Cần chống lại căn bệnh vô cảm của đô thị



Vài năm nay, nhà nhà phê bình, nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn tiến hành công việc khá đặc biệt là sưu tầm, tuyển chọn và thể hiện những bài viết về văn hóa, đời sống người Việt. Những bài viết của ông có một giọng điệu riêng, khó lẫn, với những nhận xét khá thâm thúy. Ông chia sẻ với Đất Việt về thủ đô Hà Nội.

- Nói đến văn hóa Thăng Long là người ta nói đến “Văn hóa Kẻ chợ, ông có thể giải thích rõ hơn khái niệm này của cư dân Thăng Long xưa?

- Thủ đô là tinh hoa của cả nước, là nơi gạn lọc những giá trị tốt đẹp từ các nơi khác đến. Hà Nội xưa có các phố hàng Lọng, hàng Nón, hàng Ngang... tức là những cái chợ mà người ở các nơi mang hàng đến và sự thực đây là một đấu trường mà ai giỏi, ai tài hơn thì người đó thắng. Hàng bán ở quê thế nào cũng được nhưng khi mang lên kinh kỳ mà kém thì không thể trụ được. Người nào kém cỏi không thích ứng được với thủ đô thì sẽ bị loại.

Vậy thì “Văn hóa kẻ chợ” là ở chỗ đó đấy. Nó là một mô hình, nói như Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, nơi mở ra cái thế để làm ăn, cái thế để xây dựng đất nước, là trung tâm đầu não của cả nước, nơi mà người ta đến để đua tranh, nơi cái tốt thắng cái xấu, cái hơn thắng cái kém. Khi đó mới đạt đến độ văn minh Kẻ chợ.

- Thăng Long - Hà Nội là nơi ai cũng đến và ở lại được. Có lẽ thế bởi vì phải đến với đất Kẻ chợ này thì những tài năng, sáng tạo mới thăng hoa?

- Chất chính của Hà Nội là chất tinh hoa, chất gạn lọc. Với người Hà Nội nên quên đi chuyện về gốc gác mà nên nghĩ rằng ở đó là tinh hoa của tất cả địa phương, trở thành hướng phấn đấu của người ta và hàng ngày người ta sống theo hướng đó để nhân mình lên.

- Phải công nhận rằng số lượng lớn người lao động các tỉnh lẻ đổ về đã tạo cho đô thị Hà Nội một vẻ nhếch nhác...

- Có một thực trạng là thời trước người nông thôn lên thủ đô có ý thức đua tranh, học hỏi. Họ coi lên đây là bước tiến đời sống của họ và họ sẽ mở mày mở mặt với cả nước.

Gần đây do chiến tranh, do bao nhiêu năm đời sống kinh tế khó khăn con người ta ở các vùng nông thôn khác nhau dồn lên thành thị ăn ở tạm bợ. Người ta không biết “sợ” Hà Nội mà tự coi làng quê là cái mẫu mực của mình, không chịu học theo phong cách của người Hà Nội mà còn cho rằng thủ đô là dở.

Thực ra Hà Nội là cái tốt đẹp vì nó đã được gạn lọc qua bao đời. Người mới đến phải trông vào đấy mà học hỏi nhưng rất nhiều người nhập cư không tự biến cải mình theo những đòi hỏi của xã hội hiện đại mà mang nguyên nếp sống của các tỉnh về.

Chính vì thế họ tạo thành một mớ tạp nham mà tôi có thể dùng một cụm từ là “Hà Nội chưa bao giờ trở thành chính mình” thì đã bị đánh mất. Thế cho nên nó không là mẫu mực để ai theo.

- Vậy cái thời Nguyễn Công Trứ nói: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” ấy không có thực sao?


- Tôi không tán thành câu đó. Tôi cho rằng đó là cái bệnh xấu của thành thị. Đó chỉ là cái hão, cái giả thôi nếu cứ tự nhận là để bắt nạt những người nhà quê đi chăng nữa thì cái đó cũng vô nghĩa. Người tự trọng không bao giờ nên tự hào vì điều đó.

