, nên việc nảy sinh và chấp nhận các dâm từ ấy không có gì là lạ. Nhưng ngay từ thời phong kiến, một số vương triều đã có ý thức hạn chế các đền miếu tự phát để hoạt động lễ bái tập trung và có ý nghĩa hơn. Sách Việt điện u linh còn ghi Lý Thường Kiệt trừng trị nặng nề những kẻ ham mê ma quỷ đồng bóng, và dẹp bớt các dâm từ. Công việc của ông, về sau còn được một số vua Trần tiếp tục. Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, phần nói về vua Quang Trung cũng ghi: "... Ngài xuống chiếu bắt bỏ những chùa nhỏ ở các làng đem gỗ gạch làm ở mỗi phủ mỗi huyện một cái chùa rất to rất đẹp, rồi chọn lấy những tăng nhân có học thức, có đạo đức, ở coi chùa thờ Phật". Ý vua Quang Trung muốn rằng chỗ thờ Phật phải cho tôn nghiêm mà những người đi tu hành thì phải là người chân tu mộ đạo mới được.
Có thể dự đoán là cái điều đã được vua Quang Trung xuống chiếu cho thi hành từ hai thế kỷ trước đến nay mà đề ra chắc nhiều người phản đối. Làng xóm nào cũng thích khoe là mình có đền có chùa không kém gì thiên hạ (!) còn xấu đẹp thật giả không cần biết. Thành thử đứng trên phạm vi toàn xã hội mà xét, thì phải nhận rằng công tác bảo tồn di sản đang có rất nhiều lộn xộn. Có thể nói là tình yêu của chúng ta đối với các di sản không thiếu, nhưng hiểu kỹ về chúng và có cách tốt nhất để giữ gìn bảo vệ, làm cho các di sản đó tồn tại đúng như chúng vốn có, thì lại chưa biết.
SỐ TRUY CẬP đang online