DI SẢN GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Nghề làm tranh dân gian của làng tôi là một thứ đặc sản của văn hóa Việt Nam mà mức độ độc đáo có thể so với rối nước, các điệu chầu văn, các làn quan họ. Đấy là điều không chỉ người trong cả nước biết, mà khách du lịch nước ngoài cũng biết và dân làng tôi lại càng biết. Mỗi lần về quê, tôi lại được mấy ông thuộc loại đàn anh trong làng nhắc nhở:
- Chú phải nhớ rằng tranh của Đông Hồ mình là có mặt ở những bảo tàng lớn của thế giới kia đấy.
Nhưng là dân sở tại, nên so với các nơi khác, dân làng tôi còn biết thêm một điều nữa có liên quan đến di sản của làng. Ấy là mặc dù bàn dân thiên hạ cứ khen như vậy, cứ tự hào hộ như vậy, và tết đến báo chí cứ viết dài dài về làng tranh xưa, nhưng chả ai mua tranh mình làm ra cả! Cái cảnh tết đến, lái buôn các nơi về tranh nhau lấy hàng, thuyền đỗ nườm nượp bên sông, và từng bó, từng bó tranh sẽ theo sông nước tỏa đi khắp chợ cùng quê - cái cảnh ấy chỉ còn là trong tưởng tượng, và thỉnh thoảng ông già bà cả có kể cho con cháu nghe, thì cũng chẳng khác chi kể truyện cổ tích. Thế vào chỗ tranh Đông Hồ xưa, ở đồng bằng Bắc bộ hiện nay, khắp chợ cùng quê bày bán các loại tranh in, tranh phổ biến hiện đại, nhất là tranh Tàu. So với tranh làng tôi làm ra, thì các loại tranh ấy giấy trắng hơn, màu đẹp hơn, nhất là nhiều hình ảnh tân thời, chứ đâu quanh quẩn con lợn, con gà... thành thử giá có đắt hơn tí chút, người ta vẫn thích mua. Rút cục, nghề làm ăn ở cái làng nổi tiếng là có lịch có lề như làng tôi giờ teo tóp hẳn, chỉ còn một hai nhà kỳ cạch làm thứ hàng thửa, hàng kỹ cho khách Tây đến xem và bán cho họ theo giá hàng lưu niệm. Nhưng không phải như thế nghĩa là cả làng bó tay cam chịu, mà phần đông đã sớm tìm được chỗ để hướng sự khéo tay và cái gu tuyệt vời của mình trong mỹ thuật vào cuộc kiếm sống - ấy là làm hàng mã. Đại khái sản xuất đủ thứ, từ voi ngựa, xe máy, xe đạp, tivi, quần áo... tất cả trông cứ như thật, nhưng thực ra là làm bằng giấy, cốt để các nhà giàu chung quanh Hà Nội mỗi dịp giỗ tết, đốt cho người nhà của họ đang cư ngụ nơi âm phủ. Thuyền bè sông nước cũng không cơ động bằng chiếc xe đạp. Theo dọc sông Đuống, cả đàn bà con gái quê tôi cũng đạp xe nhoay nhoáy, mang hàng đi phục vụ bà con buôn bán ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Còn cái chuyện tranh gà, tranh chuột, mấy chục năm nay xếp xó, dân làng cũng không lấy thế làm chán nản, ai hỏi vẫn tự nhận là dân làng Hồ, vẫn tự hào về truyền thống làm tranh ngày xưa như thường. Chỉ có những lúc mệt mỏi quá trong cuộc kiếm sống - sau một chuyến chổng phao câu đạp xe giao hàng chẳng hạn - những người biết nhìn rộng ra chung quanh mới chép miệng:
- Chả bù cho làng người ta cũng là di tích di sản mà chẳng phải đi đâu cả, cứ quanh quẩn đầu làng cuối làng vẫn cơm giò cơm chả.