Còn chính người Hà Nội thật sự thì phải nghĩ rằng mình chưa là mức của người Hà Nội, mình phải cố gắng hơn nữa, phải trở thành con người mẫu mực của xã hội, tức là phải thanh lịch thật. Cái đó mới đích thị là người Tràng An.

Phố cổ Hà Nội

Quan niệm về thủ đô của chúng ta vẫn còn đơn giản, nhiều sai lầm, giả tạo. Có thể nói một điều là nếu ai chưa tốt, nếu ai chưa thanh lịch, nếu ai chưa sống với sự hiểu biết về xã hội ta thì chưa xứng đáng là người Hà Nội.

- Vậy trong địa bàn với số lượng người nhập cư lớn hiện nay khái niệm về “người Hà Nội” sẽ như thế nào?

- Tôi không nói đến chuyện ai sinh ra ở Hà Nội. Thực chất số người sinh ra ở Hà Nội ít thôi còn lại là nhập cư ở các tỉnh khác về. Thật khó xác định một tính cách cho người Hà Nội. Chúng ta nên dùng khái niệm "những người sống ở Hà Nội"

- Giọng nói Hà Nội không còn là một chuẩn mực nữa, lý do vì đâu?

- Những năm 50, 60 tiếng Hà Nội còn tốt lắm. Ai ở nơi khác đến HN cũng muốn giấu đi tiếng nói địa phương mình. Đó là điều rất bình thường. Còn bây giờ người ta cứ bê nguyên xi tiếng địa phương mình lên, không sửa gì, cũng không biết ngượng là gì. Đáng lẽ tiếng thủ đô luôn là tiếng chuẩn. Vậy mà hiện nay trẻ em Hà Nội cũng ngọng rất nhiều, giữa “n” và “l” không kém ai. Ngọng đã là một cái dở rồi nhưng lại không biết xấu hổ về cái dở của mình kể cả những người lên tivi, ở những hội thảo rất lớn vẫn nói ngọng.

Nếu có ý thức hoàn chỉnh mình, ý thức làm cho mình mẫu mực và nghĩ rằng thủ đô phải chuẩn thì chúng ta phải tự “gọt” mình theo cái chuẩn ấy. Đằng này người ta không làm việc đó. Người ta mang nguyên xi nếp sống tự do của người nông dân ra sống ở thành thị, người ta lại theo nếp sống cổ lỗ của người nông thôn, của nền kinh tế cũ. Chính cái đó làm cho Hà Nội không bao giờ trở thành chuẩn mực của chính mình cả.

- Vậy theo ông điều gì làm nên bản sắc chung của đô thị?

- Cái đó phụ thuộc vào sự trưởng thành chung của ý thức con người. Xã hội ta lúc nào cũng nhốn nháo. Mọi người bị cuốn đi, quay cuồng trong một đời sống quá hối hả. Cuộc kiếm sống, lo ăn, lo mặc chi phối con người ta khiến người ta lúc nào cũng vội vã, tất bật.

Bao giờ xã hội trở lại là một xã hội dân sự bình thường, mọi người làm việc bình thường. Trong trường hợp xã hội phải trưởng thành lên, con người phải có ý thức kiếm sống thế nào, ý thức nhận ra thế nào là đô thị, trong đô thị này mình phải sống ra sao... người ta phải có một trình độ khác đi so với trình độ dân trí chung. Nếu Hà Nội vẫn cứ lộn xộn thì những cái tốt đẹp dù có nảy lên sẽ lại mất đi, khó định hình.

- Điều đó chính là cái hồn phố đúng hơn là hồn đô thị?

- Rõ ràng bản sắc đô thị bắt nguồn từ tâm hồn con người. Một khi con người bị cuốn đi trong vòng xoáy hối hả của cuộc sống sẽ trở nên vô cảm, không thể nhận ra được. Vậy thì trước hết phải chống lại căn bệnh vô cảm vốn đang lây lan nhanh trong đời sống đô thị.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Thanh Thuận
18/02/2009baodatviet
SỐ TRUY CẬP đang online