Quả có như thế! Các làng chuyên nghề làm ruộng tị với làng tôi, còn làng tôi thì lại tị với các làng bên huyện gần đấy, tuy cũng được mang danh là di sản, song dứt khoát không nổi tiếng bằng, ấy vậy mà dân sống mát mặt hơn hẳn. Nói nôm na là làng ấy có một ngôi đền, nếu không phải dâm từ thì cũng chỉ thờ một nhân vật loàng xoàng, và đứng về mặt kiến trúc, chẳng có gì đặc sắc. Có điều, sự đời bây giờ ăn ở cái tiếng: chỉ nhờ có cái tên gọi liên quan đến sự làm ăn mà cái đền giời ơi đất hỡi ấy tự nhiên người đến lễ bái nườm nượp. Mới đầu chỉ đông vào tuần rằm mùng một. Sau gần như ngày nào cũng có người đến lễ. Nhất là vào những tháng trước và sau Tết âm lịch người đông như hội, người chật như nêm, vào đền rồi, có khi đứng hàng tiếng đồng hồ hai tay mỏi rời với mâm lễ đang bưng, mà vẫn không lê nổi đôi chân đến bên bàn thờ. Những ai đi lễ mà lắm thế? Dân buôn, tất nhiên rồi. Nhưng thời buổi này, quốc doanh không chịu kém tư nhân về làm ăn, thì làm sao lại chịu kém tư nhân về lễ bái - nghe nói ở nhiều công ty, anh em xúm lại chuẩn bị vàng hương để "sếp" đánh xe đi làm lễ. Và thế là đền thiêng lại thêm thiêng và gần như cả làng bên ấy sống về cái di tích văn hóa có khả năng sinh lời đó. Đàn bà đi bán vàng hương, xôi bánh, hoa quả, các thứ hàng cúng và không quên những thứ làm no bụng người đi thờ cúng. Đàn ông đi trông xe, đi giữ trật tự, người nào có dáng nho nhã và khéo học lỏm một chút còn đi làm đơn, làm sớ. Việc cho trẻ con cũng không thiếu: Tan buổi học về - đây là nói những đứa chưa tiện bỏ học - chúng sấp ngửa chạy ra trước cửa đền. Đồ nghề chẳng cần gì, chỉ có cái miệng khéo nói, với lại đôi tay bưng bê chắc chắn, là tha hồ dắt khách, thu nhập đằng thằng bằng mấy lương các ông cán bộ huyện! So với người làng tôi, thì dân cái làng có đền thờ quý hóa ấy chẳng những thu nhập có phần hơn, mà lại được cái sướng là hành nghề tại chỗ, bám ngay vào di tích mà kiếm sống, chứ không phải chạy rông ra mãi Hà Nội, và các tỉnh bạn, bởi vậy người làng tôi - cái làng tranh nổi tiếng trên đã vào từ điển - mới suy bì tị nạnh:
- Thế mới là di sản chứ!
Câu nói buột ra tự nhiên song đằng sau đấy tôi đọc ra cả một quan niệm mà như tôi quan sát, nó đang ngự trị dài dài trong đầu óc không chỉ người dân làng tôi mà cả vùng tôi và nhiều vùng đất khác tôi từng có dịp ghé qua. Muốn có được định nghĩa rành rọt rằng di sản là thế này thế nọ, hãy đi tìm các sách nghiên cứu dày cộp, các loại bách khoa đứng tên toàn những giáo sư với tiến sĩ danh vang thiên hạ. Người thường chúng tôi không hiểu được cặn kẽ như vậy. Nhưng chỉ cần biết rằng người dân làng tôi vẫn thuộc vanh vách cái truyền thống làng tranh của mình, thì cũng không trách ai được: chúng tôi cũng thích những cái cao sang ấy lắm. Chỉ có điều, do sống giữa đời thường nên bên cạnh đấy, trong tâm trí chúng tôi không nguôi một nỗi mong muốn sâu xa: Cái gọi là di sản ấy phải nuôi sống được dân sở tại. Di sản không được phép không sinh lợi! Cái lý do khiến cho ở nơi này, di sản được chăm bẵm tươi tốt, nơi kia hoang vắng điêu tàn, rút cục là ở chỗ ấy. Khi một di sản đã sinh lợi, nếu nó không thiêng chúng tôi biết cách làm cho nó thiêng, không có lịch sử, chúng tôi sẽ làm ra lịch sử. Cả làng cả nước mà đã đồng tình thì đâu có khó!
SỐ TRUY CẬP đang online